“Ngày 6–12 tháng Sáu. Ru Tơ; 1 Sa Mu Ên 1–3: ‘Đức Giê Hô Va Khiến Lòng Tôi Khấp Khởi Vui Mừng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)
“Ngày 6–12 tháng Sáu. Ru Tơ; 1 Sa Mu Ên 1–3,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2022
Ngày 6–12 tháng Sáu
Ru Tơ; 1 Sa Mu Ên 1–3
“Đức Giê Hô Va Khiến Lòng Tôi Khấp Khởi Vui Mừng”
Khi anh chị em đọc Ru Tơ và 1 Sa Mu Ên 1–3, hãy cầu vấn Cha Thiên Thượng về cách để có thể giúp các trẻ em học hỏi từ những lẽ thật trong các chương này. Hãy ghi xuống những ấn tượng anh chị em nhận được.
Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Yêu cầu các em chia sẻ điều chúng biết về Ru Tơ, Na Ô Mi, An Ne, hoặc Sa Mu Ên. Có thể hữu ích để cho các em thấy những bức hình, chẳng hạn như hình ảnh từ đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi
Ru Tơ
Tôi có thể biểu lộ tình yêu thương và lòng tử tế đối với những người xung quanh.
Khi chồng của Ru Tơ qua đời, cô ấy đã có thể ở lại quê nhà của mình, nhưng cô đã chọn sống với người mẹ chồng góa bụa, Na Ô Mi, và chăm sóc cho bà. Hãy xem làm thế nào mà tấm gương giống như Đấng Ky Tô của Ru Tơ có thể soi dẫn để giúp các trẻ em mà anh chị em dạy đối xử tử tế với những người xung quanh chúng.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Mời các em đóng vai Na Ô Mi, Ru Tơ, Bô Ô, hoặc các nhân vật khác khi anh chị em kể câu chuyện của họ từ sách Ru Tơ (xin xem thêm chương “Ru Tơ và Na Ô Mi” trong sách Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước). Mời các em giơ tay lên mỗi khi chúng nghe được một hành động tử tế trong câu chuyện. Chúng ta cảm thấy như thế nào khi người khác tử tế với mình? Chúng ta cảm thấy như thế nào khi đối xử tử tế với người khác?
-
Cùng nhau hát một bài hát về việc đối xử tử tế, chẳng hạn như “Lòng Nhân Nên Khởi Từ Tôi” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 63). Giúp các em nghĩ về những cách thức mà chúng có thể đối xử tử tế với gia đình và bạn bè của mình. Nếu các em cần giúp đỡ, hãy cho chúng xem hình ảnh về những người đang biểu lộ lòng tử tế. Cho mỗi ý kiến được đưa ra, hãy để các em vẽ một trái tim lên trên bảng.
Cha Thiên Thượng lắng nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của tôi.
Khi An Ne buồn vì không thể sinh con, nàng đã hướng về Chúa trong đức tin và Ngài đã đáp lại lời cầu nguyện của nàng ấy. Giúp các em hiểu rằng chúng có thể luôn luôn cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng, đặc biệt là khi chúng buồn.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Bằng lời riêng của anh chị em, hãy nói cho các em biết lý do tại sao An Ne buồn rầu (xin xem 1 Sa Mu Ên 1:2–8). Chúng ta có thể làm gì khi buồn rầu? Đọc cho các em nghe 1 Sa Mu Ên 1:10, và mời các em lắng nghe điều mà An Ne đã làm. Hỏi các em xem chúng cảm thấy như thế nào khi cầu nguyện. Đọc từ câu 18 để giải thích rằng sau khi cầu nguyện, An Ne “chẳng còn ra ưu sầu nữa.”
-
Sử dụng trang sinh hoạt của tuần này để dạy các em rằng chúng có thể cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng và Ngài sẽ giúp đỡ chúng. Trong lúc các em tô màu, hãy cùng hát hoặc phát một bài hát mà dạy về việc cầu nguyện, chẳng hạn như “Ta Có Nhớ Nguyện Cầu?” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 48).
Chúa đã làm nhiều điều tuyệt vời cho tôi.
An Ne đã thể hiện lòng biết ơn của mình đối với Chúa bằng một bài thơ ngợi khen rất tuyệt vời. Tấm gương của nàng ấy có thể giúp các em nghĩ về nhiều điều mà chúng có thể tạ ơn Cha Thiên Thượng.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Đọc cho các em nghe một số điều mà An Ne đã nói sau khi Chúa ban phước cho cô ấy một đứa con trai (xin xem 1 Sa Mu Ên 2:1–2). Chia sẻ với các em về một phước lành mà anh chị em đã nhận được từ Chúa và điều đó làm anh chị em cảm thấy như thế nào. Sau đó hãy mời các em nói về các phước lành mà Chúa đã ban cho chúng. Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Ngài?
-
Cùng nhau hát một bài hát mà miêu tả một số phước lành mà Chúa đã ban cho chúng ta, chẳng hạn như “Cầu Nguyện Gia Đình” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 67). Mời các em vẽ tranh về các phước lành mà chúng đã nhận được từ Chúa.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi
Ru Tơ
Tôi có thể có đức tin nơi Chúa.
Ru Tơ đã hy sinh nhiều điều để trung tín với Chúa và trung thành với Na Ô Mi. Làm thế nào anh chị em có thể giúp các em học hỏi từ những hành động trung tín của Ru Tơ?
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Trưng bày một bức hình của Ru Tơ và Na Ô Mi (xin xem đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình). Sau đó viết ba tiêu đề sau lên trên bảng: Thử Thách, Hành Động, Phước Lành. Mời các em đọc Ru Tơ 1:3–5, 8, 16; 2:1–3, 8–12; 4:13–17, và viết bên dưới các tiêu đề những điều chúng tìm được trong các câu này. Ru Tơ đã thể hiện đức tin của cô ấy nơi Chúa như thế nào? Chia sẻ một ví dụ về cách mà anh chị em đã được ban phước nhờ việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và hãy để các em chia sẻ những kinh nghiệm của riêng chúng.
-
Cùng nhau hát một bài hát về đức tin, chẳng hạn như “Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46). Bài hát này dạy chúng ta điều gì về việc tin cậy Chúa? Làm thế nào chúng ta có thể có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô ngay cả trong những lúc khó khăn?
Cha Thiên Thượng lắng nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của tôi.
Khi An Ne “lấy làm sầu khổ trong lòng,” cô ấy đã hướng về Cha Thiên Thượng bằng việc cầu nguyện (1 Sa Mu Ên 1:10). Làm thế nào anh chị em có thể khuyến khích các trẻ em mà mình dạy để làm giống như vậy?
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Để giúp các em hiểu thêm về An Ne trong 1 Sa Mu Ên 1, hãy cho mỗi em một vài câu thánh thư từ chương đó để đọc. Sau đó, hãy ném một quả bóng hoặc đồ vật nhỏ cho một em và mời em ấy kể lại một phần của câu chuyện đó trước khi chuyền quả bóng cho em kế tiếp để kể lại một phần khác của câu chuyện. Khi câu chuyện hoàn tất, hãy yêu cầu các em chia sẻ một điều gì đó mà chúng học được từ tấm gương của An Ne.
-
Cùng nhau đọc 1 Sa Mu Ên 1:15, và thảo luận ý nghĩa của việc giãi bày lòng chúng ta trước Chúa. Cùng với các em, hãy liệt kê ra những điều mà chúng ta có thể tỏ bày với Thượng Đế khi cầu nguyện. Cùng nhau hát một bài hát về sự cầu nguyện, chẳng hạn như “Ta Có Nhớ Nguyện Cầu” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 48). Hãy làm chứng về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái Ngài và mong muốn của Ngài để lắng nghe và đáp lại những lời cầu nguyện của họ.
-
Yêu cầu các em liệt kê ra (riêng cá nhân hoặc theo nhóm) các tấm gương của những người trong thánh thư mà đã cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng. (Nếu các em cần giúp đỡ, anh chị em có thể gợi ý để chúng đọc Lu Ca 22:41–43; Ê Nót 1:2–6; Joseph Smith—Lịch Sử 1:14–17.) Yêu cầu các em chia sẻ điều chúng học được từ các câu chuyện này.
Tôi có thể lắng nghe và vâng theo tiếng nói của Chúa.
Khi Sa Mu Ên còn nhỏ, ông đã nghe được tiếng nói của Chúa nhưng lúc đầu không nhận ra. Làm thế nào anh chị em có thể giúp các trẻ em mà mình dạy lắng nghe và làm theo những thúc giục mà chúng nhận được?
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Mời một em giả vờ làm Sa Mu Ên và một em khác giả vờ làm Hê Li khi anh chị em đọc 1 Sa Mu Ên 3:1–10. Chúng ta có thể học được điều gì từ Sa Mu Ên về cách lắng nghe tiếng nói của Chúa? Làm thế nào chúng ta cho thấy rằng chúng ta sẵn lòng lắng nghe khi Chúa phán cùng chúng ta?
-
Mời các em nghĩ về cách chúng sẽ giải thích cho một ai đó về cách mà Chúa phán với chúng. Mời các em tìm kiếm câu trả lời từ ít nhất một trong các câu thánh thư sau đây: Giáo Lý và Giao Ước 6:22–23; 8:2–3; 9:7–9.
Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà
Khuyến khích các em nghĩ đến một ai đó hoặc một điều gì đó mà chúng có thể cầu nguyện trong tuần này. Trong tương lai, hãy cho các em những cơ hội để chia sẻ cách Cha Thiên Thượng đáp lại lời cầu nguyện của chúng.