4. Sự Phục Hồi, Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý ( 2018)
4. Sự Phục Hồi
4.1. Thượng Đế đã phục hồi phúc âm của Ngài trong những ngày sau này bằng cách tái thiết lập các lẽ thật của Ngài, thẩm quyền chức tư tế, và Giáo Hội trên thế gian. Các vị tiên tri thời xưa đã báo trước Sự Phục Hồi ngày sau của phúc âm (xin xem Ê Sai 29:13–14; Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19–21).
4.2. Sự Phục Hồi bắt đầu vào năm 1820. Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hiện đến cùng Joseph Smith để đáp lại lời cầu nguyện của Joseph, và hai Ngài đã kêu gọi ông với tư cách là Vị Tiên Tri của Thời Kỳ Phục Hồi (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:15–20).
4.3. Thượng Đế kêu gọi Joseph Smith làm một nhân chứng ngày sau của Đấng Ky Tô hằng sống. Với tư cách là Vị Tiên Tri của Thời Kỳ Phục Hồi, Joseph Smith đã phiên dịch Sách Mặc Môn bằng ân tứ và quyền năng của Thượng Đế (xin xem GLGƯ 135:3). Sách Mặc Môn cùng với Kinh Thánh làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và chứa đựng phúc âm trọn vẹn (xin xem Ê Xê Chi Ên 37:15–17). Sách Mặc Môn cũng là một chứng thư về sự kêu gọi làm vị tiên tri của Joseph Smith và lẽ trung thực của Sự Phục Hồi.
4.4. Là một phần của Sự Phục Hồi, Thượng Đế đã sai các thiên sứ đến phục hồi Các Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc. Sau đó, Ngài đã chỉ thị rằng Giáo Hội của Ngài phải được tổ chức một lần nữa trên thế gian vào ngày 6 tháng Tư năm 1830. Vì Giáo Hội do chính Thượng Đế thành lập nên Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là “giáo hội hằng sống và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này” (GLGƯ 1:30).
Các đoạn thánh thư tham khảo liên quan: A Mốt 3:7; Ê Phê Sô 2:19–20; Ê Phê Sô 4:11–14; GLGƯ 13:1; GLGƯ 76:22–24; GLGƯ 107:8
Các đề tài liên quan: Thiên Chủ Đoàn; Các Vị Tiên Tri và Sự Mặc Khải
Sự Bội Giáo
4.5. Sự cần thiết cho Sự Phục Hồi vào ngày sau của các lẽ thật của Thượng Đế, thẩm quyền chức tư tế, và Giáo Hội đều phát sinh vì sự bội giáo. Sự bội giáo xảy ra khi một hoặc nhiều người xa lánh các lẽ thật của phúc âm.
4.6. Sau khi Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh và sau cái chết của Các Sứ Đồ của Ngài, nhiều người xa lánh các lẽ thật mà Đấng Cứu Rỗi đã thiết lập (xin xem 2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:1–3). Các nguyên tắc của phúc âm và các phần thánh thư đã bị sửa đổi sai lạc hoặc bị mất. Những thay đổi trái phép đã được thực hiện trong tổ chức Giáo Hội và các giáo lễ của chức tư tế. Bởi vì sự tà ác tràn lan này, nên Chúa đã rút lại thẩm quyền và các chìa khóa của chức tư tế khỏi thế gian. Mặc dù có nhiều người tốt và chân thật tôn thờ Thượng Đế theo ánh sáng mà họ có và nhận được sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của họ, nhưng thế gian cũng bị bỏ mặc mà không có sự mặc khải thiêng liêng qua các vị tiên tri tại thế. Thời kỳ này được gọi là Sự Đại Bội Giáo.
4.7. Những thời kỳ tổng bội giáo khác đã xảy ra trong suốt lịch sử của thế gian.
Các đề tài liên quan: Các Vị Tiên Tri và Sự Mặc Khải; Chức Tư Tế và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế; Các Giáo Lễ và Các Giao Ước
Các Gian Kỳ của Phúc Âm
4.8. Khi con cái của Thượng Đế rơi vào một tình trạng bội giáo, thì Ngài đã ưu ái giúp đỡ họ bằng cách kêu gọi các vị tiên tri và một lần nữa ban các phước lành phúc âm cho dân chúng qua các vị tiên tri của Ngài. Một thời kỳ mà Chúa mặc khải các lẽ thật của Ngài, thẩm quyền chức tư tế, và các giáo lễ được gọi là một gian kỳ. Đó là một thời kỳ mà trong đó Chúa có ít nhất một người tôi tớ có thẩm quyền trên thế gian, là người mang thánh chức tư tế và có một nhiệm vụ thiêng liêng phải rao giảng phúc âm và thực hiện các giáo lễ của phúc âm đó.
4.9. Chúng ta có thể nhận ra các gian kỳ với A Đam, Ê Nót, Nô Ê, Áp Ra Ham, Môi Se, Chúa Giê Su Ky Tô và những vị khác. Sự Phục Hồi ngày sau của phúc âm, đã được Chúa khai mở qua Tiên Tri Joseph Smith, là một phần khuôn mẫu này của các gian kỳ.
4.10. Trong mỗi gian kỳ, Chúa và các vị tiên tri của Ngài đã tìm cách thiết lập Si Ôn. Si Ôn ám chỉ dân giao ước của Chúa là những người có lòng thanh khiết, đoàn kết trong sự ngay chính, và chăm sóc lẫn nhau (xin xem Môi Se 7:18). Si Ôn cũng ám chỉ đến một nơi mà những người có tâm hồn thanh khiết đang sống.
4.11. Ngày nay, chúng ta đang sống trong gian kỳ cuối cùng—gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn. Đó là gian kỳ duy nhất mà sẽ không kết thúc trong sự bội giáo. Cuối cùng, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ tràn ngập thế gian và đứng vững vĩnh viễn (xin xem Đa Ni Ên 2:44).
Các đề tài liên quan: Các Vị Tiên Tri và Sự Mặc Khải; Chức Tư Tế và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế; Các Giáo Lễ và Các Giao Ước