Lớp Giáo Lý
Bài Học 92—Giáo Lý và Giao Ước 82:8–24: “Ta, Là Chúa, Bị Ràng Buộc Khi Các Ngươi Làm Theo Những Điều Ta Phán”


“Bài Học 92—Giáo Lý và Giao Ước 82:8–24: ‘Ta, là Chúa, Bị Ràng Buộc Khi Các Ngươi Làm Theo Những Điều Ta Phán’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 82:8–24”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 92: Giáo Lý và Giao Ước 81–83

Giáo Lý và Giao Ước 82:8–24

“Ta, là Chúa, Bị Ràng Buộc Khi Các Ngươi Làm Theo Những Điều Ta Phán”

Đấng Cứu Rỗi

Đấng Cứu Rỗi đã mời gọi các thành viên của Liên Hiệp Công Ty tự ràng buộc mình bằng giao ước để quản lý các công việc trong Giáo Hội của Ngài. Ngài ban cho họ các lệnh truyền và hứa sẽ ban phước cho họ khi họ vâng lời. Khi chúng ta giao ước để tuân theo các lệnh truyền của Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài hứa sẽ ban phước cho chúng ta. Bài học này có thể giúp học viên hiểu cách tuân giữ các giao ước mà chúng ta lập với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Được Ràng Buộc với Chúa

Bài học trực quan sau đây có thể giúp học viên suy ngẫm về mối quan hệ của các em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy cho học viên xem hai thanh nam châm. Một học viên có thể chứng minh làm thế nào mà các thanh nam châm hút hoặc đẩy nhau khi đến gần nhau. Hãy yêu cầu học viên tưởng tượng rằng một trong hai thanh nam châm tượng trưng cho Chúa Giê Su Ky Tô và thanh kia tượng trưng cho các em.

  • Chúng ta có thể học được gì về mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô từ hai thanh nam châm này?

Hãy mời học viên suy ngẫm về mối quan hệ của các em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Khi học viên nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 82, hãy khuyến khích các em tìm kiếm sự mặc khải cá nhân về cách các em có thể củng cố mối quan hệ của mình với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

“Ta, là Chúa, Bị Ràng Buộc Khi Các Ngươi Làm Theo Những Điều Ta Phán”

Trong Giáo Lý và Giao Ước 82, Chúa đã lặp lại những chỉ dẫn được đưa ra trong một điều mặc khải trước đó (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 78). Các chỉ dẫn là hãy thành lập Liên Hiệp Công Ty để quản lý các công việc thế tục của Giáo Hội và xây dựng Si Ôn.

biểu tượng thông thạo giáo lý Giáo Lý và Giao Ước 82:10 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 82:8–10, và tìm kiếm những điều mà Chúa đã dạy về các lệnh truyền của Ngài.

  • Lý do Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta các lệnh truyền là gì?

  • Đấng Cứu Rỗi hứa điều gì nếu chúng ta tuân giữ các lệnh truyền của Ngài?

Hãy mời học viên trình bày lại một lẽ thật trong những câu thánh thư này bằng lời riêng của các em. Các em cũng có thể viết lẽ thật đó vào nhật ký ghi chép việc học tập hoặc viết lên trên bảng. Học viên có thể xác định các lẽ thật tương tự như sau: Khi chúng ta tuân theo các lệnh truyền của Chúa, Ngài hứa sẽ ban phước cho chúng ta.

Các câu thánh thư này dạy cho em điều gì về đặc tính của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Để giúp học viên nhận ra khi các em nhìn thấy sự ứng nghiệm của lẽ thật này, anh chị em có thể muốn thực hiện một sinh hoạt như sau:

Chia lớp học ra thành các nhóm nhỏ. Hãy yêu cầu mỗi nhóm tìm các ví dụ về việc Đấng Cứu Rỗi ban phước cho mọi người vì đã vâng theo các lệnh truyền của Ngài. Học viên có thể liệt kê các ví dụ từ thánh thư, cuộc sống của chính các em hoặc cuộc sống của những người mà các em biết. Sau khi đã cho học viên đủ thời gian rồi, anh chị em có thể mời các nhóm thay phiên nhau chia sẻ các ví dụ. Anh chị em có thể thảo luận về những điều chúng ta có thể học được từ những ví dụ này về việc Đấng Cứu Rỗi sẵn sàng giữ lời hứa của Ngài.

Được ràng buộc bởi giao ước

Anh chị em có thể muốn giúp học viên thấy câu 1 có thể dạy về mối quan hệ giao ước của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô ra sao. Qua các giao ước, chúng ta lập những lời hứa với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, và hai Ngài lập những lời hứa với chúng ta.

  • Em nghĩ câu 10 dạy điều gì về các giao ước mà chúng ta lập với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson và tìm kiếm những điều ông đã dạy về các giao ước.

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Một khi chúng ta lập giao ước với Thượng Đế, chúng ta từ bỏ vùng trung lập mãi mãi. Thượng Đế sẽ không từ bỏ mối quan hệ của Ngài với những người đã tạo dựng liên kết như vậy với Ngài. Quả thực, tất cả những ai đã lập giao ước với Thượng Đế đều được tiếp cận một tình yêu thương và lòng thương xót đặc biệt. …

Một khi anh chị em và tôi lập giao ước với Thượng Đế, mối quan hệ của chúng ta với Ngài trở nên gần gũi hơn nhiều so với trước khi giao ước. Giờ đây chúng ta được ràng buộc với nhau. Nhờ giao ước của chúng ta với Thượng Đế, Ngài sẽ không bao giờ mệt mỏi trong những nỗ lực của Ngài để giúp chúng ta, và chúng ta sẽ không bao giờ làm cạn kiệt sự kiên nhẫn nhân từ của Ngài đối với chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có một vị trí đặc biệt trong lòng của Thượng Đế. Ngài có niềm hy vọng lớn lao nơi chúng ta. (Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn”, Liahona, tháng Mười năm 2022, trang 5, 6).

  • Em nghĩ điều gì là quan trọng cần phải nhớ từ lời phát biểu này?

Việc tuân giữ các giao ước mang lại các phước lành

Trong chỉ dẫn của Chúa dành cho các vị lãnh đạo của Liên Hiệp Công Ty, Ngài đã khuyên bảo Joseph Smith, Oliver Cowdery, Edward Partridge và những người khác phải “ràng buộc với nhau bằng giao ước này” (Giáo Lý và Giao Ước 82:11) để quản lý các công việc thế tục của Giáo Hội. Là con cái giao ước của Thượng Đế, chúng ta cũng giao ước để làm một số việc nhất định khi chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy cân nhắc chia lớp thành hai nhóm và mời mỗi nhóm tổng hợp một trong các bản liệt kê sau đây. Học viên có thể viết các bản liệt kê của các em lên trên bảng.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 82:12–19 và lập một bản liệt kê những điều mà Chúa đã yêu cầu các thành viên của Liên Hiệp Công Ty lập giao ước để làm.

Hãy đọc Mô Si A 18:8–10Giáo Lý và Giao Ước 20:77, rồi lập một bản liệt kê những điều mà Chúa yêu cầu chúng ta lập giao ước để làm ngày nay.

  • Em chú ý đến điều gì nhất trong những bản liệt kê này?

  • Các trách nhiệm giao ước này giống nhau như thế nào?

  • Em nghĩ làm thế nào mà việc tuân giữ các giao ước của chúng ta có thể giúp chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi?

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 82:24, tìm kiếm điều mà Chúa đã hứa với những người tuân giữ các giao ước của họ với Ngài.

Cân nhắc trưng ra các thanh nam châm hút vào nhau. Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em đã học được từ bài học này về mối quan hệ của các em với Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em cũng có thể chia sẻ những cảm nghĩ của mình về những phước lành đã nhận được từ việc lập và tuân giữ các giao ước với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Học thuộc lòng thông thạo giáo lý

Trong bài học này, anh chị em có thể muốn giúp học viên học thuộc lòng Giáo Lý và Giao Ước 82:10 và cụm từ thánh thư then chốt “Ta, là Chúa, bị ràng buộc khi các ngươi làm theo những điều ta phán”. Rồi anh chị em có thể ôn lại câu này trong các bài học tới. Ý tưởng cho các sinh hoạt học thuộc lòng nằm ở tài liệu phụ lục trong “Những Sinh Hoạt Ôn Tập Phần Thông Thạo Giáo Lý”.