Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 19–25 tháng Chín. Ê Sai 40–49: “Hãy An Ủi Dân Ta”


“Ngày 19–25 tháng Chín. Ê Sai 40–49: ‘Hãy An Ủi Dân Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 19–25 tháng Chín. Ê Sai 40–49,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2022

Chúa Giê Su chữa lành một người mù

Healing the Blind Man (Chữa Lành Một Người Mù), tranh do Carl Heinrich Bloch họa

Ngày 19–25 tháng Chín

Ê Sai 40–49

“Hãy An Ủi Dân Ta”

Nhiều đoạn thánh thư trong Ê Sai 40–49 có thể giúp các trẻ em gia tăng tình thương yêu của chúng đối với Chúa và gia tăng đức tin nơi Ngài. Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh để tìm được những đoạn thánh thư đó khi anh chị em nghiên cứu.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Đọc cho các em nghe Ê Sai 40:9, và mời chúng giả vờ leo lên “núi cao” và sau đó thay phiên nhau cất tiếng lên để chia sẻ một điều gì đó mà chúng học được từ thánh thư trong thời gian gần đây—ở nhà hoặc ở nhà thờ.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Ê Sai 43:10

Tôi có thể là một nhân chứng cho Chúa.

Chúa đã nhắc nhở dân Y Sơ Ra Ên rằng họ đã chứng kiến nhiều điều lớn lao mà Ngài đã làm cho họ. Ngài muốn họ (và tất cả chúng ta) làm chứng về Ngài, và giúp những người khác biết về quyền năng và lòng nhân từ của Ngài.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Nói cho các em biết về một điều gì đó mà anh chị em đã chứng kiến. Giúp các em nghĩ về những điều chúng đã trải qua mà chúng có thể kể cho nhau nghe hoặc “làm chứng” về điều đó—ví dụ, một món ngon mà chúng đã được ăn, một nơi chúng đã viếng thăm, hoặc một người mà chúng biết. Đọc cho các em nghe từ Ê Sai 43:10: “Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy tớ ta đã chọn.” Nói cho các em biết rằng khi chịu phép báp têm, chúng ta hứa sẽ làm nhân chứng của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mô Si A 18:9). Việc làm nhân chứng của Chúa có nghĩa là gì?

  • Yêu cầu các em chia sẻ điều chúng biết về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Cho các em xem những bức hình để cho chúng thêm ý kiến (ví dụ, các bức hình về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi, Sách Mặc Môn, đền thờ, và vị tiên tri tại thế). Mời các em thảo luận về điều chúng có thể chia sẻ với người khác với tư cách là các nhân chứng của Chúa.

Ê Sai 43:11

“Ngoài ta ra không có cứu chúa nào khác.”

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng duy nhất có thể giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Hãy suy ngẫm về cách anh chị em sẽ soi dẫn các em để chúng tin cậy nơi Ngài.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em tưởng tượng ra một tình huống mà trong đó chúng có thể cần giúp đỡ (chẳng hạn như bị bệnh hoặc bị kẹt trong một cơn bão). Cho thấy một vài đồ vật (hoặc hình ảnh đồ vật), một số đồ vật mà có thể giúp các em trong tình huống đó và một số khác thì không. Ví dụ, một cây dù có thể hữu dụng trong một cơn bão, nhưng một ly nước hoặc một cây bút chì thì không. Yêu cầu các em chọn ra đồ vật mà sẽ hữu dụng trong tình huống đó. Cho thấy các bức hình của Đấng Cứu Rỗi để giúp các em thảo luận về cách mà Ngài giúp đỡ chúng ta.

  • Đọc cho các em nghe Ê Sai 43:11, và yêu cầu chúng chỉ vào một bức hình của Chúa Giê Su khi nghe được từ “cứu chúa.” Hãy làm chứng rằng bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau đớn, chết cho chúng ta và đã phục sinh, Ngài là Đấng duy nhất có thể giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi của mình và khỏi sự chết.

sóng biển

Chúng ta có thể có được “sự công bình như sóng biển” (Ê Sai 48:18).

Ê Sai 48:18

Việc tuân giữ những lệnh truyền của Thượng Đế mang lại sự bình an.

Chúa đã hứa rằng sự bình an “như sông” và sự công bình “như sóng biển” sẽ đến với những người tuân giữ những lệnh truyền của Ngài.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy đọc cho các em nghe Ê Sai 48:18. Mời các em di chuyển bàn tay và cánh tay của chúng như một dòng sông và sóng biển. Hãy nói về cách mà việc tuân giữ những lệnh truyền của Thượng Đế đã giúp anh chị em cảm thấy êm đềm như một dòng sông hoặc mạnh mẽ như một ngọn sóng.

  • Vẽ hình một dòng sông lên trên bảng. Hãy giúp các em nghĩ về những lệnh truyền mà Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta. Hãy viết các lệnh truyền đó xuống những mảnh giấy (hoặc vẽ tranh về chúng), và để cho các em thay phiên nhau dán những lệnh truyền vào dòng sông trên bảng. Giúp các em học cách tuân giữ những lệnh truyền mang lại sự bình an.

  • Cùng nhau hát một bài hát về các lệnh truyền, chẳng hạn như “Hãy Làm Điều Tốt” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 34–35). Bài hát này dạy điều gì về lý do chúng ta phải tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế?

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Ê Sai 40:3–5

Tôi có thể giúp sửa soạn “con đường của Chúa.”

Chúng ta giúp làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Ê Sai 40:3–5 bằng cách giúp người khác tiếp nhận Chúa vào cuộc sống của họ.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy yêu cầu một em đọc Ê Sai 40:3 trong lúc các em khác lần lượt đọc một trong những đoạn thánh thư sau đây và tìm kiếm những từ và cụm từ tương tự: Mác 1:3–4 (Giăng Báp Tít); An Ma 7:9 (An Ma); Giáo Lý và Giao Ước 33:10–11 (những người truyền giáo ngày sau). Giúp các em nhận ra ai đang sửa soạn “con đường của Chúa” trong mỗi đoạn thánh thư. Những người này đã sửa soạn con đường của Chúa như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ?

  • Hãy vẽ một con đường lên trên bảng, và cùng đọc với các em Ê Sai 40:3–5. Yêu cầu các em liệt kê ra những trở ngại mà có thể ngăn cản người ta noi theo Đấng Cứu Rỗi, và mời các em vẽ những trở ngại này lên trên con đường đó. Hãy để các em xóa đi các trở ngại này khi anh chị em nói về những cách thức chúng ta có thể giúp người khác vượt qua được những trở ngại này.

Ê Sai 41:10; 43:1–5; 48:10

Chúa ở cùng tôi trong những thử thách của tôi.

Khi chúng ta lập giao ước với Chúa, Ngài hứa sẽ ở cùng chúng ta—ngay cả trong lúc chúng ta gặp thử thách. Giúp các em tự xem mình như một phần trong dân giao ước của Chúa và là người nhận được những lời hứa của Ngài.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Viết lên trên bảng Ta là…Ta sẽ… và mời các em đọc Ê Sai 41:10Ê Sai 43:1–5 để biết xem Chúa phán rằng Ngài là ai và Ngài sẽ làm gì. Những cụm từ nào khác được lặp lại trong các câu thánh thư này? Những sứ điệp này có thể mang lại cho chúng ta niềm an ủi và hy vọng trong lúc khó khăn như thế nào?

  • Cùng nhau đọc Ê Sai 48:10, và thảo luận xem lò lửa là gì và những cách thức khác nhau mà nó được sử dụng. Giải thích rằng kim loại được tôi luyện trong một lò lửa. Tại sao lò lửa là một cách hữu hiệu để miêu tả sự đau khổ? Những nỗi đau khổ có thể thanh tẩy chúng ta như thế nào? (xin xem An Ma 62:41).

Ê Sai 49:14–16

Chúa sẽ không bao giờ quên tôi.

Khi chúng ta cảm thấy xa cách Chúa vì tội lỗi, thử thách, hoặc bất kỳ lý do nào khác, thì sứ điệp trong Ê Sai 49:14–16 có thể mang lại sự an ủi.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Yêu cầu các em đọc Ê Sai 49:14. Điều gì có thể làm cho người ta cảm thấy bị lãng quên hoặc bị bỏ rơi? Làm thế nào chúng ta có thể giúp người khác biết rằng Chúa không quên họ? Làm thế nào chúng ta biết rằng Ngài không quên chúng ta?

  • Mời các em kể về một người nào đó chúng biết mà chúng sẽ không bao giờ quên, chẳng hạn như một người bạn hoặc người trong gia đình. Thảo luận về cảm nghĩ của một người mẹ đầy tình yêu thương dành cho con cái mình và cảm nghĩ của Chúa dành cho chúng ta. Sau đó yêu cầu các em đọc Ê Sai 49:15–16. Theo như các câu này, tại sao Chúa sẽ không bao giờ quên chúng ta? Mời các em chia sẻ những cảm nghĩ của chúng về Chúa Giê Su Ky Tô.

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời các em nghĩ về một điều gì đó chúng học được hôm nay mà chúng muốn tìm hiểu thêm. Giúp các em viết xuống một câu hỏi về điều đó để chúng có thể hỏi cha mẹ hoặc một người khác trong gia đình.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Thích ứng với nhu cầu của trẻ em. Nếu anh chị em dạy các trẻ em nhỏ tuổi nhưng cảm thấy được soi dẫn để dạy chúng một trong các nguyên tắc trong đại cương từ mục “Các Trẻ Em Lớn Tuổi” hoặc ngược lại, thì hãy thích ứng một trong các sinh hoạt được đề nghị cho nguyên tắc đó để đáp ứng nhu cầu và khả năng của các trẻ em mà anh chị em dạy.