Lớp Giáo Lý
Bài Học 113—Giáo Lý và Giao Ước 98: Mọi Sự Sẽ Hiệp Lại Làm Lợi Ích Cho Chúng Ta


“Bài Học 113—Giáo Lý và Giao Ước 98: Mọi Sự Sẽ Hiệp Lại Làm Lợi Ích Cho Chúng Ta”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 98”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 113: Giáo Lý và Giao Ước 98–101

Giáo Lý và Giao Ước 98

Mọi Sự Sẽ Hiệp Lại Làm Lợi Ích Cho Chúng Ta

Vào mùa hè năm 1833, sự căng thẳng giữa người dân Missouri và Các Thánh Hữu ở Hạt Jackson đã dẫn đến việc các đám đông bạo lực tấn công nhà cửa, phá hủy các doanh nghiệp và đòi hỏi phải trục xuất tất cả các tín hữu Giáo Hội ra khỏi khu vực. Trong Giáo Lý và Giao Ước 98, Đấng Cứu Rỗi đã an ủi và khuyên bảo Các Thánh Hữu đang đau khổ, đồng thời chỉ dẫn các vị lãnh đạo Giáo Hội cách xử lý tình trạng bất công đó. Bài học này có thể giúp học viên kiên nhẫn chờ đợi Chúa trong những lúc hoạn nạn.

Hình Ảnh
Sự ngược đãi ở Missouri

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Kiên nhẫn

Cân nhắc việc bắt đầu bài học bằng cách giúp học viên suy nghĩ về tính kiên nhẫn. Việc này có thể chuẩn bị cho các em học hỏi về sự kiên nhẫn trông đợi Chúa trong những lúc hoạn nạn. Anh chị em có thể viết từ “kiên nhẫn” lên bảng và đưa ra một số câu hỏi sau đây.

  • Khi nào thì khó để kiên nhẫn?

  • Các em đã phải kiên nhẫn trong những tình huống nào?

  • Trên thang điểm 1–10, với 10 là rất kiên nhẫn, các em nghĩ mình kiên nhẫn ở mức nào?

  • Trong những tình huống nào Chúa có thể muốn các em kiên nhẫn? Tại sao?

Các Thánh Hữu bị trục xuất ra khỏi Hạt Jackson, Missouri

Anh chị em có thể đọc hoặc tóm tắt đoạn sau đây bằng lời riêng của mình để giúp học viên hiểu văn cảnh lịch sử của tiết 98.

Khi Các Thánh Hữu đến Missouri để xây dựng Si Ôn, cư dân của Hạt Jackson bắt đầu nảy sinh căng thẳng. Những xung đột chính trị, những bất đồng về tôn giáo và các quyết định thiếu khôn ngoan (bao gồm cả việc thất bại để xây cất đền thờ theo như Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh) đã khiến các vấn đề ngày càng leo thang. Vào mùa hè năm 1833, các nhóm chống đối ở địa phương đã tập hợp lại để đuổi Các Thánh Hữu ra khỏi Hạt Jackson bằng vũ lực. Giám Trợ Edward Partridge và Charles Allen bị đánh đập, bị trét hắc ín và lông gà lên người. Chiếc máy in của W. W. Phelps bị phá hủy còn các trang đã in của Sách Giáo Lệnh bị ném rải rác. Vienna Jaques, cùng với hai chị em Mary và Caroline Rollins, đã dũng cảm chộp lấy thật nhiều trang giấy (chứa đựng các điều mặc khải) hết mức có thể trước khi chúng bị hủy hoại. Sau đó, họ đã chạy trốn khỏi đám người đó và ẩn nấp cùng những điều mặc khải. Trong cuộc tấn công, nhiều Thánh Hữu đã bị buộc phải rời khỏi ngôi nhà của họ dưới họng súng (xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 [năm 2018], trang 172–181).

Hãy mời học viên suy ngẫm về những thử thách hoặc nỗi thống khổ mà các em có thể đang trải qua. Khuyến khích các em tìm kiếm sự mặc khải cá nhân trong khi học Giáo Lý và Giao Ước 98 và lắng nghe những điều Chúa muốn các em làm.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 98:1–3, tìm kiếm cách Đấng Cứu Rỗi đáp ứng lời cầu nguyện của Các Thánh Hữu ở Hạt Jackson.

  • Lời khuyên dạy này có thể đã giúp Các Thánh Hữu ở Missouri như thế nào?

  • Làm thế nào điều đó có thể giúp các em hoặc người nào đó các em biết đối phó với một tình huống khó khăn?

  • Các em có thể nhận ra những nguyên tắc nào từ những câu này?

Học viên có thể chia sẻ nhiều nguyên tắc khác nhau. Anh chị em có thể giúp học viên nhận ra các nguyên tắc bằng cách viết câu chưa hoàn chỉnh sau đây lên bảng và mời học viên hoàn tất câu đó.

Khi chúng ta kiên nhẫn chờ đợi Chúa, Ngài giao ước rằng

Học viên có thể hoàn tất câu này bằng các nguyên tắc như:

  • lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được hồi đáp.

  • điều tốt lành sẽ đến từ những nỗi thống khổ của chúng ta.

Kiên nhẫn chờ đợi Chúa

Tìm kiếm sự soi dẫn để biết phải tập trung vào các nguyên tắc nào. Cân nhắc nhu cầu của học viên và chọn học liệu mà anh chị em cảm thấy sẽ hữu ích nhất. Quyết định học liệu nào trong số các học liệu dưới đây để chia sẻ với học viên. Anh chị em không cần phải thảo luận về tất cả.

Một lựa chọn khác là chia học viên thành các nhóm và yêu cầu mỗi nhóm nghiên cứu một lời phát biểu hoặc một đoạn thánh thư trong Sách Mặc Môn. Sau đó, mời học viên chia sẻ những điều các em đã học được với cả lớp.

Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về việc chờ đợi Chúa. Đọc lời phát biểu hoặc xem video “Niềm Hy Vọng ở Đấng Ky Tô”, từ phút 9:13 đến 10:06, trên ChurchofJesusChrist.org.

Hình Ảnh
Anh Cả M. Russell Ballard

Việc chờ đợi Chúa có nghĩa là tiếp tục vâng lời và tiến triển về phần thuộc linh hướng tới Ngài. Việc chờ đợi Chúa không có nghĩa là chờ một cơ hội tốt. Anh chị em chớ bao giờ cảm thấy là mình đang ở trong một phòng chờ.

Việc chờ đợi Chúa có nghĩa là hành động. Qua nhiều năm, tôi đã học được rằng niềm hy vọng của chúng ta nơi Đấng Ky Tô gia tăng khi chúng ta phục vụ người khác. Khi phục vụ như Chúa Giê Su đã phục vụ, chúng ta tất nhiên gia tăng hy vọng của mình nơi Ngài.

Sự tăng trưởng cá nhân mà một người có thể đạt được bây giờ trong khi chờ đợi Chúa và những lời hứa của Ngài là một yếu tố vô giá, thiêng liêng, trong kế hoạch của Ngài dành cho mỗi người chúng ta. (M. Russell Ballard, “Niềm Hy Vọng ở Đấng Ky Tô”, Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 55)

  • Chúng ta có thể kiên nhẫn chờ đợi Chúa trong lúc hoạn nạn bằng những cách nào?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã sử dụng Giáo Lý và Giao Ước 98:1–3 để giảng dạy về sự hồi đáp cho những lời cầu nguyện của chúng ta.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Nếu cầu nguyện với viễn cảnh vĩnh cửu thì chúng ta không cần phải tự hỏi xem những lời khẩn cầu đầy nước mắt và chân thành nhất của mình có được nghe đến hay không. …

Chúa đã chọn những lời mạnh mẽ nhất của Ngài để trấn an chúng ta! Dấu đóng ấn! Lời tuyên phán! Đã thề! Ban sắc lệnh! Giao ước không lay chuyển! Thưa các anh chị em, hãy tin Ngài! Thượng Đế sẽ lưu ý đến những lời cầu nguyện chân thật và chân thành của các anh chị em, cũng như đức tin của các anh chị em sẽ được củng cố. (Russell M. Nelson, “Đối Phó với Tương Lai bằng Đức Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 35)

  • Lời phát biểu này dạy các em điều gì về Chúa?

  • Việc hiểu những lời giảng dạy này có thể giúp một người kiên nhẫn chờ đợi Ngài như thế nào?

Hãy đọc 2 Nê Phi 2:1–2, sau đó tìm kiếm điều mà tiên tri Lê Hi đã dạy cho con trai Gia Cốp về những nỗi khổ đau của ông.

  • Chúa có thể “biệt riêng sự đau khổ [của chúng ta] thành lợi ích cho [chúng ta]” bằng cách nào?

Lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi

Để học Giáo Lý và Giao Ước 98:11–22, học viên có thể bắt cặp với một người bạn theo cặp hoặc một nhóm nhỏ. Học viên có thể chọn một nguyên tắc cần tập trung và sau đó tìm kiếm lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi mà sẽ giúp một người nào đó áp dụng nguyên tắc đó.

Ví dụ: “Ngài sẽ ban cho những kẻ trung thành từng hàng chữ một” (câu 12) có thể giúp một người kiên nhẫn chờ đợi Chúa khi Ngài hồi đáp những lời cầu nguyện của họ từng chút một. Cụm từ “từ bỏ mọi điều xấu và gắn chặt với mọi điều tốt” (câu 11) có thể giúp một người nào đó sống theo cách khiến Thượng Đế làm cho những nỗi đau khổ của họ “hiệp lại làm lợi ích [cho họ]” (câu 3).

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 98:11–22, tìm kiếm lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi mà có thể giúp các em hoặc một người nào đó kiên nhẫn chờ đợi Chúa.

  • Các em đã tìm thấy điều gì trong những câu này mà có thể giúp người nào đó kiên nhẫn chờ đợi Chúa?

  • Các em sẽ chia sẻ những từ hoặc cụm từ nào với một người đang trải qua thử thách? Tại sao?

Anh chị em có thể mời học viên suy ngẫm về lần mà Đấng Cứu Rỗi đã giúp các em thấy được điều tốt có thể đến vào những lúc thử thách. Anh chị em có thể cho xem video “God Will Lift Us Up (Thượng Đế Sẽ Nâng Chúng Ta Lên)” (4:59) hoặc video “Mountains to Climb (Những Ngọn Núi Cần Leo)” (5:05), có trên ChurchofJesusChrist.org.

Hãy tạo cơ hội cho những học viên sẵn lòng chia sẻ cách Đấng Cứu Rỗi đã giúp các em kiên nhẫn chờ đợi Ngài trong thử thách. Khi thích hợp, học viên có thể chia sẻ một kinh nghiệm khi các em đã thấy được điều tốt đến qua một thử thách.

Áp dụng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi

Trong nhật ký ghi chép việc học tập của mình, hãy thành tâm trả lời những câu hỏi sau đây dựa trên những điều các em đã học được hôm nay:

  • Các em đã học được điều gì mà có thể giúp các em kiên nhẫn hơn để chờ đợi Chúa?

  • Các em cảm thấy được thúc giục làm điều gì mà có thể giúp các em kiên nhẫn chờ đợi Đấng Cứu Rỗi khi gặp những thử thách khó khăn?

Để kết thúc lớp học, anh chị em có thể chia sẻ một kinh nghiệm khi anh chị em đã kiên nhẫn chờ đợi Chúa hoặc khi Ngài đã tạo ra một thử thách mà hiệp lại làm lợi ích cho anh chị em và vinh quang của Ngài. Anh chị em có thể làm chứng về sự sẵn lòng của Cha Thiên Thượng để ban phước cho chúng ta trong nghịch cảnh khi chúng ta trông đợi Ngài.

In