Lớp Giáo Lý
Bài Học 142—Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý 9: Học Thuộc Lòng; Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh


“Bài Học 142—Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý 9: Học Thuộc Lòng; Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý 9,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 142: Giáo Lý và Giao Ước 129–132

Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý 9

Học Thuộc Lòng; Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh

Hình Ảnh
cha và con gái đang học thánh thư

Sự thông thạo giáo lý có thể giúp học viên xây dựng nền tảng cho cuộc sống của các em dựa trên Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Bài học này sẽ cho học viên cơ hội để tập thuộc lòng các phần tham khảo của các đoạn thông thạo giáo lý và các cụm từ thánh thư then chốt trong các đoạn này. Điều đó cũng sẽ giúp các em học hỏi và áp dụng các nguyên tắc thiêng liêng để đạt được sự hiểu biết thuộc linh.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Ôn lại thông thạo giáo lý: Học thuộc lòng

Cân nhắc việc trưng ra một bình nước trống không và vài cái ly đầy nước. Đổ nước đầy ly. Mời một học viên đọc thuộc lòng bất cứ phần tham khảo thánh thư thông thạo giáo lý và các cụm từ thánh thư then chốt mà em ấy đã thuộc lòng. Đối với mỗi đoạn thánh thư đã được đọc lên, học viên có thể đổ một ly nước vào bình.

  • Các em nghĩ việc thuộc lòng thánh thư có thể giống như một bình nước dự trữ cho những khi cần đến như thế nào?

  • Các em sẽ muốn có các câu thánh thư đã thuộc lòng để sử dụng trong những tình huống nào?

Cân nhắc yêu cầu học viên lục lại trí nhớ của các em về những lần mà một câu thánh thư đã đến với tâm trí của các em. Có lẽ những từ cụ thể trong một câu thánh thư hoặc một lời giảng dạy chung hiện lên trong tâm trí. Mời một vài học viên chia sẻ những kinh nghiệm của mình.

Hãy nêu ra rằng khi chúng ta trở nên quen thuộc với các đoạn thánh thư, Đức Thánh Linh có thể mang chúng đến tâm trí chúng ta trong những lúc chúng ta cần (xin xem Giăng 14:26). Hãy cho học viên biết rằng ngày hôm nay anh chị em sẽ dành ra một khoảng thời gian để các em trở nên quen thuộc hơn với một số đoạn thông thạo giáo lý. Sau đây là một cách để thực hiện điều này. Những ý tưởng khác cho việc học thuộc lòng có ở phụ lục trong “Những Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý.”

Sinh hoạt học thuộc lòng

Quyết định các đoạn giáo lý thông thạo nào anh chị em muốn lớp học ôn lại. Sinh hoạt này sẽ hữu hiệu nhất bằng cách sử dụng hai đến bốn đoạn thánh thư.

Phát một tờ giấy trắng cho mỗi học viên. Mời các em viết mỗi đoạn thông thạo giáo lý và các cụm từ then chốt lên trên tờ giấy. Sau đó mời các em cắt rời từng từ trong một phần tham khảo và cụm từ then chốt. Sau đó học viên có thể xáo trộn các mảnh giấy và xếp chúng lại với nhau theo thứ tự. Một khi các em có thể hoàn thành nhiệm vụ đó một cách dễ dàng, hãy mời các em lặp lại tiến trình này với đoạn và cụm từ then chốt tiếp theo. Nếu các em ghi nhớ tốt các đoạn và các cụm từ then chốt, thì các em có thể xáo trộn tất cả các mảnh giấy của các đoạn cụm từ then chốt khác nhau và cố gắng sắp xếp chúng theo thứ tự.

Ngoài ra, anh chị em có thể mời học viên sử dụng ứng dụng Thông Thạo Giáo Lý để học thuộc lòng.

Nếu có đủ thời gian, thì anh chị em có thể mời một số học viên lên chia sẻ một đoạn và cụm từ then chốt đã thuộc lòng và đổ một ly nước vào bình.

Chú ý rằng sinh hoạt học thuộc lòng này chỉ nên kéo dài 10–15 phút để có đủ thời gian cho phần luyện tập áp dụng thông thạo giáo lý trong phần sau bài học.

Học và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh

Nếu anh chị em cảm thấy học viên của mình cần phải ôn lại nguyên tắc đạt được sự hiểu biết thuộc linh, hãy dành ra một thời gian để ôn lại các đoạn 5–12 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu để Thông Thạo Giáo Lý (năm 2023). Các sinh hoạt ôn tập được gợi ý sẽ có trong phần phụ lục “Các Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý.”

Mời học viên chọn một trong các tình huống sau đây hoặc tình huống khác mà các anh chị em tạo ra mà đáp ứng nhu cầu của học viên mình. Sau khi học viên chọn một tình huống, hãy thảo luận tại sao một người có thể cảm thấy như vậy. Việc làm như vậy có thể giúp các tình huống trở nên thực tế hơn đối với học viên.

Anh chị em cũng có thể cân nhắc các đề tài thay thế cho tình huống trong phần “Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung” ở cuối bài học này.

Tình huống 1: Hãy tưởng tượng rằng các em có một người bạn không chắc chắn về việc kết hôn trong đền thờ. Cậu ấy nghĩ rằng lễ hôn phối đền thờ đòi hỏi nhiều thứ và là một cam kết lớn. Cậu ấy lo lắng về tất cả những kỳ vọng đặt vào mình.

Tình huống 2: Một người bạn hỏi các em: “Lễ hôn phối đền thờ có thực sự cần thiết không? Việc một cặp vợ chồng kết hôn theo luật dân sự là không đủ nếu họ thực sự yêu thương nhau sao?”

Để giúp học viên chịu trách nhiệm cho việc học tập của mình, hãy cho các em thời gian để suy nghĩ và trả lời các câu hỏi sau đây vào nhật ký học tập của các em.

  • Các em nghĩ nguyên tắc nào để đạt được sự hiểu biết thuộc linh sẽ hữu ích nhất? Tại sao?

  • Các đoạn thông thạo giáo lý nào có thể hữu ích?

Một khi học viên đã có thời gian để chuẩn bị các câu trả lời, hãy cân nhắc việc chia các em thành các nhóm nhỏ. Có thể là điều hữu ích để chỉ định một trưởng nhóm điều phối cuộc thảo luận. Người trưởng nhóm có thể quyết định ai sẽ nêu ý kiến trước hoặc theo thứ tự mà trong đó các nguyên tắc đạt được sự hiểu biết thuộc linh sẽ được thảo luận. Mời các nhóm chia sẻ câu trả lời của mình cho các câu hỏi trước. Cho các nhóm đủ thời gian để mỗi thành viên đều có thể chia sẻ.

Sau đó anh chị em có thể mời các nhóm nhận ra bất cứ nguyên tắc nào của việc đạt được sự hiểu biết thuộc linh mà đã không được chọn và thảo luận cách mà các nguyên tắc đó cũng có thể áp dụng cho các tình huống.

Tương tác với các nhóm để đánh giá khả năng của các em để thảo luận các nguyên tắc đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Nếu cần, hãy sử dụng các câu hỏi sau đây để giúp học viên có một cuộc thảo luận đầy ý nghĩa.

Hành động trong đức tin

  • Làm thế nào một người có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô nếu họ có những mối nghi ngờ, mối lo ngại, hoặc thắc mắc về lễ hôn phối trong đền thờ?

  • Một người có mối lo ngại về lễ hôn phối trong đền thờ có thể hành động với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô theo cách khác như thế nào?

Xem xét các khái niệm và câu hỏi bằng một quan điểm vĩnh cửu

  • Các em biết gì về Cha Thiên Thượng và kế hoạch cứu rỗi của Ngài mà có thể giúp trong tình huống này?

  • Một lễ hôn phối đền thờ có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của một người ở hiện tại và trong thời vĩnh cửu?

Tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định

  • Giáo lý được giảng dạy trong Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4 có thể giúp đỡ như thế nào với tình huống mà các em đã chọn?

  • Những câu thánh thư hoặc lời phát biểu nào khác từ các vị tiên tri có thể giúp ích? (ví dụ, Giáo Lý và Giao Ước 132:19; 1 Cô Rinh Tô 11:11; Sáng Thế Ký 2:24). (Anh chị em cũng có thể tìm kiếm trong mục “Hôn Nhân Vĩnh Cửu” trong Thư Viện Phúc Âm.)

  • Những nguồn thông tin nào có thể ảnh hưởng đến những nhận định của người này?

Hãy giúp học viên đánh giá kinh nghiệm sử dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh của mình. Những câu hỏi sau đây có thể hữu ích:

  • Các nguyên tắc đạt được sự hiểu biết thuộc linh đã giúp các em ứng phó như thế nào với tình huống đó?

  • Các em đã gặp những thử thách nào khi cố gắng áp dụng các nguyên tắc đạt được sự hiểu biết thuộc linh vào các tình huống?

  • Các em đã học hoặc cảm nhận được gì về hôn nhân vĩnh cửu mà các em nghĩ là quan trọng cần ghi nhớ?

In