Lớp Giáo Lý
Bài Học 58—Giáo Lý và Giao Ước 45:1–8: “Đấng Biện Hộ với Đức Chúa Cha”


“Bài Học 58—Giáo Lý và Giao Ước 45:1–8: ‘Đấng Biện Hộ với Đức Chúa Cha’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 45:1–8”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 58: Giáo Lý và Giao Ước 45

Giáo Lý và Giao Ước 45:1–8

“Đấng Biện Hộ với Đức Chúa Cha”

Trước các tín hữu của Giáo Hội trong một đại dịch toàn cầu, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Đức Chúa Cha của chúng ta biết rằng khi nào chúng ta bị bao vây bởi sự không chắc chắn và nỗi sợ hãi, thì điều mà sẽ giúp chúng ta rất nhiều chính là nghe lời Con Trai của Ngài” (“Hãy Nghe Lời Người”, Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 89). Để giúp xoa dịu nỗi sợ hãi và sự bất an mà nhiều Thánh Hữu đã cảm thấy vào đầu năm 1831, Chúa đã mời họ nghe tiếng nói của Ngài và tin vào danh của Ngài. Bài học này có thể giúp học viên hiểu rõ hơn về sứ mệnh và đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô khi các em hiểu được một số danh xưng và danh hiệu của Ngài.

Hình Ảnh
bức tranh sơn dầu Đấng Ky Tô

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Tầm quan trọng của những danh xưng

Hãy cân nhắc chia học viên thành các nhóm nhỏ và mời các em chia sẻ những chi tiết về ý nghĩa hoặc tầm quan trọng của tên hoặc họ của các em. Nếu học viên không chắc về các chi tiết hoặc ý nghĩa, thì các em có thể giải thích những điều các em thích về tên của mình. Sau khi học viên đã chia sẻ trong nhóm, hãy yêu cầu một vài em chia sẻ với cả lớp những điều các em đã biết được về tên của một người bạn cùng lớp.

Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jonathan S. Schmitt thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

Hình Ảnh
Anh Cả Jonathan S. Schmitt

Một cách đơn giản để chúng ta biết một người nào đó là tìm hiểu tên của họ. …

Chúa Giê Su biết và gọi mỗi người bằng tên của họ. Với Y Sơ Ra Ên thời xưa, Chúa đã phán: “Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta” [Ê Sai 43:1; sự nhấn mạnh được thêm vào]. …

Cũng giống như Chúa Giê Su biết tên của mỗi người chúng ta, chúng ta có thể biết Chúa Giê Su rõ hơn qua việc tìm hiểu nhiều danh xưng của Ngài. … Nhiều tên gọi của Chúa Giê Su là các danh hiệu giúp chúng ta hiểu được sứ mệnh, mục đích, tính cách, và các thuộc tính của Ngài. Khi chúng ta biết được nhiều danh xưng của Chúa Giê Su, chúng ta sẽ hiểu hơn sứ mệnh thiêng liêng của Ngài và tính cách vị tha của Ngài. Việc biết nhiều tên gọi của Ngài cũng truyền cảm hứng cho chúng ta trở nên giống như Ngài hơn. (Jonathan S. Schmitt, “Nhìn Biết Cha”, Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 104–105)

Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em thấy có ý nghĩa từ lời phát biểu của Anh Cả Schmitt.

Hãy cân nhắc liệt kê những câu trả lời của học viên cho câu hỏi sau đây lên trên bảng.

  • Một số danh xưng hoặc danh hiệu nào của Chúa Giê Su Ky Tô mà dạy cho em thêm về đặc tính, sứ mệnh và các thuộc tính của Ngài?

  • Làm thế nào mà việc hiểu thêm về các danh xưng và danh hiệu của Ngài có thể gia tăng ước muốn của em để noi theo Ngài?

Sau khi học viên đã có thời gian để thảo luận câu hỏi trước, thì hãy trưng ra lẽ thật sau đây: Việc biết các danh xưng và danh hiệu của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta hiểu hơn về sứ mệnh thiêng liêng và tính cách vị tha của Ngài.

Hãy mời học viên đánh giá mong muốn của chính các em để tìm hiểu thêm về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy cân nhắc sử dụng ý tưởng sau đây, hoặc suy nghĩ của riêng anh chị em. Hãy khuyến khích học viên im lặng suy ngẫm và trả lời trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em.

Hãy sử dụng phần đánh giá sau đây để đánh giá mong muốn và những nỗ lực của em để hiểu thêm về Đấng Cứu Rỗi.

1 = hiếm khi; 2 = thỉnh thoảng; 3 = thường xuyên

  • Tôi mong muốn hiểu rõ hơn về sứ mệnh thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Khi học thánh thư, tôi có chủ ý tìm kiếm những danh xưng và danh hiệu của Chúa Giê Su.

  • Việc tôi biết được đặc tính của Chúa Giê Su là điều quan trọng để tôi có thể noi theo Ngài tốt hơn.

Khi em tìm hiểu thêm về con người Đấng Cứu Rỗi bằng cách nghiên cứu những danh xưng và danh hiệu của Ngài, thì hãy thành tâm cầu xin Cha Thiên Thượng giúp em gia tăng mong muốn noi theo Vị Nam Tử của Ngài.

Đấng biện hộ và người bạn của chúng ta

Học viên có thể hiểu rõ hơn về sứ mệnh và đặc tính của Chúa Giê Su bằng cách nghiên cứu một trong nhiều danh xưng của Ngài. Sau khi thảo luận về vai trò của Ngài với tư cách là Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha, học viên sẽ có cơ hội tự mình nghiên cứu những danh xưng và danh hiệu khác nhau của Chúa Giê Su.

Hãy cân nhắc trưng ra hình ảnh về Chúa Giê Su trong Vườn Ghết Sê Ma Nê khi học viên tham gia vào sinh hoạt sau đây:

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô cầu nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 45:3–5, tìm kiếm một danh hiệu và vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô.

Suy ngẫm về các danh hiệu của Chúa Giê Su Ky Tô: Sinh hoạt sau đây có thể giúp học viên biết rõ hơn về Đấng Cứu Rỗi qua việc hiểu danh hiệu của Ngài với tư cách là Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha. Để được huấn luyện thêm về cách giúp học viên tập trung vào các danh xưng của Chúa Giê Su Ky Tô, xin xem phần huấn luyện “Giảng Dạy về các danh xưng, vai trò, và thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô” trong Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên: Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. Phần huấn luyện này có thể giúp phát triển kỹ năng “Đặt ra các câu hỏi [nghiên cứu] để giúp học viên nhận ra các vai trò, danh hiệu, biểu tượng, thuộc tính và đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô”.

Hãy cân nhắc đặt ra những câu hỏi như sau để giúp học viên gia tăng sự hiểu biết của các em về vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha. Anh chị em có thể chỉ ra rằng một định nghĩa của từ người biện hộ là người ủng hộ và bênh vực cho những người gặp khó khăn.

  • Em hiểu từ người biện hộ có nghĩa là gì?

  • Theo những câu này, Chúa Giê Su Ky Tô đang thực hiện vai trò của Ngài với tư cách là Đấng Biện Hộ cho chúng ta với Đức Chúa Cha như thế nào?

  • Chúng ta có thể học được điều gì về đặc tính của Đấng Cứu Rỗi từ các câu thánh thư này?

Hãy cân nhắc đọc cùng học viên lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson. Hãy mời học viên chia sẻ xem những lời dạy bổ sung này từ Chủ Tịch Nelson làm gia tăng tình yêu thương và lòng biết ơn của các em dành cho Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Chúa Giê Su là Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha (xin xem 1 Giăng 2:1; GL&GƯ 29:5; 32:3; 45:3; 110:4). Từ người biện hộ xuất phát từ gốc La Tinh có nghĩa là một “tiếng nói ủng hộ” hoặc “một người bênh vực người khác”. Các thuật ngữ liên quan khác được sử dụng trong thánh thư, chẳng hạn như người cầu thay hoặc đấng trung bảo, trung gian (xin xem thêm 1 Ti Mô Thê 2:5; 2 Nê Phi 2:28; GL&GƯ 76:69). …

… Việc hiểu Ngài với tư cách là đấng biện hộ-người cầu thay-trung gian cho chúng ta trước Đức Chúa Cha trấn an chúng ta về sự hiểu biết, công lý và lòng thương xót vô song của Ngài (xin xem An Ma 7:12). (Russell M. Nelson, “Jesus the Christ—Our Master and More” [Buổi họp đặc biệt devotional tại Trường Brigham Young University, ngày 2 tháng Hai năm 1992], trang 4, speeches.byu.edu)

Đây có thể là một thời điểm tốt trong bài học để cho học viên thời gian suy ngẫm về những cảm nghĩ của các em về Đấng Cứu Rỗi. Hãy cân nhắc viết những câu hỏi sau đây lên trên bảng và mời học viên viết câu trả lời của các em vào nhật ký ghi chép việc học tập. Nếu thích hợp, hãy yêu cầu một vài học viên chia sẻ một số cảm nghĩ của các em với cả lớp.

  • Em cảm thấy như thế nào khi cố gắng hình dung ra Đấng Cứu Rỗi đang cầu xin và biện hộ cho mình?

  • Làm thế nào mà việc biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô biện hộ cho em có thể củng cố quyết tâm của em để ở lại trên con đường giao ước?

Tìm hiểu về Chúa Giê Su Ky Tô

Khi học viên nghiên cứu các câu sau đây, nếu các em cần được giúp đỡ để nhận ra một danh hiệu của Chúa Giê Su Ky Tô trong câu 1, thì anh chị em có thể cần phải giải thích rằng Ngài đã đề cập đến vai trò thiêng liêng của Ngài là Đấng Tạo Hóa của tất cả mọi vật.

Chúa Giê Su Ky Tô có nhiều danh xưng và danh hiệu khác. Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 45:1, 7, 59, tìm kiếm thêm những danh xưng và danh hiệu đó.

Hãy quyết định xem liệu học viên sẽ được lợi ích khi làm việc với những học viên khác hay khi tự thực hiện sinh hoạt sau đây.

Hãy khuyến khích học viên nghĩ ra một cách sáng tạo để tổ chức những điều các em đang học. Ví dụ, học viên có thể tạo một thiết kế trong nhật ký ghi chép việc học tập bằng cách viết danh xưng hoặc danh hiệu của Đấng Ky Tô ở giữa trang. Khi các em khám phá ra các câu thánh thư và cụm từ khác mà giúp các em hiểu rõ hơn về danh hiệu mình đã chọn, thì các em có thể viết những điều này theo các hướng và kích thước khác nhau xung quanh trang. Sau đó, các em có thể vẽ các đường để nối các câu thánh thư và cụm từ này với danh xưng hoặc danh hiệu ở chính giữa.

Hãy chọn một danh xưng hoặc danh hiệu từ việc nghiên cứu của em mà em muốn tìm hiểu thêm. Hãy sử dụng các nguồn tài liệu nghiên cứu có sẵn cho em, chẳng hạn như ứng dụng Thư Viện Phúc Âm và phần trợ giúp nghiên cứu thánh thư, để tìm hiểu danh xưng hoặc danh hiệu này dạy điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô. Em cũng có thể nghiên cứu những lời của các vị tiên tri ngày sau để tìm hiểu thêm. Khi em hoàn thành, hãy trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Em đã học hoặc cảm nhận được điều gì hôm nay mà làm gia tăng tình yêu thương mà em dành cho Đấng Cứu Rỗi và mong muốn noi theo Ngài?

  • Việc tiếp tục nghiên cứu và học hỏi thêm về các danh xưng của Chúa Giê Su Ky Tô có thể ban phước như thế nào cho cuộc sống của em?

Hãy cân nhắc mời học viên chia sẻ các chi tiết và những hiểu biết sâu sắc có ý nghĩa từ quá trình nghiên cứu của các em. Các bài học tương lai có thể cung cấp cơ hội để thảo luận thêm về những điều học viên đã học được ngày hôm nay về những danh xưng và danh hiệu của Chúa Giê Su Ky Tô.

In