Lớp Giáo Lý
Bài Học 136—Giáo Lý và Giao Ước 126: Chúa Chấp Nhận Sự Phục Vụ Của Brigham Young


“Bài Học 136—Giáo Lý và Giao Ước 126: Chúa Chấp Nhận Sự Phục Vụ Của Brigham Young,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 126,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 136: Giáo Lý và Giao Ước 125–128

Giáo Lý và Giao Ước 126

Chúa Chấp Nhận Sự Phục Của Brigham Young

Hình Ảnh
Brigham Young

Vào ngày 9 tháng Bảy năm 1841, Chúa đã ban một điều mặc khải cho Brigham Young qua Tiên Tri Joseph Smith. Sau khi Brigham phục vụ nhiều phái bộ truyền giáo ở Hoa Kỳ, Canada, và Anh, Chúa nói rằng những cuộc hành trình truyền giáo của ông đã được Ngài chấp nhận. Ngài nói rằng đã đến lúc Brigham phải chăm sóc đặc biệt cho gia đình mình. Bài học này có thể giúp học viên gia tăng ước muốn của các em để siêng năng lao nhọc cho Chúa như Brigham Young đã làm.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Phục vụ Chúa

Viết cụm từ Phục Vụ Chúa lên trên bảng, và mời học viên làm những điều sau đây:

Hãy tưởng tượng rằng một vị lãnh đạo giáo khu hoặc giáo hạt đã khảo sát các tín hữu ở độ tuổi thiếu niên của Giáo Hội trong khu vực của các em và hỏi những câu hỏi sau đây. Câu trả lời của họ có thể là gì?

  • Các em cố gắng phục vụ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô theo những phương cách nào? Tại sao các em lại phục vụ hai Ngài?

  • Điều gì cản trở việc phục vụ Chúa? Tại sao chúng ta có thể không phải lúc nào cũng muốn phục vụ Ngài?

Sau khi học viên chia sẻ, hãy yêu cầu các em suy ngẫm cách cá nhân các em sẽ trả lời các câu hỏi ở trên.

Khi học về tấm gương của Brigham Young trong bài học này, hãy mời học viên tìm kiếm Đức Thánh Linh để giúp các em vượt qua bất cứ trở ngại nào để phục vụ Chúa một cách siêng năng.

Chúa đã cảm thấy như thế nào về Brigham Young

Cân nhắc việc đưa thông tin sau đây cho một vài học viên vào lúc bắt đầu lớp học. Mời các em tóm lược những điều có ý nghĩa hoặc thú vị đối với các em về Brigham Young.

  • Brigham Young lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, ông là con thứ chín trong số mười một người con.

  • Năm ông 14 tuổi, mẹ của ông qua đời.

  • Năm 16 tuổi, ông bắt đầu cuộc sống tự lập, trở thành một thợ mộc học việc, thợ cắt kính, và thợ sơn.

  • Năm 23 tuổi, ông kết hôn với Miriam Works, và về sau họ có hai người con gái.

  • Brigham nghiên cứu Sách Mặc Môn trong hai năm, so sánh sách đó với Kinh Thánh, trước khi ông gia nhập Giáo Hội. Về sau, ông kể lại: “Tôi biết sách Mặc Môn là chân chính, cũng như tôi biết rằng tôi có thể nhìn thấy bằng đôi mắt của mình, hoặc cảm nhận được bằng cái chạm tay của mình” (Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young [năm 1997], trang 2).

  • Brigham đã 10 lần đi phục vụ truyền giáo ở Hoa Kỳ, Canada, và Anh.

  • Ông trở thành một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ ở tuổi 33.

  • Vào ngày 9 tháng Bảy năm 1841, Chúa đã ban một điều mặc khải cho Brigham Young qua Tiên Tri Joseph Smith.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 126:1–3, và tìm kiếm những điều mà Chúa đã phán với Brigham về sự phục vụ của ông.

  • Các em đã thích hay học được điều gì từ những câu này?

    Hãy lắng nghe kỹ khi học viên chia sẻ. Nếu anh chị em thấy hữu ích, hãy đặt ra tiếp những câu hỏi như sau: “Những từ nào được sử dụng trong điều mặc khải mà nói đến Brigham?” “Các em nghĩ những lời này sẽ làm cho Brigham cảm thấy như thế nào?” “Các câu thánh thư này dạy cho các em điều gì về Chúa?”

    Nếu học viên không tự nhiên nhận ra một nguyên tắc, hãy cân nhắc việc hỏi: “Làm thế nào những chỉ dẫn của Chúa dành cho Brigham Young có thể áp dụng cho chúng ta?” Học viên có thể sử dụng các cách diễn đạt khác nhau, nhưng các em cần nhận ra một nguyên tắc tương tự sau đây: Nếu chúng ta siêng năng lao nhọc cho Chúa, thì Ngài sẽ chấp nhận của lễ ngay chính của chúng ta. Anh chị em có thể đề nghị học viên viết nguyên tắc này vào thánh thư của các em.

  • Các em nghĩ những người như Brigham Young biết được điều gì thúc đẩy họ phục vụ Chúa một cách siêng năng như vậy? Điều đó có thể giúp đỡ chúng ta như thế nào?

Tấm gương của Brigham Young

Tài liệu phát tay sau đây có ba cuộc thảo luận có thể có để giúp học viên học về việc siêng năng lao nhọc cho Chúa từ tấm gương của Brigham Young. Trước khi lớp học bắt đầu, hãy mời ba học viên phục vụ lớp học bằng cách hướng dẫn một trong những cuộc thảo luận sau đây. Hoặc chia lớp học ra thành các nhóm ba người và mời mỗi thành viên trong nhóm hướng dẫn một trong các cuộc thảo luận. Nói cho học viên biết rằng các em có thể điều chỉnh bất cứ câu hỏi nào để làm cho cuộc thảo luận có ý nghĩa hơn hoặc hiệu quả hơn cho các bạn cùng lớp của mình.

Tấm Gương của Brigham Young

Cuộc Thảo Luận 1

Thử Thách Nói Chuyện Trước Đông Người

Hãy bắt đầu bằng cách đặt ra những câu hỏi như sau:

  • Các em cảm thấy như thế nào về việc nói chuyện trước đông người? Tại sao?

Đọc lớn hoặc tóm lược phần sau đây:

Một trong những thử thách lớn nhất của Brigham Young là nói chuyện trước đông người. Ông nói: “Như hầu hết mọi người, tôi là một người không giỏi nói năng?” (trong Journal of Discourses, 5:97). Ông nhớ lại vào một tuần sau lễ báp têm của mình khi ông mong đợi bốn người nói chuyện giàu kinh nghiệm là tín hữu của Giáo Hội đến thuyết giảng, nhưng họ đã không đến. Ông nói:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Brigham Young

Nói về mặt nói chuyện trước đông người và sự hiểu biết về thế giới thì tôi vẫn còn rất non nớt; nhưng Thánh Linh của Chúa đã ở trên tôi, và tôi cảm thấy như xương cốt bên trong tôi như bị thiêu đốt? trừ phi tôi phải nói chuyện với dân chúng và nói cho họ biết những điều tôi đã thấy, nghe và học được—những gì tôi đã trải qua và đã hân hoan; và bài giảng đầu tiên mà tôi đưa ra đã kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Tôi mở miệng ra và Chúa đã làm đầy miệng tôi bằng những lời nói. (Brigham Young, trong Journal of Discourses, 13:211)

  • Điều Brigham Young đã làm có khó khăn gì?

Mời học viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 100:5–6 (xin xem thêm Xuất Ê Díp Tô Ký 4:12; Châm Ngôn 16:1). Rồi hãy hỏi:

  • Kinh nghiệm của Brigham Young liên quan đến các câu thánh thư này như thế nào?

  • Các em học được điều gì về Chúa mà có thể giúp đỡ mình?

Hãy chia sẻ cảm nghĩ của các em về việc tin cậy nơi Chúa và sẵn lòng chia sẻ điều các em biết.

Cuộc Thảo Luận 2

Sự Hy Sinh của Brigham để Phục Vụ

Hãy bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi như sau:

  • Cần phải có những sự hy sinh nào để đi phục vụ truyền giáo?

Đọc lớn hoặc tóm lược phần sau đây:

Cùng năm mà Brigham Young chịu phép báp têm, vợ ông đã qua đời. Với sự hy sinh lớn lao, ông đành sắp xếp cho người khác chăm sóc hai đứa con của mình và đi phục vụ truyền giáo ở New York và vùng thượng Canada, nơi mà ông đã làm phép báp têm cho vài người.

Sau khi phục vụ truyền giáo được khoảng một năm, Brigham đã mô tả khi ông về đến Kirtland, Ohio:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Brigham Young

Nếu có người nào đã từng quy tụ với Các Thánh Hữu mà nghèo hơn tôi—thì đó là vì người ấy không có gì cả. … Tôi có hai đứa con cần chăm sóc. … Tôi là một người góa vợ … [Tôi] không có giày, ngoại trừ một đôi giày đi mượn. Tôi không có quần áo mùa đông, ngoại trừ một cái áo khoác tự may mà tôi đã mặc được ba hoặc bốn năm. … Tôi đã lên đường, đã thuyết giảng và cho đi từng đồng đô la tài sản của mình. (Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young [năm 1997], trang 243)

Mời một học viên đọc Lu Ca 18:18–23, tìm kiếm xem cách Brigham Young hưởng ứng những lời mời gọi phục vụ có gì khác với người đã trò chuyện với Đấng Cứu Rỗi trong câu chuyện này.

  • Các em biết điều gì về Chúa mà có thể giúp chúng ta sẵn lòng hy sinh giống như Brigham Young đã làm?

  • Ngoài việc phục vụ truyền giáo, Chúa còn có thể muốn chúng ta hy sinh để phục vụ Ngài bằng một số cách nào khác?

Hãy chia sẻ cảm nghĩ của các em về việc sẵn lòng hy sinh để phục vụ Chúa.

Cuộc Thảo Luận 3

Công Cuộc Truyền Giáo của Brigham ở Anh

Hãy bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi như sau:

  • Một người truyền giáo cần sự giúp đỡ của Chúa vì những lý do gì?

Đọc lớn hoặc tóm lược phần sau đây:

Sau khi tái hôn và đi phục vụ truyền giáo thêm năm lần, Brigham được kêu gọi, cùng với Các Vị Sứ Đồ khác, để đi truyền giáo ở Anh.

Brigham đã mô tả công việc truyền giáo của mình:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Brigham Young

Chúng tôi đến nơi … như những người lạ trong một vùng đất xa lạ và không một xu dính túi, nhưng nhờ lòng thương xót của Thượng Đế, chúng tôi đã có được nhiều bạn bè, đã thiết lập Giáo Hội ở hầu hết mọi thị trấn và thành phố nổi tiếng của vương quốc Anh, đã làm phép báp têm cho bảy đến tám ngàn người, đã in ra 5.000 quyển Sách Mặc Môn, … và đã gieo vào lòng của hàng ngàn người những hạt giống của lẽ thật vĩnh cửu … : trong tất cả những điều này, tôi thừa nhận có bàn tay của Thượng Đế. (Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young [năm 1997], trang 6)

Mời một học viên đọc to lời của Am Môn trong An Ma 26:12–13. Rồi hãy hỏi:

  • Lời phát biểu của Brigham Young có điểm gì khác so với lời phát biểu của Am Môn?

  • Các em nghĩ tại sao việc trông cậy vào Chúa là điều thiết yếu khi cố gắng phục vụ Ngài?

  • Các em đã cố gắng trông cậy vào Chúa như thế nào khi các em phục vụ Ngài?

Hãy chia sẻ những ý nghĩ hoặc cảm nghĩ của các em về việc trông cậy vào Chúa khi các em phục vụ Ngài.

Những điều các em đã học được

Sau các cuộc thảo luận, anh chị em có thể khuyến khích học viên tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và viết xuống điều các em đang học và cảm nhận về việc phục vụ Chúa. Các em có thể trả lời những câu hỏi này:

  • Các em đã học được điều gì từ tấm gương của Brigham Young và cách Chúa đã giúp đỡ ông?

  • Điều gì đã làm gia tăng ước muốn của các em để phục vụ Chúa?

Hãy kết thúc bằng cách mời học viên chia sẻ một số ý nghĩ và cảm nghĩ mà các em đã viết ra. Anh chị em cũng có thể chia sẻ cùng với các học viên.

In