Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 6–12 tháng Hai. Giăng 2–4: “Các Ngươi Phải Sanh Lại”


“Ngày 6–12 tháng Hai. Giăng 2–4: ‘Các Ngươi Phải Sanh Lại,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 6–12 tháng Hai. Giăng 2–4,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2023

Chúa Giê Su nói chuyện với Ni Cô Đem

Ngày 6–12 tháng Hai

Giăng 2–4

“Các Ngươi Phải Sanh Lại”

Việc đọc Giăng 2–4 là một cách tốt để bắt đầu chuẩn bị giảng dạy. Hãy ghi lại bất kỳ ấn tượng thuộc linh nào mà anh chị em nhận được, và sử dụng đại cương này để tìm thêm những sự hiểu biết sâu sắc và các ý kiến để giảng dạy.

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Hãy viết ra ba tiêu đề lên trên bảng: Giăng 2, Giăng 3, và Giăng 4. Các học viên có thể dành ra một vài phút để ôn lại các chương này, và rồi yêu cầu học viên viết ở phía dưới mỗi tiêu đề một câu thánh thư mà đã giúp họ hiểu giáo lý và các sự kiện trong chương đó. Thảo luận các câu thánh thư họ đã viết.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

Giăng 2:1–11

Các phép lạ của Chúa Giê Su Ky Tô “bày tỏ sự vinh hiển của [Ngài].”

  • Đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình gợi ý đọc Giăng 2:1–11 từ quan điểm của một người đã ở đó khi Chúa Giê Su biến nước thành rượu. Có lẽ các học viên có thể chia sẻ những hiểu biết sâu sắc mà họ có được khi làm điều này. Chúng ta học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi từ các câu này? Phép lạ này đã biểu lộ vinh quang của Thượng Đế như thế nào? (xin xem câu 11).

Giăng 2:13–22

Chúng ta có thể bảo vệ những nơi chốn và đồ vật thiêng liêng.

  • Để giúp các học viên học từ câu chuyện Chúa Giê Su đuổi những người đổi bạc ra khỏi đền thờ, anh chị em có thể yêu cầu họ nghĩ về những điều khác, ngoài đền thờ ra, mà Chúa coi là thiêng liêng. Làm cách nào chúng ta có thể giúp giữ gìn sự thanh khiết của những điều thiêng liêng này?

Giăng 3:1–21

Chúng ta phải được sinh lại để được vào vương quốc của Thượng Đế.

  • Làm thế nào chúng ta có thể giải thích cho một người nào đó ý nghĩa của việc được sinh lại? Cân nhắc việc mời các học viên thực tập cách họ sẽ trả lời câu hỏi này với người ngồi bên cạnh họ. Khi làm như vậy, họ có thể thảo luận những câu hỏi như sau: Chúng ta học được điều gì từ những lời của Chúa Giê Su trong Giăng 3:3–7? Sự hối cải, phép báp têm, và lễ xác nhận giúp chúng ta được sinh lại như thế nào? Những câu phát biểu trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” có thể góp phần vào cuộc thảo luận này.

  • Một số người tin rằng một người không thể thật sự thay đổi. Tuy nhiên, Ni Cô Đem là một ví dụ về việc một người đã thật sự thay đổi vì tuân theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Để giúp các học viên thấy điều này, anh chị em có thể mời họ tìm trong Giăng 3:1–2; Giăng 7:45–52; và Giăng 19:38–40. Chúng ta học được điều gì về thái độ và niềm tin của Ni Cô Đem từ những đoạn này? Ông ta đã thay đổi như thế nào qua thời gian? Chúng ta có thể chia sẻ những ví dụ nào về những người đã thay đổi bởi vì phúc âm?

Giăng 4:5–34

Chúa Giê Su Ky Tô ban cho chúng ta “nước sự sống” và “đồ ăn” khi làm công việc của Thượng Đế.

  • Cơ thể của chúng ta cần đồ ăn và nước hằng ngày. Chúa Giê Su đề cập đến những nhu cầu chung này khi Ngài giảng dạy cho người đàn bà Sa Ma Ri và cả các môn đồ của Ngài (xin xem Giăng 4:5–34). Để giúp các học viên hiểu điều Đấng Cứu Rỗi đang giảng dạy, anh chị em có thể dán các tấm hình về đồ ăn và nước uống lên trên bảng và mời các học viên viết dưới mỗi tấm hình các lẽ thật thuộc linh về thức ăn và nước uống mà Chúa Giê Su đã dạy. Đấng Cứu Rỗi đáp ứng sự đói khát phần thuộc linh của chúng ta như thế nào?

    dòng suối

    Chúa Giê Su Ky Tô ban cho chúng ta nước sự sống.

  • Việc suy nghĩ về sự tiến triển trong chứng ngôn của người đàn bà Sa Ma Ri về Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp các học viên suy ngẫm về cách họ đã tiến đến việc biết Ngài là Đấng Mê Si. Với cả lớp, hãy tìm kiếm những cụm từ người đàn bà Sa Ma Ri đã dùng để nói về Đấng Cứu Rỗi trong Giăng 4:6–30. Những cụm từ này ngụ ý gì về sự hiểu biết của bà ấy về việc Chúa Giê Su là ai? Làm thế nào chúng ta gia tăng chứng ngôn rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta?

hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Tái sinh có nghĩa là gì.

Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Sự thay đổi … là lớn lao chứ không phải thứ yếu—một sự sinh lại phần thuộc linh và sự thay đổi cơ bản về điều chúng ta cảm thấy và mong muốn, điều mà chúng ta suy nghĩ và làm, và về chúng ta là người như thế nào. Thực chất của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản và thường xuyên trong bản tính của chúng ta mà có thể thực hiện được qua sự trông cậy của chúng ta vào ‘công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Mê Si Thánh’ (2 Nê Phi 2:8). Khi chọn noi theo Đức Thầy, chúng ta chọn để được thay đổi—để được Thượng Đế sinh ra trong phần thuộc linh” (“Các Ngươi Phải Được Tái Sinh,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 20).

Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy: “Chúng ta được sinh lại khi chúng ta bước vào một mối quan hệ giao ước với Đấng Cứu Rỗi của chúng ta bằng việc được sinh ra bởi nước và bởi Thánh Linh cùng mang danh Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có thể tái lập sự sinh lại đó vào mỗi ngày Sa Bát khi dự phần Tiệc Thánh. Các Thánh Hữu Ngày Sau khẳng định rằng những ai đã được sinh lại theo cách này đều là những con trai và con gái yêu dấu được sinh ra về phần thuộc linh của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mô Si A 5:7; 15:9–13; 27:25). Tuy nhiên, để nhận ra những phước lành được định cho tình trạng được sinh lại này, chúng ta vẫn phải giữ các giao ước của mình và kiên trì đến cùng” (“Have You Been Saved?,” Ensign, tháng Năm năm 1998, trang 56).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Người giảng viên không giỏi hơn người học viên. Vai trò của anh chị em với tư cách là một giảng viên thì quan trọng, nhưng anh chị em không phải là nguồn duy nhất mang đến sự soi dẫn trong lớp. Hãy giúp các học viên học hỏi từ Thánh Linh và chia sẻ với nhau điều họ học.