“Ngày 14–20 tháng Một. Lu Ca 2; Ma Thi Ơ 2: Chúng Ta Đến Để Thờ Phượng Ngài,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)
“Ngày 14–20 tháng Một. “Lu Ca 2; Ma Thi Ơ 2,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2019
Ngày 14–20 tháng Một
Lu Ca 2; Ma Thi Ơ 2
Chúng Ta Đến Để Thờ Phượng Ngài
Trước khi anh chị em đọc những ý kiến trong đại cương này, hãy học Lu Ca 2 và Ma Thi Ơ 2, và ghi lại những ấn tượng thuộc linh của mình. Việc này sẽ giúp anh chị em nhận được sự mặc khải về cách tốt nhất để đáp ứng các nhu cầu của lớp học.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Làm thế nào anh chị em có thể khuyến khích các học viên chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm mà họ đã có trong tuần vừa qua khi học tập thánh thư riêng cá nhân và chung với gia đình họ? Mặc dù họ có lẽ đã quen thuộc với câu chuyện về sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi, nhưng họ vẫn có thể luôn luôn đạt được sự hiểu biết thuộc linh mới. Hãy cân nhắc việc mời một vài học viên chia sẻ một sứ điệp họ đã tìm thấy trong Lu Ca 2 hoặc Ma Thi Ơ 2 mà đã gây ấn tượng cho họ theo một cách mới.
Giảng Dạy Giáo Lý
Có nhiều người làm chứng về sự giáng sinh của Đấng Ky Tô.
-
Các câu chuyện từ những người thờ phượng Ngài mà đã trực tiếp chứng kiến sự giáng sinh của Ngài trong Lu Ca 2 và Ma Thi Ơ 2 có thể giúp các học viên suy ngẫm về những cách họ cho thấy tình yêu thương dành cho Đấng Cứu Rỗi. Hãy ôn lại biểu đồ trong đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Cá Nhân và Gia Đình. Một số học viên trong lớp có thể có những hiểu biết để chia sẻ từ sinh hoạt này, hoặc anh chị em có thể thực hiện sinh hoạt này cùng cả lớp. Tại sao là điều quan trọng rằng những nhân chứng này về Đấng Ky Tô đến từ các tầng lớp xã hội khác nhau? Làm thế nào chúng ta có thể noi theo các tấm gương của họ?
-
Trước khi những nhân chứng này thờ phượng hài nhi Ky Tô, họ đã tìm kiếm Ngài. Để giúp các học viên học hỏi từ tấm gương của họ, anh chị em có thể viết lên trên bảng những tiêu đề sau đây: Những Người Chăn Chiên, An Ne, Si Mê Ôn, và Những Nhà Thông Thái. Rồi mời các học viên tìm trong Lu Ca 2 và Ma Thi Ơ 2 rồi viết lên trên bảng điều những người này đã làm để tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi. Các câu chuyện này nói lên điều gì về một số cách thức giúp chúng ta có thể tìm kiếm Đấng Ky Tô?
-
Liệu một bài học với đồ vật sẽ soi dẫn cho các học viên của anh chị em dành chỗ trong cuộc sống của họ cho Đấng Cứu Rỗi? Hãy cân nhắc ý kiến sau đây: Mang một lọ thủy tinh đến lớp, và sau khi cùng nhau ôn lại Lu Ca 2:7, hãy yêu cầu các học viên đổ đầy lọ bằng các thứ khác nhau mà tượng trưng cho cách chúng ta sử dụng thời giờ của mình. Khi lọ đầy, hãy mời một học viên cố gắng bỏ vào một tấm hình của Đấng Cứu Rỗi. Phép so sánh này nói lên điều gì về việc dành chỗ trong cuộc sống chúng ta cho Đấng Cứu Rỗi? Chúng ta có thể làm gì khác đi để có chỗ cho Ngài? Lời phát biểu của Chủ Tịch Thomas S. Monson trong phần “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” có thể giúp trả lời câu hỏi này.
Các bậc cha mẹ có thể nhận được sự mặc khải để bảo vệ gia đình họ.
-
Một bài học từ việc Giô Sép và Ma Ri trốn chạy đến Ai Cập là Chúa có thể ban cho sự mặc khải để giúp các bậc cha mẹ bảo vệ gia đình khỏi mối nguy hiểm. Để tạo cảm hứng cho cuộc thảo luận về điều này, hãy cân nhắc việc mời các học viên liệt kê trên bảng một số mối nguy hiểm mà các gia đình đang đối mặt ngày nay. Chúng ta học được điều gì từ Ma Thi Ơ 2:13–23 về cách bảo vệ gia đình và bản thân chúng ta khỏi những mối nguy hiểm đó? Sự mặc khải cá nhân đã giúp chúng ta bảo vệ gia đình mình hoặc những người thân yêu khỏi mối nguy hiểm như thế nào? Các vị tiên tri và sứ đồ đã đưa ra lời khuyên dạy nào để giúp chúng ta bảo vệ gia đình mình?
-
Trong cuộc thảo luận này, anh chị em có thể mời các học viên cùng nhau hát bài “Giờ Có Mến Yêu Trong Nhà Tôi,” Thánh Ca và các Bài Ca Thiếu Nhi, số 44, hoặc một bài ca khác về gia đình. Bài ca này dạy gì về điều các bậc cha mẹ có thể làm đặng sống xứng đáng với sự mặc khải để dẫn dắt gia đình?
Ngay cả khi còn niên thiếu, Chúa Giê Su đã tập trung làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng.
-
Câu chuyện về Chúa Giê Su giảng dạy trong đền thờ khi Ngài chỉ mới 12 tuổi có thể là một điều mạnh mẽ một cách đặc biệt đối với giới trẻ là những người đang băn khoăn về việc họ có thể đóng góp gì cho công việc của Thượng Đế. Anh chị em có thể chia lớp học thành các cặp để đọc Lu Ca 2:40–52 cùng nhau (xin xem sự hiểu biết sâu sắc từ Bản Dịch Joseph Smith của Lu Ca 2:46 trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư). Mỗi cặp có thể dành ra vài phút để chia sẻ với nhau điều đã soi dẫn họ trong câu chuyện này. Chúng ta có những cơ hội nào để chia sẻ điều chúng ta biết về phúc âm? Chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào?
-
Nếu đang giảng dạy cho người lớn, câu chuyện này có thể là một cơ hội để thảo luận cách giúp cho giới trẻ đạt được tiềm năng của họ. Một học viên có thể tóm tắt câu chuyện trong Lu Ca 2:40–52, và cả lớp có thể thảo luận về việc những sự kiện này ảnh hưởng như thế nào đến cách họ nhìn vào giới trẻ của Giáo Hội. Chúng ta có thể cho giới trẻ các cơ hội nào để tham gia vào “công việc của Cha Thiên Thượng” như điều Chúa Giê Su đã làm? (Lu Ca 2:49). Có khi nào chúng ta sửng sốt trước sự hiểu biết thuộc linh được chia sẻ bởi một thiếu niên hoặc một đứa trẻ không? Những lời này từ Chủ Tịch Henry B. Eyring có thể được đưa vào cuộc thảo luận này: “Khi một [em trai] nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn nói chuyện, … tôi luôn luôn kỳ vọng rằng tôi sẽ nghe được lời của Thượng Đế. Tôi hiếm khi cảm thấy thất vọng và thường ngạc nhiên” (“Để Kẻ Ấy Cũng Có Thể Trở Nên Mạnh Mẽ,”Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 77).
-
Các câu Lu Ca 2:40–52 dạy cho chúng ta điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô ở tuổi niên thiếu? Mẫu mực cho sự tăng trưởng cá nhân được gợi ý trong Lu Ca 2:52 có thể soi dẫn một cuộc thảo luận về điều chúng ta đang làm để trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn. Anh chị em có thể đề nghị các học viên suy ngẫm cách họ đang gia tăng sự khôn ngoan (về mặt trí tuệ), vóc dáng (về mặt thể chất), thuận theo Thượng Đế (về mặt thuộc linh), và thuận với những người khác (về mặt xã hội). Họ thậm chí có thể đặt ra mục tiêu cho một hoặc nhiều mặt này.
Khuyến Khích Học Hỏi tại Nhà
Để giúp các học viên chuẩn bị để thảo luận Giăng 1 vào tuần tới, hãy yêu cầu họ ghi chú lại mọi chỗ trong chương đó mà có người làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Tiến trình để tìm kiếm Đấng Ky Tô.
Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy:
“Tiến trình để tìm kiếm Chúa Giê Su đã và sẽ luôn luôn như vậy—lời cầu nguyện khẩn thiết nhất và chân thành nhất từ một tấm lòng khiêm nhường và thanh khiết. …
“Trước khi có thể thành công khi thực hiện việc tìm kiếm cá nhân để tìm thấy Chúa Giê Su, chúng ta phải trước nhất chuẩn bị thời gian cho Ngài trong cuộc sống của chúng ta và chỗ cho Ngài trong lòng mình. Trong những ngày bận rộn này có nhiều người có thời gian để đánh gôn, thời gian cho việc mua sắm, thời gian cho công việc làm, thời gian để vui chơi—nhưng không có thời gian dành cho Đấng Ky Tô.
“Những mái nhà đáng yêu mọc lên khắp nơi và mang lại chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ vui chơi, chỗ may vá, chỗ xem ti vi, nhưng không có chỗ cho Đấng Ky Tô.
“Chúng ta có cảm thấy hối hận trong lương tâm khi nhớ lại lời do chính Ngài đã phán ra không: ‘Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu.’ (Ma Thi Ơ 8:20.) Hoặc chúng ta có cảm thấy xấu hổ khi nhớ rằng: ‘Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở.’ (Lu Ca 2:7.) Không có chỗ. Không có chỗ. Không có chỗ. Luôn luôn là như vậy.
“Khi chúng ta thực hiện việc tìm kiếm cá nhân để tìm thấy Chúa Giê Su, được giúp đỡ và chỉ dẫn bởi nguyên tắc của lời cầu nguyện, thì nguyên tắc cơ bản là chúng ta phải có một khái niệm rõ ràng về Ngài, là Đấng mà chúng ta đang tìm kiếm. Các mục đồng thời xưa đã tìm kiếm hài nhi Giê Su. Nhưng chúng ta tìm kiếm Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Người Anh Cả của chúng ta, Đấng Biện Hộ cho chúng ta trước Đức Chúa Cha, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Cội Rễ của sự cứu rỗi của chúng ta, Ngài là Đấng từ lúc khởi đầu đã ở cùng Đức Chúa Cha; Ngài là Đấng đã tự nhận lấy các tội lỗi của thế gian và đã rất sẵn lòng chết để chúng ta có thể được sống mãi mãi. Đây là Chúa Giê Su mà chúng ta tìm kiếm” (“The Search for Jesus,” Ensign, Dec. 1990, 4–5).
Tranh ảnh về sự giáng sinh của Đấng Ky Tô.
Hãy xem xét cách mà tranh ảnh có thể giúp nâng cao cuộc thảo luận về sự giáng sinh của Đấng Ky Tô. (Để có các ví dụ, xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm hoặc history.lds.org/exhibit/birth-of-christ.)