Lớp Giáo Lý
Bài Học 138—Giáo Lý và Giao Ước 127–128, Phần 2: “Phép Báp Têm cho Những Người Chết của Các Ngươi”


“Bài Học 138—Giáo Lý và Giao Ước 127–128, Phần 2: Phép Báp Têm cho Những Người Chết của Các Ngươi,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 127–128, Phần 2,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 138: Giáo Lý và Giao Ước 125–128

Giáo Lý và Giao Ước 127–128, Phần 2

“Phép Báp Têm cho Những Người Chết của Các Ngươi”

Hình Ảnh
giới trẻ tham dự đền thờ

Joseph Smith đã viết thư cho Các Thánh Hữu về giáo lý báp têm cho người chết. Ông đã giải thích về những lời tiên tri trong Kinh Thánh để giúp Các Thánh Hữu hiểu được tầm quan trọng của việc chịu phép báp têm thay cho thân nhân của họ đã qua đời. Bài học này có thể giúp học viên tìm kiếm thông tin về các tổ tiên đã qua đời của mình và chuẩn bị để thực hiện các giáo lễ cho họ trong đền thờ.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Tổ tiên của các em

Cân nhắc việc bắt đầu lớp học bằng cách giúp học viên nghĩ về tổ tiên của các em. Anh chị em có thể mời học viên liệt kê càng nhiều tổ tiên của các em càng tốt. Học viên có thể cho biết tổ tiên nào đã nhận được giáo lễ báp têm trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và tổ tiên nào chưa nhận được.

Hình Ảnh
thang đo mức độ tự tin
  • Các em tự tin bao nhiêu về khả năng của mình để làm lịch sử gia đình và công việc đền thờ cho tổ tiên của mình?

Mời học viên chia sẻ điều các em nhớ về văn cảnh của Giáo Lý và Giao Ước 127–128. Anh chị em cũng có thể chia sẻ văn cảnh bổ sung sau đây.

Chính quyền Missouri đã vu cáo Joseph Smith đã giúp lên kế hoạch tấn công cựu thống đốc Lilburn W. Boggs. Joseph ngờ rằng nếu trở lại Missouri, thì ông sẽ bị giết chết. Trong khi lẩn trốn trong nhà của Edward Hunter, Joseph đã có nhiều ý nghĩ và cảm nghĩ về phép báp têm cho người chết (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 128:1). Joseph Smith viết thư cho Các Thánh Hữu để giảng dạy cho họ giáo lý quan trọng về giáo lễ báp têm cho người chết (xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 [năm 2018], trang 466–477).

Phép báp têm cho những người chết của ngươi

Anh Cả Quentin L. Cook Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng chúng ta có trách nhiệm để thực hiện các giáo lễ đền thờ cho những người cụ thể:

Hình Ảnh
Anh Cả Quentin L. Cook

Giáo lý về gia đình liên quan đến công việc [đền thờ và lịch sử gia đình] là rất rõ ràng. Trong điều mặc khải ban đầu của Ngài, Chúa đã nói về “phép báp têm cho những người chết của các ngươi” [Giáo Lý và Giao Ước 127:5; sự nhấn mạnh được thêm vào]. Bổn phận về giáo lý của chúng ta là đối với tổ tiên của mình. Điều này là vì tổ chức thượng thiên giới dựa vào gia đình. (Quentin L. Cook, “Rễ và Nhánh,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 45)

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 127:5–6, và cân nhắc đánh dấu các từ “phép báp têm cho những người chết của các ngươi” mà Anh Cả Cook đã nêu ra.

  • Các em tưởng tượng sẽ như thế nào khi gặp các tổ tiên đã qua đời của mình? Họ có thể phản ứng như thế nào với công việc đền thờ và lịch sử gia đình mà các em đã làm?

Sự cứu rỗi của họ là thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 128:15–18, tìm kiếm điều mà các vị tiên tri đã dạy về giáo lý về gia đình vĩnh cửu và phép báp têm cho người chết.

Để nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 128:15–18, học viên có thể được chia thành ba nhóm để khám phá ra điều mà các vị tiên tri sau đây đã giảng dạy. Mời một học viên trong mỗi nhóm làm người lãnh đạo nhóm. Người này có thể phân công các trách nhiệm. Một trách nhiệm sẽ là tóm lược cho cả lớp điều mà nhóm học được trong thánh thư.

Sau khi học viên đọc các câu này, hãy mời mỗi nhóm tóm lược các câu này. Anh chị em cũng có thể thảo luận những câu hỏi mà các em có thể có hoặc các cụm từ mà các em nghĩ là quan trọng.

  • Mỗi vị tiên tri đã dạy điều gì về sự cứu rỗi của tổ tiên chúng ta?

    Khi học viên chia sẻ, các em có thể nhận ra nhiều lẽ thật, kể cả các lẽ thật sau đây:

    • Sự cứu rỗi của các tổ tiên đã chết của chúng ta là thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta.

    • Các tổ tiên của chúng ta đã chết khi không có phúc âm thì không thể tiến triển đến sự hoàn hảo cho đến khi các giáo lễ đền thờ được thực hiện thay cho họ.

    Hãy giúp học viên hiểu tại sao ngày nay, các lẽ thật này là quan trọng. Một số câu hỏi sau đây có thể giúp ích.

  • Trong những cách thức nào Chúa Giê Su Ky Tô làm cho sự cứu rỗi của các tổ tiên đã qua đời của chúng ta có thể thực hiện được?

  • Các em nghĩ việc tham gia vào công việc đền thờ và lịch sử gia đình có thể giúp các em noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi như thế nào?

Chủ Tịch Henry B. Eyring của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã làm chứng về trách nhiệm quan trọng của chúng ta:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Nhiều tổ tiên của các anh chị em đã không nhận được các giáo lễ đó. Nhưng Thượng Đế đã cung cấp [một cách thức] để các anh chị em có thể thực hiện được những giáo lễ này [cho họ]. Và Thượng Đế biết rằng các anh chị em sẽ cảm thấy được gần gũi với tổ tiên của mình trong tình yêu thương và rằng các anh chị em sẽ có công nghệ cần thiết để [nhận ra] họ. Ngài cũng biết rằng các anh chị em sẽ sống trong một thời kỳ mà việc tiếp cận với các đền thờ thánh, nơi mà các giáo lễ có thể được thực hiện, sẽ thuận tiện hơn bao giờ hết trong lịch sử. Và Ngài biết rằng Ngài có thể tin cậy các anh chị em để [thực hiện] công việc này thay cho [tổ] tiên của các anh chị em. …

… Nhiều người trẻ tuổi đã khám phá ra rằng việc dành thời gian của họ để sưu tầm lịch sử gia đình và làm công việc đền thờ đã gia tăng chứng ngôn của họ về kế hoạch cứu rỗi. Việc này đã gia tăng ảnh hưởng của Thánh Linh trong cuộc sống của họ và làm giảm bớt ảnh hưởng của kẻ nghịch thù. Việc này đã giúp cho họ cảm thấy gần gũi hơn với gia đình họ và với Chúa Giê Su Ky Tô. Họ đã biết được rằng công việc này không chỉ cứu rỗi người chết mà còn cứu rỗi tất cả chúng ta nữa [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 128:18]. (Henry B. Eyring, “Quy Tụ Lại Gia Đình của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 21, 22)

  • Các em đã làm gì để tham gia vào công việc đền thờ và lịch sử gia đình? Chúa đã ban phước lành cho các em thế nào vì đã làm như vậy?

  • Việc tham gia vào công việc này đã giúp các em cảm thấy gần gũi hơn với Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?

Tham gia vào công việc đền thờ và lịch sử gia đình

Phần này của bài học nhằm giúp học viên tham gia vào công việc lịch sử gia đình và có thể chuẩn bị để thực hiện các giáo lễ trong đền thờ. Có nhiều cách anh chị em có thể mời học viên tham gia. Sau đây là một số ví dụ:

  • Trưng ra bản liệt kê các sinh hoạt sau đây, và hỏi học viên xem các em có thể dạy cho cả lớp về các sinh hoạt đó không. Sau đó, học viên có thể cho thấy cách hoàn thành các nhiệm vụ.

  • Chia lớp học ra thành các nhóm nhỏ và mời học viên cùng nhau thực hiện các sinh hoạt này. Các học viên giàu kinh nghiệm có thể giúp các học viên thiếu kinh nghiệm.

  • Tạo ra các trạm học tập cho một số sinh hoạt. Mời một học viên quen thuộc với sinh hoạt này làm người hướng dẫn trạm. Các học viên có thể luân phiên di chuyển qua các trạm mà các em chọn.

Cân nhắc việc mời một người tư vấn về đền thờ và lịch sử gia đình từ tiểu giáo khu của anh chị em để giúp đỡ. Nếu việc truy cập vào công nghệ bị hạn chế, thì anh chị em có thể cân nhắc tập trung vào sinh hoạt đầu tiên được liệt kê dưới đây.

  • Hoàn tất các sinh hoạt khác nhau trong quyển sách nhỏ Gia Đình Tôi: Các Câu Chuyện Mang Chúng Ta Lại Với Nhau.

  • Làm quen với cây gia phả của các em trong FamilySearch.

  • Sử dụng tính năng “Các Giáo Lễ Đã Sẵn Sàng” trong FamilySearch để tìm các tên để mang đến đền thờ.

  • Đặt cuộc hẹn tham dự đền thờ trên trang temples.ChurchofJesusChrist.org.

  • Làm quen với cách thêm người hoặc đính kèm các hồ sơ lịch sử vào cây gia phả của các em trong FamilySearch.

  • Thêm kỷ niệm vào những người trong cây gia phả của các em trong FamilySearch.

  • Khám phá phần “Các Sinh HoạtFamilySearch.org.

  • Khám phá phần “Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình” trong Thư Viện Phúc Âm.

Sau khi đã cho học viên có đủ thời gian, hãy mời các em chia sẻ với cả lớp những gì các em đã làm hoặc những gì các em đã khám phá được. Học viên cũng có thể thảo luận về sự tin tưởng của các em để tham gia vào công việc đền thờ và lịch sử gia đình có thể đã gia tăng như thế nào.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 128:24, và tìm kiếm những của lễ mà chúng ta có thể dâng lên Chúa.

  • Các em nghĩ công việc đền thờ và lịch sử gia đình mà chúng ta làm là một của lễ ngay chính cho Chúa như thế nào?

  • Các em cảm thấy được soi dẫn để dâng lên Chúa những của lễ về đền thờ và công việc lịch sử gia đình nào?

Mời học viên hành động theo những ấn tượng mà các em nhận được. Khuyến khích học viên tham gia vào công việc đền thờ và lịch sử gia đình ở nhà với gia đình của các em.

In