Lớp Giáo Lý
Bài Học 60—Giáo Lý và Giao Ước 45:9–75, Phần 2: Chuẩn Bị cho Ngày Tái Lâm


“Bài Học 60—Giáo Lý và Giao Ước 45:9–75, Phần 2: Chuẩn Bị cho Ngày Tái Lâm”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 45:9–75, Phần 2”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 60: Giáo Lý và Giao Ước 45

Giáo Lý và Giao Ước 45:9–75, Phần 2

Chuẩn Bị cho Ngày Tái Lâm

Chúa Giê Su Ky Tô sẽ trở lại thế gian, “khoác [lên] quyền năng và vinh quang lớn lao” để làm tròn những lời mà Ngài đã hứa (Giáo Lý và Giao Ước 45:44; xin xem thêm câu 16). Trong Giáo Lý và Giao Ước 45, Đấng Cứu Rỗi nhân từ dạy cách chúng ta có thể chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài. Mục đích của bài học này là nhằm giúp học viên chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô mặc áo choàng đỏ

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Chuẩn bị cho các sự kiện quan trọng

Hãy cân nhắc viết lên trên bảng (hoặc trưng ra hình ảnh của) một số sự kiện đòi hỏi sự chuẩn bị mà học viên của anh chị em đang hoặc sẽ tham gia. Các ví dụ có thể bao gồm kỳ thi ở trường, lễ tốt nghiệp, công việc truyền giáo toàn thời gian hoặc một sự kiện thể thao. Hãy hỏi học viên xem những sự kiện này có điểm gì chung.

Hãy suy nghĩ về các sự kiện, nhiệm vụ hoặc trách nhiệm trong cuộc sống của em mà đòi hỏi sự chuẩn bị. Trong khi đọc, hãy nghĩ về một kinh nghiệm mà em đã không chuẩn bị và một kinh nghiệm mà em đã chuẩn bị.

  • Mức độ chuẩn bị của em đã ảnh hưởng như thế nào đến cảm nhận của em khi sinh hoạt đó đến gần? Điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến kết quả?

Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ là một sự kiện không giống bất kỳ điều gì chúng ta đã từng trải qua. Sự chuẩn bị của chúng ta cho sự kiện đó có thể xác định cảm xúc của chúng ta ra sao khi chúng ta mong đợi sự trở lại của Ngài, và nó sẽ xác định kinh nghiệm mà chúng ta sẽ có khi Ngài trở lại.

Hãy cân nhắc mời học viên thảo luận những câu hỏi sau đây theo cặp hoặc theo nhóm nhỏ. (Anh chị em có thể nhắc lại cho các em về những điềm triệu mà các em đã nghiên cứu trong “Giáo Lý và Giao Ước 45:9–75, Phần 1”.)

  • Em biết gì về các sự kiện mà sẽ đến trước Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi?

  • Từ những điều mà em biết về Ngày Tái Lâm của Ngài, tại sao em muốn chuẩn bị cho điều đó?

Trong khi anh chị em hoặc một học viên tình nguyện đọc câu thánh thư và lời phát biểu sau đây, thì hãy yêu cầu học viên nhắm mắt lại và hình dung sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi sẽ như thế nào.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 45:44 cùng lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và tìm hiểu Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi sẽ như thế nào.

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Không có điều gì củng cố ước muốn của tôi để nói về Đấng Ky Tô hơn việc tưởng tượng sự tái lâm của Ngài. Tuy chúng ta không biết khi nào Ngài sẽ tái lâm nhưng những sự kiện của việc Ngài tái lâm sẽ rất ngoạn mục! Ngài sẽ tái lâm trong các đám mây trên trời trong sự uy nghi và vinh quang cùng với tất cả các thiên sứ thánh của Ngài. Không phải chỉ một vài thiên sứ mà tất cả các thiên sứ thánh của Ngài. (Neil L. Andersen, “Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 91)

  • Việc hiểu được Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi sẽ như thế nào có thể giúp thúc đẩy em chuẩn bị cho điều đó ra sao?

Hãy cân nhắc mời học viên liên kết Giáo Lý và Giao Ước 45:44 với phần tham khảo thông thạo giáo lý trong Giáo Lý và Giao Ước 29:10–11.

Anh chị em có thể muốn vẽ thang đánh giá sau đây lên trên bảng và mời học viên viết vào nhật ký ghi chép việc học tập bất kỳ những suy nghĩ hoặc cảm nhận nào xuất hiện trong tâm trí khi các em im lặng suy ngẫm xem các em sẽ đánh giá bản thân ra sao.

Để cho đa dạng, thì hãy cân nhắc thay thế các con số trên thang đánh giá bằng biểu tượng cảm xúc hoặc các hình ảnh khác mô tả cảm xúc.

Sử dụng thang đo này, em sẽ đánh giá mức độ tự tin của mình với những câu sau đây như thế nào?

  • Tôi biết cách chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

  • Tôi cảm thấy đã chuẩn bị tốt cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

Hình Ảnh
Thang điểm từ 1 đến 5

Chuẩn Bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô

Có thể là hữu ích khi chia sẻ với học viên rằng Giáo Lý và Giao Ước 38:30 dạy “nếu các ngươi đã chuẩn bị rồi thì các ngươi sẽ không sợ hãi”. Bài học hôm nay có thể giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách tập trung vào hai cách mà chúng ta có thể chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm. Cân nhắc viết “Chúng ta có thể chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách ” lên trên bảng. Khi học viên nghiên cứu các câu sau đây, hãy mời các em viết lên trên bảng các cụm từ để hoàn tất câu đó.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 45:9, 32, 39, 57, 71, tìm hiểu những cách mà Đấng Cứu Rỗi mời gọi chúng ta chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài.

Có thể là hữu ích khi chỉ ra tầm quan trọng của việc tuân giữ các giao ước của chúng ta với Đấng Cứu Rỗi trong việc chuẩn bị cho sự trở lại của Ngài (xin xem câu 9).

Mặc dù tiết 45 bao gồm nhiều cách mà Đấng Cứu Rỗi mời gọi chúng ta chuẩn bị cho sự giáng lâm của Ngài, phần còn lại của bài học này sẽ tập trung vào lẽ thật rằng chúng ta có thể chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách đứng vững ở những nơi thánh thiện và chọn Đức Thánh Linh là Đấng hướng dẫn cho chúng ta. Hãy thoải mái tập trung vào các cách khác để chuẩn bị theo những sở thích và nhu cầu của học viên.

Đứng vững ở những nơi thánh thiện và chọn Đức Thánh Linh là Đấng hướng dẫn của chúng ta

Hãy cân nhắc chia học viên thành các nhóm và cung cấp cho mỗi nhóm tài liệu phát tay đi kèm. Các nhóm có thể nghiên cứu một hoặc cả hai phần của tài liệu phát tay. Khi các nhóm đang làm việc, thì hãy cân nhắc yêu cầu một vài người trong số các em chuẩn bị chia sẻ những điều các em đã tìm thấy với cả lớp khi làm xong.

Chuẩn Bị cho Ngày Tái Lâm

Đứng vững tại những nơi thánh thiện

Hãy đọc những phần tham khảo thánh thư và lời phát biểu sau đây, tìm kiếm những cách chúng ta có thể chọn để đứng vững ở những nơi thánh thiện.

Thi Thiên 24:3–4; Ê Sai 58:13; Hê La Man 5:12; 3 Nê Phi 18:24; Giáo Lý và Giao Ước 27:15; 115:5–6

Chị Ann M. Dibb thuộc Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ đã giải thích:

Hình Ảnh
Chị Ann M. Dibb

Chủ Tịch Ezra Taft Benson dạy: “Những nơi thánh thiện gồm có đền thờ, giáo đường, ngôi nhà của chúng ta và giáo khu của Si Ôn, là những nơi, ‘để phòng vệ và dung thân’ [Giáo Lý và Giao Ước 115:6]” [“Prepare Yourself for the Great Day of the Lord”, New Era, tháng Năm năm 1982, trang 50]. Ngoài những nơi này, tôi còn tin rằng mỗi chúng ta đều có thể tìm thấy thêm nhiều nơi nữa. Trước tiên, chúng ta có thể coi danh từ nơi là một môi trường vật lý hoặc một vị trí địa lý. Tuy nhiên, một nơi có thể là “một tình trạng, vị trí riêng biệt hoặc tâm trạng” [Merriam-Webster Online, “placemerriam-webster.com/dictionary/place]. Điều này có nghĩa là nơi thánh thiện cũng có thể bao gồm những khoảnh khắc thời gian—những khoảnh khắc khi Đức Thánh Linh làm chứng cho chúng ta, những khoảnh khắc khi chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng, hoặc những khoảnh khắc khi chúng ta nhận được một câu trả lời cho lời cầu nguyện của mình. Ngoài ra, tôi còn tin rằng bất cứ lúc nào các em có can đảm để đứng lên bênh vực cho điều đúng, nhất là trong các tình huống khi không một ai khác sẵn lòng làm như vậy, thì các em đang tạo ra một nơi thánh thiện. (Ann M. Dibb, “Những Nơi Thánh Thiện của Các Em”, Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 115)

Chọn Đức Thánh Linh làm Đấng hướng dẫn của chúng ta

Hãy đọc những phần tham khảo thánh thư và lời phát biểu sau đây, tìm kiếm những cách mà chúng ta có thể chọn Đức Thánh Linh làm Đấng hướng dẫn của chúng ta.

Châm Ngôn 3:5–6; Thi Thiên 118:8–9; 1 Nê Phi 4:6; 2 Nê Phi 32:5; Mô Rô Ni 10:5; Giáo Lý và Giao Ước 11:12–14

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Chúng ta có thể chọn Đức Thánh Linh làm Đấng hướng dẫn của chúng ta bằng cách nào? Chúng ta cần phải hối cải những tội lỗi của mình mỗi tuần và tái lập các giao ước của chúng ta bằng cách dự phần Tiệc Thánh với đôi tay trong sạch và tấm lòng thanh khiết, như chúng ta được truyền lệnh phải làm [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:8–9, 12]. Chỉ có bằng cách này chúng ta mới có thể có được lời hứa thiêng liêng rằng chúng ta sẽ “luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta]” (Giáo Lý và Giao Ước 20:77). …

… Chúng ta phải luôn luôn làm những việc cần thiết để gìn giữ Thánh Linh đó. Chúng ta phải tuân giữ các giáo lệnh, cầu nguyện để được hướng dẫn, đi nhà thờ và dự phần Tiệc Thánh vào mỗi Chủ Nhật. Và chúng ta không bao giờ được làm bất cứ điều gì để xua đuổi Thánh Linh đó. Cụ thể, chúng ta nên tránh xa phim ảnh, sách báo khiêu dâm, rượu, thuốc lá và ma túy, và luôn luôn, luôn luôn tránh vi phạm luật trinh khiết. (Dallin H. Oaks, “Be Not Deceived”, Liahona, tháng Mười Một năm 2004, trang 46)

  • Em thấy những suy nghĩ hoặc ấn tượng nào nổi bật với mình trong khi nghiên cứu?

  • Việc thực hiện những điều này sẽ chuẩn bị chúng ta như thế nào cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô?

Chọn một trong hai phần từ tài liệu phát tay. Ở mặt sau của tài liệu phát tay, hãy viết ra hai hoặc ba cách cụ thể giúp giới trẻ có thể áp dụng những lời dạy trong phần này vào cuộc sống của họ.

Hãy cân nhắc yêu cầu các nhóm đặt tài liệu phát tay của các em khắp lớp học với mặt trong của tài liệu úp xuống. Hãy mời học viên đi quanh lớp đọc các ý tưởng áp dụng khác nhau. Ngoài ra, các nhóm có thể trao đổi giấy với nhau.

Hãy chọn một hành động mà em cảm thấy sẽ hữu ích cho mình để áp dụng vào cuộc sống.

  • Em có thể làm gì để áp dụng hành động này vào cuộc sống của mình?

  • Điều này sẽ giúp em chuẩn bị như thế nào cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi?

Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em đã học và cảm nhận được trong bài học. Khuyến khích các em hành động theo những suy nghĩ và cảm nghĩ của mình. Để kết thúc, hãy cân nhắc trưng lại thang đánh giá từ đầu bài học. Hãy mời học viên đánh giá lại sự tự tin của các em trong việc chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

In