“Bài Học 107—Giáo Lý và Giao Ước 93:1–22: Phát Triển trong Sự Hiểu Biết về Chúa Giê Su Ky Tô”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)
“Giáo Lý và Giao Ước 93:1–22”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý
Vào ngày 6 tháng Năm năm 1833, Tiên Tri Joseph Smith đã nhận được điều mặc khải được ghi nhận trong Giáo Lý và Giao Ước 93 . Trong đó, Đấng Cứu Rỗi đã mặc khải các lẽ thật quan trọng về bản thân Ngài để giúp chúng ta hiểu rõ hơn Ngài là ai. Bài học này có thể giúp học viên gia tăng sự hiểu biết về một số vai trò và đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô.
Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện
Cân nhắc bắt đầu bài học bằng cách trưng ra bức hình của một người nổi tiếng mà học viên sẽ nhận ra và hỏi xem các em có biết tên của người đó không. Mời học viên thảo luận lý do tại sao người đó lại nổi tiếng đến vậy và tại sao việc biết người đó là ai lại có thể quan trọng.
Sau đó, trưng ra một bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô và mời học viên thảo luận các câu hỏi sau đây:
Tại sao các em cho rằng việc biết Chúa Giê Su Ky Tô là ai và Ngài đã làm những gì lại quan trọng?
Có những ví dụ nào cho thấy hiểu biết về Chúa Giê Su Ky Tô có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta?
Cân nhắc mời học viên im lặng suy ngẫm về những tác động đối với cá nhân các em dựa trên những gì các em biết về Chúa Giê Su Ky Tô. Trong quá trình học, hãy khuyến khích học viên tìm kiếm các lẽ thật mà có thể giúp các em hiểu rõ hơn về Chúa Giê Su Ky Tô là ai và điều Ngài có thể làm cho các em.
“Trông thấy mặt ta và biết rằng ta hằng sống”
Đấng Cứu Rỗi đã chia sẻ nhiều lẽ thật quan trọng về chính Ngài trong Giáo Lý và Giao Ước 93 . Ngài giải thích rằng một trong những mục đích của Ngài khi mặc khải các lẽ thật này là giúp chúng ta biết mình đang thờ phượng ai (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 93:19 ).
Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 93:1 , sau đó tìm kiếm xem Đấng Cứu Rỗi đã bắt đầu điều mặc khải này như thế nào.
Để giúp học viên theo dõi những lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi trong câu này, hãy cân nhắc mời các em đánh dấu từng lời mời trong thánh thư của mình. Học viên cũng có thể được mời liệt kê những lời mời này vào nhật ký ghi chép việc học tập hoặc viết chúng lên bảng.
Học viên có thể có những câu hỏi về lời hứa của Đấng Cứu Rỗi rằng những người tuân theo những lời mời gọi của Ngài trong câu 1 sẽ được trông thấy mặt Ngài. Anh chị em có thể cần nhấn mạnh rằng phước lành này sẽ đến theo “kỳ định riêng của Chúa, theo cách riêng của Ngài và theo ý muốn của Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 88:68 ).
Những đặc tính của Đấng Cứu Rỗi
Khi Đấng Cứu Rỗi tiếp tục những lời giảng dạy của Ngài trong điều mặc khải này, Ngài đã chia sẻ về nhiều đặc tính và thuộc tính khác nhau của chính Ngài. Việc học hỏi về những đặc tính và thuộc tính này có thể giúp các em hiểu được một số cách mà Đấng Cứu Rỗi có thể giúp các em trong cuộc sống của mình.
Hãy cân nhắc trưng ra bảng sau đây và mời học viên chép vào nhật ký ghi chép việc học tập. Các em có thể làm việc theo cặp hoặc nhóm nhỏ để nghiên cứu từng đoạn trên bảng. Ngoài ra, anh chị em có thể viết các câu này vào những mảnh giấy nhỏ và đặt những mảnh giấy đó vào một chiếc hộp. Học viên có thể chọn một hoặc nhiều mảnh giấy trong chiếc hộp đó và nghiên cứu các câu mà các em chọn được.
Giúp học viên biết ơn và yêu thương Chúa Giê Su Ky Tô sâu sắc hơn. Để luyện tập thêm về kỹ năng này, xin xem phần huấn luyện có tựa đề “Giảng Dạy về các danh xưng, vai trò, và thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô ” có trong Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên: Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô . Cân nhắc thực tập kỹ năng này bằng cách tạo ra các câu hỏi tìm kiếm để giúp học viên nhận ra các vai trò, danh hiệu, biểu tượng, đức tính và đặc điểm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Trong quá trình học, mời học viên suy ngẫm về vai trò của những điều các em đang học về Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của các em.
Mời học viên chia sẻ điều các em học được về Chúa Giê Su Ky Tô từ những câu các em đã nghiên cứu. Nếu anh chị em đã vẽ bảng biểu ở trên bảng thì các học viên có thể hoàn tất bảng biểu đó bằng cách viết lẽ thật mà các em học được bên cạnh những câu các em đã nghiên cứu.
Một số lẽ thật mà học viên có thể thảo luận hoặc chia sẻ là Chúa Giê Su Ky Tô là Ánh Sáng của thế gian (xin xem các câu 2, 9 ); Chúa Giê Su Ky Tô là sứ giả của sự cứu rỗi (xin xem câu 8 ); Chúa Giê Su Ky Tô tăng trưởng từ ân điển này đến ân điển khác cho đến khi Ngài nhận được sự trọn vẹn của Đức Chúa Cha (xin xem các câu 12–14 ); và Chúa Giê Su Ky Tô là con đầu lòng trong số tất cả con cái thuộc linh của Cha Thiên Thượng (xin xem câu 21 ).
Để giúp học viên thảo luận những điều các em tìm thấy và những hiểu biết sâu sắc về Đấng Cứu Rỗi, hãy cân nhắc việc đặt ra những câu hỏi như sau:
Các em thấy ấn tượng nhất với lẽ thật nào mà các em đã học được về Chúa Giê Su Ky Tô? Tại sao?
Những phần tham khảo chéo mà các em đã nghiên cứu giúp các em hiểu biết thêm điều gì về các lẽ thật được giảng dạy trong Giáo Lý và Giao Ước 93 ?
Việc biết được những lẽ thật này về Đấng Cứu Rỗi có thể ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của các em với Ngài?
Hãy khuyến khích học viên nỗ lực tìm hiểu Chúa Giê Su Ky Tô một cách trọn vẹn hơn khi các em cố gắng tiếp tục việc học thánh thư cá nhân. Nếu thời gian cho phép, hãy cân nhắc sử dụng lời phát biểu của Anh Cả David A. Bednar trong “Các Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” để giúp học viên nắm được thêm những cách khác để có thể hiểu rõ hơn về Đấng Cứu Rỗi. Đây có thể là thời điểm tốt để mời các em chia sẻ những cảm nghĩ về Đấng Cứu Rỗi và làm chứng về các phước lành đến từ việc gia tăng sự hiểu biết về Ngài.
Anh chị em có thể kết thúc bài học bằng cách đọc Giăng 17:3 và mời học viên tìm kiếm phước lành quan trọng nhất mà chúng ta có thể nhận được khi đến gần hơn với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:
Bốn bước cần thiết [có thể] giúp chúng ta tiến đến việc biết Chúa là thực hành đức tin nơi Ngài, đi theo Ngài, phục vụ Ngài, và tin Ngài.
Thực hành đức tin nơi Ngài
… Chúng ta bắt đầu nhận biết Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta khơi dậy khả năng [thuộc linh] của mình và thử nghiệm theo lời dạy của Ngài, ngay cả cho đến khi chúng ta có thể chừa một chỗ trong tâm hồn của mình cho một phần lời nói của Ngài. …
Đi theo Ngài …
Đấng Cứu Rỗi đã khuyên nhủ chúng ta hãy trở nên giống như Ngài. Như vậy, việc đi theo Chúa gồm có noi theo gương Ngài. Chúng ta tiếp tục tiến đến việc biết Chúa khi chúng ta tìm cách trở nên giống như Ngài qua quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài.
Phục vụ Ngài …
Chúng ta tiến đến việc biết Chúa một cách trọn vẹn khi phục vụ Ngài và lao nhọc trong vương quốc của Ngài. Khi làm như vậy, Ngài sẽ ban phước rộng rãi cho chúng ta với sự giúp đỡ thiêng liêng, các ân tứ thuộc linh và [tăng thêm] khả năng. …
Tin Ngài …
… Chúng ta tiến đến việc biết Chúa khi chúng ta không những tin [tưởng] vào Ngài mà còn tin Ngài và những lời hứa của Ngài.
(David A. Bednar, “Ví Bằng Các Ngươi Biết Ta ”, Liahona , tháng Mười Một năm 2016, trang 103, 104)
“Mặc dù các thành viên trong Thiên Chủ Đoàn là những Đấng khác biệt với các vai trò khác biệt nhưng các Ngài hiệp nhất trong mục đích và giáo lý. Các Ngài hiệp một hoàn toàn trong việc mang lại kế hoạch cứu rỗi thiêng liêng của Cha Thiên Thượng” (Các Đề Tài và Câu Hỏi, “Thiên Chủ Đoàn ”, topics.ChurchofJesusChrist.org ).
Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–1985) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:
Giăng Báp Tít [đã được] định sẵn để viết … phúc âm của Chúa là Đấng mà ông làm chứng, nhưng có lẽ bởi vì biên sử của ông chứa đựng các lẽ thật và khái niệm mà các thánh hữu và thế gian chưa sẵn sàng để tiếp nhận, nên cho đến nay nó vẫn chưa được ban cho loài người. Tuy nhiên, vào ngày 6 tháng Năm năm 1833, Chúa đã mặc khải cho Joseph Smith mười một câu được viết bởi Giăng Báp Tít và hứa rằng ‘biên sử trọn vẹn của Giăng’ sẽ được mặc khải khi đức tin của loài người cho phép họ nhận được nó. (GL&GƯ 93:6–18 .)
Sứ Đồ Giăng đã có những bài viết của Giăng Báp Tít trước mặt ông khi viết sách Phúc Âm của mình. (Bruce R. McConkie, The Mortal Messiah: From Bethlehem to Calvary [năm 1979], 1:426–427)
Học viên có thể có được lợi ích từ một cuộc thảo luận sâu hơn về việc Chúa Giê Su Ky Tô tiến triển “từ ân điển này đến ân điển khác” (Giáo Lý và Giao Ước 93:13 ). Sau khi nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 93:12–17 , hãy cân nhắc thảo luận các câu hỏi sau đây:
Để giúp học viên hiểu rõ hơn tiến trình “từ ân điển này đến ân điển khác”, hãy hướng học viên đến Lu Ca 2:40, 52 và 2 Nê Phi 28:30 . Anh chị em cũng có thể chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Joseph Fielding Smith:
Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là một Thượng Đế trước khi Ngài sinh ra trên thế gian này và Ngài đã mang theo vị thế đó khi Ngài đến đây. Ngài cũng là một Thượng Đế khi được sinh ra trên thế gian, giống như trước đây. Nhưng đối với cuộc sống này, dường như Ngài đã phải bắt đầu lại giống như tất cả các con cái khác của Cha Thiên Thượng và thu nhận sự hiểu biết từng chút một. …
Chắc chắn là Chúa Giê Su đã đến thế gian cũng phải chịu cùng một tình trạng như mỗi người chúng ta—Ngài quên tất cả mọi thứ và Ngài phải tăng trưởng từ ân điển này đến ân điển khác. (Teachings of Presidents of the Church: Joseph Fielding Smith [năm 2013], trang 314–315 )
Sau đó, hãy phân tích câu hỏi sau đây cùng cả lớp:
Sự tiến triển của Đấng Cứu Rỗi từ ân điển này đến ân điển khác giống như thế nào với tiến trình học hỏi và tiến triển mà chúng ta có thể trải qua?
Các em có thể làm gì để tiếp tục tăng trưởng từ ân điển này đến ân điển khác và trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn?
2:3