“Ngày 20–26 tháng Bảy. An Ma 36–38: ‘Hướng về Thượng Đế để Sống,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 20–26 tháng Bảy. An Ma 36–38,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 20–26 tháng Bảy
An Ma 36–38
“Hướng về Thượng Đế để Sống”
Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy, hãy nhớ rằng các thành viên trong lớp có thể có những kinh nghiệm đầy ý nghĩa với An Ma 36–38. Anh chị em có thể làm gì để dựa trên những kinh nghiệm đó?
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Một cách để khuyến khích các thành viên trong lớp chia sẻ điều họ đang học trong thánh thư là chia lớp thành ba nhóm và chỉ định cho mỗi nhóm một chương từ An Ma 36–38. Mời mỗi nhóm tìm ra và chia sẻ một câu thánh thư đầy soi dẫn từ chương của họ.
Giảng Dạy Giáo Lý
Chúng ta có thể được Thượng Đế sinh ra khi chúng ta khiêm nhường và hối cải.
-
Một số thành viên trong lớp của anh chị em có thể thắc mắc tại sao họ chưa bao giờ có một kinh nghiệm cải đạo gây ấn tượng mạnh như của An Ma. Có thể có ích nếu anh chị em chia sẻ điều mà Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Đối với nhiều người chúng ta, sự cải đạo là một tiến trình tiếp diễn chứ không phải là một sự kiện chỉ xảy ra một lần mà có được từ một kinh nghiệm mạnh mẽ hoặc gây ấn tượng mạnh” (“Cải Đạo theo Chúa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 107–108). Mặc dù một số điều về kinh nghiệm cải đạo của An Ma là không thường gặp, kinh nghiệm của ông dạy những nguyên tắc mà tất cả chúng ta cần áp dụng cho sự cải đạo liên tục của mình. Anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp tra cứu An Ma 36 để tìm kiếm những nguyên tắc này và liệt kê chúng lên bảng. Có điều gì khác đã giúp chúng ta trở nên được cải đạo sâu sắc hơn nơi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô?
-
An Ma đã sử dụng cụm từ “được Thượng Đế sinh ra” để mô tả sự cải đạo của ông. Để giúp các thành viên trong lớp hiểu khái niệm này, anh chị em có thể mời họ đọc những câu sau đây riêng cá nhân hoặc theo cặp, và tìm kiếm việc được Thượng Đế sinh ra có nghĩa là gì: 1 Giăng 4:7; Mô Si A 5:7; 27:25–26; và An Ma 5:14; 22:15. Yêu cầu các thành viên trong lớp chia sẻ điều họ học được. Sau đó, họ có thể tra cứu An Ma 36, tìm kiếm những câu trả lời cho câu hỏi này: Người dân đã cảm thấy và hành động như thế nào khi họ được Thượng Đế sinh ra? Để giúp các thành viên trong lớp suy ngẫm việc họ được Thượng Đế sinh ra như thế nào, anh chị em có thể chia sẻ lời phát biểu của Chủ Tịch Ezra Taft Benson được tìm thấy trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.”
Thánh thư đã được gìn giữ “cho một mục đích thông sáng.”
-
Có lẽ việc học hỏi những lời của An Ma khi ông trao những biên sử thiêng liêng cho con trai Hê La Man của ông có thể giúp các thành viên trong lớp chia sẻ điều họ cảm thấy về quyền năng của thánh thư trong cuộc sống của họ. Khuyến khích họ ôn lại An Ma 37 để tìm kiếm những sứ điệp mà An Ma đã trao cho Hê La Man về thánh thư (đặc biệt xin xem các câu 1–19 và 43–47). Làm thế nào chúng ta cho thấy rằng thánh thư là thiêng liêng đối với mình? Làm thế nào chúng ta, giống như An Ma, có thể dạy những người thân yêu của mình để “gìn giữ tất cả những vật thiêng liêng này”? (An Ma 37:2). Làm thế nào thánh thư cho “thấy quyền năng của [Thượng Đế]” đối với chúng ta? (An Ma 37:14).
-
Một cách để biết những phước lành của việc có thánh thư là học hỏi những điều An Ma đã nói trong An Ma 37 về những biên sử và những đồ vật thiêng liêng khác mà ông đã giao phó cho Hê La Man. Anh chị em có thể liệt kê lên bảng những đồ vật thiêng liêng: những bảng khắc Nê Phi và những bảng khắc bằng đồng (An Ma 37:2–20), hai mươi bốn bảng khắc Ê The và những dụng cụ phiên dịch (An Ma 37:21–37), và quả cầu Li A Hô Na (An Ma 37:38–47). Các thành viên trong lớp có thể đọc những câu thánh thư này để biết những điều mà An Ma đã dạy về mỗi đồ vật này. Trong những phương diện nào thánh thư có thể mở rộng trí nhớ của chúng ta? (xin xem An Ma 37:8). Chúng ta có thể học được điều gì về những phước lành của việc có thánh thư trong cuộc sống của chúng ta ngày nay từ những lời của An Ma?
“Chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những chuyện lớn mới thành được.”
-
Để giảng dạy về “những chuyện nhỏ nhặt tầm thường” trong công việc của Thượng Đế, An Ma đưa ra hai ví dụ: thánh thư và quả cầu Li A Hô Na (xin xem An Ma 37:6–7, 41–42; xin xem thêm 1 Nê Phi 17:41). Sau khi ôn lại những ví dụ này, các thành viên trong lớp có thể chia sẻ những ví dụ từ cuộc sống của chính họ về những chuyện nhỏ nhặt tầm thường trong công việc của Thượng Đế. Anh chị em có thể muốn liên lạc trước với một hoặc hai thành viên trong lớp và yêu cầu họ mang đến lớp một món đồ nhỏ bé nhưng mang lại những điều lớn lao trong cuộc sống của họ. Anh chị em cũng có thể chia sẻ lời phát biểu của Chủ Tịch Dallin H. Oaks trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Để giúp các thành viên trong lớp của anh chị em cá nhân hóa nguyên tắc này, anh chị em có thể hỏi những câu hỏi như sau: Tại sao đôi khi chúng ta thất bại trong việc làm những chuyện nhỏ nhặt và tầm thường? Làm thế nào chúng ta có thể soi dẫn bản thân và gia đình mình để vượt qua khuynh hướng này?
Những lời của Đấng Ky Tô có thể dẫn dắt chúng ta từng ngày.
-
Việc so sánh lời của Thượng Đế với quả cầu Li A Hô Na có thể soi dẫn các thành viên trong lớp trở nên siêng năng và kiên định hơn để đọc thánh thư. Để hướng dẫn một cuộc thảo luận về điều này, anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp để đọc An Ma 37:38–47 theo cặp, tìm kiếm những điều giống nhau giữa quả cầu Li A Hô Na và lời của Thượng Đế. Anh chị em có thể thử thách họ tìm một điều giống nhau trong mỗi câu. Rồi anh chị em có thể viết số của mỗi câu lên bảng và yêu cầu các thành viên trong lớp viết những điều giống nhau mà họ tìm được bên cạnh các số của câu. Lối so sánh này gợi ý gì về cách mà chúng ta nên học thánh thư?
Chia sẻ chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô có thể củng cố những người chúng ta yêu thương.
-
Những lời của An Ma nói với con trai Síp Lân của ông có thể cho thấy một ví dụ tốt về cách củng cố và khuyến khích những người chúng ta yêu thương trong việc sống theo phúc âm. Các thành viên trong lớp có thể đọc chương này và nhận ra cách mà An Ma củng cố Síp Lân. An Ma 38 rất ngắn—anh chị em có thể quyết định để cho cả lớp cùng đọc chương đó. Sau đó, các thành viên trong lớp có thể chia sẻ những đoạn mà họ thấy có ý nghĩa hoặc cho họ những ý kiến về việc củng cố các thành viên trong gia đình hay bạn bè của chính họ.
Khuyến Khích Việc Học ở Nhà
Có bao giờ các thành viên trong lớp tự hỏi về cách để khuyên bảo một người thân yêu đã gây ra một lỗi lầm nghiêm trọng chưa? Hãy giải thích rằng họ có thể tìm thấy những hiểu biết sâu sắc hữu ích trong An Ma 39–42.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Sự cải đạo giống như được sinh lại.
Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy: “Khi chúng ta đã trải qua sự thay đổi mạnh mẽ này, điều này chỉ được mang lại qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và qua sự tác động của Thánh Linh trên chúng ta, như thể chúng ta đã trở thành một người mới. Do đó, sự thay đổi được ví như một lần sinh lại. Hàng ngàn các anh chị em đã có kinh nghiệm về sự thay đổi này. Anh chị em đã từ bỏ cuộc sống tội lỗi, đôi khi tội lỗi nghiêm trọng và ghê gớm, và thông qua việc áp dụng huyết của Đấng Ky Tô trong cuộc sống của anh chị em, đã trở nên trong sạch. Anh chị em không có ý định trở lại lề thói cũ của mình. Anh chị em thực sự là một người mới. Đây là ý nghĩa của một sự thay đổi trong lòng” (“A Mighty Change of Heart (Một Sự Thay Đổi Mạnh Mẽ Trong Lòng),” Ensign, tháng Mười năm 1989, trang 4).
Những Chuyện Nhỏ Nhặt và Tầm Thường.
Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy:
“Tôi được nhắc nhở về sức mạnh của những điều nhỏ nhặt tầm thường qua thời gian bởi điều tôi đã thấy trong một lần đi bộ buổi sáng nọ. … Vỉa hè bê tông dày và kiên cố đang nứt ra. Đây có phải là kết quả của một lực đẩy lớn và mạnh chăng? Không, vết nứt này là do sự phát triển từ từ, chậm rãi của một nhánh rễ vươn ra từ cái cây gần bên gây ra. …
“Sức ảnh hưởng qua thời gian của những điều nhỏ nhặt tầm thường chúng ta được giảng dạy trong thánh thư và bởi các vị tiên tri tại thế cũng vậy. Hãy xem xét việc học tập thánh thư chúng ta được giảng dạy phải kết hợp vào cuộc sống hằng ngày của mình. Hoặc hãy xem xét những lời cầu nguyện cá nhân và những lời cầu nguyện chung khi cả gia đình cùng quỳ xuống mà đã trở thành những sinh hoạt thường ngày đối với các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín. … Mặc dù mỗi một hành động này dường như có vẻ nhỏ nhặt tầm thường, nhưng qua thời gian chúng sẽ dẫn đến sự tiến triển và phát triển mạnh mẽ về mặt thuộc linh. Điều này xảy ra bởi vì mỗi một hành động nhỏ nhặt tầm thường này mời gọi sự đồng hành của Đức Thánh Linh, là Đấng Làm Chứng sẽ khai sáng chúng ta và hướng dẫn chúng ta đến lẽ thật” (“Những Chuyện Nhỏ Nhặt Tầm Thường,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 90).