Lớp Giáo Lý
Bài Học 85—Giáo Lý và Giao Ước 76:1–19: “Mắt Hiểu Biết của Chúng Tôi Được Mở Ra”


“Bài Học 85—Giáo Lý và Giao Ước 76:1–19: ‘Mắt Hiểu Biết của Chúng Tôi Được Mở Ra’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 76:1–19”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 85: Giáo Lý và Giao Ước 76

Giáo Lý và Giao Ước 76:1–19

“Mắt Hiểu Biết của Chúng Tôi Được Mở Ra”

Vào tháng Một năm 1832, Tiên Tri Joseph Smith và Sidney Rigdon suy ngẫm về ý nghĩa của Giăng 5:29 trong khi thực hiện bản phiên dịch Kinh Thánh được soi dẫn. Trong lúc suy ngẫm, họ đã nhận được một loạt các khải tượng, trong đó Chúa đã mặc khải những lẽ thật quan trọng về kế hoạch của Ngài. Bài học này có thể giúp học viên học hỏi bằng quyền năng của Đức Thánh Linh khi các em dành thời gian để suy ngẫm về những lời của Đấng Cứu Rỗi.

Hình Ảnh
Joseph và Sidney chuẩn bị cho sự mặc khải

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Tìm kiếm sự mặc khải cá nhân

Hãy cân nhắc trưng ra những câu hỏi sau đây lên trên bảng. Học viên có thể ghi lại câu trả lời của các em cho các câu hỏi vào nhật ký ghi chép việc học tập. Hãy cân nhắc yêu cầu một vài học viên sẵn lòng chia sẻ những câu trả lời không quá cá nhân.

  • Em đang gặp phải, hoặc có thể gặp phải, một số trường hợp hoặc tình huống nào mà em muốn nhận được sự hướng dẫn của Chúa qua Đức Thánh Linh?

  • Tại sao em lại mong muốn sự giúp đỡ của Chúa với những điều này?

Hôm nay, em sẽ tìm hiểu về một cách mà em có thể mời Chúa nói chuyện với mình qua Đức Thánh Linh. Trong khi học, hãy chú ý đến những sự thúc giục từ Thánh Linh mà có thể giúp em với một trong những tình huống hoặc câu hỏi mà em đã nhận ra.

Khải tượng

Phần tóm tắt sau đây có thể giúp chuẩn bị cho học viên nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 76. Hãy cân nhắc tốt nhất là nên tự đọc hoặc tóm tắt hay mời một học viên làm điều đó.

Hình Ảnh
Nhà của John Johnson

Vào ngày 16 tháng Hai năm 1832, Joseph Smith, Sidney Rigdon và khoảng 12 người đàn ông khác đã ở trong căn phòng trên lầu nhà của John và Elsa Johnson ở Hiram, Ohio. Trong khi Joseph và Sidney thực hiện bản dịch Kinh Thánh được soi dẫn, thì họ đang nghiên cứu Giăng 5:29, là một câu thánh thư mô tả thiên thượng, và họ muốn tìm hiểu thêm. Trong khi suy ngẫm, họ nhìn thấy một khải tượng được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 76. Đấng Cứu Rỗi đã cho Joseph và Sidney thấy một loạt các khải tượng riêng biệt mà đã dạy họ những lẽ thật quan trọng về kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng.

Hãy giải thích rằng khi học viên nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 76 trong suốt tuần, các em sẽ có cơ hội tìm hiểu về nhiều phần khác nhau của khải tượng này. Bài học hôm nay sẽ tập trung vào những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi và những kinh nghiệm được ghi lại ở đầu tiết 76.

Giáo Lý và Giao Ước 76 bắt đầu với việc Chúa chia sẻ những lẽ thật quan trọng về chính Ngài.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 76:1–10, tìm kiếm những từ hoặc cụm từ mà em cảm thấy sẽ cho thấy điều mà Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta hiểu về Ngài. Hãy lưu ý rằng kính sợ Thượng Đế (câu 5) có nghĩa là thờ phượng, yêu thương và kính sợ Ngài.

Sau khi học viên đã có đủ thời gian để nghiên cứu các câu này, thì hãy mời các em chia sẻ những sự hiểu biết sâu sắc của mình. Những câu hỏi như sau có thể giúp học viên thảo luận về mong muốn của Đấng Cứu Rỗi để mặc khải lẽ thật cho các em qua Đức Thánh Linh.

  • Những câu này giúp em hiểu hơn điều gì về Đấng Cứu Rỗi?

  • Việc biết những điều này về Ngài có thể ảnh hưởng như thế nào đến em?

Việc suy ngẫm về thánh thư dẫn đến sự mặc khải

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 76:11–19, tìm kiếm những điều Joseph và Sidney đã làm trước khi chứng kiến khải tượng của họ.

  • Em nghĩ những hành động nào đã khiến Joseph và Sidney nhận được những điều họ đã nhận?

    Hãy cân nhắc giải thích rằng mặc dù chúng ta có thể không nhận được loại khải tượng mà Joseph và Sidney đã có, nhưng kinh nghiệm của họ có thể dạy chúng ta một nguyên tắc về việc chuẩn bị bản thân để nhận được sự mặc khải từ Chúa qua Đức Thánh Linh.

  • Em học được lẽ thật nào từ những câu này về một cách chúng ta có thể chuẩn bị bản thân để nhận được sự mặc khải qua Đức Thánh Linh?

Học viên có thể đề cập đến một lẽ thật tương tự như sau: Khi thành tâm nghiên cứu và suy ngẫm thánh thư, chúng ta đang chuẩn bị bản thân để nhận được sự hiểu biết từ Chúa qua Đức Thánh Linh.

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã mô tả cho chúng ta cách nghiên cứu và suy ngẫm thánh thư để dẫn đến sự mặc khải qua Đức Thánh Linh.

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Khi tôi nói “học hỏi”, tôi có ý nói đến một việc gì đó nhiều hơn là chỉ đọc. … Đôi khi tôi hình dung ra anh chị em đọc một vài câu, ngừng lại để suy ngẫm về những câu đó, đọc kỹ lại những câu đó lần nữa, và trong khi anh chị em suy ngẫm về ý nghĩa của những câu đó, cầu nguyện để xin hiểu được, đặt ra những câu hỏi trong tâm trí mình, chờ đợi những ấn tượng thuộc linh, và viết ra những ấn tượng đó và những hiểu biết sâu sắc có được nhằm giúp cho anh chị em có thể ghi nhớ và học hỏi thêm. Khi học hỏi theo cách này, anh chị em không thể đọc nhiều chương hay nhiều câu trong nửa giờ đồng hồ, nhưng anh chị em sẽ dành chỗ trong lòng mình cho lời của Thượng Đế, và Ngài sẽ phán bảo cùng anh chị em. (D. Todd Christofferson, “When Thou Art Converted”, Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 11)

  • Một số trở ngại nào đôi khi có thể ngăn cản chúng ta suy ngẫm? Điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua được những trở ngại này?

Hãy cân nhắc chia sẻ một kinh nghiệm trong đó anh chị em đã nghiên cứu và thành tâm suy ngẫm về thánh thư và nhận được sự mặc khải. Cũng hãy mời học viên chia sẻ bất kỳ kinh nghiệm nào mà các em đã có.

Thực hành việc thành tâm học hỏi và suy ngẫm

Hãy cân nhắc cho học viên thời gian trong lớp, có thể là 7–10 phút, để thực hành việc thành tâm học hỏi và suy ngẫm về thánh thư. Hãy chia sẻ các hướng dẫn sau đây:

Dành chút thời gian để thực hành việc học hỏi và suy ngẫm về thánh thư. Nghĩ về hoàn cảnh hoặc tình huống em đã xác định trước đó mà em muốn được Chúa giúp đỡ. Cầu nguyện để được hướng dẫn, suy ngẫm về những điều em đang đọc và chú ý đến những sự thúc giục của Thánh Linh mà có thể mang lại cho em sự hướng dẫn hoặc sự giúp đỡ cần thiết. Ghi lại những suy nghĩ và ấn tượng của em vào nhật ký ghi chép việc học tập.

Hãy cho học viên lựa chọn phần thánh thư mà các em sẽ học trong sinh hoạt này. Đối với học viên mà muốn được hướng dẫn về đoạn nào cần chọn, thì hãy cân nhắc đưa ra một số lựa chọn, chẳng hạn như sau:

Sau khi đã cho học viên đủ thời gian rồi, hãy trưng ra những câu hỏi sau đây và mời học viên ghi lại câu trả lời của các em vào nhật ký ghi chép việc học tập.

  • Việc học hỏi và suy ngẫm về thánh thư đã giúp chuẩn bị cho em nhận được sự mặc khải qua Đức Thánh Linh như thế nào?

  • Kinh nghiệm này đã dạy cho em điều gì về Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và Đức Thánh Linh?

  • Em có thể làm gì, hoặc tiếp tục làm gì, để nhận được thêm sự giúp đỡ và mặc khải từ Chúa?

Hãy làm chứng về việc suy ngẫm và nghiên cứu thánh thư một cách có chủ đích và thường xuyên hơn có thể mang học viên đến gần với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn như thế nào. Hãy khuyến khích học viên tiếp tục thành tâm tìm kiếm sự mặc khải bằng cách thường xuyên học hỏi và suy ngẫm thánh thư.

In