“Ngày 2–8 tháng Ba. 2 Nê Phi 31–33: ‘Đây Là Con Đường’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
Ngày 2–8 tháng Ba. 2 Nê Phi 31–33,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Christ Teaching His Disciples (Đấng Ky Tô Giảng Dạy Môn Đồ Ngài), tranh do Justin Kunz họa
Ngày 2–8 tháng Ba
2 Nê Phi 31–33
“Đây Là Con Đường”
Khi anh chị em học tập 2 Nê Phi 31–33, hãy luôn suy nghĩ về các thành viên trong lớp của anh chị em và suy ngẫm những kinh nghiệm nào họ có thể có với những lẽ thật mà Nê Phi đã giảng dạy. Làm thế nào anh chị em mời họ giảng dạy lẫn nhau về những điều mà họ đã học và cảm nhận về những giáo lý này?
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Có bất kỳ ai trong lớp của anh chị em có một kinh nghiệm đầy ý nghĩa trong tuần này với một trong những gợi ý học tập trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình không? Cho các thành viên trong lớp cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm của họ.
Giảng Dạy Giáo Lý
Chúa Giê Su Ky Tô và giáo lý của Ngài là con đường duy nhất dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.
-
Có lẽ sẽ có ích cho lớp để thấy làm thế nào mà đức tin, sự hối cải, phép báp têm, ân tứ Đức Thánh Linh và sự kiên trì đến cùng liên quan đến nhau và liên quan đến Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Để làm điều này, anh chị em có thể vẽ lên bảng một con đường và mời các thành viên trong lớp viết dọc theo con đường một số nguyên tắc được tìm thấy trong 2 Nê Phi 31. Mỗi thành viên trong lớp có thể chọn một trong những nguyên tắc này và đọc 2 Nê Phi 31–32 để tìm điều mà Nê Phi giảng dạy về nó. Sau đó, họ có thể chia sẻ với nhau điều họ tìm thấy và thảo luận cách thức mà lời giải thích của Nê Phi giúp họ hiểu các nguyên tắc rõ hơn. Làm thế nào việc sống theo những nguyên tắc này giúp mang những phước lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô vào cuộc sống của chúng ta?
-
Làm thế nào anh chị em bắt đầu một cuộc thảo luận về sự mô tả rõ ràng và đơn giản của Nê Phi về “con đường” dẫn đến sự cứu rỗi? (2 Nê Phi 31:21). Anh chị em có thể hỏi các thành viên trong lớp xem họ sẽ nói gì nếu chỉ có 60 giây để giải thích điều mà một người cần làm để nhận được sự cứu rỗi. Sau đó, các thành viên trong lớp có thể đọc lướt 2 Nê Phi 31–32, tìm kiếm những câu nói có thể giúp ích. Chúng ta học được điều gì từ những chương này về vai trò chính yếu của Đấng Cứu Rỗi trong sự cứu rỗi của chúng ta? Những câu nói trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” có thể có ích cho cuộc thảo luận này.
-
Đôi khi chúng ta thấy các nguyên tắc phúc âm khác biệt và riêng biệt, nhưng thực tế chúng có quan hệ với nhau. Để giúp các thành viên trong lớp thấy cách thức mà các nguyên tắc trong 2 Nê Phi 31 liên kết với nhau, hãy mời các thành viên trong lớp, theo từng cá nhân hoặc theo các nhóm nhỏ, đọc các câu 4–21 và tạo một sơ đồ cho thấy cách thức mà đức tin nơi Đấng Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm, ân tứ Đức Thánh Linh và kiên trì đến cùng vun đắp lẫn nhau, liên quan đến nhau, và vân vân. Khuyến khích họ biết sáng tạo. Khi họ chia sẻ sơ đồ của mình với lớp, hãy yêu cầu họ chia sẻ điều họ học được về những nguyên tắc này. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng chúng vào cuộc sống hằng ngày của mình?
“Kẻ nào kiên trì đến cùng thì sẽ được cứu.”
-
Các thành viên trong lớp có hiểu ý nghĩa của việc kiên trì đến cùng không? Đây là một sinh hoạt mà có thể giúp ích. Hãy viết lên bảng Làm sao tôi có thể biết được nếu tôi đang kiên trì đến cùng? Sau đó, mời các thành viên trong lớp đọc 2 Nê Phi 31:15–20 để tìm kiếm những câu trả lời khả thi cho câu hỏi này. Yêu cầu các thành viên trong lớp viết lên bảng bất kỳ những từ hay cụm từ nào hữu ích mà họ tìm thấy. Tại sao việc kiên trì đến cùng là một phần thiết yếu trong giáo lý của Đấng Ky Tô? Anh chị em cũng có thể chia sẻ câu nói của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” hoặc câu nói về việc kiên trì đến cùng trong trang 6 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta.
-
Các thành viên trong lớp có biết người nào là một tấm gương cho việc kiên trì đến cùng không? Điều gì đã giúp người này “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô”? (câu 20). Cân nhắc việc chia sẻ những câu chuyện về những người khác được đề cập trong thánh thư mà đã kiên trì đến cùng.
Đức Thánh Linh sẽ chỉ cho chúng ta điều mình nên làm.
-
Trong 2 Nê Phi 32, Nê Phi đã nói về một mối quan tâm mà ông cảm nhận được từ dân của ông về việc áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô. Anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp tìm kiếm mối quan tâm này trong 2 Nê Phi 32:1 và sau đó đọc câu trả lời của Nê Phi trong 2 Nê Phi 32:2–6. Các thành viên trong lớp của anh chị em sẽ nói lại những lời Nê Phi đã dạy bằng lời của họ như thế nào? Các thành viên trong lớp của anh chị em đã có được những kinh nghiệm gì khi Đức Thánh Linh hay những lời của Đấng Ky Tô đã cho họ thấy những việc họ phải làm?
Sách Mặc Môn thuyết phục chúng ta tin vào Đấng Ky Tô.
-
Nê Phi hy vọng rằng lời của ông sẽ thuyết phục chúng ta “làm điều tốt [và] tin nơi [Đấng Ky Tô]” (2 Nê Phi 33:4). Đoạn nào hay câu chuyện nào từ 1 và 2 Nê Phi đã thuyết phục chúng ta làm điều tốt và tin nơi Đấng Ky Tô? Cân nhắc việc tìm một số bài hát củng cố sứ điệp này cho lớp của anh chị em hát hoặc lắng nghe, như “Tôi Tin nơi Ky Tô” hay “Ta Đã Làm Điều Gì Tốt?”.
Khuyến Khích Việc Học tại Nhà
Một cách để khuyến khích các thành viên trong lớp học tập Gia Cốp 1–4 vào tuần sau là giải thích rằng trong những chương này, họ sẽ tìm thấy những lời cảnh báo của Gia Cốp về hai tội lỗi phổ biến rộng rãi trong thời đại của chúng ta.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Giáo lý của Đấng Ky Tô.
Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy: “‘Giáo lý của Đấng Ky Tô’, như được Nê Phi dạy trong bài giảng tóm lược quan trọng của ông, tập trung vào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh và kiên trì đến cùng. Trong lời tuyên bố này, giáo lý đó không nhằm bao gồm toàn bộ kế hoạch cứu rỗi, tất cả những đức tính của một cuộc sống Ky Tô hữu, hoặc những phần thưởng đang chờ đợi chúng ta trong các đẳng cấp khác nhau của vinh quang nơi thiên thượng. Giáo lý này, trong lời tuyên bố này, không liên quan đến những chức phẩm của chức tư tế, các giáo lễ của đền thờ hoặc nhiều giáo lý chân chính khác. Tất cả những điều này đều quan trọng, nhưng khi được sử dụng trong Sách Mặc Môn, ‘giáo lý của Đấng Ky Tô’ là giản dị và minh bạch. Giáo lý này chỉ tập trung vào các nguyên tắc đầu tiên của phúc âm, kể cả một lời khuyến khích để chịu đựng, kiên trì và tiến bước. Quả thật vậy, chính trong sự rõ ràng và giản dị của ‘giáo lý của Đấng Ky Tô’ mà chúng ta mới thấy được ảnh hưởng của giáo lý này” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [năm 1997], trang 49–50).
Anh Cả D. Todd Christofferson đã nói: “Tôi đề nghị tất cả mọi người … hãy tìm kiếm sự làm chứng đó về thiên tính, Sự Chuộc Tội, và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách cầu nguyện và nghiên cứu thánh thư. Hãy chấp nhận lẽ thật của giáo lý Ngài bằng cách hối cải, chịu phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh và rồi tuân theo các luật pháp và giao ước phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong suốt cuộc sống của mình” (“Giáo Lý của Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 89).
Kiên trì đến cùng.
Anh Cả Dieter F. Uchtdorf giải thích rằng:
“Khi tôi còn nhỏ, việc ‘kiên trì đến cùng’ đối với tôi nói chung có nghĩa là tôi phải cố gắng nhiều hơn để tỉnh ngủ trong các buổi họp của Giáo Hội. Về sau, trong thời niên thiếu … tôi hiểu việc kiên trì bằng sự cảm thông của tuổi trẻ với nỗ lực của các tín hữu cao tuổi yêu quý của chúng ta vẫn sống trung thành cho đến cuối đời họ. …
“… Việc kiên trì đến cùng không phải đơn thuần là một vấn đề phải chịu đựng một cách thụ động hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống hoặc ‘tiếp tục tồn tại.’ Tôn giáo của chúng ta là một tôn giáo tích cực giúp đỡ con cái của Thượng Đế dọc theo con đường chật và hẹp để phát triển tiềm năng trọn vẹn của họ trong cuộc sống này và trở về cùng Ngài một ngày nào đó. Nhìn từ viễn cảnh này thì việc kiên trì đến cùng là đầy tôn cao và vinh quang, chứ không phải tối tăm và ảm đạm. Đây là một tôn giáo vui vẻ, một tôn giáo của niềm hy vọng, sức mạnh và sự giải thoát. …
“Việc kiên trì đến cùng đưa đến việc ‘bền lòng làm lành’ (Rô Ma 2:7), cố gắng tuân giữ các giáo lệnh (xin xem 2 Nê Phi 31:10), và làm những công việc ngay chính (xin xem GLGƯ 59:23)”. (“Chúng Ta Không Có Lý Do để Hoan Hỷ Sao?” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 20).
Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta
Chúng ta học tập cùng nhau. Là một giảng viên, anh chị em làm nhiều hơn là chỉ cung cấp thông tin—anh chị em đang học tập cùng với những người khác trong lớp. Hãy chia sẻ với họ điều anh chị em đang làm để học hỏi từ thánh thư.