3. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (2018)
3. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô
3.1. Chúa Giê Su Ky Tô được tiền sắc phong trong đại hội trên tiền dương thế để làm Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Ngài đến thế gian và sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc tất cả nhân loại khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của Sự Sa Ngã và đền trả cho tội lỗi của chúng ta. Sự chiến thắng của Chúa Giê Su Ky Tô đối với cái chết thuộc linh và thể xác bằng nỗi đau khổ, cái chết và Sự Phục Sinh của Ngài được gọi là Sự Chuộc Tội. Sự hy sinh của Ngài có lợi ích cho mỗi người chúng ta và cho thấy giá trị vô hạn của mỗi một người trong số con cái của Cha Thiên Thượng (xin xem GLGƯ 18:10–11).
3.2. Chỉ qua Chúa Giê Su Ky Tô mà chúng ta mới có thể được cứu rỗi vì Ngài là Đấng duy nhất có khả năng thực hiện một Sự Chuộc Tội vô hạn và vĩnh cửu cho tất cả nhân loại (xin xem An Ma 34:9–10). Chỉ có Ngài mới có quyền năng để khắc phục cái chết thể xác. Từ người mẹ trần thế của Ngài, là Ma Ri, Ngài đã thừa hưởng khả năng chết. Từ Thượng Đế, Đức Chúa Cha bất diệt của Ngài, Ngài thừa hưởng quyền năng để sống vĩnh viễn hoặc hy sinh mạng sống và lấy lại mạng sống của Ngài. Chỉ có Ngài mới có thể cứu chuộc chúng ta khỏi các tội lỗi của chúng ta. Vì Ngài đã sống một cuộc sống hoàn hảo, vô tội, nên Ngài đã không bị những đòi hỏi của công lý và có thể trả nợ cho những ai hối cải.
3.3. Sự Chuộc Tội của Ngài gồm có nỗi thống khổ của Ngài vì tội lỗi của nhân loại trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, sự đổ máu của Ngài, nỗi đau khổ và cái chết của Ngài trên thập tự giá, và Sự Phục Sinh thực sự của Ngài. Ngài là Đấng đầu tiên phục sinh. Ngài sống lại từ ngôi mộ với một thể xác vinh quang, bất diệt bằng xương và bằng thịt (xin xem Lu Ca 24:36–39). Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài nên tất cả nhân loại sẽ được phục sinh với thể xác hoàn hảo, bất diệt và được mang trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế để được phán xét. Sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô mang đến cách duy nhất cho chúng ta được thanh tẩy và được tha thứ tội lỗi để chúng ta có thể sống vĩnh viễn trong chốn hiện diện của Thượng Đế (xin xem Ê Sai 1:18; GLGƯ 19:16–19).
3.4. Là một phần của Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô không những chịu thống khổ vì tội lỗi của chúng ta mà còn mang lấy những nỗi đau đớn, bệnh tật, và yếu đuối của tất cả nhân loại (xin xem Ê Sai 53:3–5; An Ma 7:11–13). Ngài hiểu nỗi đau khổ của chúng ta vì Ngài đã trải qua rồi. Khi chúng ta đến cùng Ngài bằng đức tin, Đấng Cứu Rỗi sẽ củng cố chúng ta để mang gánh nặng và hoàn thành nhiệm vụ mà chúng ta không thể nào tự mình làm được (xin xem Ma Thi Ơ 11:28–30; Ê The 12:27).
3.5. Trong việc đền trả hình phạt cho tội lỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô đã không loại bỏ trách nhiệm cá nhân của chúng ta. Để chấp nhận sự hy sinh của Ngài, được thanh tẩy khỏi tội lỗi của mình, và thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta cần phải thực hành đức tin nơi Ngài, hối cải, chịu phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và kiên trì chịu đựng cho đến cuối đời.
Các đoạn thánh thư tham khảo liên quan: Giăng 3:5; 1 Cô Rinh Tô 15:20–22; Mô Si A 3:19; 3 Nê Phi 11:10–11; 3 Nê Phi 27:20; GLGƯ 76:22–24
Các đề tài liên quan: Thiên Chủ Đoàn: Chúa Giê Su Ky Tô; Kế Hoạch Cứu Rỗi: Sự Sa Ngã; Các Giáo Lễ và Các Giao Ước
Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô
3.6. Nguyên tắc đầu tiên của phúc âm là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đức tin của chúng ta có thể dẫn đến sự cứu rỗi chỉ khi nào đức tin đó được tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Hê La Man 5:12).
3.7. Việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô gồm có một niềm tin vững chắc rằng Ngài là Con Độc Sinh của Thượng Đế và Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Chúng ta nhận ra rằng cách duy nhất có thể trở về sống với Cha Thiên Thượng của mình là bằng cách trông cậy vào Sự Chuộc Tội vô hạn của Vị Nam Tử của Ngài và bằng cách tin cậy Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo những lời giảng dạy của Ngài. Còn nhiều hơn niềm tin thụ động, đức tin chân thật nơi Chúa Giê Su Ky Tô dẫn đến hành động và được thể hiện bằng cách chúng ta sống (xin xem Gia Cơ 2:17–18). Đức tin của chúng ta có thể gia tăng khi chúng ta cầu nguyện, học thánh thư và tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế.
Các đoạn thánh thư tham khảo liên quan: Châm Ngôn 3:5–6; Ê The 12:6; GLGƯ 6:36
Đề tài liên quan: Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh
Sự Hối Cải
3.8. Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tình yêu mến của chúng ta dành cho Ngài và Cha Thiên Thượng dẫn chúng ta đến sự hối cải. Sự hối cải là một phần kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho tất cả con cái của Ngài, là những người chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của họ. Ân tứ này có thể nhận được qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự hối cải là sự thay đổi ý nghĩ và tâm hồn. Sự hối cải gồm có việc từ bỏ tội lỗi và xoay những ý nghĩ, hành động, và ước muốn của chúng ta hướng đến Chúa và làm cho ý muốn của chúng ta phù hợp với ý muốn của Ngài (xin xem Mô Si A 3:19).
3.9. Sự hối cải gồm có việc nhận ra tội lỗi của chúng ta; cảm thấy hối tiếc, hoặc buồn rầu theo ý Thượng Đế, vì đã phạm tội; thú tội với Cha Thiên Thượng và, nếu cần, với những người khác; từ bỏ tội lỗi, tìm cách phục hồi càng nhiều càng tốt tất cả những gì đã bị thiệt hại vì tội lỗi của chúng ta; và sống một cuộc sống tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế (xin xem GLGƯ 58:42–43). Tại lễ báp têm, Chúa hứa sẽ tha thứ cho tội lỗi của chúng ta, và chúng ta tái lập giao ước đó mỗi lần chúng ta chân thành dự phần Tiệc Thánh với ý định tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.
3.10. Qua sự hối cải chân thành và ân điển được ban cho qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể nhận được sự tha thứ của Thượng Đế và cảm thấy bình an. Chúng ta cảm nhận được ảnh hưởng của Thánh Linh một cách dồi dào hơn, và chúng ta sẵn sàng hơn để sống vĩnh viễn với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài.
Các đoạn thánh thư tham khảo liên quan: Ê Sai 1:18; Giăng 14:15; 3 Nê Phi 27:20; GLGƯ 19:16–19
Đề tài liên quan: Các Giáo Lễ và Các Giao Ước