“Ngày 10–16 tháng Sáu. Ma Thi Ơ 26; Mác 14; Lu Ca 22; Giăng 18: ‘Không theo Ý Muốn Con, mà theo Ý Muốn Cha’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)
“Ngày 10–16 tháng Sáu. Ma Thi Ơ 26; Mác 14; Lu Ca 22; Giăng 18,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2019
Ngày 10–16 tháng Sáu
Ma Thi Ơ 26; Mác 14; Lu Ca 22; Giăng 18
“Không theo Ý Muốn Con, mà theo Ý Muốn Cha”
Hãy đọc Ma Thi Ơ 26; Mác 14; Lu Ca 22; và Giăng 18, và suy ngẫm về các ý nghĩ và ấn tượng đến với tâm trí của anh chị em. Các học viên của anh chị em cần phải học những sứ điệp nào?
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Mời các học viên chia sẻ một điều nào đó họ đã học tuần này mà giúp họ tìm được nhiều ý nghĩa hơn trong lễ Tiệc Thánh. Họ đã làm gì và điều đó đã ảnh hưởng như thế nào đến kinh nghiệm dự phần Tiệc Thánh của họ?
Giảng Dạy Giáo Lý
Ma Thi Ơ 26:26–29; Lu Ca 22:19–20
Lễ Tiệc Thánh là một cơ hội để luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi.
-
Tại sao Đấng Cứu Rỗi đã thiết lập Tiệc Thánh? Tại sao chúng ta dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần? Những câu trả lời khả dĩ nào các học viên có thể tìm thấy trong Ma Thi Ơ 26:26–29; Lu Ca 22:7–20; Giáo Lý và Giao Ước 20:75–79; và Trung Thành với Đức Tin, trang 147–149? Ví dụ, Trung Thành với Đức Tin dạy rằng Tiệc Thánh tưởng niệm sự hy sinh của Đấng Ky Tô, mà đã làm cho trọn luật pháp Môi Se. Anh chị em cũng có thể muốn đọc những lời cầu nguyện Tiệc Thánh cùng cả lớp và yêu cầu các học viên nhận ra những giao ước chúng ta lập với tính cách làmột phần của giáo lễ. Bằng cách nào chúng ta có thể giúp một người nào khác hiểu ý nghĩa của những cam kết này? Làm thế nào việc tham dự lễ Tiệc Thánh của chúng ta ảnh hưởng đến những lựa chọn của chúng ta trong suốt tuần?
-
Các học viên rất có thể sẽ được lợi từ việc nghe các ý kiến lẫn nhau về cách để tưởng nhớ Đấng Cứu Rỗi trong suốt buổi lễ Tiệc Thánh và trong suốt tuần (xin xem GLGƯ 6:36–37). Có lẽ anh chị em có thể mời họ chia sẻ điều đã giúp họ và gia đình tưởng nhớ Đấng Cứu Rỗi và giữ các giao ước của mình. Những câu thánh thư nào từ bài đọc tuần này giúp củng cố sự tôn kính của chúng ta dành cho Tiệc Thánh? Để có những ý nghĩ về cách tưởng nhớ Đấng Cứu Rỗi, xin xem Gerrit W. Gong, “Luôn Luôn Tưởng Nhớ Tới Ngài” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 108-111.
-
Cuộc thảo luận này có thể là một cơ hội tốt để tìm hiểu cùng các học viên ý nghĩa biểu tượng của lễ Tiệc Thánh. Làm thế nào những biểu tượng này giúp chúng ta tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong suốt giáo lễ? Những biểu tượng này dạy chúng ta điều gì về Ngài và mối quan hệ của chúng ta với Ngài?
-
Vào phần cuối của cuộc thảo luận về lễ Tiệc Thánh, anh chị em có thể cho các học viên một vài giây phút suy ngẫm và viết xuống điều họ cảm thấy được soi dẫn để làm khi chuẩn bị cho Tiệc Thánh tuần tới. Để thêm vào tinh thần cho kinh nghiệm này, cân nhắc việc mở một bài thánh ca Tiệc Thánh trong khi các học viên đang suy ngẫm.
Chúng ta trở nên giống Chúa Giê Su Ky Tô hơn khi chúng ta chọn để tuân phục theo ý muốn của Cha Thiên Thượng.
-
Tấm gương của Đấng Cứu Rỗi về việc tuân phục theo ý muốn của Cha Thiên Thượng có thể giúp các học viên khi họ cần làm giống như vậy. Để bắt đầu cuộc thảo luận, anh chị em có thể mời từng học viên chia sẻ lúc họ tuân phục theo điều họ biết Thượng Đế muốn họ làm. Điều gì đã thúc đẩy họ làm những việc này? Mời lớp học đọc Ma Thi Ơ 26:36–42 và suy ngẫm tại sao Đấng Cứu Rỗi sẵn lòng tuân phục theo ý muốn của Cha Ngài. Làm thế nào việc tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế cuối cùng có thể ban phước cho chúng ta?
-
Để khám phá nguyên tắc của việc tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế, anh chị em có thể yêu cầu một nửa lớp đọc Mô Si A 3:19 và nửa còn lại đọc 3 Nê Phi 9:20. Những câu này dạy gì về ý nghĩa của việc trở nên tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế? Chúng ta tuân phục bằng cách nào? Các học viên có thể suy ngẫm cách họ có thể tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế trong tuần tới. Lời phát biểu của Anh Cả Neal A. Maxwell trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” cũng có thể bổ sung cho cuộc thảo luận của anh chị em.
Chúng ta phải xem xét cuộc sống của chính mình để quyết định cách áp dụng lời của Chúa cho chúng ta.
-
Chúng ta nghe nhiều bài học phúc âm trong cuộc sống, nhưng đôi khi bị cám dỗ để cho rằng những bài học đó chủ yếu dành cho những người khác. Một cuộc thảo luận về Ma Thi Ơ 26 có thể giúp chúng ta khắc phục khuynh hướng này. Để bắt đầu cuộc trò chuyện này, anh chị em có thể chia lớp học thành các cặp và yêu cầu một người trong mỗi cặp đọc Ma Thi Ơ 26:20–22 trong khi người còn lại đọc các câu 31–35. Mời họ so sánh sự khác nhau trong những lời đáp của các môn đồ trong hai câu chuyện này. Chúng ta có thể học được những bài học nào từ cách các môn đồ đáp lại những lời của Đấng Cứu Rỗi dành cho chính họ? Để học hỏi nhiều hơn, xin xem phần tham khảo của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf cho Ma Thi Ơ 26:21–22 trong sứ điệp của ông “Lạy Chúa, Có Phải Tôi Không?” (Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 56–59).
Chúa Giê Su Ky Tô thực hiện một sự Chuộc Tội vô hạn cho chúng ta.
-
Cân nhắc việc mời các học viên chia sẻ những hiểu biết sâu sắc họ đã tìm được về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô khi học tập riêng cá nhân hoặc chung với gia đình.
-
Ma Thi Ơ 26 mô tả điều đã xảy ra trong vườn Ghết Sê Ma Nê, nhưng các học viên có hiểu được tầm quan trọng của sự kiện đó trong cuộc đời họ không? Để giúp họ, có lẽ anh chị em có thể viết lên trên bảng các câu hỏi như Điều gì đã xảy ra trong vườn Ghết Sê Ma Nê? và Tại sao điều đó quan trọng đối với tôi? Các học viên có thể làm riêng hoặc trong các nhóm nhỏ để tìm câu trả lời trong Ma Thi Ơ 26:36–46; An Ma 7:11–13; và Giáo Lý và Giao Ước 19:16–19. Họ cũng có thể tìm câu trả lời trong sứ điệp của Anh Cả C. Scott Grow “Phép Lạ của Sự Chuộc Tội” (Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 108–110).
-
Trong Sách Mặc Môn, Gia Cốp gọi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là “một sự chuộc tội vô hạn” (2 Nê Phi 9:7). Để giúp các học viên hiểu ý nghĩa của điều này, anh chị em có thể chia sẻ lời dạy của Chủ Tịch Russell M. Nelson trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” và yêu cầu các học viên liệt kê những cách mà ảnh hưởng của sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi có thể được coi là vô hạn. Họ cũng có thể đọc các câu thánh thư sau đây và bổ sung vào bản liệt kê của mình: Hê Bơ Rơ 10:10; An Ma 34:10–14; Giáo Lý và Giao Ước 76:24; và Môi Se 1:33. Làm thế nào chúng ta bày tỏ lòng biết ơn về điều Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng ta?
Khuyến Khích Học Hỏi tại Nhà
Để tạo cảm hứng cho các học viên tiếp tục đọc, anh chị em có thể hỏi họ có biết bảy điều Chúa Giê Su đã nói trong khi Ngài ở trên cây thập tự không. Nói cho họ biết họ sẽ tìm ra điều Đấng Cứu Rỗi đã nói bằng cách đọc Ma Thi Ơ 27; Mác 15; Lu Ca 23; và Giăng 19.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Các video Kinh Thánh (LDS.org).
“The Last Supper” (Bữa Ăn Tối Cuối Cùng), “The Savior Suffers in Gethsemane” (Đấng Cứu Rỗi Chịu Đau Đớn trong vườn Ghết Sê Ma Nê)
Tuân phục theo ý muốn của Đức Chúa Cha.
Anh Cả Neal A. Maxwell đã dạy: “Khi anh chị em tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế, anh chị em đang dâng cho Ngài điều duy nhất anh chị em có thể thật sự dâng cho Ngài mà thuộc về các anh chị em. Đừng đợi quá lâu để tìm ra bàn thờ hoặc để bắt đầu đặt món quà ý muốn của anh chị em lên trên đó!” (“Hãy Ghi Nhớ Chúa Đã Giàu Lòng Thương Xót Biết Bao,” Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 46).
Sự Chuộc Tội vô hạn.
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:
“Sự Chuộc Tội của [Chúa Giê Su Ky Tô] là vô hạn—không có sự kết thúc. Sự Chuộc Tội này cũng vô hạn trong ý nghĩa rằng tất cả nhân loại sẽ được cứu rỗi khỏi cái chết không bao giờ kết thúc. Sự Chuộc Tội này là vô hạn về phương diện nỗi đau khổ mãnh liệt của Ngài. Sự Chuộc Tội này là vô hạn về thời gian, trong việc chấm dứt tục dâng của lễ thiêu con vật trước đó. Sự Chuộc Tội này là vô hạn trong phạm vi—Sự Chuộc Tội được thực hiện một lần cho tất cả mọi người. Và lòng thương xót của Sự Chuộc Tội không những dành cho vô số người, mà còn cho vô số thế giới do Ngài tạo ra nữa. Sự Chuộc Tội là vô hạn vượt quá bất cứ thang đo lường nào của nhân loại hoặc sự thấu hiểu nào của người trần thế.
“Chúa Giê Su là Đấng duy nhất có thể ban cho một sự chuộc tội vô hạn như vậy, vì Ngài được sinh ra bởi một người mẹ trần thế và một Đức Chúa Cha bất diệt. Nhờ vào quyền thừa kế độc nhất vô nhị ấy mà Chúa Giê Su là một Đấng vô hạn” (“The Atonement,” Ensign, Nov. 1996, 35).
Chủ Tịch Heber J. Grant đã dạy rằng: “Không chỉ Chúa Giê Su đến với tư cách là một món quà cho vạn vật, mà Ngài còn đến với tư cách là một của lễ cho từng cá nhân. … Vì mỗi người chúng ta Ngài đã chết trên Thập Tự Giá và máu của Ngài sẽ cứu chúng ta một cách có điều kiện. Không phải cho cả một quốc gia, cộng đồng hoặc đoàn thể, nhưng cho các cá nhân” (“A Marvelous Growth,” Juvenile Instructor, Dec. 1929, 697).