Bài Học 33: Giáo Lý và Giao Ước 19:25–41: Nhìn Những Sự Hy Sinh bằng một Quan Điểm Vĩnh Cửu
“Giáo Lý và Giao Ước 19:25–41: Nhìn Những Sự Hy Sinh bằng một Quan Điểm Vĩnh Cửu”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)
“Giáo Lý và Giao Ước 19:25–41”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý
Martin Harris đã cam kết thế chấp nông trại của mình để trả tiền cho việc in Sách Mặc Môn. Chủ nhà in, E. B. Grandin, đã quyết định rằng ông sẽ không bắt đầu công việc in ấn cho đến khi có các thỏa thuận chính thức. Vì điều này nên Martin sẽ chịu rủi ro bị mất ngôi nhà của mình và phần lớn tài sản để bảo đảm cho việc thanh toán. Chúa đã ban cho Joseph một điều mặc khải mà mở rộng tầm nhìn của Martin và ban cho ông sự tự tin cần thiết để tiến tới thỏa thuận. Bài học này có thể giúp học viên noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong việc hy sinh bất cứ điều gì mà Cha Thiên Thượng yêu cầu ở chúng ta.
Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Martin Harris
Hãy tưởng tượng rằng em sống vào năm 1829 và là một trong những người đầu tiên tin vào sự kêu gọi của Joseph Smith. Người bạn của em là Martin Harris đến tìm em để xin lời khuyên. Em biết rằng ông sống trên một nông trại xinh đẹp rộng 240 mẫu Anh (hơn 97 hecta). Ông ấy nói với em rằng nếu không bán đủ số lượng sách Mặc Môn, ông sẽ cần phải bán nhà và hầu hết nông trại của mình để trả tiền in ấn. Vợ và những người lân cận của ông phản đối việc ông chịu rủi ro mất nông trại của mình vì Joseph Smith và Sách Mặc Môn. Ông ấy có thể mất nhà và mối quan hệ với những người thân của mình.
Em cảm thấy như thế nào nếu em ở trong hoàn cảnh của Martin?
Em có thể cho ông ấy lời khuyên bảo gì?
Em nghĩ như thế nào về tầm quan trọng của việc in Sách Mặc Môn so với tầm quan trọng của nông trại Harris?
Hãy vẽ một đường thẳng ở giữa trang nhật ký ghi chép việc học tập của em. Ghi chú cột đầu tiên là “Những Sự Hy Sinh” và cột thứ hai là “Lời Khuyên Bảo từ Thượng Đế”.
Trong cột đầu tiên, hãy viết những sự hy sinh mà Martin Harris đã được yêu cầu thực hiện.
Tiếp theo, trong cùng cột đó, hãy liệt kê những sự hy sinh mà Chúa đã yêu cầu hoặc có thể yêu cầu thanh thiếu niên ngày nay thực hiện.
Một quan điểm vĩnh cửu
Mở phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2023). Hãy đọc đoạn 8, tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc có thể hữu ích trong hoàn cảnh hoặc những hoàn cảnh của Martin Harris khi Chúa yêu cầu chúng ta thực hiện những sự hy sinh ngày nay.
Tại sao một quan điểm vĩnh cửu lại quan trọng khi Chúa yêu cầu chúng ta làm những điều khó khăn?
Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 19:26–28, 32–35, 38–41, và tìm kiếm lời khuyên bảo mà Chúa ban cho Martin Harris để có thể giúp ông ấy nhìn những lo lắng của mình bằng một quan điểm vĩnh cửu.
Những lẽ thật mà em tìm thấy có thể đã giúp Martin Harris như thế nào?
Tình yêu thương của Thượng Đế dành cho Martin có thể được nhìn thấy ra sao trong sự mặc khải này?
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã chia sẻ điều sau đây về phản ứng của Martin Harris đối với sự mặc khải này:
Một trong những sự đóng góp quan trọng nhất của Martin Harris cho Giáo Hội, mà nhờ đó ông nên được tôn kính muôn đời, là việc ông đã tài trợ tiền để in ấn Sách Mặc Môn. Vào tháng Tám năm 1829, ông đã thế chấp căn nhà và nông trại của mình cho Egbert B. Grandin để bảo đảm có thể thanh toán theo như hợp đồng với chủ nhà in. Bảy tháng sau, 5.000 quyển sách của đợt in Sách Mặc Môn đầu tiên được hoàn thành. Sau đó, khi giao ước thế chấp đến hạn, căn nhà và một phần nông trại được bán với giá $3.000. Bằng cách này, Martin Harris đã tuân theo điều mặc khải của Chúa. (Dallin H. Oaks, “The Witness: Martin Harris”, Ensign, tháng Năm năm 1999, trang 36)
Những hành động của Martin đã cho thấy cách ứng xử giống như Đấng Ky Tô ra sao?
Tại sao sự hy sinh của Martin lại đáng để làm từ quan điểm vĩnh cửu?
Điều Chúa có thể yêu cầu ở tôi
Trong nhật ký ghi chép việc học tập của em, hãy ghi lại một tình huống trong đó Chúa có thể muốn em vâng phục theo ý muốn của Ngài mà có thể là khó đối với em.
Hãy liệt kê những trở ngại mà em có thể gặp phải khi cố gắng làm theo ý muốn của Ngài.
Viết xem làm thế nào mà việc nhìn nhận hoàn cảnh của em từ quan điểm vĩnh cửu của Thượng Đế có thể giúp em vượt qua bất kỳ trở ngại nào trong số này.
Hãy ghi lại xem tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong Giáo Lý và Giao Ước 19 có thể soi dẫn cho em ra sao trong việc vâng phục theo ý muốn của Cha Thiên Thượng. (Các em có thể muốn đọc các câu 2, 16–19, 23–24.)
Vạch ra một vài bước đầu tiên mà em có thể thực hiện để noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong tình huống của mình.