Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 13–19 tháng Bảy. An Ma 32–35: “Gieo Trồng Lời Này vào Tim Mình”


“Ngày 13–19 tháng Bảy. An Ma 32–35: ‘Gieo Trồng Lời Này vào Tim Mình,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 13–19 tháng Bảy. An Ma 32–35,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020

hạt giống trong tay đứa trẻ

Ngày 13–19 tháng Bảy

An Ma 32–35

“Gieo Trồng Lời Này vào Tim Mình”

Bất kể anh chị em đã đọc An Ma 32–35 bao nhiêu lần rồi, hãy đọc lại lần nữa khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy. Hãy mở lòng với những sự hiểu biết sâu sắc mới từ Thánh Linh.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Để giúp các thành viên trong lớp chia sẻ điều họ đã học được từ việc đọc An Ma 32–35 ở nhà, anh chị em có thể cho họ vài phút để ôn lại những chương này và viết lên bảng bất kỳ chủ đề hay đề tài nào mà họ nhận thấy. Cả lớp hãy thảo luận cùng nhau lý do tại sao những chủ đề hay đề tài này có ý nghĩa.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

An Ma 32:1–16

Chúng ta có thể chọn để khiêm nhường.

  • Để hướng dẫn một cuộc thảo luận về sự khiêm nhường như được dạy trong An Ma 32:1–16, anh chị em có thể bắt đầu bằng việc mời các thành viên trong lớp kể ra những kinh nghiệm mà có thể làm cho một người trở nên khiêm nhường (An Ma 32:2–5 cho một ví dụ). Một số thành viên trong lớp có thể sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm riêng của họ khi học cách khiêm nhường. Làm thế nào “được dẫn dắt tới sự khiêm tốn” (An Ma 32:12) có thể là một phước lành? Lời phát biểu về sự khiêm nhường trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” có thể giúp ích cho một cuộc thảo luận. Anh chị em cũng có thể đọc Giáo Lý và Giao Ước 112:10 hoặc cả lớp hát một bài thánh ca về sự khiêm nhường, như “Hãy Luôn Khiêm Nhường”.

An Ma 32:17–43; 33

Chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách gieo và nuôi dưỡng lời của Ngài trong tim mình.

  • Đôi khi chúng ta nghĩ sự thờ phượng chỉ là những điều chúng ta làm trong những khung cảnh trang trọng như trong một tòa nhà của giáo hội (xin xem An Ma 32:5, 9, 11), nhưng định nghĩa của An Ma về sự thờ phượng rộng lớn hơn nhiều. Ví dụ, ông dạy rằng việc phát triển và thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là một hình thức quan trọng của sự thờ phượng mà có thể diễn ra bên ngoài một khung cảnh trang trọng. Để giúp lớp của anh chị em hiểu nguyên tắc này, anh chị em có thể vẽ một bức tranh về một hạt giống và một cái cây lên bảng và thảo luận những câu hỏi như sau: hạt giống tượng trưng cho điều gì? (xin xem An Ma 32:28; 33:22–23). Làm thế nào chúng ta có thể gieo hạt giống—hay chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài—trong tim chúng ta và nuôi dưỡng hạt giống ấy? (xin xem An Ma 32:36–4333). Chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào mà trong đó các nỗ lực của chúng ta để noi theo Đấng Cứu Rỗi mang đến trái quý giá? Những lời giảng dạy của An Ma ảnh hưởng đến cách chúng ta thờ phượng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?

  • “Trắc nghiệm” mà An Ma mô tả để giúp dân Giô Ram phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô cũng có thể giúp chúng ta biết các nguyên tắc phúc âm khác là đúng hay không. Để giúp lớp hiểu về trắc nghiệm của An Ma, anh chị em có thể nói thế nào là một cuộc trắc nghiệm. Có thể có ai đó trong lớp đã làm một cuộc trắc nghiệm trước đây và có thể giúp giải thích. Mục đích của việc trắc nghiệm là gì? Một trắc nghiệm giống với điều An Ma đã mời người dân làm trong An Ma 32:26–36 như thế nào? Có lẽ các thành viên trong lớp có thể chia sẻ những cách thức khác nhau mà họ “đã trắc nghiệm” lời của Thượng Đế. Làm thế nào họ biết rằng “lời của Thượng Đế tốt”? (An Ma 32:28).

  • An Ma có thể nói điều gì cho một người muốn nhận được hoặc củng cố một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô? Để tìm hiểu câu hỏi này, anh chị em có thể chia lớp ra thành hai nhóm. Một nhóm có thể đọc An Ma 32:26–36 để định ra điều An Ma có thể nói với một người nào đó đang cố gắng để nhận được một chứng ngôn, và nhóm kia có thể đọc An Ma 32:36–43 để định ra điều ông có thể nói với một người nào đó có chứng ngôn bị suy yếu. Sau đó, một người từ mỗi nhóm có thể lần lượt đóng vai An Ma và diễn cách để giúp một người nhận được hoặc củng cố chứng ngôn.

An Ma 31:13–23; 33:2–11; 34:17–29

Chúng ta có thể thờ phượng Thượng Đế trong lời cầu nguyện, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

  • Anh chị em có thể giúp lớp đối chiếu những lời giảng dạy của An Ma và A Mu Léc về sự cầu nguyện và thờ phượng với những ý kiến sai lạc của dân Giô Ram. Các thành viên trong lớp có thể ôn lại An Ma 31:13–23 và liệt kê lên bảng những điều dân Giô Ram tin về sự cầu nguyện và thờ phượng. Sau đó, họ có thể tìm kiếm những lẽ thật trong An Ma 33:2–1134:17–29 mà trái ngược với những niềm tin này. Những câu này giảng dạy chúng ta điều gì về cách chúng ta có thể cải thiện những lời cầu nguyện và việc thờ phượng của mình?

  • Anh chị em có thể khuyến khích một cuộc thảo luận về sự cầu nguyện bằng cách viết những từ như Ai? Điều gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao?Như thế nào? lên bảng. Các thành viên trong lớp có thể tra cứu An Ma 33:2–1134:17–29 để tìm câu trả lời cho những câu hỏi này về sự cầu nguyện. Ví dụ, họ có thể trả lời những câu hỏi như: Chúng ta có thể cầu nguyện ở đâu? Chúng ta có thể cầu nguyện cho điều gì? Họ cũng có thể tìm câu trả lời trong một bài thánh ca về sự cầu nguyện, như “Ta Có Nhớ Nguyện Cầu?” hay “Giờ Tôi Cầu Xin”. Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện lời cầu nguyện của mình?

An Ma 34:9–17

Sự hy sinh cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi là “vô hạn và vĩnh cửu.”

  • A Mu Léc sử dụng các từ “vô hạn” và “vĩnh cửu” vài lần để mô tả sự hy sinh mà Chúa Giê Su Ky Tô đã thực hiện để chuộc tội lỗi của chúng ta. Anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp tìm những từ này trong An Ma 34:9–14 và sau đó tra cứu chúng trong từ điển. Sự hy sinh cứu chuộc của Đấng Cứu rỗi là vô hạn và vĩnh cửu trong những phương diện nào? (xin xem Hê Bơ Rơ 10:10; 2 Nê Phi 9:21; Mô Si A 3:13). Theo An Ma 34:15–17, chúng ta phải làm gì để nhận được các phước lành từ sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi? “Thực hành đức tin của mình đưa đến sự hối cải” có nghĩa là gì? (An Ma 34:17).

An Ma 34:32–35

“Các người chớ nên trì hoãn ngày hối cải của mình.”

  • Một phép so sánh như sau có thể giúp các thành viên trong lớp suy ngẫm về sự nguy hiểm của việc trì hoãn sự hối cải của chúng ta: mời họ tưởng tượng rằng họ đã nhận được lời mời tham gia một sự kiện đòi hỏi nhiều năm rèn luyện và chuẩn bị, như một cuộc thi Olympic hoặc một buổi biểu diễn âm nhạc (chọn điều gì đó có ý nghĩa với lớp của anh chị em), nhưng sự kiện này sẽ được tổ chức vào ngày mai. Thảo luận với lớp tại sao họ có thể sẽ không thành công trong sự kiện đó ngay cả khi họ dành hết thời gian còn lại trong ngày hôm nay để chuẩn bị. Ví dụ này liên hệ đến lời cảnh báo của A Mu Léc trong An Ma 34:32–35 như thế nào? Tại sao việc trì hoãn các nỗ lực của chúng ta để hối cải và thay đổi là nguy hiểm? Mời các thành viên trong lớp suy ngẫm điều họ có thể làm để “chuẩn bị cho thời vĩnh cửu” (câu 33) và lên kế hoạch để thực hiện ngay lập tức.

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học ở Nhà

Để soi dẫn các thành viên trong lớp đọc An Ma 36–38 trong tuần tới, anh chị em có thể chỉ ra rằng An Ma đã “cảm thấy phiền muộn vì sự bất chính của dân ông,” nên ông đã tụ họp các con trai của mình lại và dạy họ “những điều thuộc về sự ngay chính” (An Ma 35:15–16). Vài chương tiếp theo trong sách An Ma có một câu chuyện về những điều An Ma được soi dẫn để giảng dạy các con trai của ông.

hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Khiêm nhường có nghĩa là gì?

“Khiêm nhường là nhận ra với lòng biết ơn sự lệ thuộc của mình vào Chúa—là hiểu rằng các anh chị em luôn luôn cần đến sự hỗ trợ của Ngài. … Đó không phải là dấu hiệu yếu kém, nhút nhát, hay sợ hãi; đó là sự biểu lộ rằng các anh chị em biết sức mạnh thật sự của mình là từ đâu ra” (Trung Thành với Đức Tin [năm 2004],  trang 112).

Anh Cả Quentin L. Cook đã giải thích: “Khi chúng ta thật sự suy ngẫm về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Đấng Ky Tô Vị Nam Tử rằng Hai Ngài là ai, Hai Ngài đã thực hiện điều gì thay cho chúng ta, thì chúng ta sẽ tràn đầy sự tôn kính, sự kinh ngạc, lòng biết ơn và lòng khiêm nhường. … Lòng khiêm nhường cũng bao gồm việc biết ơn cho vô số các phước lành và sự trợ giúp thiêng liêng dành cho chúng ta. Lòng khiêm nhường không phải là một thành tích lớn lao nào đó mà có thể nhận biết hay thậm chí là việc vượt qua được thử thách nghiêm trọng nào đó. Đó là một dấu hiệu của sức mạnh thuộc linh. Đó là việc có được sự tin tưởng rằng mỗi ngày mỗi giờ, chúng ta có thể tin cậy vào Chúa, phục vụ Ngài, và đạt được các mục đích của Ngài” (“Những Việc Thường Ngày Mang Tính Vĩnh Cửu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 52, 54).

Các câu thánh thư về đức tin.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy tập trung vào thánh thư. Mặc dù có nhiều nguồn tài liệu bổ sung có thể làm phong phú thêm một cuộc thảo luận, hãy nhớ rằng thánh thư là nguồn gốc của giáo lý. Hãy giúp các thành viên trong lớp tìm kiếm lẽ thật trong thánh thư. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 21.)