Lớp Giáo Lý
Bài Học 39: Giáo Lý và Giao Ước 25, Phần 1: “Emma Smith, Con Gái của Ta”


“Giáo Lý và Giao Ước 25, Phần 1: ‘Emma Smith, Con Gái của Ta’”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý, (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 25, Phần 1”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 39: Giáo Lý và Giao Ước 23–26

Giáo Lý và Giao Ước 25, Phần 1

“Emma Smith, Con Gái của Ta”

Trong Giáo Lý và Giao Ước 25, Đấng Cứu Rỗi đã khuyên bảo Emma Smith về cách hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình để trở nên giống như Ngài. Bài học này có thể giúp học viên hiểu được những cách mà các em có thể trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.

Hình Ảnh
Emma Smith

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

“Ngươi là một phụ nữ chọn lọc, là người mà ta đã kêu gọi”

Anh chị em có thể trưng ra một tấm hình về Emma Smith và hỏi học viên điều các em biết về bà ấy.

Hãy cân nhắc chia sẻ một số khoảnh khắc sau đây từ cuộc đời của Emma Smith. Mời học viên thảo luận về kinh nghiệm này có thể là như thế nào đối với Emma.

Hãy tưởng tượng em sẽ cảm thấy như thế nào khi trải qua những sự kiện này từ cuộc đời của Emma Smith. (Những câu chuyện này có trong Các Thánh Hữu, tập 1, Cờ Hiệu của Lẽ Thật, 1815–1846 [năm 2018], trang 37–38, 46, 52, 94–96.)

  • Emma chờ tại cỗ xe ngựa ở chân Đồi Cơ Mô Ra trong khi Joseph nhận được những chỉ dẫn cuối cùng và các bảng khắc bằng vàng từ Mô Rô Ni.

  • Emma đã phục vụ với tư cách là người biên chép đầu tiên cho Joseph trong việc phiên dịch Sách Mặc Môn, và sau này những trang bản thảo đó đã bị mất.

  • Đứa con đầu lòng của Emma và Joseph chỉ sống được vài giờ, và Emma lâm bệnh nặng đến mức gần chết.

  • Emma bước vào dòng nước báp têm dưới sự đe dọa đầy bạo lực của đám đông hỗn loạn. Tối hôm đó, Joseph đã bị bắt bởi những cáo buộc sai trái, khiến cho lễ xác nhận của Emma bị trì hoãn.

Để giúp học viên hiểu được ngữ cảnh lịch sử của Giáo Lý và Giao Ước 25, hãy cân nhắc chia sẻ đoạn sau đây.

Trong Giáo Lý và Giao Ước 24, Đấng Cứu Rỗi đã tiết lộ rằng Joseph Smith phải “dành hết tất cả sự phục vụ của [ông] cho Si Ôn” (câu 7). Sự mặc khải này đã tạo ra một cảm giác bấp bênh trong cuộc sống của Emma Smith bởi vì nó ngụ ý rằng Joseph sẽ không có nhiều thời gian để kiếm sống và lo liệu vật chất cho gia đình của họ (xin xem Các Thánh Hữu, 1:96). Vì biết Emma mong muốn nhận được sự hướng dẫn, Chúa đã mặc khải Giáo Lý và Giao Ước 25. Lời khuyên bảo này từ Đấng Cứu Rỗi có thể áp dụng cho tất cả mọi người (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 25:16).

Học giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô cho chính mình: Để luyện tập thêm về cách khuyến khích học viên làm điều này, hãy xem phần huấn luyện có tiêu đề “Học giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô cho chính mình (năm 2022)” có trong khóa huấn luyện Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên. Khóa huấn luyện này sẽ giúp anh chị em tập tạo ra các câu hỏi tìm kiếm mở để giúp học viên khám phá những lẽ thật cho chính các em.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 25:1–3 và tìm kiếm xem Đấng Cứu Rỗi đã cảm thấy như thế nào về Emma.

  • Emma đã học được điều gì về mối quan hệ của bà ấy với Chúa?

  • Đấng Cứu Rỗi nói điều gì là bắt buộc để trở thành một người con trai hoặc con gái trong vương quốc của Ngài?

    Hãy giúp học viên nhận ra lẽ thật: Khi chúng ta tiếp nhận phúc âm của Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta trở thành con trai và con gái trong vương quốc của Ngài và được kêu gọi vào công việc của Ngài. Bằng cách lập các giao ước, chúng ta trở thành những con trai và con gái của Đấng Cứu Rỗi trong vương quốc của Ngài. Nếu học viên có thể có được lợi ích từ việc thấy được lẽ thật này, thì anh chị em có thể đọc Mô Si A 5:7.

    Để giúp học sinh hiểu rõ nguyên tắc này hơn, hãy cân nhắc chọn từ các câu hỏi sau đây.

  • Em nghĩ việc nhận được lời khuyên bảo này có thể có ý nghĩa gì đối với Emma?

  • Làm thế nào mà việc tiếp nhận phúc âm của Đấng Cứu Rỗi đã giúp em cảm thấy gần gũi với Ngài với tư cách là con gái hoặc con trai của Ngài?

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 25:4–9 và tìm kiếm điều Chúa đã kêu gọi Emma làm.

Cân nhắc mời học viên lập một bản liệt kê ở trên bảng những điều Đấng Cứu Rỗi đã kêu gọi Emma làm. Hãy giúp học viên hiểu rằng trong ngữ cảnh của câu 7, “được … sắc phong” có nghĩa là được làm lễ phong nhiệm cho một chức vụ kêu gọi. Anh chị em cũng có thể làm rõ rằng “giải nghĩa” có nghĩa là giải thích hoặc diễn giải, và “khuyên nhủ” có nghĩa là khuyến khích, cổ vũ hoặc cho lời khuyên.

  • Em đã khám phá ra điều gì?

  • Làm thế nào mà việc làm vinh hiển một cách trung tín những sự kêu gọi của mình có thể giúp Emma trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn?

Áp dụng lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi

Để giúp học viên hiểu những chỉ dẫn của Chúa dành cho Emma cũng áp dụng cho các em như thế nào, hãy cân nhắc tổ chức lớp học thành các nhóm học tập nhỏ. Hãy cung cấp ba trạm nghiên cứu, có thể đặt xung quanh phòng. Mỗi phần nghiên cứu bao gồm một câu chuyện từ cuộc đời của Emma Smith, lời mời tìm một ví dụ trong thánh thư từ cuộc đời của Chúa Giê Su Ky Tô, và các câu hỏi thảo luận hoặc một sinh hoạt.

Nếu cần, sinh hoạt thứ tư có thể được tìm thấy trong phần Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung.

Hãy mời học viên xem Emma đã vâng theo lời khuyên bảo mà bà đã nhận được trong Giáo Lý và Giao Ước 25 như thế nào.

“Chớ Lầm Bầm” (Giáo Lý và Giao Ước 25:4)

Từ cuộc đời của Emma Smith

Joseph Smith đã có được những khải tượng từ thiên thượng, những vị khách là thiên sứ, và quá trình phiên dịch cho Sách Mặc Môn, Kinh Thánh, và các văn bản thiêng liêng khác. Emma Smith đã hy sinh rất nhiều cho cuộc sống của bà với Joseph, nhưng có những điều ông ấy đã thấy mà bà không thấy.

Từ cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi

Hãy chia sẻ một thời điểm trong cuộc đời của Chúa Giê Su Ky Tô khi Ngài từ chối than phiền (để biết một số ví dụ, xin xem Ê Sai 53:7; Ma Thi Ơ 27:12).

Việc kiềm chế không lầm bầm than phiền giúp chúng ta trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?
  • Em nghĩ tại sao Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho chúng ta không được ta thán về những điều chúng ta có thể chưa hiểu?

  • Làm thế nào một người có thể hành động theo đức tin khi họ không hiểu được ý muốn và kỳ định của Chúa?

“An Ủi” (Giáo Lý và Giao Ước 25:5)

Từ cuộc đời của Emma Smith

Mặc dù cuộc sống của Emma với Joseph thường khó khăn, nhưng bà đã yêu thương và hỗ trợ ông trong mọi thử thách. Vào năm 1835, một đám đông giận dữ đã tấn công ngôi nhà nơi Joseph và Emma đang ở, kéo Joseph ra giữa trời tối. Joseph trở về nhà tối hôm đó. Ông còn sống nhưng bị đánh đập tơi tả, bị trét đầy hắc ín và lông gà. Emma đã dành cả đêm để bóc và cào lớp hắc ín trên người Joseph. Một trong hai đứa con song sinh mới chào đời của Joseph và Emma ngã bệnh và chết sau đêm kinh hoàng đó (xin xem Saints, 1:150–53).

Từ cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi

Hãy nghĩ về một thời điểm khi Chúa Giê Su Ky Tô là một nguồn an ủi cho những người xung quanh Ngài (để biết một số ví dụ, xin xem Ma Thi Ơ 9:20–22; Giăng 14:18, 27; 3 Nê Phi 17:5–7).

Chúng ta có thể an ủi những người khác và trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách nào?
  • Hãy chia sẻ điều gì đó mà một người đã làm để an ủi em trong một thời điểm khó khăn.

  • Hãy suy ngẫm điều gì đó em có thể làm để trở thành một nguồn an ủi cho một người bạn hoặc một người trong gia đình. Em có thể giúp họ cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi bằng cách nào?

  • Hãy viết một ghi chú hoặc một tin nhắn văn bản có thể nâng đỡ tinh thần của một người trong gia đình hoặc bạn bè và giúp họ cảm nhận được tình thương yêu của Đấng Cứu Rỗi.

“Giải Nghĩa Thánh Thư, và Khuyên Nhủ Giáo Hội” (Giáo Lý và Giao Ước 25:7)

Từ cuộc đời của Emma Smith

Vào năm 1842, Emma được tán trợ với tư cách là chủ tịch đầu tiên của Hội Phụ Nữ. Sự lãnh đạo của Emma rất quan trọng trong việc định hình nên tổ chức này. Emma đã cho thấy sự đồng cảm và khả năng hiểu biết những điều thuộc linh của mình bằng cách cổ vũ và giảng dạy cho các Thánh Hữu. Emma đã mời những người phụ nữ trong Hội Phụ Nữ thực thi lòng bác ái, cung cấp sự cứu trợ trong những cách phi thường, củng cố cho nhau, hối cải và tha thứ (xin xem Saints, 1:448–451).

Từ cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi

Hãy chia sẻ một ví dụ từ thánh thư về Đấng Cứu Rỗi giải thích thánh thư hoặc giảng dạy cho những người đi theo Ngài (để biết một số ví dụ, xin xem Ma Thi Ơ 5:21–25; 3 Nê Phi 23:1–3; Joseph Smith—Lịch Sử 1:19).

Luyện tập giải thích thánh thư
  • Hãy chọn một đoạn thánh thư mà đã giúp em gia tăng mối liên hệ của mình với Đấng Cứu Rỗi hoặc trở nên giống như Ngài hơn.

  • Hãy chia sẻ lựa chọn của em và giải thích ý nghĩa của đoạn đó đối với em.

  • Thảo luận xem làm thế nào mà sự hiểu biết và việc giảng dạy thánh thư có thể giúp chúng ta trở nên giống Chúa Giê Su hơn.

Sau khi học viên hoàn thành sinh hoạt này, thì anh chị em có thể mời các em chia sẻ với cả lớp những điều nổi bật đối với các em từ những điều đã nghiên cứu. Để kết thúc bài học, hãy cân nhắc chia sẻ lời chứng của anh chị em rằng mỗi học viên đều là một người con gái hoặc con trai “chọn lọc” trong vương quốc của Đấng Cứu Rỗi. Hãy nhấn mạnh rằng các em sẽ có nhiều cơ hội để phục vụ và ban phước cho những người khác và trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô.

In