Lớp Giáo Lý
Bài Học 82—Giáo Lý và Giao Ước 71: Cách Phản Ứng với Những Người Chỉ Trích Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi


“Bài Học 82—Giáo Lý và Giao Ước 71: Cách Phản Ứng với Những Người Chỉ Trích Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 71”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 82: Giáo Lý và Giao Ước 71–75

Giáo Lý và Giao Ước 71

Cách Phản Ứng với Những Người Chỉ Trích Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi

Vào mùa đông năm 1831, những lá thư có thông tin sai lệch về Joseph Smith và Giáo Hội đã phát tán trong khu vực Kirtland. Trong Giáo Lý và Giao Ước 71, Đấng Cứu Rỗi đã chỉ thị Joseph Smith và Sidney Rigdon phải đi khắp vùng, chấn chỉnh những điều sai lạc (xin xem câu 1–2). Bài học này có thể giúp học viên hiểu cách Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta phản ứng khi có người chỉ trích những niềm tin của chúng ta.

Hình Ảnh
Joseph Smith thuyết giảng

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Cách trả lời những người chỉ trích Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi

Để giúp học viên hiểu được ngữ cảnh lịch sử của Giáo Lý và Giao Ước 71, hãy chia sẻ đoạn sau đây hoặc tóm tắt lại bằng lời riêng của anh chị em.

Sự ngược đãi gia tăng đáng kể đối với Joseph Smith và các Thánh Hữu ở Kirtland vào mùa đông năm 1831. Một số Thánh Hữu bắt đầu rời bỏ Giáo Hội, bao gồm Ezra Booth và Symonds Ryder. Booth bắt đầu xuất bản những lá thư tấn công Joseph và cố gắng lật đổ công việc của Chúa (xin xem History, 1838–1856 [Manuscript History of the Church], volume A-1, 153–154, josephsmithpapers.org). Joseph đã cầu xin Chúa ban lời khuyên bảo, và Giáo Lý và Giao Ước 71 đã được tiếp nhận.

  • Em có thể muốn phản ứng như thế nào trước những cuộc tấn công vào Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi và vào Joseph Smith?

    Hãy mời học viên chia sẻ ví dụ khi các em chứng kiến những lời chỉ trích Giáo Hội hoặc phúc âm. Hãy yêu cầu học viên suy ngẫm xem các em nghĩ Đấng Cứu Rỗi muốn các em phản ứng như thế nào khi mọi người đối xử thô lỗ về những niềm tin của các em. Hãy mời các em thực hiện một cuộc thảo luận ngắn khi học viên trả lời các câu hỏi sau đây.

  • Làm thế nào chúng ta có thể biết cách tốt nhất để xử lý các tình huống khi có những người khác chỉ trích niềm tin của chúng ta hoặc chia sẻ thông tin sai lệch về Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi?

  • Các em nghĩ khi nào thì tốt hơn là nên bỏ qua những lời chỉ trích?

Hãy suy ngẫm xem các em cảm thấy tự tin như thế nào khi biết về cách mà Chúa Giê Su muốn các em phản ứng. Trong khi em nghiên cứu, hãy tìm ra những cách khác nhau mà Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta phản ứng.

Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta lên tiếng và chia sẻ phúc âm của Ngài

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 71:1–3, và tìm kiếm xem Đấng Cứu Rỗi muốn Joseph và Sidney phản ứng như thế nào trước những điều sai lạc đang được lan truyền về Giáo Hội vào thời điểm đó.

  • Em thấy điều gì là nổi bật?

  • Theo câu 1, Đấng Cứu Rỗi đã cung ứng điều gì để giúp Joseph và Sidney biết cách ứng phó?

  • Lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta như thế nào trong thời đại của chúng ta?

    Hãy giúp học viên xác định lẽ thật rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ dạy chúng ta qua thánh thư và Thánh Linh cách để ứng phó với những người chỉ trích Giáo Hội của Ngài.

  • Em nghĩ tại sao việc sử dụng thánh thư và làm theo những sự thúc giục của Thánh Linh là các cách tốt nhất để ứng phó với sự chỉ trích?

  • Ảnh hưởng của Thánh Linh có thể tác động đến cách chúng ta phản ứng với sự chỉ trích về những phương diện nào?

Hãy cân nhắc mời một học viên viết “Ứng phó theo cách của Đấng Cứu Rỗi” ở phần trên cùng của bảng. Anh chị em cũng có thể yêu cầu cả lớp viết tiêu đề này lên một trang nhật ký ghi chép việc học tập của các em. Học viên có thể bắt đầu bản liệt kê bằng cách viết “sử dụng thánh thư” và “tuân theo Thánh Linh” bên dưới tiêu đề này. Khi sử dụng bản liệt kê mà các em đã tạo, học viên sẽ có cơ hội tập phản ứng với các tình huống theo cách của Đấng Cứu Rỗi.

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã sử dụng biểu tượng những mũi tên rực lửa trong thánh thư để mô tả lời chỉ trích của những người khác về niềm tin của chúng ta. Khi em nghiên cứu lời phát biểu này, hãy suy nghĩ về những điều em có thể thêm vào bản liệt kê “Ứng phó theo cách của Đấng Cứu Rỗi”.

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Nhờ tấm khiên đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta trở thành những người hòa giải, dập tắt … mọi mũi tên rực lửa của kẻ nghịch thù [xin xem Ê Phê Sô 6:16; Giáo Lý và Giao Ước 3:8]. …

Một người hòa giải làm dịu và làm nguội các mũi tên rực lửa bằng cách nào? Chắc chắn không phải bằng cách thoái lui trước những kẻ miệt thị chúng ta. Thay vì vậy, chúng ta vẫn tin tưởng vào tín ngưỡng của mình, chia sẻ niềm tin bằng sự tin chắc của mình, nhưng không tức giận hay có ác ý. …

Người hòa giải không sống thụ động; họ dùng cách thức của Đấng Cứu Rỗi để thuyết phục.

Điều gì ban cho chúng ta sức mạnh nội tâm để làm nguội, làm dịu, và chiến thắng các mũi tên rực lửa nhắm vào những lẽ thật mà chúng ta yêu mến? Sức mạnh đó đến từ đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và lời của Ngài. (Neil L. Andersen, “Noi Theo Chúa Giê Su: Làm Một Người Hòa Giải”, Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 17–18)

Hãy mời học viên thảo luận về những điều các em sẽ thêm vào bản liệt kê sau khi xem lại lời phát biểu của Anh Cả Andersen. Anh chị em có thể đặt ra một câu hỏi như sau:

  • Làm thế nào để em có thể là một người giải hòa trong lúc khi phản ứng lại sự chỉ trích của những người khác?

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 71:4–7, và tìm kiếm những điều mà Chúa đã dạy cho Joseph Smith và Sidney Rigdon trong tình huống cụ thể này để giải quyết những thông tin sai lạc đang được phát tán.

  • Em đã khám phá ra điều gì?

  • Em thấy mối liên hệ nào với lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi trong các câu này và những lời giảng dạy của Anh Cả Andersen?

Nhấn mạnh tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô: Sinh hoạt sau đây là một cơ hội để nhấn mạnh đến tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô. Để luyện tập thêm phần này, xin xem phần huấn luyện có tiêu đề “Nhấn Mạnh Tấm Gương của Chúa Giê Su Ky Tô” trong Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên: Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy cân nhắc thực hành kỹ năng “Giúp học viên kết nối những điều các em đang học với cách Đấng Ky Tô minh họa nguyên tắc này”.

Để giúp học viên nhận ra nhiều câu trả lời giống như Đấng Ky Tô mà có thể giúp các em bảo vệ niềm tin của mình, thì hãy cân nhắc sắp xếp lớp học thành các nhóm cho sinh hoạt sau đây.

Hãy khuyến khích học viên sử dụng thánh thư để tìm các ví dụ hoặc lời dạy cho thấy những cách khác nhau mà Đấng Cứu Rỗi và các môn đồ của Ngài đã phản ứng lại lời chỉ trích. Nếu học viên cần hướng dẫn thêm, thì anh chị em có thể trưng ra một số đoạn sau đây mà mô tả những kinh nghiệm và lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi để các em nghiên cứu.

Hãy mời học viên thảo luận với nhóm về những điều các em đã khám phá ra, sau đó chọn một người dẫn dắt cuộc thảo luận để chia sẻ thông tin với cả lớp.

  • Ma Thi Ơ 4:3–11 (Chúa Giê Su đáp lại những sự cám dỗ của Sa Tan bằng thánh thư.)

  • Lu Ca 23:8–10 (Chúa Giê Su đứng trước Hê Rốt, giữ im lặng.)

  • Giăng 8:2–11 (Chúa Giê Su, trước những lãnh đạo người Do Thái đang gây khó dễ cho Ngài, đã cứu mạng sống của một người phụ nữ.)

  • Giáo Lý và Giao Ước 100:5–7 (Chúa hứa rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta những lời để nói nếu chúng ta nói bằng danh Ngài.)

  • Giáo Lý và Giao Ước 121:41–45 (Chúa đưa ra lời khuyên bảo về cách chỉnh đốn người khác.)

Hãy cân nhắc mời các trưởng nhóm chia sẻ với cả lớp những điều các em đã thảo luận và thêm vào bản liệt kê trên bảng các câu trả lời thích hợp. Hãy nhắc học viên rằng có những lúc Thánh Linh có thể thúc giục chúng ta giữ im lặng thay vì công khai chấn chỉnh những điều người khác đã nói.

Hãy tập phản ứng theo cách của Đấng Cứu Rỗi

Để giúp học viên thể hiện sự hiểu biết của các em về nguyên tắc được nghiên cứu ngày hôm nay, anh chị em có thể cung cấp hoặc trưng ra các tình huống sau đây. Khi học viên thảo luận về những cách khác nhau mà chúng ta có thể phản ứng, thì hãy khuyến khích các em tìm kiếm các ý tưởng trong bản liệt kê các em đã tạo trước đó. Hãy giúp các em hiểu rằng có thể có nhiều cách phù hợp để phản ứng với mỗi tình huống. Thánh Linh có thể giúp chúng ta biết Cha Thiên Thượng muốn chúng ta làm hoặc nói gì khi tình huống phát sinh.

Anh chị em có thể nghĩ ra các tình huống khác nhau để giải quyết tốt hơn các nhu cầu trong lớp của mình hoặc thêm chi tiết vào các tình huống dưới đây để gia tăng sự hứng thú của học viên. Anh chị em cũng có thể yêu cầu cả lớp tạo ra các tình huống của riêng các em từ kinh nghiệm cá nhân. Có thể là thích hợp khi mời học viên chia sẻ những kinh nghiệm mà các em đã có trong quá khứ.

Hãy chia sẻ một vài cách khác nhau mà em có thể phản ứng với mỗi tình huống sau đây theo cách giống như Đấng Ky Tô:

  • Anh chị em đăng một bức hình về đền thờ lên mạng xã hội, và một người nào đó đáp lại bằng cách chỉ trích Giáo Hội vì yêu cầu tiêu chuẩn cao mới được vào đền thờ.

  • Tại một buổi họp mặt gia đình, một người chú nói những điều không tốt về Tiên Tri Joseph Smith.

  • Một người bạn cho rằng thật ngu ngốc khi tin vào một Thượng Đế mà em không thể chứng minh là Ngài tồn tại.

  • Một người nào đó tại nơi làm việc của em nói với đồng nghiệp của em rằng Các Thánh Hữu Ngày Sau không phải là Ky Tô hữu.

Vào đúng giờ riêng của Đấng Cứu Rỗi

Joseph Smith và Sidney Rigdon đã vâng theo sự mặc khải mà họ nhận được. Họ đi khắp vùng, thuyết giảng phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và chấn chỉnh những điều sai lạc đã được truyền bá.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 71:8–11, và tìm kiếm sự trấn an mà Đấng Cứu Rỗi ban cho tất cả những ai bảo vệ Giáo Hội và phúc âm của Ngài.

  • Những câu này giảng dạy cho em điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Em nghĩ việc không có tiếng nói hoặc vũ khí nào chống lại chúng ta mà sẽ hiệu quả (xin xem các câu 9–10) có nghĩa là gì?

Hãy giúp học viên hiểu rằng ngay cả khi các em không có cách phản ứng hoàn hảo với một người nào đó, thì Đấng Cứu Rỗi sẽ không để cho kẻ thù của Giáo Hội của Ngài chống lại chúng ta mà sẽ thành công mãi mãi. Đấng Cứu Rỗi hứa rằng những người chỉ trích sẽ “bị bối rối vào đúng giờ riêng của [Ngài]” (câu 10).

  • Em đã học được điều gì ngày hôm nay mà có thể giúp em xử lý các tình huống khi một người nào đó em quen biết chỉ trích Giáo Hội hoặc những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi?

Anh chị em có thể kết thúc bài học bằng cách khuyến khích học viên tuân theo lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi khi các em phải đối mặt với các tình huống trong đó có người chỉ trích Giáo Hội và phúc âm. Anh chị em có thể chia sẻ lời chứng của mình về quyền năng được ban cho những người mà sẽ bảo vệ niềm tin của họ như Đấng Cứu Rỗi.

In