Lớp Giáo Lý
7. Các Giáo Lễ và Các Giao Ước


7. Các Giáo Lễ và Các Giao Ước, Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý ( 2018)

7. Các Giáo Lễ và Các Giao Ước

Hình Ảnh
em bé gái chịu phép báp têm

Các giáo lễ

7.1. Một giáo lễ là một hành động thiêng liêng được thực hiện bởi thẩm quyền của chức tư tế. Mỗi giáo lễ được Thượng Đế tạo ra nhằm giảng dạy các lẽ thật thuộc linh, thường là qua các biểu tượng.

7.2. Một số giáo lễ là thiết yếu cho sự tôn cao và được gọi là các giáo lễ cứu rỗi. Chỉ bằng cách tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và tuân theo các giao ước liên quan thì chúng ta mới có thể đạt được tất cả các phước lành dành sẵn qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu không có các giáo lễ cứu rỗi này thì chúng ta không thể trở nên giống như Cha Thiên Thượng của mình hoặc trở về sống vĩnh viễn trong chốn hiện diện của Ngài (xin xem GLGƯ 84:20–22). Các giáo lễ cứu rỗi được thực hiện dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế.

7.3. Giáo lễ cứu rỗi đầu tiên của phúc âm là phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước bởi một người có thẩm quyền. Phép báp têm là cần thiết cho một cá nhân để trở thành tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô và để bước vào thượng thiên giới (xin xem Giăng 3:5).

7.4. Sau khi một người đã chịu phép báp têm, một hoặc nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc làm lễ xác nhận người ấy là tín hữu của Giáo Hội và ban cho người ấy ân tứ Đức Thánh Linh (xin xem 3 Nê Phi 27:20). Ân tứ Đức Thánh Linh khác với ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Trước khi chịu phép báp têm, một người có thể cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh và nhận được chứng ngôn về lẽ thật. Sau khi nhận được ân tứ Đức Thánh Linh, nếu một người tuân giữ các giao ước của mình thì có quyền được sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh.

7.5. Các giáo lễ cứu rỗi khác bao gồm lễ sắc phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (cho nam giới), lễ thiên ân trong đền thờ, và lễ gắn bó hôn nhân. Trong đền thờ, các giáo lễ cứu rỗi này cũng có thể được thực hiện thay cho người chết. Các giáo lễ làm thay cho người chết chỉ trở nên có hiệu lực khi người chết chấp nhận trong thế giới linh hồn và tôn trọng các giao ước liên quan.

7.6. Các giáo lễ khác, chẳng hạn như dự phần Tiệc Thánh để tái lập các giao ước báp têm, ban phước cho người bệnh và làm lễ đặt tên và ban phước cho trẻ em, cũng rất quan trọng cho sự phát triển thuộc linh của chúng ta.

Các đoạn thánh thư tham khảo liên quan: Ma La Chi 4:5–6; Ma Thi Ơ 16:15–19; 1 Phi E Rơ 4:6; GLGƯ 131:1–4

Các đề tài liên quan: Thiên Chủ Đoàn: Đức Thánh Linh; Kế Hoạch Cứu Rỗi: Cuộc Sống sau khi Chết; Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô; Chức Tư Tế và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế

Các Giao Ước

7.7. Một giao ước là một thỏa thuận thiêng liêng giữa Thượng Đế và con người. Thượng Đế ban ra các điều kiện cho giao ước, và chúng ta đồng ý làm điều mà Ngài phán bảo chúng ta phải làm; rồi Thượng Đế hứa với chúng ta một số phước lành vì sự vâng lời của chúng ta (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5–6; GLGƯ 82:10). Nếu chúng ta không tuân theo các giao ước của mình thì chúng ta sẽ không nhận được các phước lành đã được hứa.

7.8. Tất cả các giáo lễ cứu rỗi của chức tư tế đều được đi kèm theo các giao ước. Ví dụ, chúng ta giao ước với Chúa qua phép báp têm (xin xem Mô Si A 18:8-10). Những người nam mà nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc sẽ tự mình ràng buộc vào lời thề và giao ước của chức tư tế. Chúng ta tái lập các giao ước chúng ta đã lập bằng cách dự phần Tiệc Thánh.

7.9. Chúng ta lập thêm các giao ước khi chúng ta tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi của lễ thiên ân và lễ gắn bó hôn nhân trong đền thờ. Chúng ta chuẩn bị để tham gia vào các giáo lễ và lập các giao ước trong đền thờ bằng cách sống theo các tiêu chuẩn xứng đáng mà Chúa đã định ra (xin xem Thi Thiên 24:3–4). Là điều thiết yếu để chúng ta được xứng đáng vào đền thờ vì đền thờ thật sự là nhà của Chúa. Đó là nơi thờ phượng thiêng liêng nhất trên thế gian.

In