Lớp Giáo Lý
Bài Học 13—Giáo Lý và Giao Ước 3: “Lẽ Ra Ngươi Không Nên Sợ Loài Người Hơn Sợ Thượng Đế”


“Bài Học 13—Giáo Lý và Giao Ước 3: ‘Lẽ Ra Ngươi Không Nên Sợ Loài Người Hơn Sợ Thượng Đế,’” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 3,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 13: Giáo Lý và Giao Ước 3-5

Giáo Lý và Giao Ước 3

“Lẽ Ra Ngươi Không Nên Sợ Loài Người Hơn Sợ Thượng Đế”

Hình Ảnh
em giới trẻ rời bỏ những người bạn

Đôi khi, chúng ta có thể cảm thấy bị áp lực bởi người khác để không vâng lời Thượng Đế. Joseph Smith cũng cảm thấy áp lực tương tự khi Martin Harris yêu cầu lấy các trang đã phiên dịch của Sách Mặc Môn. Tuy nhiên, Joseph đã học được rằng đây là những khoảnh khắc chúng ta nên trung tín với Thượng Đế và không nhượng bộ trước sức ép của người khác. Bài học này có thể giúp học viên cảm thấy gia tăng mong muốn tin cậy nơi Thượng Đế hơn là những người khác.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Những áp lực trong cuộc sống

Hãy bắt đầu bài học bằng việc cho học viên xem một vật mềm như đồ chơi nhồi bông hoặc gối. Hãy nói với học viên rằng món đồ này có thể đại diện cho các em. Đối với mỗi câu trả lời các em đưa ra cho các câu hỏi sau đây, hãy mời một học viên đặt một cuốn sách hoặc vật nặng lên trên món đồ mềm đó. Khi món đồ bị bẹp xuống, hãy mời học viên suy ngẫm xem các em có cảm thấy bị đè nặng như thế này không.

  • Thanh thiếu niên cảm thấy những áp lực nào trong cuộc sống của họ?

  • Có bao nhiêu áp lực trong số này đến từ việc cố gắng làm hài lòng người khác?

Hãy dành một phút để suy ngẫm xem các em cảm thấy bị áp lực ra sao để làm hài lòng người khác và lý do tại sao.

Trong bài học này, các em sẽ nghiên cứu xem Tiên Tri Joseph Smith đã cảm thấy áp lực ra sao để làm hài lòng Martin Harris và Đấng Cứu Rỗi đã dạy ông điều gì trong tình huống đó. Trong khi nghiên cứu, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để tìm ra những lẽ thật mà có thể giúp các em khi các em cảm thấy áp lực này.

“Tất cả đã mất hết”

Sau đây là những ý tưởng giúp học viên hiểu được bối cảnh lịch sử quan trọng dưới đây:

  1. Đưa đoạn trích sau cho một học viên trước buổi học, và hãy mời em đó tóm tắt cho tất cả các học viên khác nghe.

  2. Mời học viên chia sẻ những điều các em biết về 116 trang bị mất trong bản dịch Sách Mặc Môn ban đầu. Hãy giải thích những thông tin mà học viên không chia sẻ.

  3. Trưng ra vài trích đoạn sau đây với các từ then chốt bị thiếu và xem liệu học viên có thể hoàn thành thông tin đó hay không. Hãy điền vào những điều học viên không biết.

  4. Cho học viên xem video “The Work of God” (ChurchofJesusChrist.org) từ phút 2:25 đến 8:45. Hoặc anh chị em có thể chọn cho học viên xem video này khi anh chị em nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 10.

Martin Harris là công dân đáng kính của Palmyra và là một nông dân thành đạt, cũng là một trong số ít người trong vùng tin tưởng Joseph Smith. Mặc dù gần gấp đôi tuổi của Joseph, Martin vẫn là bạn của Joseph và đưa tiền để Joseph có thể chuyển đến Harmony, Pennsylvania, để phiên dịch Sách Mặc Môn mà không bị quấy rầy. Martin cũng hy sinh để đi đến đó và phục vụ với tư cách một người biên chép.

Vợ của Martin, Lucy, không ủng hộ việc ông tham gia phiên dịch Sách Mặc Môn. Martin hỏi Joseph liệu ông có thể cho Lucy xem 116 trang đầu tiên của bản dịch để làm bằng chứng cho công việc của họ không. Joseph đã cầu nguyện về điều đó hai lần và đều được phán không cho phép Martin lấy các trang đó.

Joseph cầu nguyện lần thứ ba, và Chúa đã cho phép với các điều kiện nghiêm ngặt. Martin mang những trang này đến Palmyra cho vợ mình xem.

  • Các em nghĩ tại sao Joseph đã không làm theo hai câu trả lời đầu tiên mà ông nhận được từ Chúa?

Anh chị em có thể thực hiện lại sinh hoạt từ đầu bài học để cho thấy áp lực mà Joseph đã chịu.

Một ngày sau khi Martin rời đi, Emma Smith hạ sinh đứa con trai đầu lòng của mình và Joseph. Đáng buồn thay, đứa bé chỉ sống được vài giờ, và dường như Emma có thể chết theo. May mắn thay, sức khỏe của Emma bắt đầu cải thiện sau một vài tuần. Mặc dù Joseph không muốn xa Emma, bà vẫn thúc giục ông đi đến Palmyra và hỏi về tập bản thảo.

Khi Joseph đến nhà cha mẹ ông, họ đã mời Martin đến để cùng ăn sáng. Bốn tiếng đồng hồ đã trôi qua nhưng Martin vẫn chưa đến. Cuối cùng thì ông ấy cũng đến và khi ngồi xuống, ông buồn bã thốt lên: “Tôi đã đánh mất linh hồn của mình rồi!” Ông đã không tuân theo các chỉ dẫn nghiêm ngặt và làm mất tập bản thảo.

“Ôi, Chúa ơi, Chúa ơi. Tất cả đã mất hết rồi!” Joseph nói. “Tôi phải trở về với vợ tôi với câu chuyện này sao? Và tôi sẽ trình diện trước Chúa như thế nào đây?”

Sau khi Joseph trở về Harmony, Mô Rô Ni đã hiện đến và lấy đi các bảng khắc từ ông. (Xin xem Các Thánh Hữu, 1:50–54.)

  • Các em nghĩ tại sao Joseph cảm thấy rằng tất cả đã mất hết rồi?

Ngay sau kinh nghiệm này, Chúa đã phán cùng Joseph Smith, sửa phạt ông và ban cho ông những lời an ủi.

Sợ Thượng Đế hơn là sợ loài người

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 3:1–10. Hãy xác định những điều Chúa muốn Joseph học từ kinh nghiệm này.

Hãy khuyến khích học viên nghiên cứu từ từ và cẩn thận, và tìm kiếm một số bài học.

Mời học viên khám phá ra những lẽ thật cho bản thân: Câu hỏi sau đây nhằm giúp học viên xác định lẽ thật cho bản thân các em. Để được huấn luyện thêm về các câu hỏi giúp học viên tự mình khám phá giáo lý và các nguyên tắc, xin xem bài huấn luyện có tiêu đề “Học hỏi giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô cho chính mình”, trong Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên: Giảng Dạy Giáo Lý.

  • Các em đã tìm thấy một số bài học nào?

Sau đây là ví dụ về các nguyên tắc mà học viên có thể tìm thấy:

  • Những công việc của Thượng Đế không thể bị thất bại (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 3:1). Nếu học viên nhận ra lẽ thật này, thì hãy cân nhắc yêu cầu các em chia sẻ lý do tại sao điều này là quan trọng cần phải hiểu và nó có thể đã an ủi Joseph Smith như thế nào.

  • Thượng Đế đầy lòng thương xót (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 3:10). Điều này bao gồm cả khi chúng ta nhượng bộ trước áp lực từ những người khác để không vâng lời Ngài. Nếu học viên nhận ra lẽ thật này, hãy cân nhắc đặt ra những câu hỏi như sau: Việc nhớ đến lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi có thể đã giúp đỡ Tiên Tri Joseph Smith vào lúc này như thế nào? Việc hiểu được lòng thương xót của Ngài có thể giúp chúng ta như thế nào khi chúng ta cần thay đổi?

  • Khi chúng ta sợ Thượng Đế hơn sợ loài người, thì Ngài sẽ nâng đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 3:7–8). Phần còn lại của bài học sẽ tập trung vào nguyên tắc này.

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích ý nghĩa của việc sợ Thượng Đế:

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Có nhiều nơi trong thánh thư khuyên dạy loài người phải kính sợ Thượng Đế. Ngày nay, chúng ta thường hiểu từ sợ là “kính trọng” hoặc “tôn kính” hoặc “thương yêu”; sự kính sợ Thượng Đế có nghĩa là tình yêu thương đối với Thượng Đế hoặc sự kính trọng đối với Ngài và luật pháp của Ngài. …

… Chúng ta nên thương yêu và tôn kính Ngài đến nỗi chúng ta sợ làm bất cứ điều gì sai trái trước mặt Ngài, cho dù đó là ý kiến hay áp lực từ những người khác. (D. Todd Christofferson, “A Sense of the Sacred” [Buổi họp đặc biệt fireside của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 7 tháng Mười Một năm 2004], trang 6–7, broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

  • Các em sẽ tóm tắt như thế nào bằng lời của riêng mình về những điều Anh Cả Christofferson đã dạy về việc kính sợ Thượng Đế?

Khi chúng ta trung tín, Thượng Đế sẽ nâng đỡ chúng ta trong mọi lúc khó khăn

Anh chị em có thể muốn viết ở trên bảng rằng Chúa có thể nâng đỡ tôi trong những lúc khó khăn vì Ngài ….

Hãy viết cụm từ Chúa có thể nâng đỡ tôi trong những lúc khó khăn vì Ngài … trong nhật ký học tập của các em. Hoàn thành câu này bằng cách thực hiện một hoặc nhiều điều sau đây:

  1. Liệt kê những sự giúp đỡ và hỗ trợ mà Chúa Giê Su Ky Tô có thể ban cho các em mà những người khác không thể làm được.

  2. Liệt kê những lần trong cuộc sống khi các em chọn trung tín với Chúa, ngay cả khi những người khác đang gây áp lực buộc các em không vâng lời Ngài, và Ngài đã cung ứng sự hỗ trợ. Các em cũng có thể sử dụng các ví dụ từ thánh thư.

    Học viên cũng có thể liệt kê một số câu trả lời của các em lên trên bảng. Học viên có thể cần được giúp đỡ để xác định các câu chuyện trong thánh thư về việc Thượng Đế hỗ trợ những cá nhân phải đương đầu với sự chống đối nhưng vẫn trung tín với Ngài. Anh chị em có thể cung cấp cho học viên những ví dụ sau đây: A Bi Na Đi nhận được quyền năng từ Thượng Đế để trao sứ điệp của Ngài mặc cho những lời đe dọa từ Vua Nô Ê và các thầy tư tế của hắn (xin xem Mô Si A 13:1–3); Chúa cứu Sa Đơ Rắc, Mê Sác và A Bết Nê Ghê khỏi lò lửa hực (xin xem Đa Ni Ên 3:23–25).

  • Các em đã viết điều gì về Đấng Cứu Rỗi mà các em cảm thấy sẽ hữu ích nhất để nhớ đến khi các em bị cám dỗ để làm hài lòng người khác hơn là Thượng Đế?

Nhờ sự sửa phạt này, Joseph đã học được rằng Thượng Đế sẽ nâng đỡ ông khi ông chọn để trung tín. Joseph đã tiến bước trong cuộc sống, tin cậy các lệnh truyền và sự hướng dẫn của Thượng Đế, mặc dù ông đã trải qua đau đớn, bị ngược đãi bắt bớ, tù đày và thậm chí cả cái chết (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 122135).

Hãy suy ngẫm và viết vào nhật ký học tập xem những điều các em đã học được trong bài học này có liên quan như thế nào đến các em. Các em có thể bao gồm những điều các em muốn ghi nhớ hoặc làm khi gặp áp lực khiến các em sợ người khác hơn là sợ Thượng Đế.

Hãy cân nhắc làm chứng rằng những bài học mà Joseph Smith học được từ kinh nghiệm khó khăn này đã giúp ông trở nên vâng lời Thượng Đế hơn trong suốt cuộc đời mình. Anh chị em có thể làm chứng về sự nâng đỡ mà anh chị em đã nhận được từ Thượng Đế vì đã làm theo lời khuyên bảo của Ngài ngay cả khi rất khó có thể làm như vậy.

In