“Bài Học 93—Đánh Giá Việc Học Của Em 6: Giáo Lý và Giao Ước 76–83”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)
“Đánh Giá Việc Học Của Em 6”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý
Việc dành thời gian để nhận ra sự tăng trưởng và phát triển thuộc linh có thể củng cố mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô cũng như thúc đẩy chúng ta ở lại trên con đường giao ước. Bài học này có thể giúp học viên đánh giá sự phát triển thuộc linh của các em từ việc nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước cho đến nay.
Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện
Bài học này nhằm giúp học viên đánh giá khả năng của các em để giải thích những lời giảng dạy trong Giáo Lý và Giao Ước, đánh giá những mục tiêu mà các em đã đặt ra và đo lường mức độ thay đổi trong thái độ, mong muốn và khả năng sống theo phúc âm của các em. Phần nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 76–83 của lớp anh chị em có thể đã tập trung vào những lẽ thật khác với những lẽ thật được nhấn mạnh trong bài học. Nếu vậy, hãy cân nhắc điều chỉnh các sinh hoạt để bao gồm những lẽ thật quen thuộc hơn với học viên của anh chị em.
Trân trọng sự phát triển và tiến bộ
Nếu có thể, hãy bắt đầu bài học bằng cách trưng ra hình ảnh của những người đang đi bộ đường dài, đi xe đạp và chạy bộ. Hãy yêu cầu học viên giơ tay nếu các em đã thực hiện một hoặc nhiều hoạt động này. Tiếp theo, hãy yêu cầu học viên giơ tay nếu các em đã từng tham gia vào một cuộc chạy bộ, đi bộ hoặc đi xe đạp đặc biệt dài hoặc đầy thử thách. Hãy mời một vài học viên đã giơ tay để mô tả kinh nghiệm của các em. Cân nhắc thảo luận một số câu hỏi như sau:
Em có thể làm gì để tận hưởng hành trình này?
Chúng ta có thể so sánh hành trình đó với tiến trình trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn như thế nào?
Chúng ta có thể tận hưởng và trân trọng tiến trình phát triển thuộc linh hơn bằng những cách nào?
Hãy mời học viên suy ngẫm về những điều các em đã học được trong Giáo Lý và Giao Ước, cách các em đã hành động theo đó và hành trình thuộc linh của các em. Các em có thể suy ngẫm xem Đấng Cứu Rỗi đã giúp đỡ như thế nào trong bất kỳ sự tiến bộ nào gần đây.
Em cảm thấy mình đang tiến bộ và ngày càng gần hơn với Chúa như thế nào?
Chúa đang giúp đỡ em bằng cách nào?
Các sinh hoạt sau đây được thiết kế để giúp học viên nhận ra, trân trọng và đánh giá sự tiến triển và phát triển cụ thể hơn.
Giải thích ba cấp độ vinh quang
Hãy cân nhắc sử dụng một tình huống như sau để giúp học viên ôn tập và đánh giá sự hiểu biết của các em về ba cấp độ vinh quang trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Nếu cần, học viên có thể điều chỉnh các chi tiết trong tình huống để đảm bảo rằng tình huống đó mang lại cảm giác chân thực cho các em.
Hãy tưởng tượng rằng em có một người bạn thân tên là Olivia không phải là tín hữu của Giáo Hội nhưng có niềm tin vững chắc vào Chúa Giê Su Ky Tô. Một ngày nọ, bạn ấy đến gặp em và hỏi: “Các tín hữu trong Giáo Hội của bạn tin điều gì về cuộc sống sau khi chết? Mình đã được dạy rằng mọi người sẽ lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục, nhưng mình nghe nói rằng các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tin vào nhiều thiên đàng. Vậy là sao?”
Hãy dành một vài phút viết câu trả lời cho Olivia để giải thích sự hiểu biết và kiến thức của em về ba cấp độ vinh quang. Nếu muốn, em có thể bao gồm các bức vẽ để giúp Olivia hình dung những điều em đang giải thích.
Sau khi học viên đã hoàn thành phần giải thích của mình, hãy cân nhắc mời một vài em chia sẻ những điều các em đã viết hoặc diễn tình huống này trước lớp.
Nếu học viên không đề cập đến, thì hãy hỏi các em ba cấp độ vinh quang cho thấy tình yêu thương và lòng thương xót của Cha Thiên Thượng và của Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:40–43 ). Hãy nói rõ rằng việc thừa hưởng một vương quốc vinh quang, kể cả vinh quang thượng thiên, chỉ có thể được thực hiện qua Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:69 –70 ).
Hãy hỏi học viên những điều các em đã học được từ kinh nghiệm này. Nếu học viên có những câu hỏi liên quan đến ba cấp độ vinh quang, hãy hỏi cả lớp xem liệu các em có thể tìm thấy những câu thánh thư trong Giáo Lý và Giao Ước 76 để giúp trả lời những câu hỏi đó không. Anh chị em cũng có thể ôn lại một số tài liệu từ các bài học trước.
Tôn Kính Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô
Hãy cân nhắc mời học viên lập một bản liệt kê bất cứ điều gì các em đã học được gần đây trong Giáo Lý và Giao Ước mà đã làm gia tăng tình yêu thương, lòng biết ơn và sự tôn kính của các em dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Học viên cũng có thể bao gồm những kinh nghiệm ở nhà, trong môi trường Giáo Hội hoặc nơi khác mà đã củng cố mối quan hệ của các em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.
Có thể là hữu ích khi mời học viên ôn lại Giáo Lý và Giao Ước 63:58–64 ; 76:19–24 và bất kỳ ghi chú nào các em có thể đã ghi lại trong khi nghiên cứu những câu này trước đây.
Anh chị em có thể trưng ra câu hỏi sau đây và mời học viên trả lời để giúp các em đánh giá nỗ lực, mong muốn và sự tiến bộ hiện tại của các em:
Hãy khuyến khích một vài học viên chia sẻ. Cũng hãy cân nhắc chia sẻ những suy nghĩ của anh chị em.
Học hỏi và suy ngẫm về thánh thư
Hãy cân nhắc trưng ra hình ảnh ở trên và đặt ra những câu hỏi sau đây:
Nếu học viên không nhớ, thì hãy mời các em ôn lại Giáo Lý và Giao Ước 76:15–19 . Hãy chắc chắn rằng các em hiểu rằng trước khi các khải tượng mở ra cho Joseph và Sidney, hai người họ đang học hỏi và suy ngẫm về thánh thư. Một trong những lẽ thật mà học viên có thể đã học được là: Khi chúng ta thành tâm nghiên cứu và suy ngẫm về thánh thư, chúng ta đang chuẩn bị bản thân để nhận được sự hiểu biết từ Chúa qua Đức Thánh Linh.
Hãy cho học viên thời gian để suy ngẫm về tính hiệu quả của việc nghiên cứu thánh thư của các em. Các em có thể suy ngẫm xem mình đang thành tâm học hỏi và suy ngẫm về thánh thư ra sao. Nếu hữu ích, anh chị em có thể trưng ra hình ảnh sau đây và mời học viên chia sẻ cách mỗi ý kiến có thể giúp các em trong việc nghiên cứu thánh thư. Học viên có thể chia sẻ những điều các em đang làm mà các em cảm thấy đang giúp ích cho mình.
Học viên cũng có thể có được lợi ích từ việc thảo luận về những thử thách và các giải pháp khả thi với các học viên khác trong lớp. Anh chị em có thể chia học viên thành các nhóm nhỏ và mời các em thảo luận về những thử thách mà các em gặp trong khi cố gắng nghiên cứu và suy ngẫm về thánh thư. Hãy khuyến khích mỗi nhóm chọn một thử thách và nghĩ đến một vài bước đơn giản mà các em có thể thực hiện để vượt qua thử thách đó và gia tăng tác động của việc nghiên cứu thánh thư của mình. Hãy mời mỗi nhóm chia sẻ với các học viên còn lại trong lớp.
Để kết thúc, hãy mời một vài học viên làm chứng xem việc suy ngẫm và nghiên cứu thánh thư đang ban phước cho cuộc sống của các em và giúp các em cảm thấy gần gũi hơn với Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.
Anh chị em có thể sử dụng những điều sau đây thêm vào hoặc thay cho tình huống trong bài học. Nó cũng có thể là một sinh hoạt ôn tập trong một buổi học khác.
Hãy vẽ hình ảnh của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao lên trên bảng. Hãy mời học viên lên trên bảng và viết các chi tiết mà các em ghi nhớ về các cấp độ vinh quang bên cạnh mỗi hình ảnh. Hãy khuyến khích các em ôn lại Giáo Lý và Giao Ước 76 và những ghi chú của mình để biết thêm thông tin. Hãy mời một vài học viên giải thích lý do tại sao các em biết ơn về sự hiểu biết được mặc khải trong Giáo Lý và Giao Ước 76 và sự hiểu biết đó có thể đã làm gia tăng tình yêu thương của các em dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.
Hãy cân nhắc sinh hoạt sau đây như một cách khác để giúp học viên đánh giá lòng biết ơn và sự tôn kính của các em dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.
Hãy mời học viên suy nghĩ về những đoạn được nghiên cứu gần đây từ Giáo Lý và Giao Ước mà đã làm gia tăng tình yêu thương, lòng biết ơn và sự tôn kính của các em dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Cân nhắc liệt kê những điều này lên trên bảng trong khi học viên chia sẻ. Trưng ra một hình ảnh về Chúa Giê Su Ky Tô và khuyến khích học viên nhìn vào hình ảnh đó trong khi anh chị em đọc to một trong những đoạn thánh thư. Mời học viên thầm trả lời những câu hỏi như sau và ghi vào nhật ký ghi chép việc học tập:
Đoạn thánh thư này có thể giúp em phát triển và củng cố mối quan hệ của mình với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?
Em cảm thấy mình có thể làm chứng về lẽ thật hoặc những lẽ thật nào có trong đoạn này?
Em muốn biết thêm về lẽ thật hoặc những lẽ thật nào có trong đoạn này? Tại sao?
Nếu thời gian cho phép, hãy cân nhắc lặp lại sinh hoạt này bằng cách sử dụng một đoạn thánh thư khác.