“Ngày 4–10 tháng Mười Một. Hê Bơ Rơ 1–6: ‘Chúa Giê Su Ky Tô, ‘Cội Rễ của Sự Cứu Rỗi Đời Đời’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)
“Ngày 4–10 tháng Mười Một. Hê Bơ Rơ 1–6,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2019
Ngày 4–10 tháng Mười Một
Hê Bơ Rơ 1–6
Chúa Giê Su Ky Tô, “Cội Rễ của Sự Cứu Rỗi Đời Đời”
Hãy cân nhắc việc chia sẻ với các học viên của anh chị em một số ấn tượng anh chị em nhận được từ Đức Thánh Linh về Hê Bơ Rơ 1–6. Làm như vậy có thể tạo cảm hứng cho họ tìm những ấn tượng của riêng họ khi học tập thánh thư.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Một số học viên mà không chia sẻ thường xuyên trong lớp có thể chỉ cần một lời mời cụ thể và một chút thời gian để chuẩn bị. Anh chị em có thể liên lạc với một vài người họ trước một hoặc hai ngày và yêu cầu họ chuẩn bị để chia sẻ một câu trong Hê Bơ Rơ 1–6 mà có ý nghĩa đối với họ.
Giảng Dạy Giáo Lý
Chúa Giê Su Ky Tô là “cội rễ của sự cứu rỗi đời đời.”
-
Làm thế nào anh chị em có thể khuyến khích các học viên chia sẻ những thánh thư đầy ý nghĩa về Chúa Giê Su Ky Tô mà họ đã tìm thấy trong khi học tập cá nhân và với gia đình tuần này? Cân nhắc việc tạo ra năm cột ở trên bảng tượng trưng cho năm chương đầu trong sách Hê Bơ Rơ. Mời các học viên viết trong cột thích hợp những cụm từ trong các chương này mà dạy cho họ về Chúa Giê Su Ky Tô và số của câu thánh thư chứa các cụm từ đó. Việc biết những điều này về Đấng Cứu Rỗi ảnh hưởng như thế nào đến đức tin của chúng ta nơi Ngài và sự sẵn lòng để theo Ngài?
-
Hê Bơ Rơ 1–5 sử dụng nhiều hình ảnh đa dạng để mô tả Đấng Cứu Rỗi. Có lẽ anh chị em có thể sử dụng các hình ảnh này để giúp các học viên đào sâu sự hiểu biết của họ về sứ mệnh của Ngài. Ví dụ, anh chị em có thể liên lạc với một số học viên trước một ít ngày và yêu cầu họ mang đến lớp họ một vật tượng trưng cho một trong những điều mô tả về Chúa Giê Su Ky Tô hoặc sứ mệnh của Ngài từ Hê Bơ Rơ 1–5 (đặc biệt xin xem Hê Bơ Rơ 1:3; 2:10; 3:1, 6; 5:9). Họ có thể giải thích với lớp học điều mà những đồ vật của họ dạy về Chúa Giê Su Ky Tô và đọc câu thánh thư tương ứng từ Hê Bơ Rơ. Việc biết những lẽ thật này về Đấng Cứu Rỗi ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta như thế nào?
Hê Bơ Rơ 2:9–18; 4:12–16; 5:7–8
Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đựng mọi điều để mà Ngài có thể thấu hiểu và giúp đỡ những ai đau khổ.
-
Có lẽ có những học viên trong lớp của anh chị em đang chịu đựng thử thách và đôi khi cảm thấy bị bỏ rơi và vô vọng. Có lẽ một cuộc thảo luận về Hê Bơ Rơ 2:9–18; 4:12–16; 5:7–8 có thể xây đắp đức tin của họ rằng họ có thể hướng về Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi để được giúp đỡ. Một cách để bắt đầu một cuộc thảo luận như vậy là mời các học viên nghĩ về một ai đó họ biết mà đang đau khổ hoặc mất đi hy vọng. Họ tìm thấy những lẽ thật nào trong các câu thánh thư này mà họ có thể chia sẻ với người đó? Các học viên cũng có thể chia sẻ cách Đấng Cứu Rỗi đã an ủi và hỗ trợ họ. Cân nhắc việc chia sẻ câu trích dẫn của Chủ Tịch John Taylor trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” như là một phần của cuộc thảo luận.
-
Hê Bơ Rơ 2:9–18; 4:12–16 cũng có thể giúp những người nhìn thấy nỗi đau khổ trên thế gian và tự hỏi nếu Thượng Đế có để ý hoặc thậm chí quan tâm không. Có lẽ các học viên có thể nghiên cứu những câu thánh thư này để tìm ra các lẽ thật mà sẽ hữu ích cho những câu hỏi như vậy. Những câu này dạy điều gì về cách Đấng Cứu Rỗi đáp lại nỗi đau khổ của con người? Cũng có thể hữu ích để mời các học viên chia sẻ các tấm gương từ thánh thư khi người dân được Chúa Giê Su Ky Tô trợ giúp trong những nỗi đau khổ của họ (xin xem “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung”). Hãy cùng nhau thảo luận điều chúng ta học được về cách Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta khi chúng ta đối mặt với những thử thách khó khăn.
Các phước lành của Thượng Đế có sẵn cho những ai “[không] cứng lòng.”
-
Hê Bơ Rơ 3 và 4 có một lời khẩn nài Các Thánh Hữu đừng chai đá trong lòng và do đó, chối bỏ các phước lành mà Thượng Đế muốn ban cho họ. Khi anh chị em và lớp học đọc Hê Bơ Rơ 3:7–4:2, hãy thảo luận các cách mà những kinh nghiệm của người Y Sơ Ra Ên thời xưa có thể được áp dụng cho chúng ta ngày nay, giống như đã được áp dụng cho người Hê Bơ Rơ trong Giáo Hội ban đầu (cân nhắc việc đề cập đến tài liệu học tập về các câu này trong đại cương tuần này của Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình). Điều gì ngày nay làm cho con người ta chai đá trong lòng? Chúng ta có thể làm gì để giữ cho bản thân mềm lòng và sẵn sàng đáp lại ý muốn của Chúa? (xin xem Ê The 4:15; An Ma 5:14–15).
Những ai phục vụ trong vương quốc của Thượng Đế thì phải được Thượng Đế kêu gọi.
-
Không phải tất cả các học viên của anh chị em là những người nắm giữ chức tư tế, nhưng sứ điệp từ Hê Bơ Rơ 5 về những người nắm giữ chức tư tế được Thượng Đế kêu gọi áp dụng cho tất cả những ai nhận được sự kêu gọi trong Giáo Hội. Để giúp lớp học học về ý nghĩa của việc “được Đức Chúa Trời kêu gọi như A Rôn ngày xưa,” hãy cân nhắc việc mời họ ôn lại câu chuyện về A Rôn nhận được sự kêu gọi của ông trong Xuất Ê Díp Tô Ký 4:10–16, 27–31; 28:1. Những hiểu biết sâu sắc nào từ câu chuyện này giúp chúng ta hiểu được Hê Bơ Rơ 5:1–5? Khi nào các học viên, kể cả các vị lãnh đạo tiểu giáo khu, đã nhận được sự xác nhận rằng một người nào đó đã được Thượng Đế kêu gọi để làm tròn một sự kêu gọi cụ thể? Làm thế nào sự xác nhận đó giúp họ tán trợ tốt hơn một ai đó trong sự kêu gọi của người ấy? (Anh chị em có thể muốn yêu cầu các học viên không tiết lộ các chi tiết nhạy cảm.) Cũng có thể có các học viên mà có thể làm chứng rằng Thượng Đế soi dẫn họ khi họ làm tròn những sự kêu gọi của chính họ.
Khuyến Khích Việc Học tại Nhà
Các học viên có bao giờ cảm thấy như họ là “kẻ khách và bộ hành trên đất” (Hê Bơ Rơ 11:13) bởi vì niềm tin của họ khác với những người xung quanh họ không? Hãy nói với họ rằng khi họ đọc Hê Bơ Rơ 7–13, họ sẽ tìm thấy những tấm gương của các cá nhân đã thành tín tiếp nhận và gìn giữ các lời hứa của Thượng Đế ngay cả khi nhiều người xung quanh họ không có đức tin.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Chúa Giê Su Ky Tô biết việc trải qua nỗi đau khổ là như thế nào.
Chủ Tịch John Taylor đã dạy rằng: “Thật cần thiết cho Đấng Cứu Rỗi khi sống trên thế gian để ‘bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta,’ và ‘cảm thương sự yếu đuối chúng ta,’ [xin xem Hê Bơ Rơ 4:15] để hiểu được sự yếu đuối và sức mạnh; điều hoàn hảo và thiếu sót trong bản tính sa ngã đầy đáng thương của con người; và sau khi hoàn thành điều mà Ngài đến thế gian này để làm, sau khi phải vật lộn với tính đạo đức giả, hư nát, yếu kém và khờ dại của loài người—sau khi gặp cám dỗ và thử thách trong mọi hình thức khác nhau, và đã vượt qua, thì Ngài trở thành ‘thầy tế lễ thượng phẩm … trung tín’ [xin xem Hê Bơ Rơ 2:17] để cầu xin giúp cho chúng ta trong vương quốc vĩnh cửu của Cha Ngài. Ngài biết cách ước đoán, và đặt ra giá trị đúng cho bản tính con người, vì Ngài, đã được đặt vào cùng một nơi như chúng ta, biết cách kiên nhẫn với những kém cỏi và yếu đuối của chúng ta, và có thể hiểu trọn vẹn mức độ, quyền năng, và sức mạnh của những thống khổ và thử thách mà loài người phải đối phó trong thế gian này, và do đó với sự thấu hiểu và kinh nghiệm của mình, Ngài có thể cảm thông với họ như là một người cha và một người anh” (Teachings of Presidents of the Church: John Taylor [2001], trang 204–205).
Các tấm gương trong thánh thư về những người được Chúa Giê Su Ky Tô an ủi.
-
Giăng 8:1–11: Chúa an ủi người phụ nữ bị bắt vì phạm tội ngoại tình.
-
Giăng 11:1–46: Chúa an ủi Ma Ri và Ma Thê sau cái chết của anh trai họ, La Xa Rơ.
-
Ê Nót 1:4–6: Chúa tha thứ và tẩy sạch các tội lỗi của Ê Nót.
-
Mô Si A 21:5–15: Chúa làm mềm lòng dân La Man vì thế họ giảm bớt gánh nặng cho dân của Lim Hi.
-
Mô Si A 24:14–15: Chúa giảm bớt gánh nặng cho dân của An Ma.
-
Ê The 12:23–29: Những lời của Chúa đã an ủi Mô Rô Ni.
-
3 Nê Phi 17:6–7: Đấng Cứu Rỗi chữa cho dân Nê Phi khỏi những yếu đuối của họ.
-
Giáo Lý và Giao Ước 121:7–10: Chúa an ủi Joseph Smith (xin xem thêm GLG 123:17).