Lớp Giáo Lý
Bài Học 139—Giáo Lý và Giao Ước 130: Giảng Dạy Phúc Âm của Đấng Cứu Rỗi


“Bài Học 139—Giáo Lý và Giao Ước 130: Giảng Dạy Phúc Âm của Đấng Cứu Rỗi,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 130,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

Bài Học 139: Giáo Lý và Giao Ước 129–132

Giáo Lý và Giao Ước 130

Giảng Dạy Phúc Âm của Đấng Cứu Rỗi

Hình Ảnh
Chúa Giê Su giảng dạy cho dân chúng

Phúc âm có thể được giảng dạy một cách hiệu quả trong các buổi họp lớn hoặc trong những buổi nhóm họp nhỏ, thân mật. Đấng Cứu Rỗi đã sử dụng cả hai phương pháp trong giáo vụ của Ngài, và Tiên Tri Joseph Smith cũng vậy. Nội dung của Giáo Lý và Giao Ước 130 chứa đựng một số lời giảng dạy của Vị Tiên Tri dành cho một nhóm nhỏ Các Thánh Hữu sống ở Ramus, Illinois. Bài học này nhằm giúp học viên tập giảng dạy các yếu tố trong giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Các sinh hoạt học tập sau đây là nhằm giúp học viên giảng dạy các phần khác nhau của bài học. Nếu anh chị em không muốn yêu cầu học viên giảng dạy, thì hãy tham khảo “Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung” để có những ý kiến giảng dạy mà anh chị em có thể sử dụng.

Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Thầy Tinh Thông

Để bắt đầu lớp học, hãy cân nhắc việc trưng ra hình ảnh của Chúa Giê Su Ky Tô đang giảng dạy dân chúng và mời học viên hình dung ra việc có mặt ở đó có thể như thế nào. Hãy cân nhắc đặt ra những câu hỏi sau đây:

  • Các em sẽ nghĩ gì hoặc cảm thấy gì nếu các em có mặt khi Chúa Giê Su giảng dạy?

  • Các em nghĩ điều gì làm cho Đấng Cứu Rỗi trở thành một giảng viên hữu hiệu như vậy?

Hãy giải thích rằng với tư cách là tín hữu của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có nhiều cơ hội để giảng dạy phúc âm của Ngài. Anh chị em cũng có thể trưng ra sứ điệp sau đây từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn về việc giảng dạy:

Hình Ảnh
Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Anh chị em thân mến,

Thật là một cơ hội vinh quang mà anh chị em có để giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô! Cho dù anh chị em có một chức vụ kêu gọi cụ thể để giảng dạy hay không, thì anh chị em vẫn là một giảng viên. Với tư cách là một môn đồ của Đấng Thầy Vĩ Đại, Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em có cơ hội để chia sẻ ánh sáng của Ngài ở bất cứ nơi nào anh chị em đến—ở nhà, tại nhà thờ, khi anh chị em phục sự người khác, và ở giữa bạn bè mình. Giảng dạy phúc âm là một sự tin cậy thiêng liêng. Đó là một phần thiết yếu trong công việc của Chúa, và việc giảng dạy đạt hiệu quả nhất khi chúng ta làm theo cách của Ngài. (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi: Dành Cho Tất Cả Những Ai Giảng Dạy ở Nhà và tại Nhà Thờ [năm 2022], 1)

  • Các thanh thiếu niên có một số cơ hội nào để giảng dạy và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài?

Hãy giải thích cho học viên biết rằng các em sẽ có cơ hội để chuẩn bị một bài học ngắn từ một số lời giảng dạy trong Giáo Lý và Giao Ước 130 và tập giảng dạy bài học của các em cho những người khác. Nếu anh chị em định cho một vài học viên giảng dạy cho cả lớp, thì đây sẽ là thời điểm tốt để bảo đảm với các em rằng anh chị em sẽ không mời bất cứ ai mà không sẵn lòng để thực hiện.

Trước khi học viên bắt đầu chuẩn bị bài học, hãy cân nhắc việc chia sẻ thông tin cơ bản sau đây.

Vào ngày 2 tháng Tư năm 1843, Tiên Tri Joseph Smith gặp gỡ Các Thánh Hữu ở Ramus, Illinois, cách Nauvoo khoảng 20 dặm. Joseph đã giảng dạy nhiều lẽ thật phúc âm khác nhau, kể cả các chi tiết về Thiên Chủ Đoàn, tầm quan trọng của việc đạt được sự hiểu biết trong cuộc sống này, và cách chúng ta có thể nhận được các phước lành của Thượng Đế. Những lời giảng dạy này được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 130.

Chuẩn bị giảng dạy

Để giúp học viên chuẩn bị giảng dạy, hãy phát cho các em tài liệu có tựa đề “Giảng Dạy Các Lẽ Thật từ Giáo Lý và Giao Ước 130.” Mời các học viên làm theo các bước chuẩn bị bài học để được hướng dẫn. Vì Giáo Lý và Giao Ước 130:22–23 là một đoạn thông thạo giáo lý, nên có thể cần phải yêu cầu một vài học viên tìm hiểu về đề tài đó để chắc chắn rằng các câu đó sẽ được giảng dạy trong bài học.

Khi các học viên đang chuẩn bị, hãy di chuyển quanh phòng và giúp đỡ các em nếu cần thiết. Anh chị em có thể đưa ra một số đề nghị về điều các em có thể sử dụng để giúp người khác tích cực tham gia. Những đề nghị này có thể gồm có các câu hỏi thảo luận, hình ảnh, đồ vật, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, hoặc các bài tập viết.

Giảng Dạy Các Lẽ Thật từ Giáo Lý và Giao Ước 130

Việc chuẩn bị bài học:

Bước 1: Chọn một trong các đề tài học tập dưới đây và nghiên cứu các nguồn tài liệu được cung cấp. Hãy chú ý đến những ý nghĩ, ý kiến, và ấn tượng từ Đức Thánh Linh về điều các em đang đọc. Các em cũng có thể tìm các nguồn tài liệu khác để gia tăng sự hiểu biết của mình về đề tài đã chọn.

Bước 2: Tạo ra một đại cương bài học dài năm đến bảy phút về đề tài các em đã chọn. Cân nhắc sử dụng một số câu hỏi sau đây để giúp các em chuẩn bị:

  • Làm thế nào mà những lẽ thật này có thể ảnh hưởng hay cần được ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Làm thế nào tôi có thể sử dụng thánh thư và những lời của các vị tiên tri để giúp người khác hiểu rõ hơn đề tài này?

  • Tôi có thể làm gì để giúp những người khác tham gia vào bài học và trở thành những người tham gia tích cực?

  • Tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào hoặc tôi có thể làm chứng về điều gì?

  • Tôi có thể làm gì để giúp người khác áp dụng đề tài này vào cuộc sống của họ?

Các đề tài và nguồn tài liệu học tập:

Lựa chọn 1: Kiến thức và tri thức tồn tại với chúng ta khi chúng ta phục sinh.

Các nguồn tài liệu để học tập:

Giáo Lý và Giao Ước 130:18–19; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 88:118; 93:36

Anh Cả Neal A. Maxwell (1926–2004) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Neal A. Maxwell

Nếu chúng ta chỉ suy ngẫm về những gì sẽ cùng tồn tại với chúng ta khi chúng ta phục sinh, thì dường như rõ ràng rằng tri thức của chúng ta sẽ vẫn tồn tại với chúng ta, có nghĩa là không chỉ chỉ số IQ của chúng ta, mà còn cả khả năng của chúng ta để tiếp nhận và áp dụng lẽ thật. Các ân tứ, thuộc tính, và kỹ năng của chúng ta sẽ còn tồn tại cùng với chúng ta; chắc chắn cũng có cả khả năng của chúng ta để học hỏi, mức độ kỷ luật tự giác, và khả năng làm việc của chúng ta. (Neal A. Maxwell, We Will Prove Them Herewith [năm 1982], trang 12)

Lựa chọn 2: Chúng ta nhận được các phước lành từ Thượng Đế bằng cách tuân theo các luật pháp của Ngài.

Các nguồn tài liệu để học tập:

Giáo Lý và Giao Ước 130:20–21; xin xem thêm Giăng 7:17; Giáo Lý và Giao Ước 82:10

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Nếu anh chị em thực sự muốn có một phước lành nào đó, thì tốt hơn anh chị em nên tìm ra các luật pháp chi phối phước lành đó và sau đó cố gắng trở nên tuân theo các luật pháp đó. (Russell M. Nelson, “The Mission and Ministry of the Savior: A Discussion with Elder Russell M. Nelson,” Ensign, tháng Sáu năm 2005, trang 19)

Lựa chọn 3: Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể xác bằng xương và thịt. Đức Thánh Linh là một Đấng linh hồn.

Các nguồn tài liệu để học tập:

Giáo Lý và Giao Ước 130:22–23; và xin xem thêm Ma Thi Ơ 3:13–17; Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55–56

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Chúng tôi tin rằng ba Đấng thiêng liêng này tạo thành một Thiên Chủ Đoàn hiệp một trong mục đích, hành động, chứng ngôn và sứ mệnh. Chúng tôi tin rằng ba Đấng này đều đầy một lòng thương xót, yêu thương, công bằng và ân điển, kiên nhẫn, khoan dung và cứu chuộc của Thượng Đế. Tôi nghĩ thật chính xác để nói rằng chúng tôi tin là ba Đấng này hợp nhất trong mọi khía cạnh quan trọng và vĩnh cửu có thể tưởng tượng được, [ngoại trừ] việc tin rằng ba Đấng này là ba [Đấng] gộp lại thành một. … Chúng tôi tuyên bố rằng bằng chứng hiển nhiên từ thánh thư cho thấy rằng Đức Chúa Cha, Vị Nam Tử, và Đức Thánh Linh là ba Đấng riêng biệt, là ba Đấng thiêng liêng. (Jeffrey R. Holland, “Đức Chúa Trời Có Một và Thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã Sai Đến,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 40–41)

Kinh nghiệm giảng dạy

Truyền đạt cho học viên rằng những đóng góp của các em được trân quý: Khi học viên chia sẻ các bài học mà các em đã chuẩn bị, hãy giúp các em biết rằng những đóng góp của các em cho bài học được trân quý và trân trọng.

Sau khi anh chị em đã cho học viên thời gian để chuẩn bị một đại cương bài học, hãy cân nhắc việc mời một vài em giảng dạy bài học của các em trước lớp học. Anh chị em cũng có thể sắp xếp các học viên thành các nhóm nhỏ, và các em có thể luân phiên giảng dạy lẫn nhau. Trong khi học viên trình bày, hãy khuyến khích các bạn học trong lớp cho thấy sự tôn trọng và tham gia đầy đủ trong quá trình học tập. Nếu có bất cứ học viên nào không thoải mái để giảng dạy trong lớp giáo lý hoặc nếu hết thời gian trước khi tất cả đều có cơ hội, hãy khuyến khích các em thử giảng dạy bài học của mình ở nhà, trong môi trường nhà thờ, hoặc cho một người bạn. Để kết thúc, hãy cân nhắc đặt ra những câu hỏi như sau:

  • Các em đã học được điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể giúp các em trong hoàn cảnh hiện tại của mình?

  • Các em đã học được điều gì ngày hôm nay về việc giảng dạy phúc âm của Đấng Cứu Rỗi?

  • Việc nắm lấy cơ hội để giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể mang lại lợi ích như thế nào cho các em bây giờ và trong tương lai?

Giáo Lý và Giao Ước 130:22–23 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

Học thuộc lòng

Anh chị em có thể muốn giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo và cụm từ thánh thư then chốt trong Giáo Lý và Giao Ước 130:22–23 và ôn lại chúng trong các bài học trong tương lai. Cụm từ then chốt của đoạn này là “Đức Chúa Cha có một thể xác bằng xương và thịt … ; và luôn cả Đức Chúa Con; nhưng Đức Thánh Linh … là một Đấng Linh Hồn.” Ý tưởng cho các sinh hoạt học thuộc lòng nằm ở tài liệu phụ lục trong “Những Sinh Hoạt Ôn Tập Phần Thông Thạo Giáo Lý.”

In