“Ngày 12–18 tháng Chín. Ê Sai 13–14; 24–30; 35: ‘Một Công Việc Lạ Lùng và Một Điều Kỳ Diệu,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)
“Ngày 12–18 tháng Chín. Ê Sai 13–14; 24–30; 35,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2022
Ngày 12–18 tháng Chín
Ê Sai 13–14; 24–30;35
“Một Công Việc Lạ Lùng và Một Điều Kỳ Diệu”
Sau khi đã thành tâm nghiên cứu Ê Sai 13–14; 24–30;35, hãy hoạch định các sinh hoạt để giúp trẻ em học hỏi. Các ý kiến sinh hoạt dưới đây có thể được thích ứng cho mọi độ tuổi.
Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Mời các em đứng lên nếu chúng muốn chia sẻ một điều gì đó chúng đã học được về phúc âm trong thời gian gần đây ở nhà hoặc ở nhà thờ. Hãy cho mỗi em một cơ hội để chia sẻ.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi
Đã có một trận chiến trên thiên thượng.
Trước khi thế gian được tạo dựng, Cha Thiên Thượng đã chọn Chúa Giê Su Ky Tô làm Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta. Ê Sai 14:12–14 đã mô tả sự kiêu ngạo của Sa Tan trước Hội Đồng tiền dương thế trên Thiên Thượng.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Hãy sử dụng chương “Lời Giới Thiệu: Kế Hoạch của Cha Thiên Thượng Chúng Ta” (trong sách Các Câu Chuyện Trong Kinh Tân Ước, trang 1–3) để kể cho các em nghe về Trận Chiến trên Thiên Thượng trước khi chúng ta sinh ra. (Khi anh chị em làm như vậy, hãy gồm vào các cụm từ mô tả Sa Tan trong Ê Sai 14:12–14.) Sau đó hãy mời các trẻ em lần lượt kể lại câu chuyện cho anh chị em nghe. Hãy nhấn mạnh rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng và trở thành Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
-
Vẽ lên trên bảng một trái tim với từ Sa Tan và một gương mặt buồn bên trong trái tim đó. Hãy giải thích rằng Sa Tan đã tự nhủ với lòng mình: “[Ta] sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời” (Ê Sai 14:13), có nghĩa là hắn ta muốn được cao trọng hơn Cha Thiên Thượng. Mời một em vẽ một trái tim khác, lần này với từ Chúa Giê Su và một gương mặt tươi cười bên trong trái tim đó. Hãy giúp các em hiểu rằng Chúa Giê Su muốn làm điều mà Cha Thiên Thượng phán bảo Ngài làm (xin xem Môi Se 4:1–2). Làm thế nào chúng ta có thể noi theo gương của Chúa Giê Su?
Chúa Giê Su Ky Tô đã phục sinh.
Chúa Giê Su Ky Tô có thể an ủi nỗi buồn mà chúng ta cảm nhận về cái chết. Vì Ngài đã chiến thắng cái chết, tất cả chúng ta cũng đều sẽ được phục sinh.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Cho thấy một bức hình về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, và bảo các em hãy chia sẻ điều chúng biết về bức hình đó. Nếu cần, hãy chia sẻ với các em câu chuyện về việc Chúa Giê Su phục sinh (xin xem “Chúa Giê Su Phục Sinh,” trong sách Các Câu Chuyện Trong Kinh Tân Ước, trang 139–44). Hãy phát hoặc cùng nhau hát một bài hát về Sự Phục Sinh, chẳng hạn như “Ngài Phục Sinh” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 55), và mời các em chia sẻ cảm nghĩ của chúng khi biết rằng Chúa Giê Su đã sống lại từ cõi chết.
-
Kể cho các em nghe về một người nào đó anh chị em biết mà đã qua đời. Chúng ta cảm thấy như thế nào khi một người thân yêu của mình qua đời? Mời các em vẽ một gương mặt đang khóc của một ai đó. Sau đó hãy đọc cho các em nghe Ê Sai 25:8. Chúa Giê Su sẽ làm gì cho nước mắt của chúng ta khi chúng ta nhớ đến một người đã qua đời? Mời các trẻ em vẽ một gương mặt vui vẻ. Hãy làm chứng rằng bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô đã phục sinh, chúng ta có thể cảm thấy được an ủi khi một ai đó qua đời và biết rằng tất cả chúng ta đều sẽ được phục sinh vào một ngày nào đó.
Chúa đã phục hồi Giáo Hội của Ngài qua Joseph Smith.
Sự Phục Hồi phúc âm là “một công việc lạ lùng và một điều kỳ diệu” (Ê Sai 29:14). Hãy chia sẻ với các em một số điều kỳ diệu mà Chúa đã làm—và tiếp tục làm—để phục hồi phúc âm của Ngài trong thời kỳ chúng ta.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Mời các em nói cho anh chị em điều chúng biết về Joseph Smith. Nếu cần, hãy chia sẻ với các em chương “Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith” (trong sách Các Câu Chuyện Giáo Lý và Giao Ước, trang 9–12). Hãy đọc Ê Sai 29:12, và giải thích rằng mặc dù Joseph Smith không được nhiều người cho là “có học thức”, nhưng Chúa Giê Su Ky Tô đã phục hồi phúc âm thông qua ông.
-
Đọc cho các em nghe Ê Sai 29:14, và chia sẻ với chúng những từ khác mà cũng đồng nghĩa với từ “lạ lùng” và “kỳ diệu.” Cho các em thấy những đồ vật tượng trưng cho một số công việc kỳ diệu của Chúa trong những ngày sau này, chẳng hạn như một bức tranh về Khải Tượng Thứ Nhất hoặc về việc Joseph Smith nhận được chức tư tế (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 90, 93,94) hoặc một quyển Sách Mặc Môn. Mời các em chọn ra một đồ vật và chia sẻ tại sao vật đó lại kỳ diệu đối với chúng.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi
Ê Sai 24:3–5; 29:7–10; 30:8–14
Sự Bội Giáo có nghĩa là rời bỏ Chúa và các vị tiên tri của Ngài.
Việc đọc các lời cảnh báo của Ê Sai về những mối nguy hiểm của sự bội giáo có thể giúp các trẻ em quyết tâm trung thành với Chúa và tuân theo những vị tiên tri của Ngài.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Viết lên trên bảng từ sự bội giáo. Mời các em tìm kiếm một định nghĩa trong mục “Bội Giáo” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Mời các em đọc Ê Sai 24:5; 30:9–11 và liệt kê ra những điều mọi người đang làm trong thời kỳ của Ê Sai mà đã dẫn họ đến sự bội giáo. Sau đó hãy mời các em thay thế những điều trong bản liệt kê với những điều mà chúng ta có thể làm để trở nên trung thành với Chúa.
-
Hãy chia lớp học ra thành nhiều cặp, và chỉ định mỗi cặp đọc một trong các đoạn thánh thư sau đây: Ê Sai 24:3–5; Ê Sai 29:7–10; hoặc Ê Sai 30:8–14. Mời các em vẽ tranh thể hiện điều chúng đã đọc được. Khi các em chia sẻ các tranh vẽ của chúng, hãy giúp chúng thảo luận xem những lời của Ê Sai dạy điều gì về lý do tại sao chúng ta nên trung thành với Chúa.
Sự Phục Hồi phúc âm là một “công việc lạ lùng.”
Làm thế nào anh chị em có thể giúp các em hiểu rằng chúng là một phần trong “công việc lạ lùng” (Ê Sai 29:14) của Chúa trong những ngày sau?
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Hãy cho thấy những bức hình về một số sự kiện lạ lùng đã xảy ra khi phúc âm được phục hồi (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 90–95, hoặc trang sinh hoạt của tuần này). Cùng nhau đọc Ê Sai 29:14, 18, 24, và mời các em tìm kiếm những từ và cụm từ có liên quan đến những sự kiện trong các bức hình. Hỏi các em xem làm thế nào chúng có thể góp phần vào “công việc lạ lùng” (câu 14) của Chúa.
-
Chia sẻ một kinh nghiệm ngắn để giúp các em hiểu ý nghĩa của sự phục hồi. Ví dụ, hãy nói về một thứ gì đó bị thất lạc và cách mà anh chị em tìm lại được nó. Giúp các em so sánh điều này với Sự Phục Hồi phúc âm. Theo Ê Sai 29:13–15, tại sao chúng ta cần Sự Phục Hồi? Những công việc lạ lùng nào mà Chúa đã làm để phục hồi phúc âm của Ngài?
Những lời giảng dạy của Ê Sai hướng tôi đến với Chúa Giê Su Ky Tô.
Những lời giảng dạy của Ê Sai có thể hướng các trẻ em mà anh chị em dạy đến với Đấng Cứu Rỗi và giúp chúng ghi nhớ những điều Ngài đã làm cho chúng.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Hãy viết những câu thánh thư tham khảo sau đây lên những tờ giấy rời: Ê Sai 14:3; Ê Sai 25:8; Ê Sai 28:16; Ma Thi Ơ 11:28–30; 1 Cô Rinh Tô 15:53–57; Hê La Man 5:12. Đưa những tờ giấy này cho các em, và mời chúng viết lên các tờ giấy này những lẽ thật mà chúng học được từ những câu thánh thư đó và cùng làm việc với nhau để tìm những câu tương xứng mà cũng dạy các lẽ thật tương tự. Theo như các câu này, Chúa đã làm những điều lớn lao gì cho chúng ta?
-
Bảo các em hãy chọn ra một cụm từ trong Ê Sai 14:3; 25:8; hoặc 28:16 mà nhắc cho chúng nhớ đến Chúa Giê Su Ky Tô. Mời các em viết cụm từ đó lên trên một tờ giấy và vẽ hình Đấng Cứu Rỗi để chúng có thể trưng bày trong nhà của mình.
Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà
Mời các em ghi chú hoặc vẽ tranh về một điều gì đó mà chúng học được trong lớp ngày hôm nay. Khuyến khích các em chia sẻ điều đó với gia đình chúng hoặc một thành viên trong lớp học mà đã không tham dự Hội Thiếu Nhi ngày hôm nay.