Lớp Giáo Lý
Bài học 86—Giáo Lý và Giao Ước 76:19–24: “Đây Là Chứng Ngôn … Mà Chúng Tôi Nói về Ngài”


“Bài Học 86—Giáo Lý và Giao Ước 76:19–24: ‘Đây là Chứng Ngôn … Mà Chúng Tôi Nói về Ngài’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 76:19–24”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 86: Giáo Lý và Giao Ước 76

Giáo Lý và Giao Ước 76:19–24

“Đây Là Chứng Ngôn … Mà Chúng Tôi Nói về Ngài”

Trong số các khải tượng được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 76, Joseph Smith và Sidney Rigdon đã nhìn thấy chính Chúa Giê Su Ky Tô. Họ đã học được Đấng Cứu Rỗi là trọng tâm của sự cứu rỗi của chúng ta ra sao và sau đó đã làm chứng về Ngài. Bài học này có thể giúp học viên cảm thấy gia tăng tình yêu thương dành cho Chúa Giê Su Ky Tô và vai trò của Ngài trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su đang mỉm cười

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Chúa Giê Su Ky Tô quan trọng đối với tôi

Hãy tạo cơ hội cho học viên thảo luận về lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô lại quan trọng đối với các em. Anh chị em có thể cân nhắc sử dụng tình huống sau đây hoặc anh chị em có thể mời học viên tạo một tình huống khác.

Abbey và Sarika học chung với nhau trong một số lớp ở trường. Một ngày vào bữa trưa, Sarika nhìn Abbey và nói: “Mình đã nghe mọi người nói về Chúa Giê Su suốt cả cuộc đời này. Thậm chí là mình đã nghe bạn nói rằng bạn tin nơi Ngài. Mình chưa bao giờ thực sự tìm hiểu về Chúa Giê Su, và mình thấy tò mò. Bạn có thể kể cho mình biết điều gì về Ngài, hoặc tại sao Ngài lại quan trọng đối với bạn?”

  • Nếu em là Abbey, em sẽ nói điều gì với Sarika?

Trước khi yêu cầu một vài học viên trả lời, thì hãy cân nhắc cho các em thời gian để suy ngẫm về những điều các em có thể nói. Có thể là hữu ích khi học viên tạo một bản liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học tập về những điều các em nghĩ là tất cả mọi người nên biết về Chúa Giê Su.

Hãy nghĩ về những cảm nghĩ của em về Chúa Giê Su Ky Tô và em cảm thấy thoải mái như thế nào khi nói chuyện với những người khác về Ngài. Trong khi học tập hôm nay, hãy tìm kiếm những lời giảng dạy mà giúp em cảm nhận được tình yêu thương nhiều hơn dành cho Chúa Giê Su Ky Tô.

Khải tượng về Vị Nam Tử của Thượng Đế

Có thể là hữu ích khi mời học viên chia sẻ những điều các em nhớ về những hoàn cảnh dẫn đến việc Joseph Smith và Sidney Rigdon nhìn thấy khải tượng được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 76. Nếu cần, hãy nhắc các em rằng khi Joseph Smith và Sidney Rigdon suy ngẫm về thánh thư, Chúa đã “sờ vào mắt hiểu biết [của họ]” (Giáo Lý và Giao Ước 76:19), và họ đã nhận được một khải tượng lớn lao.

Giáo Lý và Giao Ước 76:22–24 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 76:1–6, 19–24, tìm kiếm những điều Joseph và Sidney đã tuyên bố về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy khuyến khích học viên theo dõi những điều các em khám phá trong thánh thư. Ví dụ, các em có thể tạo một bản liệt kê những phát hiện của mình trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Ngoài ra, hãy cân nhắc cung cấp một số tờ giấy lớn để học viên có thể ghi lại những điều các em học được. Khi học viên làm xong, thì anh chị em có thể trưng ra các tờ giấy trên tường của lớp học. Học viên có thể đi xung quanh lớp để đọc những điều học viên khác phát hiện ra, sau đó vẽ một hình trái tim bên cạnh một điều gì đó mà các em thích hoặc muốn biết thêm. Hãy cho học viên thời gian để thảo luận về điều mà các em đã tìm thấy.

  • Những lẽ thật nào từ các câu này nổi bật với em? Tại sao?

Em có thể đã tìm thấy nhiều lẽ thật trong các câu này. Trong số đó, em có thể nhận thấy:

  • Chúa Giê Su Ky Tô thương xót và vui mừng ban phước cho chúng ta khi chúng ta tôn vinh và phục vụ Ngài (câu 5).

  • Chúa Giê Su Ky Tô là một Đấng hằng sống, đầy vinh hiển (câu 22).

  • Chúa Giê Su Ky Tô là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha (câu 23).

  • Dưới sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Sáng Tạo của tất cả mọi vật (câu 24).

  • Những lẽ thật này giúp em hiểu điều gì về cách Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp em và những người khác?

Các sinh hoạt sau đây có thể giúp học viên gia tăng sự hiểu biết của các em và cảm thấy tầm quan trọng của hai trong số các lẽ thật mà những câu này dạy. Anh chị em có thể chọn một hoặc cả hai sinh hoạt để cả lớp cùng học với nhau. Hoặc anh chị em có thể trưng ra các hướng dẫn cho sinh hoạt và chỉ định các nhóm nhỏ hoặc các cặp để cùng nhau hoàn thành một hoặc cả hai sinh hoạt.

Sinh hoạt A: Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống!

Nếu cần, hãy cung cấp một bản in lời bài thánh ca “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 38) để học viên sử dụng. Nếu cả lớp cùng thực hiện sinh hoạt này, thì anh chị em có thể hát bài thánh ca đó trong phần này của bài học.

Ngoài việc yêu cầu học viên nghiên cứu bài thánh ca ở bước 3, thì anh chị em cũng có thể mời các em tìm các đoạn thánh thư hoặc lời phát biểu từ các vị lãnh đạo Giáo Hội mà mô tả những điều Đấng Cứu Rỗi có thể làm cho chúng ta bởi vì Ngài hằng sống. Ví dụ về những câu thánh thư mà anh chị em có thể gợi ý bao gồm Giăng 6:40; Phi Líp 4:13; Giáo Lý và Giao Ước 58:42; 84:88.

Cũng hãy cân nhắc sử dụng một trong các video dưới tiêu đề “Các video bổ sung: Ngài hằng sống!” trong “Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung”.

  1. Hãy cân nhắc đánh dấu những từ “Ngài hằng sống!” trong câu 22 theo cách làm cho những từ này nổi bật trong thánh thư của em.

  2. Em hãy viết cụm từ Vì Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống … trong nhật ký ghi chép việc học tập.

  3. Đọc lời bài thánh ca “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 38), tìm kiếm các ví dụ về cách Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp em bởi vì Ngài hằng sống.

  4. Viết ra ít nhất năm cách quan trọng nhất đối với em mà em có thể dùng để hoàn thành cụm từ đó.

Sinh hoạt B: Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Sáng Tạo của vạn vật

Để giúp học viên chuẩn bị trả lời bước 4 tốt hơn, thì hãy cân nhắc chia sẻ lời phát biểu của Chủ Tịch Boyd K. Packer trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung”.

  1. Hãy cân nhắc đánh dấu cụm từ “bởi Ngài, qua Ngài và do Ngài mà các thế giới đã và đang được sáng tạo” (câu 24) theo cách làm cho cụm từ này nổi bật trong thánh thư của em.

  2. Tìm các đoạn thánh thư hoặc lời phát biểu từ các vị lãnh đạo Giáo Hội mà làm gia tăng sự hiểu sâu sắc của em về vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Đấng Sáng Tạo. Ví dụ về những câu thánh thư mà em có thể nghiên cứu bao gồm Giăng 1:1–3; 3 Nê Phi 9:15; Giáo Lý và Giao Ước 93:9–10; Môi Se 1:33; 7:30.

  3. Hãy thảo luận về một số sự sáng tạo của Đấng Cứu Rỗi mà giúp em cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy giải thích lý do tại sao.

  4. Hãy viết ra ít nhất ba cách mà em cảm thấy Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp em bởi vì Ngài là Đấng Sáng Tạo của vạn vật.

Khi học viên đã hoàn thành sinh hoạt hoặc các sinh hoạt, thì hãy để các em chia sẻ những điều mà các em đã học và cảm nhận được. Hãy nhớ mời các em chia sẻ những điều đã học được về cách Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp các em vì Ngài hằng sống và vì Ngài là Đấng Sáng Tạo. Học viên có thể chia sẻ những sự hiểu biết sâu sắc của các em tại chỗ ngồi của mình, hoặc anh chị em có thể mời những học viên nào sẵn sàng lên đứng trước lớp để chia sẻ chứng ngôn của các em về Chúa Giê Su Ky Tô.

Học thuộc lòng

Anh chị em có thể muốn giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt trong suốt bài học này và ôn lại chúng trong các bài học tới. Cụm từ thánh thư then chốt là “Nhờ có [Chúa Giê Su Ky Tô] mà các thế giới đã và đang được sáng tạo”. Ý tưởng cho các sinh hoạt học thuộc lòng nằm ở tài liệu phụ lục trong “Những Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý”.

In