Lớp Giáo Lý
6. Chức Tư Tế và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế


6. Chức Tư Tế và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế, Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý ( 2018)

6. Chức Tư Tế và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế

Joseph Smith tiếp nhận chức tư tế A Rôn

6.1. Chức tư tế là quyền năng và thẩm quyền vĩnh cửu của Thượng Đế. Qua chức tư tế, Thượng Đế đã tạo ra và điều khiển trời và đất. Qua quyền năng đó, Ngài cứu chuộc và làm tôn cao con cái của Ngài. Chức tư tế được trao cho những tín hữu nam xứng đáng của Giáo Hội. Các phước lành của chức tư tế có sẵn cho tất cả con cái của Thượng Đế thông qua các giáo lễ và các giao ước của phúc âm.

6.2. Các chìa khóa của chức tư tế là quyền chủ tọa, hoặc quyền năng mà Thượng Đế ban cho con người để điều khiển và hướng dẫn vương quốc của Thượng Đế trên thế gian (xin xem Ma Thi Ơ 16:15–19). Các chìa khóa của chức tư tế là cần thiết để hướng dẫn việc thuyết giảng phúc âm và thực hiện các giáo lễ cứu rỗi.

6.3. Chúa Giê Su Ky Tô nắm giữ tất cả các chìa khóa của chức tư tế liên quan đến Giáo Hội của Ngài. Ngài đã truyền giao cho mỗi Sứ Đồ của Ngài tất cả các chìa khóa liên quan đến vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Vị Tiên Tri của Giáo Hội là người duy nhất được phép sử dụng tất cả các chìa khóa của chức tư tế đó. Các chủ tịch đền thờ, chủ tịch phái bộ truyền giáo, chủ tịch giáo khu, giám trợ, và chủ tịch nhóm túc số cũng nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế mà cho phép họ chủ tọa và hướng dẫn công việc họ đã được ủy nhiệm để làm.

6.4. Tất cả những người phục vụ trong Giáo Hội—nam lẫn nữ—đều được kêu gọi dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế (xin xem GLGƯ 42:11). Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng: “Bất cứ ai hành động trong một chức phẩm hoặc chức vụ kêu gọi nhận được từ một người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế đều sử dụng thẩm quyền chức tư tế trong việc thực hiện các bổn phận đã được chỉ định cho mình” (“Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 51). Thẩm quyền chức tư tế chỉ có thể được thực hành trong sự ngay chính (xin xem GLGƯ 121:3, 41-42).

6.5. Những người nào được sắc phong cho Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đều tự ràng buộc mình vào lời thề và giao ước của chức tư tế. Nếu họ làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của họ và trung thành tiếp nhận Chúa và các tôi tớ của Ngài, thì họ sẽ nhận được các phước lành của sự tôn cao. Phụ nữ cũng được hứa sẽ có được các phước lành của sự tôn cao khi họ trung thành với giao ước mà họ đã lập với Chúa.

Các đoạn thánh thư tham khảo liên quan: Giăng 15:16; Ê Phê Sô 2:19–20

Các đề tài liên quan: Sự Phục Hồi; Các Vị Tiên Tri và Sự Mặc Khải; Các Giáo Lễ và Các Giao Ước

Chức Tư Tế A Rôn

6.6. Chức Tư Tế A Rôn thường được gọi là chức tư tế dự bị. Chức Tư Tế A Rôn “nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải và của phép báp têm” (GLGƯ 13:1). Lễ Tiệc Thánh được chuẩn bị, ban phước, và thực hiện qua việc sử dụng chức tư tế này. Các chức phẩm của Chức Tư Tế A Rôn là thầy trợ tế, thầy giảng, thầy tư tế và giám trợ.

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc

6.7. Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là chức tư tế cao hơn, hoặc lớn hơn và “nắm giữ quyền chủ tọa, và có quyền năng cùng thẩm quyền đối với tất cả các chức vụ trong giáo hội, trong mọi thời đại trên thế gian, để điều hành các công việc thuộc linh” (GLGƯ 107:8). Tất cả các phước lành, giáo lễ, giao ước, và tổ chức của Giáo Hội đều được thực hiện dưới thẩm quyền của Chủ Tịch Giáo Hội cũng là Chủ Tịch của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Chức tư tế này đã được ban cho A Đam và đã có ở trên thế gian bất cứ khi nào Chúa mặc khải phúc âm của Ngài. Trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là các chức phẩm anh cả, thầy tư tế thượng phẩm, tộc trưởng, Thầy Bảy Mươi và Sứ Đồ.

Phần tham khảo liên quan: Ê Phê Sô 4:11–14