Lớp Giáo Lý
Bài Học 27: Giáo Lý và Giao Ước 18:1–13: “Hãy Ghi Nhớ rằng Dưới Mắt của Thượng Đế thì Giá Trị của Con Người Rất Lớn Lao”


“Giáo Lý và Giao Ước 18:1–13: ‘Hãy Ghi Nhớ rằng Dưới Mắt của Thượng Đế thì Giá Trị của Con Người Rất Lớn Lao’”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 18:1–13”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 27: Giáo Lý và Giao Ước 18

Giáo Lý và Giao Ước 18:1–13

“Hãy Ghi Nhớ rằng Dưới Mắt của Thượng Đế thì Giá Trị của Con Người Rất Lớn Lao”

Để giải đáp cho những vị lãnh đạo Giáo Hội ở thời kỳ đầu đang tìm kiếm ý muốn của Chúa về cách xây dựng Giáo Hội của Ngài, thì Chúa đã ban một điều mặc khải cho Joseph Smith, Oliver Cowdery và David Whitmer, được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 18. Chúa đã dạy những người này những lẽ thật quan trọng về giá trị của con người chúng ta. Bài học có thể giúp học viên cảm thấy rằng dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người các em rất lớn lao.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su với trẻ em khắp thế giới

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Giá trị của chúng ta

Hãy cân nhắc bắt đầu bài học bằng cách viết câu còn dở dang sau đây lên trên bảng. Hãy mời học viên nghĩ ra những cách thực tế để hoàn thành câu đó. Hãy hỏi các em tại sao giới trẻ có thể cảm thấy như vậy.

Trong thế giới nơi chúng ta đang sống, chúng ta có thể cảm thấy bị cám dỗ hoặc áp lực để đánh giá giá trị của mình dựa trên _______________.

Ngoài ra, anh chị em có thể viết những từ sau đây lên bảng: Ngoại Hình, Thành TíchCủa Cải. Hãy hỏi học viên tại sao một số thanh thiếu niên có thể cảm thấy bị cám dỗ hoặc áp lực phải dựa vào những điều này để thấy mình có giá trị. Hãy hỏi xem giới trẻ có thể cảm thấy bị cám dỗ phải sử dụng những điều nào khác làm cơ sở cho giá trị của họ.

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về cảm nhận của em về giá trị cá nhân của mình và lý do tại sao. Em có xu hướng dựa vào điều gì để đánh giá giá trị của mình? Trong lúc học tập hôm nay, hãy tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp em cảm thấy mình có giá trị dưới mắt Thượng Đế.

Chúa dạy về giá trị của con người

Phần tóm tắt sau đây có thể giúp học viên hiểu ngữ cảnh cho các câu mà các em sẽ học trong Giáo Lý và Giao Ước 18.

Vào tháng Sáu năm 1829, Joseph Smith, Oliver Cowdery, và David Whitmer đã nhận được một điều mặc khải được biết đến là Giáo Lý và Giao Ước 18. Điều mặc khải này nói về việc kêu gọi mười hai Vị Sứ Đồ trong những ngày sau cùng và xây đắp Giáo Hội. Ngoài những hướng dẫn này, Chúa đã chia sẻ với Oliver và David những lẽ thật hùng hồn về giá trị của chúng ta.

Giáo Lý và Giao Ước 18:10–11 là một đoạn thông thạo giáo lý. Cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 18:9–13 để xem Chúa đã dạy gì về giá trị của chúng ta đối với Ngài.

  • Em đã học được điều gì từ những câu này?

Trong khi học viên chia sẻ, hãy viết lên trên bảng những lẽ thật mà các em đã khám phá ra. Đây là một số lẽ thật mà các em có thể xác định:

Dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao.

Giá trị của tôi lớn đến nỗi Chúa Giê Su đã sẵn lòng chịu đau đớn và chịu chết để tôi có thể hối cải.

Có thể là hữu ích khi biết rằng bài học tiếp theo (“Giáo Lý và Giao Ước 18:11–16”) tập trung nhiều hơn vào niềm vui mà Đấng Cứu Rỗi cảm thấy khi chúng ta hối cải.

  • Nỗi thống khổ và cái chết của Đấng Cứu Rỗi vì chúng ta thể hiện giá trị của chúng ta đối với Ngài như thế nào?

  • Việc đánh giá giá trị của chúng ta dựa trên tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta thay vì những điều của thế gian có thể ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta?

Gia tăng sự hiểu biết của em

Để giúp học viên gia tăng sự hiểu biết của các em về các lẽ thật từ Giáo Lý và Giao Ước 18:10–11, hãy cân nhắc cung cấp cho học viên các bản sao của tài liệu phát tay kèm theo và mời các em hoàn thành một hoặc nhiều lựa chọn học tập. Hãy trưng ra các tùy chọn này hoặc cung cấp dưới dạng tài liệu phát tay.

Ghi nhớ giá trị của chúng ta đối với Thượng Đế

Hãy chọn một hoặc cả hai lựa chọn sau đây để giúp em hiểu rõ hơn và đánh giá cao hơn giá trị của mình đối với Thượng Đế.

Lựa chọn 1: Nghiên cứu về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và suy ngẫm về tình yêu thương của Ngài dành cho em. Em có thể đọc một số câu sau đây: Ê Sai 53:3–5; Lu Ca 22:41–44; Giăng 3:16–17; 1 Cô Rinh Tô 6:11, 19–20; An Ma 7:7, 10–13. Em cũng có thể tìm các câu khác nhau để nghiên cứu.

Hãy cân nhắc ghi lại phần tham khảo chéo mà em muốn ghi nhớ. Em có thể ghi chúng vào thánh thư của mình bên cạnh Giáo Lý và Giao Ước 18:10–11, viết chúng vào nhật ký ghi chép việc học tập hoặc sử dụng ứng dụng Thư Viện Phúc Âm để tạo các thẻ hoặc liên kết.

Lựa chọn 2: Nghiên cứu những điều các vị lãnh đạo Giáo Hội đã dạy về giá trị của chúng ta đối với Thượng Đế. Hãy sử dụng Thư Viện Phúc Âm hoặc các nguồn tài liệu khác để tìm những lời phát biểu hoặc bài nói chuyện có liên quan. Em có thể tìm kiếm các cụm từ như “giá trị” hoặc “tình yêu thương của Thượng Đế” để giúp các em tìm thấy những nguồn tài liệu. Lời phát biểu sau đây của Chị Joy D. Jones, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nhi, là một ví dụ về những điều em có thể tìm thấy.

Hình Ảnh
Chị Joy D. Jones

Tôi xin được chỉ ra sự cần thiết phải phân biệt giữa hai từ quan trọng này: giá trịsự xứng đáng. Hai từ này không giống nhau. Giá trị thuộc linh có nghĩa là đánh giá mình theo cách mà Cha Thiên Thượng đánh giá chúng ta, chứ không phải như thế giới đánh giá chúng ta. Giá trị của chúng ta đã được xác định trước khi chúng ta đến thế gian này. “Tình yêu thương của Thượng Đế là vô hạn và sẽ tiếp tục mãi mãi”.

Mặt khác, sự xứng đáng đạt được bằng cách vâng lời. Nếu phạm tội, thì chúng ta ít xứng đáng hơn, chứ [giá trị của chúng ta không hề kém đi]! Chúng ta tiếp tục hối cải và cố gắng được giống như Chúa Giê Su với giá trị của chúng ta vẫn còn nguyên vẹn. Như Chủ Tịch Brigham Young đã dạy: “Người thấp kém nhất hiện nay trên thế gian … đáng giá bằng nhiều thế giới”. Cho dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng luôn luôn có giá trị dưới mắt của Cha Thiên Thượng. (Joy D. Jones, “Giá Trị quá Mức Đo Lường”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 14)

Sau khi đã cho học viên đủ thời gian, hãy tạo cơ hội cho các em chia sẻ những điều đã học được. Các em có thể chia sẻ theo cặp trước tiên, và sau đó, những học viên nào mà sẵn sàng có thể chia sẻ với cả lớp.

Hãy tạo một môi trường học tập nơi mà tất cả mọi người đều được tôn trọng và biết rằng những đóng góp của họ được trân quý: Tìm cơ hội để cảm ơn câu trả lời của học viên và cho các em biết rằng anh chị em trân trọng sự tham gia của các em dù theo cách nào đi nữa. Để được huấn luyện thêm về cách truyền đạt giá trị, hãy xem phần huấn luyện có tiêu đề “Hãy tạo một môi trường nơi mà tất cả mọi người đều được tôn trọng và biết rằng những đóng góp của họ được trân quý”. Phần huấn luyện này có trong khóa huấn luyện Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên.

Cả lớp có thể thấy hữu ích nếu một bản liệt kê các nguồn tài liệu yêu thích của bạn cùng lớp được tổng hợp trên bảng. Học viên có thể sao chép bản liệt kê này để tham khảo cho cá nhân.

Liên hệ đến cuộc sống của em

Việc chia sẻ những câu chuyện hoặc kinh nghiệm ở thời hiện đại có thể giúp học viên cảm nhận được giá trị của các em đối với Thượng Đế. Trước khi yêu cầu học viên thảo luận câu hỏi sau đây, thì hãy cân nhắc chia sẻ ví dụ của chính anh chị em về việc anh chị em đã cảm thấy giá trị của mình như thế nào đối với Thượng Đế. Anh chị em cũng có thể cho học viên xem video “The Hope of God’s Light”(6:46), có sẵn trên trang ChurchofJesusChrist.org, và mời học viên tìm hiểu xem một người đàn ông đã biết được giá trị của mình dưới mắt Thượng Đế bằng cách nào.

  • Những kinh nghiệm nào từ cuộc sống của em hoặc của những người khác đã giúp em cảm thấy rằng dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của em rất lớn lao?

Hãy mời học viên làm điều gì đó để suy ngẫm kỹ hơn về giá trị của các em dưới mắt Thượng Đế trong một hoặc hai tuần tới. Hãy cho các em thời gian trên lớp để chuẩn bị những điều các em sẽ làm. Bản liệt kê sau đây bao gồm những ý kiến mà anh chị em có thể chia sẻ. Bài học “Đánh Giá Việc Học Của Em 2” sẽ hỏi về những kinh nghiệm của học viên với sinh hoạt này.

Hãy xác định xem em sẽ suy ngẫm về giá trị của mình dưới mắt của Thượng Đế như thế nào trong vài tuần tới. Dưới đây là một số cách thức em có thể thực hiện điều này:

  • Hãy tạo một lời nhắc và đặt nó ở nơi em có thể nhìn thấy thường xuyên. Đây có thể là một tấm áp phích hoặc hình nền điện thoại thông minh bao gồm một hình ảnh và thậm chí là những lời từ thánh thư.

  • Hãy cầu nguyện mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối để hiểu rõ hơn cách mà Cha Thiên Thượng nhìn nhận em.

  • Hãy lập kế hoạch để thường xuyên suy ngẫm về giá trị của em trong nhật ký ghi chép việc học tập.

  • Hãy dành thời gian vào nhiều dịp khác nhau để đọc và nghiên cứu kỹ hơn phước lành tộc trưởng của em. Hãy suy nghĩ xem em có thể tiếp cận vấn đề này bằng một cách khác ra sao để thực sự hiểu được những điều Cha Thiên Thượng muốn em biết và cảm nhận về bản thân mình.

Hãy làm chứng về tình yêu thương của Thượng Đế và giá trị vô hạn của mỗi học viên, được thể hiện qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Học thuộc lòng

Anh chị em có thể muốn giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt trong suốt bài học này và ôn lại trong các bài học tới. Cụm từ thánh thư then chốt cho Giáo Lý và Giao Ước 18:10–11 là “Dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao”. Ý tưởng cho các sinh hoạt học thuộc lòng nằm ở tài liệu phụ lục trong “Các Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý”.

In