Lớp Giáo Lý
Bài Học 115—Giáo Lý và Giao Ước 101:43–101: Những Câu Chuyện Ngụ Ngôn về Si Ôn


“Bài Học 115—Giáo Lý và Giao Ước 101:43–101: Những Câu Chuyện Ngụ Ngôn về Si Ôn”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 101:43–101”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 115: Giáo Lý và Giao Ước 98–101

Giáo Lý và Giao Ước 101:43–101

Những Câu Chuyện Ngụ Ngôn về Si Ôn

Khi Tiên Tri Joseph Smith biết được thông tin về sự ngược đãi nghiêm trọng mà Các Thánh Hữu ở Missouri phải chịu đựng, ông đã cầu xin Chúa thay cho họ. Trong câu trả lời của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã sử dụng những câu chuyện ngụ ngôn để vừa khuyên bảo vừa an ủi Các Thánh Hữu. Bài học này sẽ cho học viên cơ hội nghiên cứu một câu chuyện ngụ ngôn và khám phá ra ý nghĩa thuộc linh trong đó.

Hình Ảnh
các câu chuyện ngụ ngôn trong GL&GƯ

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Chúa Giê Su Ky Tô thường giảng dạy bằng các câu chuyện ngụ ngôn

Cân nhắc việc trưng ra những vật dụng phổ biến như đồ dùng học tập, quần áo hoặc thiết bị điện tử. Hoặc mời học viên nhìn vào những đồ vật xung quanh lớp học hoặc những đồ vật mà các em hiện có. Mời học viên chọn ra một đồ vật và nghĩ về một cách sáng tạo để so sánh đồ vật đó với một khía cạnh trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng hoặc Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Ví dụ: các em có thể so sánh một chiếc điện thoại di động với lời cầu nguyện, vì lời cầu nguyện là công cụ mà chúng ta sử dụng để giao tiếp với Cha Thiên Thượng. Mời học viên chia sẻ về đồ vật của các em và phép so sánh thuộc linh với người bạn cùng cặp hoặc với cả lớp.

Chúa Giê Su Ky Tô thường giảng dạy bằng cách sử dụng những câu chuyện đơn giản được gọi là truyện ngụ ngôn. Trong những câu chuyện ngụ ngôn này, Chúa Giê Su đã so sánh những đồ vật hoặc tình huống quen thuộc với những lẽ thật thuộc linh (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ngụ Ngôn”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

  • Đấng Cứu Rỗi đã dạy một số câu chuyện ngụ ngôn nào?

  • Chúng ta có thể học được một số lẽ thật thuộc linh nào từ những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong những câu chuyện ngụ ngôn đó?

Ví dụ: học viên có thể chia sẻ câu chuyện ngụ ngôn về người Sa Ma Ri nhân lành (xin xem Lu Ca 10:25–37), dạy về việc yêu thương và phục vụ người khác giống như Đấng Cứu Rỗi. Hoặc các em có thể chia sẻ câu chuyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh (xin xem Ma Thi Ơ 25:1–13), mà dạy chúng ta chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

Để chuẩn bị cho học viên nghiên cứu một câu chuyện ngụ ngôn về sự cứu chuộc Si Ôn, hãy cân nhắc việc yêu cầu học viên chia sẻ những điều các em nhớ được từ các bài học gần đây về những thử thách mà Các Thánh Hữu ở Missouri đang chịu đựng. Nếu cần, anh chị em có thể chia sẻ nội dung tóm tắt sau đây:

Trong thời gian bị ngược đãi nghiêm trọng, Đấng Cứu Rỗi đã dùng các câu chuyện ngụ ngôn để giảng dạy cho Joseph Smith và Các Thánh Hữu về sự cứu chuộc Si Ôn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 101:43). Vào cuối năm 1833, sự bạo động của những kẻ bất lương đã khiến hơn 1.000 Thánh Hữu bị đuổi ra khỏi Hạt Jackson, Missouri, và hơn 200 ngôi nhà của họ bị thiêu đốt. Tiên Tri Joseph Smith đã hỏi Chúa tại sao Các Thánh Hữu bị đuổi ra khỏi Si Ôn và cần phải làm gì để họ có thể trở lại. Chúa đã trả lời bằng một câu chuyện ngụ ngôn.

Học các câu chuyện ngụ ngôn

Anh Cả David A. Bednar đã dạy điều sau đây về việc học hỏi từ các câu chuyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi:

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

Ý nghĩa hoặc sứ điệp thực sự của một câu chuyện ngụ ngôn thường không được diễn đạt một cách rõ ràng. Thay vì thế, câu chuyện chỉ truyền đạt lẽ thật thiêng liêng cho người tiếp nhận tùy thuộc vào đức tin của người ấy nơi Thượng Đế, sự chuẩn bị thuộc linh cá nhân, và sự sẵn lòng học hỏi. Do đó, một người phải thực hành quyền tự quyết về mặt đạo đức và tích cực “[cầu] xin, … tìm, … gõ cửa” [xin xem Ma Thi Ơ 7:7–8; Lu Ca 11:9–10] để khám phá ra các lẽ thật [ẩn sau] một câu chuyện ngụ ngôn. (David A. Bednar, “Hỡi Si Ôn, … Mặc Lấy Sức Mạnh Ngươi”, Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 92)

  • Đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô ảnh hưởng như thế nào đến khả năng hiểu những lời giảng dạy của Ngài?

  • Nỗ lực của chúng ta trong việc học hỏi những lời của Đấng Cứu Rỗi truyền đạt đến Ngài điều gì về cảm nghĩ của chúng ta dành cho Ngài?

Cân nhắc việc phát cho học viên tài liệu có tựa đề “Cách Học Các Câu Chuyện Ngụ Ngôn của Đấng Cứu Rỗi” để giúp hướng dẫn các em trong suốt bài học này.

Cách Học Các Câu Chuyện Ngụ Ngôn của Đấng Cứu Rỗi

  1. Tìm các chi tiết quan trọng. Những chi tiết này có thể bao gồm con người, địa điểm, đồ vật, hành động hoặc sự kiện.

  2. So sánh. Xác định xem mỗi chi tiết trong câu chuyện ngụ ngôn có thể đại diện hoặc tượng trưng cho điều gì. Những gợi ý trong văn cảnh, công cụ hỗ trợ học thánh thư và việc suy ngẫm có thể hữu ích.

  3. Khám phá những bài học quý giá. Sau khi so sánh, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ Đức Thánh Linh để khám phá ra những bài học quý báu mà Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy trong câu chuyện ngụ ngôn đó.

  4. Xác định cách áp dụng cho cá nhân. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ Cha Thiên Thượng và Đức Thánh Linh để biết những điều mà các em có thể làm để tự mình áp dụng các bài học đã khám phá ra.

Câu chuyện ngụ ngôn về một người quý phái

Sinh hoạt sau đây có thể giúp học viên thực hành bốn bước để học các câu chuyện ngụ ngôn. Cân nhắc trưng ra bảng sau đây hoặc viết lại lên bảng. Lập ra sáu nhóm và chỉ định mỗi nhóm hoàn tất một hình vuông trên bảng. Hoặc mời học viên chép lại bảng này vào nhật ký ghi chép việc học tập của các em và tự điền vào đó.

Tìm các chi tiết quan trọng

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 101:43–62. Đối với mỗi nhóm câu, hãy vẽ một hình đơn giản hoặc viết một bản tóm lược để minh họa các câu đó.

Giáo Lý và Giao Ước 101:43–45. Những chỉ dẫn của nhà quý phái

Giáo Lý và Giao Ước 101:46–50. Hành động của các tôi tớ

Giáo Lý và Giao Ước 101:51. Hậu quả từ hành động của các tôi tớ

Giáo Lý và Giao Ước 101:52–54. Phản ứng của nhà quý phái

Giáo Lý và Giao Ước 101:55–58. Những chỉ dẫn kế tiếp của nhà quý phái

Giáo Lý và Giao Ước 101:59–62. Phản ứng của người tôi tớ

Khi học viên hoàn thành, hãy mời các em chia sẻ những điều đã khám phá được. Hãy chắc chắn rằng các em hiểu rõ các chi tiết trong câu chuyện ngụ ngôn này.

Cân nhắc hoàn tất ba bước cuối cùng của cách học các câu chuyện ngụ ngôn cùng cả lớp.

So sánh

  • Những gợi ý nào có thể giúp chúng ta thấy rằng nhà quý phái tượng trưng cho Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Vườn nho hoặc tòa tháp có thể tượng trưng cho điều gì?

  • Hành động của chúng ta đôi khi giống như những hành động của các tôi tớ như thế nào?

Cân nhắc việc mời học viên xem lại đoạn thông thạo giáo lý Ê Xê Chi Ên 3:16–17 để tìm kiếm một sự so sánh hợp lý về những người canh gác. Văn cảnh sau đây có thể giúp học viên đưa ra những cách so sánh khác:

Giống như các tôi tớ trong truyện ngụ ngôn từ chối xây một tòa tháp, Các Thánh Hữu ở Missouri đã xao lãng việc xây cất một đền thờ theo lời Chúa chỉ dẫn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 57:3; 84:3–4; 97:10–12).

Đối với Các Thánh Hữu ở Hạt Jackson, người tôi tớ được đề cập trong câu 55 tượng trưng cho Joseph Smith (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 103:21). Joseph Smith đã làm theo lệnh truyền của Chúa và tổ chức một nhóm gọi là Trại Si Ôn để cứu chuộc đất Si Ôn. Trại Si Ôn sẽ được thảo luận trong các bài học về Giáo Lý và Giao Ước 103105.

Khám phá những bài học quý giá

  • Chúa có thể giảng dạy một số bài học quý giá nào qua truyện ngụ ngôn này?

  • Truyện ngụ ngôn này dạy các em điều gì về đức tính của Chúa Giê Su Ky Tô?

    Nếu học viên gặp khó khăn trong việc nhận ra các bài học có giá trị, hãy cân nhắc việc cung cấp một hoặc nhiều nguyên tắc sau đây. Mời học viên chia sẻ về cách câu chuyện ngụ ngôn minh họa các lẽ thật này. Khi chúng ta tuân theo các lệnh truyền của Chúa, Ngài sẽ ban sức mạnh cho chúng ta để chống lại những kẻ thù vô hình về thuộc linh lẫn những kẻ thù hữu hình. Các vị tiên tri đóng vai trò là người canh gác trên tòa tháp, đưa ra cho chúng ta những lời cảnh báo của Chúa về những mối nguy hiểm đang đến gần. Qua công việc đền thờ, Đấng Cứu Rỗi sẽ chuẩn bị cho chúng ta để chống lại kẻ nghịch thù.

  • Tại sao những bài học này có thể hữu ích cho Các Thánh Hữu vào năm 1833?

  • Các em đã thấy bằng chứng về một hoặc nhiều lẽ thật này trong cuộc sống của mình như thế nào?

Xác định cách áp dụng cho cá nhân

  • Các em có thể áp dụng câu chuyện ngụ ngôn này như thế nào trong thời kỳ của chúng ta?

Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ Đức Thánh Linh để nhận ra một hoặc hai cách mà các em có thể áp dụng lẽ thật mà các em cảm thấy quan trọng từ truyện ngụ ngôn này. Viết lại những ấn tượng của các em vào nhật ký ghi chép việc học tập.

Mời học viên chia sẻ những điều đã học được từ việc nghiên cứu các câu chuyện ngụ ngôn mà các em có thể áp dụng để cải thiện việc học thánh thư cá nhân. Khuyến khích học viên nỗ lực thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi các em tự mình nghiên cứu, suy ngẫm và áp dụng những lời giảng dạy của Ngài.

In