Lớp Giáo Lý
Bài Học 137—Giáo Lý và Giao Ước 127–128, Phần 1: Sự Cứu Rỗi Người Chết


“Bài Học 137—Giáo Lý và Giao Ước 127–128, Phần 1: Sự Cứu Rỗi Người Chết,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 127–128, Phần 1,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 137: Giáo Lý và Giao Ước 125–128

Giáo Lý và Giao Ước 127–128, Phần 1

Sự Cứu Rỗi Người Chết

Hình Ảnh
hồ báp têm

Vào tháng Tám năm 1840, lần đầu tiên, Joseph Smith dạy giáo lý về phép báp têm cho người chết. Các tín hữu Giáo Hội hân hoan trong cơ hội mang lại các giáo lễ cứu rỗi cho những người thân đã qua đời của họ. Joseph Smith viết thư cho Các Thánh Hữu để chỉ dẫn họ về giáo lễ báp têm cho người chết. Bài học này có thể giúp học viên cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho các em, được biểu hiện qua các giáo lễ đền thờ.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Một tình huống

Tình huống sau đây có thể giúp học viên suy ngẫm về cảm nghĩ của các em về giáo lý báp têm cho người chết của Đấng Cứu Rỗi. Học viên có thể đóng vai cách các em có thể trả lời An.

Trong một cuộc thảo luận với những người truyền giáo, An đã học về sự cần thiết phải noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi và chịu phép báp têm (xin xem Ma Thi Ơ 3:13–17; Giăng 3:5; 2 Nê Phi 31:4–11). An chân thành mong muốn được chịu phép báp têm, nhưng em cũng bắt đầu bận tâm về người chị đã qua đời của mình. An đã hỏi những người truyền giáo: “Thế còn người chị của em đã qua đời trước khi có thể chịu phép báp têm thì sao?”

  • Khi các em xem xét các yếu tố của giáo lý của Đấng Cứu Rỗi, các em có những cảm nghĩ nào muốn chia sẻ?

Hãy nhắc các học viên nhớ rằng mọi người trong mọi thời đại, kể cả các tín hữu thời kỳ đầu của Giáo Hội, cũng đã đặt ra những câu hỏi như của An. Qua Tiên Tri Joseph Smith, Cha Thiên Thượng đã mặc khải cách mà kế hoạch của Ngài có thể cứu tất cả những ai muốn được cứu.

Kế Hoạch của Cha Thiên Thượng

Chúa đã mặc khải dần dần cho Joseph Smith về giáo lý báp têm cho người chết. Vào tháng Tám năm 1840, Joseph Smith có bài thuyết giảng tại tang lễ của Seymour Brunson. Trong bài giảng, ông đã nhìn Jane Neyman, một góa phụ có con trai đã chết trước khi cậu được làm phép báp têm. Joseph đã nói đến 1 Cô Rinh Tô 15:29 và dạy rằng kế hoạch của Thượng Đế cho phép một người sống chịu phép báp têm thay cho một người đã chết. Về sau, Jane đã chịu phép báp têm thay cho con trai Cyrus của bà. Đây là phép báp têm đầu tiên cho người chết được thực hiện trong gian kỳ này (xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 [năm 2018], trang 421–422).

Về sau, Chúa đã mặc khải rằng phép báp têm cho người chết phải được thực hiện trong đền thờ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 124:29–32). Vào tháng Mười Một năm 1841, Các Thánh Hữu bắt đầu chịu phép báp têm thay cho tổ tiên của họ trong Đền Thờ Nauvoo chưa xây cất xong. Vào tháng Chín năm 1842, Joseph Smith chỉ dẫn Các Thánh Hữu phải lưu giữ một hồ sơ về các giáo lễ đó và các chi tiết quan trọng khác. Những chỉ dẫn đó giờ đây là Giáo Lý và Giao Ước 127128 (xin xem Các Thánh Hữu, 1:476–477). Joseph Smith giải thích rằng một người lục sự cần phải là nhân chứng cho giáo lễ và lưu giữ các hồ sơ chính xác mà sẽ được ghi lại trong một quyển sổ của giáo hội trung ương. Ông cũng dạy rằng những người khác cần làm nhân chứng cho giáo lễ này (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 128:2–4). Sau đó ông giải thích lý do tại sao sự thứ tự của những điều này cần phải rất chi tiết và kỳ lạ như vậy.

Trước khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 128:5, có thể hữu ích khi giải thích rằng “trước khi thế gian được tạo dựng” ý nói đến thời gian trước khi trái đất được tạo ra, là khi có một hội đồng trên thiên thượng (xin xem Áp Ra Ham 3:22–27).

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 128:5, tìm kiếm điều các em học được về phép báp têm cho người chết trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

  • Những câu này dạy cho các em điều gì về Cha Thiên Thượng và kế hoạch của Ngài?

Giúp học viên nhận ra lẽ thật này: Cha Thiên Thượng đã chuẩn bị một cách thức để nhận được sự cứu rỗi cho những người đã chết mà không có sự hiểu biết về phúc âm.

Cân nhắc việc viết lẽ thật này lên trên bảng để giúp học viên thảo luận lẽ thật đó. Việc đặt ra một số câu hỏi sau đây có thể giúp học viên hiểu được lẽ thật này. Anh chị em có thể nâng cao cuộc thảo luận bằng cách yêu cầu học viên chia sẻ suy nghĩ của các em về những nhận xét của bạn cùng lớp.

  • Lẽ thật này dạy các em điều gì về các thuộc tính, đặc tính, hoặc mục đích của Cha Thiên Thượng?

  • Lẽ thật này có thể ảnh hưởng đến các em và gia đình mình như thế nào?

Để giúp học viên cảm nhận được tầm quan trọng của lẽ thật này, hãy cân nhắc việc chia sẻ lời chứng của anh chị em về lẽ thật đó. Hoặc anh chị em có thể chia sẻ lời phát biểu sau đây và mời học viên chia sẻ những cách hưởng ứng của các em đối với lời phát biểu đó.

Anh Cả D.Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã làm chứng về Đức Giê Su Ky Tô và sự cứu chuộc người chết.

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Trách nhiệm của chúng ta mở ra sâu xa như tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái Ngài vào bất cứ lức nào và ở bất kỳ nơi đâu. Những nỗ lực của chúng ta thay cho người chết là minh chứng hùng hồn rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc thiêng liêng của toàn thể nhân loại. Ân điển và những lời hứa của Ngài đến với cả những người không tìm thấy Ngài khi họ còn sống. Nhờ có Ngài, những người bị giam cầm quả thật sẽ được tự do. (D. Todd Christofferson, “The Redemption of the Dead and the Testimony of Jesus”, Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 11)

Được ghi chép dưới thế gian lẫn trên trời

Hình Ảnh
hồ báp têm

Hãy cân nhắc trưng ra một hình ảnh về hồ báp têm trong đền thờ. Mời học viên chỉ ra người ghi chép và các nhân chứng. Sau đó mời học viên tìm kiếm và đánh dấu những chỉ định này trong Giáo Lý và Giao Ước 128:3. Nếu các học viên đã phục vụ với tư cách là một nhân chứng, thì các em có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình.

Một cách để giúp học viên tìm thấy sự liên quan trong các tiết này là trở lại với tình huống về An.

Sau khi chịu phép báp têm, An tham dự đền thờ và chịu phép báp têm thay cho người chị đã qua đời của mình. An tự hỏi làm thế nào em có thể biết giáo lễ này có hiệu lực trên thiên thượng.

Trước khi học viên đọc các câu thánh thư sau đây, anh chị em có thể muốn giải thích rằng trong Giáo Lý và Giao Ước 128:8 cụm từ “chính bản thân họ” nói đến những người chịu phép báp têm cho bản thân họ và cụm từ “những người đại diện cho họ” nói đến những người chịu phép báp têm thay cho người khác.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 127:5–7; 128:6–8, tìm kiếm điều các em sẽ chia sẻ với An để trả lời câu hỏi của bạn ấy.

  • Các em sẽ chia sẻ những từ hoặc cụm từ nào với An?

  • Các em nghĩ tại sao việc lưu giữ một hồ sơ về các giáo lễ là quan trọng trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng?

  • Việc hiểu được những câu này có thể ảnh hưởng như thế nào đến kinh nghiệm của các em trong đền thờ?

Giải thích rằng các giáo lễ được thực hiện trong đền thờ được ràng buộc dưới thế gian và trên trời nhờ vào các chìa khóa chức tư tế được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 128:9–11).

“Hãy để cho tâm hồn mình được hân hoan và hết sức vui vẻ”

Mục đích của tiết này là nhằm giúp học viên cảm nhận được sự vĩ đại của kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng. Cân nhắc việc viết kế hoạch của Cha Thiên Thượng lên trên bảng và mời học viên thêm vào những từ hoặc cụm từ mà bày tỏ cảm nghĩ của các em về kế hoạch đó. Hãy yêu cầu một vài học viên chia sẻ lý do tại sao các em cảm thấy như vậy.

Học viên cũng có thể thêm vào trên bảng một số cảm nghĩ mà các em đã trải qua khi tham gia vào phép báp têm và lễ xác nhận trong đền thờ.

Khi học viên đọc đoạn thánh thư sau đây và thảo luận các câu hỏi kèm theo, các em có thể viết thêm các từ hoặc cụm từ lên trên bảng.

Trong thư của ông, Joseph Smith bày tỏ một cách đầy thi vị quan điểm của ông về giáo lý vinh quang về sự cứu chuộc người chết. Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 128:22–23, và tìm kiếm những cảm xúc được ông biểu lộ về kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

  • Những từ hoặc cụm từ nào từ các câu này phản ảnh những cảm nghĩ của các em về kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho sự cứu rỗi của con cái Ngài?

  • Đã bao giờ các em cảm nhận được bất cứ cảm nghĩ nào trong số những cảm nghĩ này trong khi tham gia vào công việc đền thờ và lịch sử gia đình chưa?

  • Các em nghĩ “những người bị giam cầm sẽ được tự do” có nghĩa là gì? (câu 22). Tại sao đây có thể là một lý do cho niềm hân hoan lớn lao?

Cân nhắc việc mời học viên bày tỏ cảm nghĩ của các em về giáo lý cứu chuộc người chết. Mời các em chú ý đến bất cứ sự thúc giục nào của Thánh Linh trong khi các em làm như vậy. Các em có thể viết, vẽ, hoặc ghi hình, thu âm lại một sứ điệp. Học viên có thể sử dụng một số cụm từ được liệt kê ở trên bảng để mô tả cách kế hoạch của Cha Thiên Thượng mang đến hy vọng cho những người đã chết mà không có sự hiểu biết về phúc âm. Các em cũng có thể viết về ảnh hưởng mà kế hoạch cứu rỗi đã có đối với gia đình của mình. Học viên có thể muốn mô tả những kinh nghiệm đầy ý nghĩa khi tham gia vào công việc đền thờ và lịch sử gia đình.

Sau khi cho học viên có đủ thời gian, hãy mời một vài em chia sẻ thông điệp của mình. Anh chị em cũng có thể chia sẻ những cảm nghĩ của mình về sự cứu chuộc người chết trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

In