“Ngày 21–27 tháng Một. Giăng 1: Chúng Ta Đã Tìm Được Đấng Mê Si,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)
“Ngày 21–27 tháng Một. Giăng 1,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2019
Ngày 21–27 tháng Một
Giăng 1
Chúng Ta Đã Tìm Được Đấng Mê Si
Trước khi anh chị em đọc bất kỳ tài liệu bổ sung nào, xin đọc và suy ngẫm Giăng 1, và ghi lại những ấn tượng thuộc linh mà anh chị em nhận được. Điều này sẽ mời Thánh Linh vào sự chuẩn bị của anh chị em. Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình và những ý kiến sau đây có thể giúp anh chị em soi dẫn cho các học viên trong lớp để hiểu và áp dụng giáo lý trong chương này.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Để giúp các học viên chia sẻ điều họ đang học, anh chị em có thể yêu cầu họ viết những câu hỏi, nhận xét, hoặc những hiểu biết sâu sắc từ phần đọc của họ lên trên các mảnh giấy và bỏ vào một hộp đựng. Rút ngẫu nhiên các mảnh giấy này ra khỏi hộp để thảo luận với cả lớp.
Giảng Dạy Giáo Lý
Chúa Giê Su Ky Tô “ban đầu [đã] ở cùng Đức Chúa Trời.”
-
Giăng bắt đầu chứng ngôn của mình về Đấng Ky Tô bằng cách làm chứng về các vai trò của Đấng Cứu Rỗi trước khi Ngài giáng sinh. Giăng đã dạy gì về Đấng Ky Tô ở tiền dương thế? Tại sao là quan trọng để biết các vai trò ở tiền dương thế của Đấng Ky Tô? Có thể hữu ích để viết các câu hỏi này lên trên bảng và yêu cầu các học viên tìm những câu trả lời trong Giăng 1:1–5 (xin xem thêm Bản Dịch Joseph Smith, Giăng 1:1–5 [có trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư]) và câu phát biểu của Anh Cả James E. Talmage có trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Có những câu thánh thư tham khảo nào khác dạy thêm về Đấng Ky Tô ở tiền dương thế mà các học viên có thể chia sẻ không? (Để có các ví dụ, xin xem “Chúa Giê Su Ky Tô, Cuộc Sống Tiền Dương Thế của Chúa Giê Su Ky Tô” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.) Cùng với cả lớp, anh chị em cũng có thể ôn lại “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ” (Liahona, tháng Tư năm 2000, trang 2).
-
Nếu thích sử dụng những câu thánh thư này khi nói về những vật sáng tạo của Chúa, thì anh chị em có thể đọc Giăng 1:3 và cho xem các bức tranh vẽ về vẻ đẹp của trái đất. Anh chị em có thể cho xem video “Our Home” (Nhà của Chúng Ta) (lds.org/topics/environmental-stewardship-and-conservation). Mời các học viên chia sẻ về cách thức mà những vật sáng tạo của Đấng Cứu Rỗi giúp họ cảm nhận được tình yêu thương của Ngài.
Chúa Giê Su Ky Tô là Sự Sáng.
-
Ánh sáng vật lý có thể giúp chúng ta hiểu về biểu tượng của ánh sáng thuộc linh. Anh chị em có thể minh họa biểu tượng này bằng cách nào cho lớp học? Anh chị em có thể tắt đèn trong phòng và bật đèn pin để cho thấy sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Rồi yêu cầu các học viên tìm mọi ví dụ của từ ánh sáng trong Giăng 1:1–14, và mời họ chia sẻ cách thức mà Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài cung cấp ánh sáng thuộc linh cho cuộc sống của họ. Các học viên đã có kinh nghiệm gì với ánh sáng của Ngài? Trong cuộc thảo luận, anh chị em có thể muốn họ đọc thêm về Ánh Sáng của Đấng Ky Tô trong Giáo Lý và Giao Ước 84:45–46; 88:11–13, hoặc anh chị em có thể cho họ tham khảo “Ánh Sáng của Đấng Ky Tô” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Bằng cách nào chúng ta có thể là một ánh sáng cho thế gian?
-
Bởi vì Giăng 1:1–14 được viết bằng ngôn ngữ biểu tượng, nên có thể khó hiểu. Một cách giúp cho các học viên hiểu chứng ngôn của Giăng là mời họ liệt kê những từ và cụm từ được lặp đi lặp lại trong những câu này và chia sẻ xem mỗi từ hoặc cụm từ đó dạy cho chúng ta điều gì về Đấng Cứu Rỗi.
-
Đây là một cách để giúp các học viên tham gia thảo luận những câu này: Hãy trưng bày một vài bức tranh (gồm có một bức từ đại cương tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình) vẽ về những khía cạnh trong cuộc sống và sứ mệnh thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô. Mời các học viên tìm kiếm trong Giăng 1:1–14 các từ và cụm từ mà có thể được dùng làm tựa đề cho các bức tranh này.
Chúng ta có thể có được lời chứng của chính mình về Đấng Cứu Rỗi và rồi mời những người khác ″hãy đến xem.”
-
Trong Giăng 1, lời mời “hãy đến xem” xuất hiện hai lần (xin xem các câu 39, 46). Chúng ta có thể không có cơ hội để trông thấy Đấng Cứu Rỗi bằng xương bằng thịt như Anh Rê và Na Tha Na Ên đã trông thấy, nhưng chúng ta vẫn có thể đáp ứng với cùng lời mời đó. Anh chị em có thể hỏi các học viên nghĩ gì về ý nghĩa của lời mời “hãy đến xem” ngày nay và ý nghĩa của việc chia sẻ kinh nghiệm của chính họ về cách có được một chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi.
-
Để mở đầu cho cuộc thảo luận về những câu này, cân nhắc việc yêu cầu các học viên chia sẻ những câu chuyện về cách họ đã giới thiệu phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với những người khác. Họ đã mời ai “hãy đến xem”? Chúng ta học được gì từ Anh Rê và Phi Líp về việc chia sẻ chứng ngôn của chúng ta về Đấng Ky Tô?
-
Đôi khi người ta không chia sẻ phúc âm bởi vì họ thấy rằng việc đó đáng sợ hoặc phức tạp. Các câu chuyện trong Giăng 1:35–51 cho thấy rằng việc chia sẻ phúc âm có thể đơn giản và tự nhiên. Anh chị em có thể yêu cầu các học viên đọc những câu này và thảo luận cách họ có thể sử dụng những lời này để giúp một ai đó đang sợ phải chia sẻ phúc âm. Họ có thể sử dụng câu trích dẫn từ Anh Cả Neil L. Andersen trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” để có thêm ý kiến. (Xin xem thêm video “Good Things to Share” (Những Điều Tốt để Chia Sẻ) trên trang mạng LDS.org.)
Khuyến Khích Học Hỏi tại Nhà
Để khuyến khích các học viên học Ma Thi Ơ 3, Mác 1, và Lu Ca 3, anh chị em có thể đề nghị họ suy nghĩ về một người nào đó họ muốn giúp mang đến Đấng Ky Tô. Hãy nói với họ rằng trong những chương này họ sẽ đọc về một vị tiên tri người mà sứ mệnh là chuẩn bị cho mọi người tiếp nhận Đấng Cứu Rỗi.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Chúa Giê Su Ky Tô đã ở cùng Đức Chúa Cha từ lúc ban đầu.
Anh Cả James E. Talmage đã dạy rằng: “Ngôi Lời là Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã ở cùng Đức Chúa Cha từ lúc ban đầu và là Đấng đã được trao cho quyền năng và cấp bậc địa vị Thượng Đế, và Ngài đã đến thế gian và ở giữa loài người, tất cả những điều này đều được khẳng định chắc chắn. Những câu này được xác nhận qua một sự mặc khải được ban cho Môi Se, trong đó ông đã được phép nhìn thấy nhiều vật sáng tạo của Thượng Đế, và nghe tiếng nói của Đức Chúa Cha về những vật đã được tạo ra: ‘Và bằng lời nói của quyền năng ta, ta đã sáng tạo ra chúng, đó là Con Độc Sinh của ta, là Đấng đầy ân điển và lẽ thật’ [Môi Se 1:32, 33]” (Jesus the Christ, 3rd ed. [1916], 10).
Chúng ta có thể mời những người khác “hãy đến xem.”
Anh Cả Neil L. Andersen đã dạy rằng:
“Đấng Cứu Rỗi đã dạy chúng ta cách chia sẻ phúc âm. Tôi thích câu chuyện về Anh Rê là người đã hỏi: ‘Thầy ở đâu?’ [Giăng 1:38]. Chúa Giê Su có thể đã trả lời với địa điểm nơi Ngài ở. Nhưng thay vì thế, Ngài phán cùng Anh Rê rằng: ‘Hãy đến xem.’ [Giăng 1:39]. Tôi thích nghĩ rằng Đấng Cứu Rỗi đã phán: ‘Hãy đến xem không những nơi ta sống mà cách ta sống nữa. Hãy đến xem ta là ai. Hãy đến cảm nhận Thánh Linh.’ Chúng ta không biết mọi điều về cái ngày đó, nhưng chúng ta quả thật biết rằng khi Anh Rê tìm ra anh của mình là Si Môn, thì ông nói: ‘Chúng ta đã gặp Đấng Ky Tô.’ [Giăng 1:41].
“Đối với những người tỏ ra thích thú trong các cuộc chuyện trò của mình, thì chúng ta có thể noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi bằng cách mời họ ‘hãy đến xem.’ Một số người sẽ chấp nhận lời mời của chúng ta và những người khác thì không. Chúng ta đều biết một người nào đó đã được mời tham gia vài lần trước khi chấp nhận một lời mời ‘hãy đến xem.’ Chúng ta cũng hãy nghĩ về những người đã từng nhóm họp với chúng ta, nhưng bây giờ chúng ta ít khi thấy họ, hãy mời họ trở lại và đến xem một lần nữa. …
“Đối với những người sử dụng Internet và điện thoại di động, thì có những cách mới để mời những người khác ‘hãy đến xem.’ Chúng ta nên làm cho việc chia sẻ đức tin trực tuyến của chúng ta thành một phần của cuộc sống hằng ngày của mình”(“Đó Là một Phép Lạ,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 79).
Âm nhạc có thể dạy cho chúng ta về Đấng Ky Tô.