Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 6–12 tháng Một. 1 Nê Phi 1–7: “Con Sẽ Đi và Làm”


“Ngày 6–12 tháng Một. 1 Nê Phi 1–7: ‘Con Sẽ Đi và Làm,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 6–12 tháng Một. 1 Nê Phi 1–7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020

Gia đình của Lê Hi đi trong hoang mạc

Lehi Traveling Near the Red Sea (Lê Hi Đi Gần Biển Đỏ), tranh do Gary Smith họa

Ngày 6–12 tháng Một

1 Nê Phi 1–7

“Con Sẽ Đi và Làm”

Sự chuẩn bị của anh chị em với tư cách là giảng viên Trường Chủ Nhật nên bắt đầu với việc học tập thánh thư riêng cá nhân của mình. Hãy để ý và viết lại những thúc giục thuộc linh mà anh chị em nhận được. Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: có thể bổ sung cho việc học tập của anh chị em.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Nhiều thành viên trong lớp học của anh chị em có lẽ quen thuộc với 1 Nê Phi 1–7, nhưng mỗi lần chúng ta đọc thánh thư, chúng ta có thể học các lẽ thật mà áp dụng cho hoàn cảnh hiện tại của mình. Để bắt đầu cuộc thảo luận của mình, anh chị em có thể hỏi các thành viên trong lớp học điều gì họ đã học được hay được nhắc nhở khi họ học tập tuần này.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

1 Nê Phi 1; 3–6

Thánh thư có một giá trị lớn lao.

  • Một sứ điệp nổi bật trong Sách Mặc Môn là giá trị lớn lao của lời Thượng Đế. Đây có thể là một sứ điệp hay để chia sẻ khi lớp học của anh chị em bắt đầu học tập Sách Mặc Môn. Anh chị em có thể bắt đầu bằng việc yêu cầu mỗi thành viên trong lớp chọn một chương từ 1 Nê Phi 1; 3–6 và đọc lướt chương đó, tìm kiếm những cách thức mà lời của Thượng Đế ban phước cho những người trong gia đình Lê Hi một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. (Các thành viên trong lớp học cũng có thể hưởng lợi ích nếu thực hiện sinh hoạt này theo các nhóm nhỏ.) Sau đó mời từng người chia sẻ điều họ tìm được. Những câu chuyện này dạy cho chúng ta điều gì về tầm quan trọng của thánh thư?

  • Một trong những mục tiêu của anh chị em với tư cách là giảng viên là khuyến khích các cá nhân và gia đình học tập phúc âm ở bên ngoài lớp học. Có lẽ anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp học nghiên cứu cách Lê Hi học tập các bảng khắc bằng đồng (xin xem 1 Nê Phi 5:10–19), sau đó anh chị em có thể hỏi những câu hỏi như sau: Thái độ của Lê Hi đối với thánh thư là gì? Ông đã tìm thấy giá trị gì từ thánh thư? Các thành viên trong lớp học cũng có thể tìm hiểu sứ điệp của Anh Cả Richard G. Scott “Quyền Năng của Thánh Thư” (Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 6–8) hoặc đọc một đoạn trích từ “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng những lời giảng dạy của Anh Cả Scott khi chúng ta học Sách Mặc Môn trong năm nay?

  • Sau đó anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp học chia sẻ việc học thánh thư cá nhân đã ban phước cho cuộc sống của họ như thế nào. Họ cũng có thể chia sẻ cách mà thánh thư đã soi dẫn họ để “đến với … Thượng Đế … và được cứu rỗi” (1 Nê Phi 6:4).

1 Nê Phi 2:11–19; 3:28–31

Chúng ta có thể nhận được chứng ngôn cho chính mình khi chúng ta được mềm lòng.

  • Nê Phi được biết đến vì đức tin mạnh mẽ của ông nơi Chúa, nhưng có thể có ích cho các thành viên trong lớp học để nhận ra rằng ông phải lao nhọc mới nhận được chứng ngôn của mình—cũng giống như chúng ta. Có lẽ các thành viên trong lớp học có thể nhận ra trong 1 Nê Phi 2:16–19 điều gì đã giúp Nê Phi có thể nhận được chứng ngôn của ông. Họ cũng có thể ôn lại các câu 11–14 để xem lý do tại sao La Man và Lê Mu Ên không nhận được chứng ngôn. Đây có lẽ là thời điểm tốt để mời các thành viên trong lớp học chia sẻ cách mà họ đã đạt được chứng ngôn của mình.

  • Đôi khi chúng ta có thể muốn có một kinh nghiệm kỳ diệu để đạt được hoặc củng cố chứng ngôn của mình. Tuy La Man và Lê Mu Ên đã gặp một thiên sứ, nhưng đức tin của họ dường như được ảnh hưởng rất ít. Các thành viên trong lớp học có thể học được điều gì từ kinh nghiệm này, được miêu tả trong 1 Nê Phi 3:28–31, về điều củng cố chứng ngôn của chúng ta? (cũng hãy xem 1 Nê Phi 2:16). Cân nhắc việc chia sẻ câu trích dẫn của Chủ Tịch Harold B. Lee trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Chúng ta có thể làm gì để giữ cho chứng ngôn của mình luôn mạnh mẽ?

1 Nê Phi 3–4

Thượng Đế sẽ chuẩn bị sẵn một đường lối cho chúng ta để thực hiện ý muốn của Ngài.

  • Kinh nghiệm của các con trai của Lê Hi trong 1 Nê Phi 3–4 có vẻ như hiếm gặp, nhưng nhiều người trong số chúng ta đã có những kinh nghiệm về việc tuân theo ý muốn của Thượng Đế mặc dù dường như rất khó khăn. Khi các thành viên trong lớp học đọc 1 Nê Phi 3–4 tuần này, những lẽ thật nào họ tìm thấy mà đã gợi cho họ nhớ về một kinh nghiệm cá nhân? Anh chị em có thể yêu cầu các thành viên trong lớp học chia sẻ những câu giảng dạy các lẽ thật này, và mời họ chia sẻ kinh nghiệm của mình. Những lẽ thật này giúp đỡ chúng ta như thế nào khi Thượng Đế kỳ vọng chúng ta làm điều gì đó mà dường như khó khăn?

  • Anh chị em có thể chia lớp học thành ba nhóm và chỉ định mỗi nhóm tìm hiểu về một trong những lần cố gắng lấy các bảng khắc bằng đồng từ La Ban (xin em 1 Nê Phi 3:9–21; 1 Nê Phi 3:22–31; 4:1–4; và 1 Nê Phi 4:5–38). Sau đó anh chị em có thể mời mỗi nhóm chia sẻ điều mà mỗi lần cố gắng này dạy chúng ta về việc hoàn thành ý muốn của Chúa. Làm thế nào những ví dụ này áp dụng cho nỗ lực của chính chúng ta để làm theo ý muốn của Thượng Đế?

Lê Hi và Sa Ri A mừng đón Nê Phi và các anh của ông

Their Joy Was Full (Niềm Vui của Họ Tràn Ngập), do Walter Rane họa

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học tại Nhà

Để soi dẫn các thành viên trong lớp học đọc 1 Nê Phi 8–10, anh chị em có thể chia sẻ lời phát biểu này của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf: “Với rất nhiều ảnh hưởng cố gắng lôi kéo chúng ta đi theo, làm thế nào chúng ta giữ được mục tiêu của mình tập trung vào hạnh phúc vinh quang đã được hứa với người trung tín? Tôi tin rằng câu trả lời có thể được tìm thấy trong một giấc mơ mà một vị tiên tri đã có cách đây hàng ngàn năm. Vị tiên tri đó tên là Lê Hi, và giấc mơ của ông được ghi lại trong cuốn Sách Mặc Môn tuyệt vời và quý giá” (“Chuyện Ba Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 18–19).

hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Thánh thư có quyền năng mạnh mẽ.

Anh Cả Richard G. Scott làm chứng về giá trị của thánh thư:

“Thánh thư cũng giống như những tia sáng nhỏ soi rọi tâm trí và chuẩn bị chúng ta để được hướng dẫn và cảm ứng từ trên cao. Ánh sáng này có thể trở thành chìa khóa để khai mở hệ thống giao tiếp với Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Quý của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

“Thánh thư có thể trở thành những người bạn trung thành là những người chúng ta có thể tìm đến bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào. Thánh thư luôn luôn có sẵn khi cần đến. Việc sử dụng thánh thư cung ứng một nền tảng lẽ thật có thể được Đức Thánh Linh tác động. Việc học hỏi, suy ngẫm, tra cứu, và ghi nhớ thánh thư cũng giống như lưu giữ vào tủ hồ sơ những người bạn, giá trị, và lẽ thật mà có thể tìm đến bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới. …

“Việc suy ngẫm một đoạn thánh thư có thể là một chìa khóa để khai mở sự mặc khải, hướng dẫn, và cảm ứng của Đức Thánh Linh. Thánh thư có thể trấn an một tâm hồn hoảng hốt, mang đến bình an, hy vọng, và phục hồi sự tin tưởng vào khả năng của một người để khắc phục những thử thách trong cuộc sống. Thánh thư có quyền năng mạnh mẽ để chữa lành những thử thách về mặt tình cảm khi có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi. Thánh thư có thể nhanh chóng chữa lành thể xác” (“Quyền Năng của Thánh Thư,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 6).

Chứng ngôn của chúng ta phải được làm mới mỗi ngày.

Chủ Tịch Harold B. Lee đã dạy: “Những gì có trong chứng ngôn của các anh chị em ngày hôm nay thì ngày mai sẽ không thuộc về các anh chị em nữa trừ khi các anh chị em làm gì đó với chúng” (Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee [năm 2000], trang 43).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Sử dụng các câu chuyện và ví dụ để giảng dạy các nguyên tắc phúc âm. Nhiều lẽ thật vĩnh cửu trong thánh thư được dạy qua những kinh nghiệm hay những câu chuyện có trong đó. Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy, hãy nghĩ về các kinh nghiệm anh chị em đã có mà có thể thêm vào một lời chứng thứ hai cho những câu chuyện trong thánh thư và những nguyên tắc mà chúng minh họa. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 22.)