Lớp Giáo Lý
Bài Học 114—Giáo Lý và Giao Ước 101:1–42: “Mặc Dù Chúng Đã Phạm Tội, Nhưng Lòng Ta Đầy Sự Thương Hại”


“Bài Học 114—Giáo Lý và Giao Ước 101:1–42: ‘Mặc Dù Chúng Đã Phạm Tội, Nhưng Lòng Ta Đầy Sự Thương Hại’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 101:1–42,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 114: Giáo Lý và Giao Ước 98–101

Giáo Lý và Giao Ước 101:1–42

“Mặc Dù Chúng Đã Phạm Tội, Nhưng Lòng Ta Đầy Sự Thương Hại”

Các Thánh Hữu ở Missouri gặp khó khăn trong việc sống ngay chính như lời Chúa truyền lệnh. Do đó, họ đã bị tước mất nhiều quyền năng và sự bảo vệ của Chúa và bị kẻ thù đuổi ra khỏi nhà của mình. Mặc dù vậy, Chúa đã bảo đảm với họ về tình yêu thương và lòng trắc ẩn mà Ngài dành cho họ. Bài học này nhằm giúp học viên cảm nhận được lòng trắc ẩn và thương xót của Đấng Cứu Rỗi dành cho các em.

Hình Ảnh
hình ảnh mang đầy lòng trắc ẩn của Đấng Ky Tô

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Lý do cho sự khổ đau

Cân nhắc việc trưng ra tấm hình sau đây và hỏi học viên những lý do khác nhau khiến người thiếu nữ đó có thể cảm thấy đau khổ. Anh chị em có thể liệt kê câu trả lời của học viên lên trên bảng.

Hình Ảnh
người thiếu nữ đang đau khổ

Sau khi đã cho lớp học có đủ thời gian trả lời, hãy chia sẻ với học viên rằng những thử thách mà chúng ta trải qua có thể đến vì nhiều lý do khác nhau. Đó có thể là sự lựa chọn của chính chúng ta, một phần tự nhiên của cuộc sống hoặc sự lựa chọn sai lầm của người khác. Cân nhắc liệt kê ba hạng mục này lên một phần khác trên bảng và cho phép học viên sắp xếp các lý do mà các em đã liệt kê vào từng hạng mục.

Anh chị em có thể cần tham khảo câu nhận xét trong phần “Các Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” từ đề mục “Nghịch Cảnh” trong Các Đề Tài và Câu Hỏi để biết thêm về ba lý do dẫn đến đau khổ này.

Phản ứng của Chúa đối với nỗi đau khổ của Các Thánh Hữu

Anh chị em có thể đọc hoặc tóm tắt bằng lời riêng thông tin văn cảnh sau đây.

Vào năm 1833, sự chống đối ở Missouri đã trở thành bạo động khi những kẻ bất lương bắt đầu sử dụng vũ lực để trục xuất Các Thánh Hữu ra khỏi Independence. Các Thánh Hữu không biết họ nên chống trả hay chạy trốn khi thời tiết ngày càng lạnh hơn và tình hình căng thẳng gia tăng. Tiên Tri Joseph Smith đang ở Kirtland, Ohio, vào lúc đó nhưng ông vẫn luôn cập nhật tình hình của Các Thánh Hữu. Khi biết được nỗi đau và cảnh khốn cùng của họ, Vị Tiên Tri đã cầu nguyện để hỏi xin Cha Thiên Thượng xem họ có thể được trở về nhà ở Missouri không. Ông đã nhận được một điều mặc khải mà hiện được gọi là Giáo Lý và Giao Ước 101.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 101:1–2, tìm kiếm lý do tại sao Chúa để cho Các Thánh Hữu phải chịu đau khổ như vậy.

  • Các em đã tìm thấy điều gì?

  • Điều gì có thể là nguyên nhân khác dẫn đến nỗi đau khổ của họ?

Hãy giúp học viên hiểu rằng ngoài nỗi đau khổ vì sự phạm giới của họ, Các Thánh Hữu còn phải chịu đựng khổ đau do sự lựa chọn sai lầm của những người khác (đám đông khủng bố) cũng như một phần tự nhiên của cuộc sống (mùa đông lạnh lẽo).

Đối với sinh hoạt sau đây, anh chị em có thể chia học viên thành từng cặp. Anh chị em có thể mời các em đọc các câu này, trong đó một em tìm kiếm những điều có thể khó nghe còn em kia tìm kiếm những điều có thể dễ nghe.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 101:3–9, tìm kiếm những điều dễ nghe và những điều khó nghe.

  • Các em đã tìm thấy điều gì?

  • Theo câu 3 và 9, Chúa nhìn nhận những người phạm tội như thế nào?

    Học viên có thể nhận ra các lẽ thật, bao gồm khi chúng ta phạm tội, Chúa vẫn có lòng trắc ẩn và nhân từ với chúng ta.

    Hãy giúp học viên thảo luận cách mà nguyên tắc này có thể giúp chúng ta hướng về Chúa trong thời kỳ của mình. Những câu hỏi như sau có thể giúp ích.

  • Các em học được điều gì về Chúa khi Ngài có lòng trắc ẩn và thương xót dành cho chúng ta khi chúng ta phạm tội thay vì bỏ qua những tội lỗi đó?

  • Các em nghĩ tại sao Chúa Giê Su Ky Tô vẫn có thể giàu lòng trắc ẩn và xót thương trước những tội lỗi của chúng ta?

Được tiếp thêm động lực từ đặc tính của Đấng Ky Tô

Mời học viên suy ngẫm về lý do tại sao cá nhân các em cần lòng trắc ẩn và thương xót của Đấng Cứu Rỗi. Yêu cầu các em suy ngẫm về những phước lành trong cuộc sống của mình khi nhận được lòng trắc ẩn và thương xót của Ngài.

Hãy cho học viên cơ hội để thảo luận về các lẽ thật phúc âm. Sinh hoạt sau đây khuyến khích học viên học và sau đó thảo luận về các lẽ thật phúc âm mà các em đang học. Để được huấn luyện thêm về cách thực hiện, xin xem phần huấn luyện có tựa đề “Khuyến khích học viên chia sẻ những lẽ thật mà các em đang học”, có trong Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên. Cân nhắc luyện tập kỹ năng này bằng cách mời học viên chia sẻ với nhau về những điều các em đang học.

Anh chị em có thể chia học viên thành từng cặp, rồi mời các em đọc lời phát biểu và đoạn thánh thư dưới đây. Các em cũng có thể thảo luận về các câu hỏi với nhau.

Hãy đọc lời phát biểu và đoạn thánh thư sau đây, tìm kiếm điều các em học được về đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể giúp đỡ người đã phạm tội.

Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Ulisses Soares

Không giống như anh chị em và tôi, Đấng Ky Tô có khả năng nhìn thấy rõ ràng tất cả mọi mặt của một tình huống nhất định. Ngay cả khi Ngài biết được tất cả những yếu kém của chúng ta, Đấng Cứu Rỗi cũng không đoán phạt chúng ta mà tiếp tục đồng hành [cùng] chúng ta với lòng trắc ẩn theo thời gian. (Ulisses Soares, “Lòng Trắc Ẩn Vĩnh Cửu của Đấng Cứu Rỗi”, Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 15)

Hê Bơ Rơ 4:14–16

  • Các em đã tìm thấy điều gì? Điều đó sẽ giúp đỡ người đã phạm tội như thế nào?

Cân nhắc việc chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân về cách anh chị em đã được ban phước lành nhờ lòng trắc ẩn và thương xót của Đấng Cứu Rỗi. Mời những học viên sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm của các em. Hãy nhớ rằng anh chị em hoặc học viên không nên chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư hoặc thú nhận các tội lỗi trong quá khứ.

Còn Si Ôn thì sao?

Cân nhắc việc chia sẻ với học viên rằng Các Thánh Hữu ở Missouri đã hy vọng xây dựng Si Ôn ở Independence nhưng bị buộc phải rời khỏi đó. Mặc dù học viên có thể không liên tưởng được việc mất đi Si Ôn nhưng các em có thể hình dung mình đã đánh mất một điều gì khác quý báu hoặc thiêng liêng đối với bản thân, như bạn bè hoặc cơ hội phát triển phần thuộc linh. Hãy mời các em đọc các câu sau đây và suy ngẫm về điều mà những câu đó giảng dạy về Đấng Cứu Rỗi.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 101:16–19, tìm kiếm lời an ủi và quan điểm mà Chúa đưa ra.

  • Những câu này giúp các em hiểu được điều gì về quan điểm của Đấng Cứu Rỗi?

  • Chúa đã dạy điều gì về Si Ôn mà có thể liên quan đến cuộc sống của chúng ta hiện tại?

    Anh chị em có thể mời học viên suy ngẫm về những thử thách và lựa chọn của riêng các em. Các em có thể trả lời những câu hỏi sau đây vào nhật ký ghi chép việc học tập của mình.

  • Các em muốn ghi nhớ câu nào trong Giáo Lý và Giao Ước 101:1–19?

  • Các em cảm thấy gì về lòng trắc ẩn hoặc thương xót của Đấng Cứu Rỗi mà có thể là một phước lành cho cuộc sống của các em?

  • Các em có thể thực hiện bước nào để hành động theo những điều các em đã cảm nhận?

In