Lớp Giáo Lý
Giáo Lý và Giao Ước 11:8–30: “Với Tất Cả Những Ai Có Những Ước Muốn Tốt Lành”


“Giáo Lý và Giao Ước 11:8–30: ‘Với Tất Cả Những Ai Có Những Ước Muốn Tốt Lành’”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 11:8–30”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Giáo Lý và Giao Ước 10–11

Giáo Lý và Giao Ước 11:8–30

“Với Tất Cả Những Ai Có Những Ước Muốn Tốt Lành”

Hyrum Smith

Khi Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bắt đầu diễn ra, một số người muốn biết cách họ có thể giúp đỡ. Trong số đó có những người trong gia đình của Joseph Smith, như anh trai Hyrum của ông. Chúa khen ngợi Hyrum vì những ước muốn tốt lành của ông và dạy ông cách chuẩn bị để hỗ trợ trong công việc. Bài học này có thể giúp học viên tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để chuẩn bị tham gia vào công việc của Ngài.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

“Nếu ngươi mong muốn”

Cân nhắc yêu cầu học viên suy nghĩ về một thời điểm mà các em muốn gia nhập hoặc tham gia vào một sinh hoạt hoặc chính nghĩa đáng làm. Những ý kiến này có thể gồm có lập kế hoạch cho một sinh hoạt của giới trẻ, tham gia vào một dự án phục vụ, hay tham gia vào một câu lạc bộ hay tổ chức. Hãy mời học viên thảo luận về những điều các em cần chuẩn bị trước để hoàn thành sinh hoạt đó hoặc phục vụ cho chính nghĩa đó.

Cân nhắc chia sẻ thông tin như sau để giúp học viên hiểu những gì Hyrum Smith muốn tham gia mà dẫn đến điều mặc khải trong Giáo Lý và Giao Ước 11.

Vào tháng 5 năm 1829, ước muốn lớn lao của Hyrum Smith là được tham gia vào Sự Phục Hồi Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi. Ông đã đi hơn 400 cây số từ Palmyra, New York, đến Harmony, Pennsylvania, để thăm em trai Joseph của mình và tìm hiểu những điều ông có thể làm để giúp đỡ. Chúa đã mặc khải Giáo Lý và Giao Ước 11 nhờ vào những ước muốn ngay chính của Hyrum.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 11:8, tìm kiếm xem Chúa sẽ ban phước cho Hyrum Smith như thế nào vì ông ước muốn giúp đỡ trong công việc. Tiếp theo, hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 11:27, tìm kiếm những người khác cũng được Đấng Cứu Rỗi phán bảo trong điều mặc khải này.

Hãy mời học viên nhận ra một lẽ thật từ những câu này và diễn đạt nó bằng lời riêng của mình. Các em có thể nói điều gì đó như thế này: Nếu chúng ta mong muốn phục vụ Ngài, thì Thượng Đế có thể thực hiện công việc của Ngài qua chúng ta.

Hãy tạo cơ hội cho học viên tự đánh giá về sự chuẩn bị của mình để làm công việc của Thượng Đế. Sau đây là một cách để các em có thể tự đánh giá.

Sử dụng thang điểm sau, hãy chọn mức độ em cảm thấy mình đã sẵn sàng để làm công việc của Thượng Đế:

  • 1 = Hoàn toàn chưa sẵn sàng

  • 2 = Phần nào chưa sẵn sàng

  • 3 = Hơi sẵn sàng

  • 4 = Rất sẵn sàng

Hãy nghĩ về điều em có thể làm để gia tăng sự sẵn sàng của mình. Em có thể ghi lại một số suy nghĩ của mình trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Chuẩn bị để phục vụ

Cân nhắc chia học viên thành các nhóm nhỏ và khuyến khích các em thay phiên nhau đọc to các câu sau đây.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 11:11–26, đánh dấu các cụm từ cụ thể về lời khuyên bảo mà Đấng Cứu Rỗi đã ban để giúp Hyrum chuẩn bị phục vụ một cách trung tín. Sau khi nghiên cứu những câu này, hãy chọn một cụm từ gợi ý cách chúng ta có thể chuẩn bị. Hãy nghĩ ra từ hai đến ba cách cụ thể để người nào đó có thể áp dụng lời khuyên bảo đó vào cuộc sống của họ.

Cân nhắc mời mỗi nhóm viết lên trên bảng cụm từ mà các em đã chọn và chia sẻ với lớp một số cách để các em có thể áp dụng nó. Anh chị em có thể đặt một câu hỏi như “Việc áp dụng lời khuyên bảo đó bây giờ có thể ảnh hưởng như thế nào đến con người em trở thành sau này trong cuộc sống?” Hãy lắng nghe kỹ khi học viên chia sẻ để phân biệt những cụm từ nào cần dành nhiều thời gian hơn để thảo luận. Có thể sử dụng ba phần sau đây để giúp học viên hiểu, thảo luận và chuẩn bị áp dụng các cụm từ cụ thể.

“Hãy đặt sự tin cậy vào Thánh Linh là Đấng dẫn dắt làm điều tốt lành” (câu 12)

Hãy suy nghĩ về một số tình huống thực tế khi một thanh thiếu niên có thể phải quyết định xem mình có tin cậy Thánh Linh hay không.

  • Tại sao lại cần có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi để hoàn toàn tin cậy vào Thánh Linh trong những tình huống này?

  • Chúng ta có thể làm gì để học cách tiếp nhận và hành động tốt hơn theo sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh?

Câu trả lời có thể bao gồm việc dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, viết ra và hành động theo những sự thúc giục đã đến, và suy ngẫm trong lời cầu nguyện cá nhân hoặc khi học tập thánh thư. Mời học viên chia sẻ những kinh nghiệm khi các em tin cậy Thánh Linh để làm điều tốt lành.

“Tuân giữ các giáo lệnh của ta, phải, với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh của mình” (câu 20)

Chọn ba đến bốn lệnh truyền mà em cảm thấy đặc biệt thích hợp với thanh thiếu niên.

Đối với mỗi giáo lệnh, hãy viết ra những điều có thể xảy ra khi một thanh thiếu niên tuân giữ giáo lệnh đó với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh của bạn ấy.

  • Tại sao việc cố gắng tuân giữ các lệnh truyền của Chúa lại cần thiết để phục vụ Ngài tốt hơn?

  • Em hoặc một người nào đó mà em biết đã được ban phước như thế nào nhờ siêng năng phấn đấu để tuân giữ các lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi?

“Trước hết hãy tìm kiếm để thu nhận lời của ta” (câu 21)

Hãy lập một bản liệt kê những điều mà một người có thể làm để tìm cách “thu nhận lời của [Chúa]” thay vì chỉ đọc thánh thư.

Câu trả lời có thể bao gồm đánh dấu các đoạn, ghi lại những ý nghĩ, tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi và cầu nguyện trong quá trình học tập.

  • Làm thế nào mà việc chủ ý chuẩn bị để trở thành một người truyền giáo, giảng viên, người lãnh đạo, người phục sự, người phối ngẫu hoặc cha mẹ tốt hơn trong tương lai giúp thay đổi cách em tiếp cận với việc học tập phúc âm bây giờ?

  • Em có thể làm điều gì cụ thể để gia tăng hiệu quả của việc học tập thánh thư hằng ngày? (Trước đây, em có thể đã đặt một mục tiêu tương tự. Đây có thể là thời điểm tốt để đánh giá sự tiến triển của em.)

Hãy áp dụng điều em đã học được

Việc hiểu được sự mô tả của Đấng Cứu Rỗi về chính Ngài trong tiết 11 có thể giúp học viên cảm thấy hy vọng rằng Ngài sẽ giúp các em áp dụng những lời mời trong tiết này. Hãy mời học viên đọc các câu 11, 28–30 và thảo luận những câu hỏi sau đây.

  • Làm thế nào Đấng Cứu Rỗi có thể soi sáng con đường của em khi em cố gắng làm theo lời khuyên bảo của Ngài và chuẩn bị để phục vụ Ngài?

  • Làm thế nào em có thể “chấp nhận” Đấng Cứu Rỗi và lời khuyên bảo của Ngài vào cuộc sống của mình tốt hơn?

  • Em nghĩ việc được ban quyền năng để trở thành con trai và con gái của Thượng Đế có nghĩa là gì?

Hãy cho học viên thời gian yên tĩnh để suy ngẫm những điều sau đây và áp dụng những điều các em đã học được. Nếu học viên cần trợ giúp để nghĩ ra các ý tưởng, thì hãy mời các em chọn một cụm từ được liệt kê trên bảng từ đầu bài học. Cân nhắc chia sẻ những cảm nghĩ của chính anh chị em về việc phục vụ Chúa đã mang lại lợi ích và phước lành như thế nào cho cuộc sống của anh chị em.

Hãy dành một chút thời gian để hình dung em muốn trở thành người tôi tớ như thế nào cho Chúa bây giờ, trong vòng hai năm, trong vòng 10 năm và trong suốt cuộc đời. Chọn ít nhất một cụm từ khuyên bảo từ việc học tập của em ngày hôm nay mà em muốn tập trung vào và lập một kế hoạch để hành động theo lời khuyên bảo đó. Một cách để thực hiện điều này là vẽ một cầu thang đơn giản gồm ba hoặc bốn bậc. Trên mỗi bậc, hãy viết một điều gì đó em có thể làm để giúp bản thân tốt hơn trong việc thu nhận lời của Chúa, tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, hoặc áp dụng bất kỳ lời khuyên bảo nào mà em đã quyết định tập trung vào.