“Ngày 13–19 tháng Một. 1 Nê Phi 8–10: ‘Đến để Ăn Trái Cây Ấy,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 13–19 tháng Một. 1 Nê Phi 8–10.” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 13–19 tháng Một
1 Nê Phi 8–10
“Hãy Lại Đây và Ăn Trái Cây Ấy”
Trước khi đọc những ý kiến trong đại cương này, hãy đọc 1 Nê Phi 8–10 và nghĩ về những thử thách và cơ hội đang đến với những người mà anh chị em giảng dạy. Hãy viết lại ấn tượng của anh chị em về những nguyên tắc nào trong các chương này mà anh chị em nên tập trung trong lớp học.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Khải tượng của Lê Hi có nhiều điều áp dụng cho cuộc sống của chúng ta ngày nay. Khi bắt đầu giờ học, anh chị em có thể muốn mời các thành viên trong lớp học chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của họ khi họ đọc về khải tượng này. Khuyến khích họ chia sẻ những câu cụ thể và ý nghĩa mà họ tìm thấy cho cuộc sống của mình.
Giảng Dạy Giáo Lý
Khi chúng ta nếm trải tình yêu thương của Thượng Đế, chúng ta có ước muốn để giúp đỡ người khác nếm trải điều đó.
-
Là điều tự nhiên để chia sẻ điều chúng ta yêu thích với những người thân yêu của mình, nhưng đôi khi chúng ta thấy khó để chia sẻ phúc âm. Một cuộc thảo luận về khải tượng của Lê Hi có thể giúp đỡ các thành viên trong lớp học tìm kiếm những cơ hội để chia sẻ phúc âm. Anh chị em có thể phát cho mỗi thành viên trong lớp học một miếng trái cây và yêu cầu người đó thuyết phục cả lớp ăn loại trái cây này thường xuyên. Chủ đề của bài học này giống với kinh nghiệm của Lê Hi như thế nào trong 1 Nê Phi 8:10–16? Chúng ta học được điều gì từ kinh nghiệm của Lê Hi mà có thể giúp chúng ta chia sẻ phúc âm?
-
Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Trái cây tượng trưng cho các phước lành của Sự Chuộc Tội” (“Giấc Mơ của Lê Hi: Bám Chặt vào Thanh Sắt,” Liahona, tháng Mười năm 2011, trang 34). Cân nhắc về việc liên hệ trước với vài thành viên trong lớp học và yêu cầu họ suy ngẫm về 1 Nê Phi 8:11–16 và nghĩ về những câu hỏi như: Làm thế nào tôi mô tả sự ngọt ngào mà Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô đã mang đến trong cuộc đời tôi? Làm thế nào tôi vẫy gọi người khác nếm vị ngọt ngào của nó? (xin xem câu 15). Những người khác đã mời gọi tôi tìm kiếm những phước lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Tôi được soi dẫn để làm điều gì khi đọc 1 Nê Phi 8:11–16? Mời những thành viên này chia sẻ câu trả lời của họ trong giờ học, và mời tất cả các thành viên trong lớp học đưa ra những hiểu biết sâu sắc của mình trong khi thảo luận.
Lời của Thượng Đế dẫn chúng ta đến với Đấng Cứu Rỗi và giúp chúng ta cảm thấy được tình yêu thương của Ngài.
-
Một cách để bắt đầu cuộc thảo luận về khải tượng của Lê Hi là mời vài thành viên trong lớp học vẽ tranh minh họa về khải tượng lên bảng, sử dụng 1 Nê Phi 8:19–38 như một sự hướng dẫn. Hoặc anh chị em có thể cho thấy bức tranh về khải tượng của Lê Hi từ đại cương cho tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Cá Nhân và Gia Đình. Sau đó anh chị em có thể mời mỗi thành viên trong lớp học tìm kiếm những câu thánh thư giải thích từng biểu tượng trong bức tranh—những lời giải thích này có thể được tìm thấy trong 1 Nê Phi 11:4–25, 35–36; 12:16–18; và 15:21–33, 36. Khi các thành viên trong lớp học chia sẻ điều họ tìm được, hãy mời họ thảo luận về điều mà mỗi biểu tượng dạy chúng ta. Ví dụ, tòa nhà to lớn và vĩ đại dạy chúng ta điều gì về sự kiêu ngạo? Thanh sắt dạy chúng ta điều gì về lời của Thượng Đế? Họ cũng có thể nói về khải tượng của Lê Hi đã giúp đỡ họ đến cùng Đấng Ky Tô như thế nào. Chúng ta thấy bản thân mình trong khải tượng này như thế nào?
-
Một sứ điệp nổi bật trong khải tượng của Lê Hi là tầm quan trọng của lời của Thượng Đế, được tượng trưng hóa bởi thanh sắt. Để giúp nhấn mạnh sứ điệp đó, anh chị em có thể chia lớp học thành bốn nhóm và chỉ định cho mỗi nhóm học về bốn nhóm người mà Lê Hi đã thấy, như được miêu tả trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” và trong 1 Nê Phi 8:21–23, 24–28, 30, và 31–33. Sau đó hãy để cho các thành viên trong lớp học chia sẻ với nhau điều họ đã học được. Anh chị em cũng có thể cho các thành viên trong lớp học vài phút để suy ngẫm điều họ cảm thấy có ấn tượng để làm để đảm bảo rằng họ “luôn luôn giữ chặt thanh sắt” (1 Nê Phi 8:30).
Thượng Đế sẽ tiết lộ lẽ thật cho chúng ta nếu chúng ta chuyên tâm tìm kiếm điều đó.
-
Đám sương mù tối đen che khuất lối đi của chúng ta và những lời chế nhạo từ tòa nhà rộng lớn và vĩ đại đó có thể gây khó khăn cho chúng ta trong việc tìm kiếm lẽ thật. Việc đọc cùng nhau về tấm gương của Nê Phi với tư cách là người tìm kiếm lẽ thật có thể giúp đỡ chúng ta. Anh chị em có thể bắt đầu cuộc thảo luận bằng cách yêu cầu các thành viên trong lớp học nhận ra một số sứ điệp gây hoang mang mà thế gian đang gửi ra. Ví dụ, những ý kiến nào của thế gian mà các vị tiên tri và sứ đồ cảnh báo chúng ta trong đại hội trung ương gần đây nhất? Cân nhắc việc lập một bản liệt kê trên bảng về các bước mà Nê Phi đã làm để nhận được chứng ngôn về lẽ thật của khải tượng của cha ông (xin xem 1 Nê Phi 10:17–19; 11:1). Làm thế nào chúng ta có thể noi theo tấm gương của ông khi chúng ta tìm kiếm lẽ thật?
Khuyến Khích Việc Học tại Nhà
Để soi dẫn cả lớp đọc 1 Nê Phi 11–15, hãy mời họ tìm xem những hình ảnh sau đây đóng vai trò gì trong giấc mơ của Lê Hi: hài đồng Giê Su, cây thập tự, mẹ của các gái điếm, dân chúng tụ họp lại để gây chiến lẫn nhau, và những quyển sách.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Bốn nhóm người trong giấc mơ của Lê Hi.
-
Nhóm 1.“Trong 1 Nê Phi 8:21–23 chúng ta biết về nhóm người thứ nhất đã tiến bước và bắt đầu ở trên con đường dẫn đến cây sự sống. Tuy nhiên, khi những người đó gặp đám sương mù tối đen tượng trưng cho ‘những cám dỗ của quỷ dữ’ (1 Nê Phi 12:17), thì họ bị lạc lối, đi lang thang và bị thất lạc. Hãy lưu ý rằng những câu này không có đề cập đến thanh sắt. Những người làm ngơ hoặc xem nhẹ lời của Thượng Đế thì không tiếp cận được với cái la bàn thiêng liêng đó, là loại la bàn chỉ hướng đến Đấng Cứu Rỗi.”
-
Nhóm 2.“Trong 1 Nê Phi 8:24–28 chúng ta đọc về một nhóm người thứ hai tìm được con đường chật và hẹp dẫn đến cây sự sống. Nhóm này ‘đến nắm đầu thanh sắt rồi liền bám chặt thanh sắt và cố sức tiến qua đám sương mù tối đen, cho tới khi họ đến được bên cây và ăn trái cây ấy’ (câu 24). Tuy nhiên, vì những người ăn mặc sang trọng ở trong tòa nhà rộng lớn vĩ đại có hành động chế giễu nhóm người thứ hai này, nên ‘họ lấy làm hổ thẹn’ và ‘đi lạc vào những lối cấm rồi lạc mất luôn’ (câu 28). … Mặc dù có đức tin, lòng cam kết và lời của Thượng Đế, nhưng cuối cùng nhóm này cũng bị lạc mất—có lẽ vì họ chỉ thỉnh thoảng đọc hay học tập hoặc tra cứu thánh thư.”
-
Nhóm 3.“Trong câu 30, chúng ta đọc về một nhóm người thứ ba tiến bước ‘tay luôn luôn giữ chặt thanh sắt cho tới khi họ đến được bên cây thì rạp mình xuống và ăn trái cây ấy.’ Cụm từ chính trong câu này là tay luôn luôn giữ chặt thanh sắt. Nhóm thứ ba cũng tiến bước với đức tin và lòng tin chắc; tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy là họ đi lang thang, lạc vào những lối cấm hay bị lạc mất luôn. Có lẽ nhóm người thứ ba này đã đọc và học tập cùng tra cứu thánh thư một cách kiên định. … Đây là nhóm người mà các anh chị em và tôi nên cố gắng để gia nhập.”
-
Nhóm 4.“Nhóm thứ tư không tìm kiếm cái cây đó, thay vì thế mong muốn tòa nhà vĩ đại và rộng lớn làm điểm đến cuối cùng của họ (xin xem 1 Nê Phi 8:31–33).”
(David A. Bednar, “Giấc Mơ của Lê Hi: Bám Chặt vào Thanh Sắt,” Liahona, tháng Mười năm 2011, trang 34–36.)