“Ngày 13–19 tháng Sáu. 1 Sa Mu Ên 8–10; 13; 15–18: ‘Đức Giê Hô Va Là Chúa Của Chiến Trận,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)
“Ngày 13–19 tháng Sáu. 1 Sa Mu Ên 8–10; 13; 15–18,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2022
Ngày 13–19 tháng Sáu
1 Sa Mu Ên 8–10; 13; 15–18
“Đức Giê Hô Va Là Chúa Của Chiến Trận”
Mặc dù các sinh hoạt bên dưới được thiết kế cho cả trẻ em nhỏ tuổi hoặc lớn tuổi, anh chị em vẫn có thể thích ứng chúng để đáp ứng nhu cầu của các trẻ em mà mình giảng dạy.
Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Cho thấy bức hình của Đa Vít và Gô Li Át từ đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình. Mời các em chia sẻ điều chúng biết về câu chuyện này, và đưa ra những câu hỏi để giúp các em nhớ lại những phần của câu chuyện mà chúng không đề cập.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi
Chúa biết những điều trong lòng tôi.
Việc chia sẻ câu chuyện về cách Chúa phán với Sa Mu Ên phải chọn Đa Vít làm vua có thể giúp các em biết rằng Chúa biết rõ mỗi người chúng ta.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Chia sẻ cách Chúa phán với Sa Mu Ên rằng Đa Vít sẽ trở thành vua của Y Sơ Ra Ên (xin xem 1 Sa Mu Ên 16:1–13). Trong lúc kể chuyện, anh chị em có thể để cho một em đóng vai Sa Mu Ên. Em ấy có thể trao vương miện bằng giấy cho một em khác đang đóng vai Đa Vít. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng Chúa biết rõ tấm lòng của Đa Vít và rằng Ngài biết rõ mỗi người chúng ta.
-
Chia sẻ một kinh nghiệm mà trong đó anh chị em cảm thấy rằng Chúa đã lưu tâm đến mình. Cùng hát một bài hát mà dạy rằng Đấng Cứu Rỗi biết rõ và yêu thương chúng ta, chẳng hạn như “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 12).
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp tôi có lòng can đảm.
Trẻ em có thể dễ đồng cảm với thiếu niên Đa Vít bởi vì mặc dù Đa Vít có vóc dáng nhỏ bé, nhưng ông đã vượt qua một thử thách lớn lao. Giúp các em hiểu rằng nguồn gốc của sự can đảm và sức mạnh của ông chính là đức tin của ông nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Ôn lại với các em câu chuyện về Đa Vít và Gô Li Át (xin xem chương “Đa Vít và Gô Li Át” trong sách Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước), và để chúng thay phiên nhau đóng diễn câu chuyện này. Nhắc cho em đang giả vờ làm Gô Li Át để nói: “Hãy khiến một người ra, đặng chúng ta đấu địch cùng nhau” (1 Sa Mu Ên 17:10). Nhắc cho em đang giả vờ làm Đa Vít để nói: “Ta nhơn danh Đức Giê Hô Va vạn binh mà đến” (1 Sa Mu Ên17:45). Hãy làm chứng rằng khi chúng ta có đức tin nơi Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta có lòng can đảm giống như Đa Vít.
-
Sử dụng trang sinh hoạt của tuần này để cho thấy chiều cao của Gô Li Át so với một thiếu niên như Đa Vít. Giải thích rằng đội quân của Y Sơ Ra Ên rất sợ Gô Li Át. Yêu cầu các em giả vờ sợ hãi. Sau đó hãy cho thấy bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô, và nói với các em rằng bởi vì Đa Vít có đức tin nơi Chúa, ông đã trở nên dũng cảm. Yêu cầu các em đứng thẳng lên, như chúng đang dũng cảm.
-
Mời các em đi diễu hành giống như Đa Vít đang chuẩn bị chiến đấu với Gô Li Át trong lúc hát một bài hát về việc trở nên can đảm, chẳng hạn như “Dám Làm Điều Tốt” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 64).
Những người bạn tốt có thể là một phước lành đối với tôi.
Tình bạn giữa Giô Na Than và Đa Vít là một ví dụ tuyệt vời về các phước lành đến từ những người bạn tốt.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Vẽ hai hình người lên trên bảng, một hình để tượng trưng cho Đa Vít và hình kia tượng trưng cho Giô Na Than. Đọc cho các em nghe một vài cụm từ trong 1 Sa Mu Ên 18:1–4 mà nhấn mạnh tình thương mến mà hai người bạn này dành cho nhau. Đưa cho mỗi em một trái tim bằng giấy, và hỏi xem chúng làm thế nào để thể hiện tình thương yêu với một người bạn. Sau khi mỗi em chia sẻ ý kiến, hãy mời em ấy dán trái tim bằng giấy lên trên bảng.
-
Nói cho các em biết về một người bạn tốt mà đã giúp anh chị em sống theo phúc âm hoặc xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và mời các em chia sẻ xem ai đã giúp đỡ chúng. Mời các em đóng diễn làm một điều gì đó tốt đẹp cho một người bạn.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi
1 Sa Mu Ên 8:6; 9:15–17; 10:1–24; 16:1–13
Những người phục vụ trong Giáo Hội đều được Thượng Đế kêu gọi.
Những câu chuyện về việc Thượng Đế chọn Sau Lơ và Đa Vít làm vua có thể giúp cả lớp hiểu cách thức mọi người được kêu gọi để phục vụ trong Giáo Hội ngày nay. Những câu chuyện này có thể xây đắp đức tin rằng những lời kêu gọi đến từ Thượng Đế thông qua các tôi tớ đã được cho phép.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Trên những mảnh giấy rời, hãy viết những lời phát biểu và đoạn thánh thư sau đây: dân chúng muốn có một vị vua (1 Sa Mu Ên 8:6); Chúa phán với Sa Mu Ên rằng Sau Lơ sẽ trở thành vua (1 Sa Mu Ên 9:15–17); Sa Mu Ên xức dầu cho Sau Lơ (1 Sa Mu Ên 10:1); Sa Mu Ên giới thiệu Sau Lơ cho dân chúng (1 Sa Mu Ên 10:24). Yêu cầu các em đọc những đoạn thánh thư và xếp chúng vào đúng trình tự.
-
Cùng nhau học thuộc lòng tín điều thứ năm. Kể ngắn gọn với các em về cách anh chị em nhận được sự kêu gọi phục vụ trong Hội Thiếu Nhi. Làm thế nào mà anh chị em biết được rằng mình được kêu gọi bởi Thượng Đế? Làm chứng rằng Thượng Đế soi dẫn các vị lãnh đạo để kêu gọi người khác phục vụ.
“Đức Giê Hô Va nhìn thấy trong lòng.”
Việc xét đoán người khác dựa trên những gì chúng ta có thể nhìn thấy là điều tự nhiên, nhưng một phần của việc trở nên giống như Chúa Giê Su hơn là việc học hỏi cách nhìn thấy giống như Ngài—bằng cách nhìn “thấy trong lòng” (1 Sa Mu Ên16:7).
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Mời các em tưởng tượng rằng chúng được yêu cầu chọn một ai đó làm vua. Các em sẽ tìm kiếm những phẩm chất nào? Cùng nhau đọc 1 Sa Mu Ên 16:6–7 để biết điều Chúa đã phán cùng Sa Mu Ên khi ông đang tìm kiếm một vị vua mới cho Y Sơ Ra Ên. Chúng ta có thể học được nguyên tắc nào từ những chỉ dẫn của Chúa?
-
Trình bày một bài học sử dụng đồ vật để minh họa cho các em rằng những xét đoán của chúng ta dựa trên “bề ngoài” (câu 7) có thể không chính xác. Ví dụ, anh chị em có thể cho chúng thấy một số thức ăn hoặc một quyển sách có bao bìa không khớp với nội dung của nó. 1 Sa Mu Ên 16:7 và bài học sử dụng đồ vật này gợi ý điều gì về cách chúng ta nên nhìn nhận bản thân mình và người khác?
-
Chia sẻ một kinh nghiệm mà trong đó anh chị em đã học được lý do tại sao anh chị em nên “nhìn thấy trong lòng,” chứ không chỉ “bề ngoài” (câu 7). Hãy để các em chia sẻ bất cứ kinh nghiệm tương tự nào mà chúng có.
Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp tôi vượt qua bất kỳ thử thách nào.
Các trẻ em có thể đang đối mặt với những thử thách mà có vẻ khó khăn như việc đánh bại một người khổng lồ như Gô Li Át. Tấm gương của Đa Vít có thể cho các em hy vọng rằng Chúa sẽ giúp chúng tranh đấu.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Chỉ định các em vẽ tranh về những phần khác nhau của câu chuyện trong 1 Sa Mu Ên 17:20–54. Trưng bày các bức tranh theo trình tự lên trên bảng, và mời các em chia sẻ câu chuyện bằng cách nói về mỗi bức tranh mà chúng đã vẽ. Chúa muốn chúng ta học được điều gì từ câu chuyện này?
-
Giúp các em liệt kê lên trên bảng một số thử thách khó khăn mà một người có thể gặp phải. Mời chúng tìm kiếm những điều Đa Vít nói mà có thể động viên một người nào đó đang đối mặt với những thử thách như vậy (xin xem 1 Sa Mu Ên 17:26, 32, 34–37, 45–47). Nói cho các em biết Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp anh chị em trong những lúc thử thách như thế nào.
Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà
Hỏi các em một câu hỏi về một điều gì đó mà chúng học được hôm nay. Viết câu hỏi đó xuống, và cho mỗi em một bản sao để mang về nhà và thảo luận với gia đình của em ấy.