“Ngày 18–24 tháng Mười Một. Gia Cơ: ‘Hãy Làm Theo Lời, Chớ Lấy Nghe Làm Đủ’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)
“Ngày 18–24 tháng Mười Một. Gia Cơ,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2019
Abraham on the Plains of Mamre (Áp Ra Ham ở Mam Rê), tranh do Grant Romney Clawson họa
Ngày 18–24 tháng Mười Một
Gia Cơ
“Hãy Làm Theo Lời, Chớ Lấy Nghe Làm Đủ”
Trước khi đọc đại cương này, hãy đọc Thư của Gia Cơ và chú ý đến những thúc giục anh chị em nhận được. Anh chị em tìm thấy các nguyên tắc nào mà sẽ ban phước và gây dựng các học viên của mình? Tham khảo đại cương này để có thêm những ý kiến để giảng dạy.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Mời các học viên chia sẻ các câu thánh thư từ Gia Cơ mà soi dẫn họ ‘làm theo lời” (Gia Cơ 1:22). Nếu không quá riêng tư, họ cũng có thể chia sẻ điều họ cảm thấy cần phải hành động theo, cho cá nhân hoặc với gia đình.
Giảng Dạy Giáo Lý
Khi chúng ta cầu vấn trong đức tin, thì Thượng Đế ban cho một cách rộng rãi.
-
Các nguyên tắc được dạy trong Gia Cơ 1:5–6 đã dẫn Joseph Smith đến một kinh nghiệm thuộc linh làm thay đổi cuộc đời, và các nguyên tắc này có thể ban phước cho mỗi người chúng ta trong một số cách. Có lẽ anh chị em có thể viết các câu hỏi sau đây lên trên bảng và yêu cầu các học viên suy ngẫm về các câu này trong im lặng: Gia Cơ 1:5–6 đã có ảnh hưởng gì trong cuộc sống của anh chị em? Kinh nghiệm của Joseph Smith với các câu thánh thư này dạy anh chị em điều gì về việc tìm kiếm sự khôn ngoan cho các câu hỏi của riêng mình? (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:10–17). Những kinh nghiệm nào đã dạy các anh chị em rằng “chứng ngôn của Gia Cơ là đúng”? (Joseph Smith—Lịch Sử 1:26). Mời các học viên chia sẻ những suy nghĩ họ có sau khi suy ngẫm các câu hỏi này.
-
Có lẽ các học viên có thể diễn đạt Gia Cơ 1:5–6 theo những lời riêng của họ. Làm thế nào việc này giúp họ hiểu các câu thánh thư này rõ hơn?
-
Để giúp các học viên nhớ rằng Thượng Đế hứa ban cho con cái Ngài một cách rộng rãi khi họ tìm đến Ngài trong lời cầu nguyện, hãy yêu cầu các học viên chia sẻ những kinh nghiệm lúc mà những lời hứa trong Gia Cơ 1:5–6 được làm tròn trong cuộc sống của họ. Họ học được điều gì khi cầu xin Cha Thiên Thượng xác nhận những câu hỏi riêng của họ về các lẽ thật phúc âm?
Sự kiên trì nhẫn nại cuối cùng sẽ dẫn đến sự toàn hảo.
-
Để bắt đầu một cuộc thảo luận dựa trên những lời dạy của Gia Cơ về sự kiên nhẫn trong các câu thánh thư này, anh chị em có thể mời các học viên chia sẻ những kinh nghiệm khi họ phải kiên nhẫn và điều họ học được từ kinh nghiệm đó. Rồi họ có thể tìm kiếm trong Gia Cơ 1:2–4; 5:7–11 những nguyên tắc mà họ có thể áp dụng cho các kinh nghiệm của họ. Họ cũng có thể tìm thấy các nguyên tắc để áp dụng từ sứ điệp của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, “Tiếp Tục Kiên Nhẫn,” (Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 56–59). Tại sao sự kiên nhẫn là cần thiết khi chúng ta nỗ lực hướng đến sự hoàn hảo? Điều gì đã giúp các học viên phát triển được tính kiên nhẫn trong cuộc sống của họ?
“Đức tin không có việc làm là vô ích.”
-
Một cách để thảo luận những lời dạy của Gia Cơ về đức tin và việc làm có thể là chia lớp học thành hai nhóm—một nhóm khám phá lý do tại sao đức tin đòi hỏi hành động và nhóm kia tìm lý do tại sao những hành động của chúng ta đòi hỏi phải có đức tin. Để làm điều này, họ có thể đọc Ma Thi Ơ 7:21–23; Gia Cơ 1:6–8, 21–25; 2:14–26; và Joseph Smith—Lịch Sử 1:19. Rồi mỗi nhóm có thể chia sẻ điều họ đã tìm được và thảo luận lý do tại sao cả đức tin và việc làm đều cần thiết.
-
Để giúp các học viên suy ngẫm sâu hơn về cụm từ đáng nhớ “Đức tin không có việc làm … [là đức tin] chết” (Gia Cơ 2:26), anh chị em có thể viết câu sau đây lên trên bảng: Đức tin không có việc làm giống như không có . Hãy mời các học viên nghĩ ra các cách sáng tạo để hoàn tất câu này, và cho họ viết các ý kiến của họ lên trên bảng. Họ cũng có thể hưởng lợi ích nếu thực hiện sinh hoạt này theo các cặp hoặc nhóm nhỏ. Câu chuyện do Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf kể trong phần “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” cũng có thể bổ túc sự hiểu biết của họ về nguyên tắc này. Chúng ta có thể làm gì để luôn luôn hành động theo đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô?
Là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta nên yêu thương tất cả mọi người, bất kể hoàn cảnh của họ.
-
Để giúp tạo cảm hứng cho các học viên bày tỏ tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô cho mọi người bất kể hoàn cảnh hoặc ngoại hình của người khác, anh chị em có thể yêu cầu các học viên lần lượt đọc các câu thánh thư trong Gia Cơ 1:9–11; 2:1–10; 5:1–6. Thảo luận các câu hỏi như sau: Ý nghĩa của “tây vị người ta” là gì? (Gia Cơ 2:9). Tại sao đôi khi chúng ta đối xử với những người có tiền, tiếng tăm, hoặc quyền lực khác với những người không có những thứ đó? Làm thế nào chúng ta có thể tránh đối xử với người khác một cách phân biệt dựa vào hoàn cảnh của họ? Trong những phươmg diện nào, những người trung tín noi theo Đấng Cứu Rỗi thật sự là những người giàu có hơn tất cả? (xin xem Gia Cơ 2:5).
Những lời chúng ta nói ra có quyền năng để làm tổn thương hoặc ban phước cho người khác.
-
Các hình ảnh mạnh mẽ Gia Cơ sử dụng có thể cung cấp những lời nhắc nhở hữu ích và động cơ thúc đẩy để sử dụng ngôn từ—cả nói lẫn viết—giúp nâng cao tinh thần người khác. Cân nhắc việc mời các học viên xem lướt qua Gia Cơ 3 để tìm kiếm các hình ảnh mô tả cách ngôn ngữ được sử dụng để làm tổn thương hoặc ban phước cho người khác; một số học viên có thể thích vẽ tranh về các hình ảnh này. Làm thế nào những hình ảnh này minh họa cho những lời chỉ dẫn của Gia Cơ trong chương này? Ví dụ, lời nói của chúng ta giống với ngọn lửa như thế nào? Các học viên có thể nghĩ ra các hình ảnh nào để minh họa quyền năng tích cực mà ngôn ngữ có thể có? Anh chị em có thể mời các học viên suy ngẫm cách họ có thể áp dụng lời khuyên dạy của Gia Cơ.
Khuyến Khích Việc Học tại Nhà
Để khuyến khích các học viên đọc 1 và 2 Phi E Rơ, hãy mời họ tìm kiếm những lời dạy về giáo lý trong các bức thư này mà được hiểu rõ hơn nhờ vào Sự Phục Hồi phúc âm. Làm thế nào những lời dạy này làm chứng về sứ mệnh tiên tri của Joseph Smith?
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Đức tin và hành động.
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã dạy:
“Có một câu chuyện cổ tích Do Thái về một người làm xà phòng không tin vào Thượng Đế. Một ngày nọ trong khi ông đang đi dạo với một giáo sĩ Do Thái, ông nói: ‘Có một điều tôi không thể hiểu nổi. Chúng ta đã có tôn giáo trong hàng ngàn năm. Nhưng ở khắp mọi nơi ta nhìn đều là tà ác, thối nát, bất lương, bất công, đau khổ, đói kém, và bạo lực. Dường như tôn giáo đã không cải thiện thế giới một chút nào cả. Vậy thì tôi hỏi ông, tôn giáo tốt gì chứ?’
“Vị giáo sĩ không trả lời trong một lát nhưng vẫn tiếp tục bước đi với người làm xà phòng. Cuối cùng họ đi đến gần một sân chơi nơi có các trẻ em người đầy bụi bặm đang chơi đất.
Vị giáo sĩ nói: ‘Có một điều gì đó mà tôi không hiểu. Hãy nhìn các em đó. Chúng ta đã có xà phòng trong hàng ngàn năm, vậy mà những đứa trẻ đó thật là dơ bẩn. Xà phòng thì tốt gì chứ?’
“Người làm xà phòng đáp: ‘Nhưng thưa giáo sĩ, thật là không công bằng để đổ lỗi cho xà phòng vì các em này dơ bẩn. Xà phòng phải được sử dụng trước khi nó có thể hoàn thành mục đích của nó.’
“Vị giáo sĩ mỉm cười và nói: ‘Đúng vậy’ (“Người Công Bình Sẽ Cậy Đức Tin mà Sống,” Liahona, tháng Tư năm 2017, trang 4).
Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta
Hãy khuyến khích một môi trường đầy sự tôn trọng. “Giúp học viên của các anh chị em hiểu rằng mỗi người trong số họ đều ảnh hưởng đến tinh thần của lớp học. Khuyến khích họ giúp các anh chị em thiết lập một môi trường cởi mở, yêu thương, và tôn trọng để mọi người cảm thấy an toàn để chia sẻ những kinh nghiệm, câu hỏi và chứng ngôn của họ” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 15).