Lớp Giáo Lý
2. Kế Hoạch Cứu Rỗi


2. Kế Hoạch Cứu Rỗi, Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (2018)

2. Kế Hoạch Cứu Rỗi

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô đang sáng tạo Thế Gian

2.1. Trong cuộc sống tiền dương thế, Cha Thiên Thượng đã giới thiệu một kế hoạch để cho chúng ta có thể trở thành giống như Ngài, và nhận được sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Môi Se 1:39). Để thực hiện kế hoạch này và trở thành giống như Cha Thiên Thượng, chúng ta phải tiến đến việc biết Ngài và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và có một sự hiểu biết đúng đắn về thiên tính và các thuộc tính của hai Ngài (xin xem Giăng 17:3).

2.2. Thánh thư gọi kế hoạch này của Cha Thiên Thượng là kế hoạch cứu rỗi, kế hoạch hạnh phúc vĩ đại, kế hoạch cứu chuộc, và kế hoạch thương xót. Kế hoạch này gồm có Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, và tất cả các luật pháp, giáo lễ, và giáo lý của phúc âm. Quyền tự quyết về mặt đạo đức—khả năng lựa chọn và tự mình hành động—cũng là điều cần thiết trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng ân tứ này (xin xem Giô Suê 24:15; 2 Nê Phi 2:27).

2.3. Chúa Giê Su Ky Tô là nhân vật chính yếu trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Kế hoạch cứu rỗi làm cho chúng ta có thể trở nên hoàn thiện, nhận được niềm vui trọn vẹn, vui hưởng các mối quan hệ gia đình trong suốt thời vĩnh cửu, và sống vĩnh viễn ở nơi hiện diện của Thượng Đế.

Các đoạn thánh thư tham khảo liên quan: Ma La Chi 4:5–6; 3 Nê Phi 12:48; GLGƯ 131:1–4

Cuộc Sống Tiền Dương Thế

2.4. Trước khi được sinh ra trên thế gian, chúng ta sống ở nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng với tư cách là con cái linh hồn của Ngài (xin xem Áp Ra Ham 3:22–23). Trong cuộc sống tiền dương thế này, chúng ta đã tham dự vào một đại hội với những con cái linh hồn khác của Cha Thiên Thượng. Trong đại hội đó, Cha Thiên Thượng trình bày kế hoạch của Ngài và Chúa Giê Su Ky Tô trong tiền dương thế đã giao ước sẽ là Đấng Cứu Rỗi.

2.5. Chúng ta đã sử dụng quyền tự quyết của mình để tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Những người nào tuân theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đều được phép đến thế gian để trải qua cuộc sống trần thế và tiến đến cuộc sống vĩnh cửu. Lu Xi Phe, một người con linh hồn khác của Thượng Đế, đã phản nghịch chống lại kế hoạch đó. Nó trở thành Sa Tan và cùng những người theo nó bị đuổi ra khỏi thiên thượng rồi bị bác bỏ đặc ân tiếp nhận một thể xác và trải qua cuộc sống trần thế.

Các đoạn thánh thư tham khảo liên quan: Giê Rê Mi 1:4–5; Hê Bơ Rơ 12:9; 2 Nê Phi 2:27; 3 Nê Phi 11:10–11

Sự Sáng Tạo

2.6. Chúa Giê Su Ky Tô đã tạo dựng trời và đất dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Cha (xin xem GLGƯ 76:22–24). Sự Sáng Tạo thế gian là thiết yếu cho kế hoạch của Thượng Đế. Trái đất cung cấp một chỗ để chúng ta có thể nhận được một thể xác, được thử thách và gặp khó khăn, và phát triển các thuộc tính thiêng liêng.

2.7. A Đam là người đầu tiên được sáng tạo trên trái đất. Thượng Đế sáng tạo A Đam và Ê Va theo hình ảnh của Ngài. Tất cả mọi người—nam lẫn nữ—đều được tạo ra theo hình ảnh của Thượng Đế (xin xem Sáng Thế Ký 1:26–27). Phái tính là một đặc điểm cần thiết của từng người cho riêng đặc tính và mục đích về trạng thái tiền dương thế, hữu diệt và vĩnh cửu.

Sự Sa Ngã

2.8. Trong Vườn Ê Đen, Thượng Đế kết hợp A Đam và Ê Va trong hôn nhân. Trong khi A Đam và Ê Va đang ở trong khu vườn, thì họ vẫn còn ở trong sự hiện diện của Thượng Đế và có thể đã sống vĩnh viễn. Họ đã sống trong vô tư, và Thượng Đế đã lo liệu cho nhu cầu của họ.

2.9. Thượng Đế đã ban cho A Đam và Ê Va quyền tự quyết trong khi họ đang ở trong Vườn Ê Đen. Ngài truyền lệnh cho họ không được ăn trái cấm—trái cây của sự hiểu biết về điều thiện và điều ác. Việc tuân theo lệnh truyền này có nghĩa rằng họ có thể ở lại trong khu vườn. Tuy nhiên, A Đam và Ê Va đã chưa hiểu rằng nếu họ vẫn ở trong khu vườn thì họ không thể tiến triển bằng cách trải qua sự tương phản trong cuộc sống trần thế. Họ không thể biết được niềm vui vì họ không thể trải qua nỗi buồn khổ và đau đớn. Hơn nữa, họ không thể có con.

2.10. Sa Tan cám dỗ A Đam và Ê Va ăn trái cấm, và họ đã chọn để làm như vậy. Vì sự lựa chọn này nên họ bị đuổi ra khỏi sự hiện diện của Ngài và trở nên sa ngã và hữu diệt. Sự phạm giới của A Đam và Ê Va cùng những thay đổi do hậu quả đó mà họ đã trải qua, kể cả cái chết thuộc linh và thể xác được gọi là Sự Sa Ngã. Cái chết thuộc linh là sự tách rời khỏi Thượng Đế. Cái chết thể xác là sự tách rời linh hồn khỏi thể xác hữu diệt.

2.11. Sự Sa Ngã là một phần thiết yếu của kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng. Do Sự Sa Ngã, nên A Đam và Ê Va đã có thể có con. Họ và con cháu của họ đã có thể trải qua niềm vui và nỗi buồn, biết được điều tốt với điều xấu và sự tiến triển (xin xem 2 Nê Phi 2:22–25).

2.12. Là con cháu của A Đam và Ê Va, chúng ta thừa hưởng một tình trạng sa ngã trong cuộc sống hữu diệt. Chúng ta bị tách rời khỏi sự hiện diện của Thượng Đế và chịu cái chết thể xác. Chúng ta cũng bị thử thách với những khó khăn của cuộc sống trần thế và những cám dỗ của kẻ nghịch thù. Mặc dù không chịu trách nhiệm về sự phạm giới của A Đam và Ê Va nhưng chúng ta phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của chính mình. Qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của Sự Sa Ngã, nhận được sự tha thứ cho tội lỗi của chúng ta, và cuối cùng có được kinh nghiệm về niềm vui trọn vẹn.

Các đoạn thánh thư tham khảo liên quan: Sáng Thế Ký 1:28; Mô Si A 3:19; An Ma 34:9–10

Đề tài tham khảo liên quan: Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Cuộc Sống Trần Thế

2.13. Cuộc sống trần thế là một thời gian học tập, mà trong thời gian đó chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta sẽ sử dụng quyền tự quyết để làm tất cả những gì Chúa đã truyền lệnh và chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu bằng cách phát triển các thuộc tính thiêng liêng. Chúng ta làm điều này khi thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, hối cải, tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và giao ước như phép báp têm và lễ xác nhận, và kiên trì chịu đựng đến cùng trong cuộc sống trần thế của chúng ta trong việc noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô.

2.14. Trên trần thế, linh hồn của chúng ta được kết hợp với thể xác, cho chúng ta cơ hội để tăng trưởng và phát triển theo những cách mà không thể thực hiện được trong cuộc sống tiền dương thế. Vì Cha Thiên Thượng có một thể xác hữu hình bằng xương và bằng thịt nên thể xác của chúng ta là cần thiết để tiến triển và trở nên giống như Ngài. Thể xác của chúng ta là thiêng liêng và cần phải được quý trọng như là một ân tứ từ Cha Thiên Thượng của chúng ta (xin xem 1 Cô Rinh Tô 6:19–20).

Các đoạn thánh thư tham khảo liên quan: Giô Suê 24:15; Ma Thi Ơ 22:36–39; Giăng 14:15; 2 Nê Phi 2:27; 3 Nê Phi 12:48; Mô Rô Ni 7:45, 47–48; GLGƯ 130:22–23

Các đề tài liên quan: Thiên Chủ Đoàn; Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô; Các Giáo Lễ và Các Giao Ước; Các Giáo Lệnh

Cuộc Sống sau khi Chết

2.15. Khi chúng ta chết, linh hồn của chúng ta đi vào thế giới linh hồn và chờ đợi Sự Phục Sinh. Linh hồn của người ngay chính được tiếp nhận vào một trạng thái hạnh phúc, được gọi là thiên đường. Những người nào chết mà không có sự hiểu biết về lẽ thật và những người không vâng lời trên trần thế sẽ bước vào một nơi tạm thời trong thế giới sau dương thế gọi là ngục tù linh hồn.

2.16. Cuối cùng, mỗi người sẽ có cơ hội học hỏi các nguyên tắc phúc âm và nhận được các giáo lễ và các giao ước của phúc âm. Nhiều người trung tín sẽ thuyết giảng phúc âm cho những người ở trong ngục tù linh hồn. Những người nào chọn tiếp nhận phúc âm, hối cải, và chấp nhận các giáo lễ cứu rỗi mà đã được thực hiện cho họ trong đền thờ đều sẽ ở thiên đường cho đến khi Sự Phục Sinh (xin xem 1 Phi E Rơ 4:6).

2.17. Sự Phục Sinh là sự tái hợp của thể linh của chúng ta với thể xác hoàn hảo bằng xương và bằng thịt của chúng ta. Tôi biết rằng chúng ta sẽ được đoàn tụ vào một ngày nào đó và sẽ không bao giờ bị chia cách nữa. Mỗi người sinh ra trên thế gian sẽ được phục sinh nhờ Chúa Giê Su Ky Tô đã khắc phục được cái chết (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:20–22). Người ngay chính sẽ được phục sinh trước kẻ tà ác và sẽ bước ra trong Ngày Phục Sinh Đầu Tiên.

2.18. Ngày Phán Xét Cuối Cùng sẽ xảy ra sau Ngày Phục Sinh. Chúa Giê Su Ky Tô sẽ phán xét mỗi người để xác định sự vinh quang vĩnh cửu mà người ấy sẽ nhận được. Sự phán xét này sẽ tùy thuộc vào ước muốn và sự vâng lời của mỗi người đối với các lệnh truyền của Thượng Đế (xin xem Khải Huyền 20:12).

2.19. Có ba vương quốc vinh quang: thượng thiên giới, trung thiên giới, và hạ thiên giới (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:40–42). Những người dũng cảm trong chứng ngôn về Chúa Giê Su và tuân theo các nguyên tắc phúc âm sẽ ở trong thượng thiên giới nơi hiện diện của Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô cùng với những người ngay chính trong gia đình của họ.

Các đoạn thánh thư tham khảo liên quan: Lu Ca 24:36–39; Giăng 17:3; GLGƯ 131:1–4

Các Đề Tài Liên Quan: Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô; Các Giáo Lễ và Các Giao Ước

In