Lớp Giáo Lý
Bài Học 28: Giáo Lý và Giao Ước 18:11–16: “Sự Vui Mừng của Các Ngươi Sẽ Lớn Lao Biết Bao”


“Giáo Lý và Giao Ước 18:11–16: ‘Sự Vui Mừng của Các Ngươi Sẽ Lớn Lao Biết Bao’”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 18:11–16”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 28: Giáo Lý và Giao Ước 18

Giáo Lý và Giao Ước 18:11–16

“Sự Vui Mừng của Các Ngươi Sẽ Lớn Lao Biết Bao”

Khi Chúa tiếp tục mặc khải ý muốn của Ngài về Giáo Hội của Ngài, thì Ngài đã nói chuyện với Joseph Smith, Oliver Cowdery và David Whitmer về niềm vui có thể đến từ việc chia sẻ phúc âm của Ngài. Bài học này có thể giúp học viên gia tăng ước muốn chia sẻ phúc âm của Đấng Cứu Rỗi với những người khác.

Hình Ảnh
em thiếu niên đang chia sẻ phúc âm

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Điều gì mang lại niềm vui?

Hãy cân nhắc mời học viên làm việc theo cặp trong một đến hai phút để liệt kê tất cả những điều các em có thể nghĩ đến mà mang lại cho các em niềm vui. Ngoài ra, hãy sắp xếp học viên vào các nhóm nhỏ và cung cấp cho mỗi nhóm một cây bút viết bảng có màu khác nhau. Trong một đến hai phút, mọi người trong mỗi nhóm có thể thay phiên nhau viết điều gì đó lên trên bảng mà mang lại cho các em niềm vui.

Hãy mời một vài học viên chia sẻ một điều các em đã viết và lý do tại sao điều đó mang lại cho các em niềm vui.

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta cảm thấy niềm vui (xin xem 2 Nê Phi 2:25). Trong Giáo Lý và Giao Ước 18, Đấng Cứu Rỗi đã tuyên bố điều mang lại cho Ngài niềm vui và giải thích cách chúng ta cũng có thể có được niềm vui đó.

Cân nhắc mời học viên suy nghĩ xem các em đang cảm thấy được bao nhiêu niềm vui trong cuộc sống và lý do tại sao các em có thể muốn cảm thấy vui vẻ hơn. Hãy khuyến khích các em tìm kiếm những lời dạy khi các em nghiên cứu ngày hôm nay về cách các em có thể có được niềm vui lớn lao hơn trong cuộc sống của mình.

Niềm vui của Chúa Giê Su Ky Tô

Hãy mời học viên suy ngẫm về những điều Đấng Cứu Rỗi có thể nói nếu các em hỏi Ngài điều gì mang lại cho Ngài niềm vui.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 18:11–13 và tìm kiếm điều mang lại cho Đấng Cứu Rỗi niềm vui lớn lao.

Mời học viên suy ngẫm hai câu hỏi tiếp theo trước khi trả lời. Trước khi yêu cầu các em chia sẻ, anh chị em có thể mời học viên viết câu trả lời của mình vào nhật ký ghi chép việc học tập. Cũng có thể là hữu ích cho học viên khi đọc Lu Ca 15:1–10 trước khi anh chị em đặt ra những câu hỏi.

  • Em nghĩ tại sao Chúa cảm thấy vui mừng lớn lao khi chúng ta hối cải?

  • Việc biết điều này về Đấng Cứu Rỗi có thể ảnh hưởng như thế nào đến những hành động và ước muốn của em?

Giáo Lý và Giao Ước 18:15–16 là một đoạn thông thạo giáo lý. Cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 18:14–16 và đánh dấu các cụm từ thể hiện những điều Đấng Cứu Rỗi muốn cho chúng ta.

  • Những câu này giúp em hiểu gì về Đấng Cứu Rỗi và mong muốn của Ngài dành cho chúng ta?

Nếu cần, hãy giải thích rằng một lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ những câu này là Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta cảm nhận được niềm vui đến từ việc mang những người khác đến cùng Ngài. Cân nhắc viết lẽ thật này lên trên bảng.

Anh Cả Marcus B. Nash thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã nói về niềm vui có thể đến từ việc chia sẻ phúc âm:

Hình Ảnh
Anh Cả Marcus B. Nash

Khi một người biết được mục đích vinh quang của cuộc sống, thì bắt đầu hiểu rằng Đấng Ky Tô tha thứ và cứu giúp những người noi theo Ngài, và sau đó chọn noi theo Đấng Ky Tô bước vào nước báp têm, thì cuộc sống sẽ thay đổi trở nên tốt hơn—ngay cả khi hoàn cảnh bên ngoài của cuộc sống không thay đổi.

Một chị phụ nữ rạng rỡ mà tôi đã gặp ở Onitsha, Nigeria, đã nói với tôi rằng từ khi chị ấy học hỏi phúc âm và chịu phép báp têm (và bây giờ, tôi sử dụng lời của chị): “Mọi thứ đều tốt cho tôi. Tôi hạnh phúc. Tôi như đang ở trên thiên thượng vậy”. Việc chia sẻ phúc âm mang đến sự vui mừng và hy vọng trong tâm hồn của cả người chia sẻ lẫn người lắng nghe. Thật vậy, “sự vui mừng của [anh chị em] lớn lao biết bao” khi anh chị em chia sẻ phúc âm! Việc chia sẻ phúc âm là niềm vui nối tiếp niềm vui, hy vọng nối tiếp hy vọng. (Marcus B. Nash, “Các Ngươi Hãy đưa Cao Sự Sáng Của Mình”, Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 71)

  • Em nghĩ tại sao việc hướng dẫn người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô mang lại cho một người nhiều niềm vui như vậy?

  • Em đã có (hoặc biết) những kinh nghiệm nào trong đó em đã thấy được niềm vui của việc chia sẻ phúc âm với những người khác?

Để giúp học viên với câu hỏi trước, anh chị em có thể mời các em tìm kiếm các ví dụ trong thánh thư. Các em có thể đọc những lời của Am Môn (trong An Ma 26:1–16) và An Ma (trong An Ma 29: 9–17). Anh chị em cũng có thể cho học viên xem “Inviting All to Come unto Christ: Sharing the Gospel” (4:30), có sẵn trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Vượt qua những trở ngại

Hãy giải thích rằng mặc dù những lời hứa này từ Chúa có thể giúp thúc đẩy chúng ta chia sẻ phúc âm của Ngài, đôi khi có những trở ngại hoặc lo lắng có thể ngăn cản chúng ta chia sẻ. Hãy mời học viên nêu ra một số trở ngại và liệt kê những câu trả lời của các em lên trên bảng. Sau đó, hãy mời học viên hoàn thành sinh hoạt tiếp theo, tưởng tượng rằng các em biết một người nào đó (hoặc nghĩ về một người nào đó mà các em biết) phải đối mặt với một trong những trở ngại đó.

Hãy viết ra những điều em có thể chia sẻ với người đang lo ngại về việc chia sẻ phúc âm của Đấng Cứu Rỗi. Căn nhắc bao gồm điều sau đây:

  1. Những điều em biết về Đấng Cứu Rỗi có thể làm gia tăng mong muốn của em để mang những người khác đến cùng Ngài (và một câu thánh thư làm chứng về những điều em biết, nếu được)

  2. Việc đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn đã mang lại cho em niềm vui như thế nào và tại sao em muốn những người khác nhận được những phước lành tương tự

  3. Những kinh nghiệm mà em hoặc những người khác mà em biết đã có trong việc đưa mọi người đến cùng Đấng Ky Tô và những kinh nghiệm đó mang lại niềm vui như thế nào

Sau khi học viên đã có đủ thời gian để đưa ra câu trả lời, hãy cho các em cơ hội chia sẻ những điều các em đã viết. Một cách để thực hiện điều này có thể là mời một hoặc hai học viên giả làm một người nào đó lo ngại về việc chia sẻ phúc âm. Những học viên khác có thể chia sẻ một điều mà các em nghĩ rằng có thể giúp ích.

Sau cuộc thảo luận này, hãy đưa ra lời mời sau đây cho học viên:

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về những điều em đã học và cảm nhận trong bài học này. Hãy viết ra cảm nhận của em về việc chia sẻ phúc âm và cố gắng mang những người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy cân nhắc bao gồm bất cứ điều gì em đã học được, đặc biệt là về Đấng Cứu Rỗi, mà em muốn ghi nhớ.

Hãy cân nhắc kết thúc bằng cách mời một hoặc hai học viên chia sẻ điều họ đã học hoặc muốn ghi nhớ. Hãy làm chứng về những lẽ thật anh chị em đã thảo luận hôm nay.

Học thuộc lòng

Anh chị em có thể muốn giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt trong suốt bài học này và ôn lại trong các bài học tới. Cụm từ thánh thư then chốt trong Giáo Lý và Giao Ước 18:15–16 là “Thì sự vui mừng của các ngươi còn lớn lao hơn biết bao nếu các ngươi đem về cho ta nhiều người!” Ý tưởng cho các sinh hoạt học thuộc lòng nằm ở tài liệu phụ lục trong “Các Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý”.

In