Lớp Giáo Lý
Bài Học 143—Giáo Lý và Giao Ước 133:1–40: Chuẩn Bị để Gặp Đấng Cứu Rỗi


“Bài Học 143—Giáo Lý và Giao Ước 133:1–40: Chuẩn Bị để Gặp Đấng Cứu Rỗi,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 133:1–40,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 143: Giáo Lý và Giao Ước 133–134

Giáo Lý và Giao Ước 133:1–40

Chuẩn Bị để Gặp Đấng Cứu Rỗi

Vào tháng Mười Một năm 1831, các vị lãnh đạo Giáo Hội mong muốn biết thêm về việc thuyết giảng phúc âm và sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên. Điều mặc khải trong Giáo Lý và Giao Ước 133 mô tả các sự kiện sẽ xảy ra trước Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi và cách các Thánh Hữu của Ngài có thể chuẩn bị cho các sự kiện đó. Bài học này nhằm giúp học viên chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô

Hình ảnh được tạo ra bởi AI

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Thời gian để chuẩn bị

Yêu cầu học viên nhớ lại và đọc thuộc lòng cụm từ then chốt từ đoạn thông thạo giáo lý Giáo Lý và Giao Ước 29:10–11 (mà không sử dụng thánh thư của các em hoặc không cần thời gian để chuẩn bị). Anh chị em có thể gọi sinh hoạt này là một bài kiểm tra bất ngờ. Sau đó hỏi học viên câu hỏi sau đây.

  • Kết quả sẽ khác như thế nào nếu các em biết trước về bài kiểm tra này hoặc thậm chí biết trước vài tuần?

Anh chị em có thể cho học viên từ 2 đến 3 phút để chuẩn bị làm lại bài kiểm tra. Sau đó xem khả năng đọc thuộc lòng cụm từ này của các em được cải thiện thế nào.

Mời học viên so sánh sinh hoạt này với việc kinh nghiệm của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào nếu chúng ta cố gắng chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Mời học viên yên lặng suy ngẫm hoặc ghi chép lại câu trả lời của các em cho các câu hỏi sau đây.

  • Các em cảm thấy như thế nào về việc gặp lại Đấng Cứu Rỗi khi Ngài tái lâm?

  • Các em cảm thấy được chuẩn bị như thế nào cho sự trở lại của Ngài? (Các em hào hứng nhất về điều gì? Điều gì làm các em lo lắng về ngày đó?)

Khi học viên học ngày hôm nay, hãy khuyến khích các em tìm kiếm những sự thúc giục thuộc linh về cách chuẩn bị cho sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi.

Những điều sau đây có thể giúp học viên hiểu rõ hơn văn cảnh của Giáo Lý và Giao Ước 133. Anh chị em hoặc một học viên tình nguyện có thể đọc hoặc tóm lược đoạn này.

Vào tháng Mười Một năm 1831, nhiều vị lãnh đạo của Giáo Hội đã muốn biết thêm về việc thuyết giảng phúc âm và sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên. Chúa Giê Su Ky Tô đã ban cho điều mặc khải này để đáp lại những ước muốn chân thành của họ. Giờ đây điều mặc khải này là Giáo Lý và Giao Ước 133, ban đầu được xuất bản như một phụ lục trong Sách Giáo Lệnh. Phần này đã được nhận hai ngày sau tiết 1, mà ban đầu được gọi là “lời nói đầu của Chúa.”

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 133:1–4, 10–11, tìm kiếm điều Đấng Cứu Rỗi đã mặc khải về việc Ngài trở lại thế gian.

  • Các em đã khám phá ra điều gì?

  • Các em học được điều gì từ câu 4 về ước muốn của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta?

    Trong khi học viên chia sẻ, anh chị em có thể viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài.

  • Các em nghĩ một số cách thức quan trọng nhất để chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi là gì?

Chuẩn Bị cho Ngày Tái Lâm

Để giúp học viên nhận ra những cách các em có thể chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm, anh chị em có thể thêm “bằng cách …” vào cuối lẽ thật được in đậm ở trên bảng. Mời học viên nghiên cứu các câu sau đây trong các nhóm nhỏ hơn. Sau đó yêu cầu các em liệt kê lên trên bảng những cách mà Đấng Cứu Rỗi mời gọi chúng ta chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 133:5–16, 36–40, 62, tìm kiếm những từ và cụm từ mà sẽ giúp chúng ta chuẩn bị cho sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi.

Sinh hoạt sau đây có thể giúp học viên chia sẻ ý kiến về cách chúng ta có thể chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Mời các nhóm chọn ra một ý kiến chuẩn bị ở trên bảng, hoặc chỉ định cho mỗi nhóm một đề tài. Học viên có thể chuẩn bị một phần thuyết trình để giảng dạy những người khác cách để sẵn sàng cho Ngày Tái Lâm. Cân nhắc việc cung cấp các tấm bìa hoặc vài tờ giấy và các bút dạ màu để giúp học viên tạo ra phần thuyết trình của các em. Khuyến khích các em sử dụng ứng dụng Thư Viện Phúc Âm, Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, và các nguồn tài liệu khác để giúp các em chuẩn bị. Mỗi phần thuyết trình có thể gồm có những yếu tố sau đây:

  • Câu tuyên bố về lẽ thật mà nhóm đã chọn hoặc đã được chỉ định

  • Những ý kiến cụ thể về cách các thanh thiếu niên có thể áp dụng điều họ đã học được để được chuẩn bị tốt hơn cho việc gặp Đấng Cứu Rỗi

  • Các câu thánh thư liên quan, một lời phát biểu của một vị lãnh đạo Giáo Hội, hoặc một đoạn trong Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn về đề tài này

  • Một bức tranh, áp phích, hình meme, hoặc hình ảnh trực quan khác mà có thể giúp một người nào đó hiểu cách chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm

biểu tượng tài liệu phát tayNếu học viên cần được hướng dẫn thêm, anh chị em có thể cung cấp cho các nhóm một phần của tài liệu phát tay sau đây tương ứng với đề tài của các em.

Chúa Giê Su Ky Tô Mời Gọi Chúng Ta Chuẩn Bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài bằng cách …

…rời khỏi Ba Bi Lôn (sự tà ác) (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 133:4–5; 7,12–14).

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi đó thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy:

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Thành phố Ba Bi Lôn cổ xưa đã đổ nát. Vẻ lộng lẫy của nó đã [phai tàn] từ lâu rồi. Nhưng tính chất trần tục và sự tà ác của Ba Bi Lôn vẫn còn đó. Giờ đây đó là trách nhiệm của chúng ta để sống với tư cách là những người tin ở trong một thế giới không tin. … Chúng ta sẽ phải bình tĩnh trước áp lực của bạn bè, đừng có đi theo xu hướng phổ biến hoặc các tiên tri giả, đừng để ý đến lời chế giễu của sự không tin kính, hãy kiềm chế những cám dỗ của quỷ dữ, và khắc phục tính lười biếng của chúng ta. (Dieter F. Uchtdorf, “Đừng Sợ, Chỉ Tin Mà Thôi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 77–78)

… quy tụ Y Sơ Ra Ên (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 133:4, 7–9, 37–38).

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhắc nhở chúng ta:

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Bất cứ lúc nào các em làm bất cứ điều gì để giúp bất cứ ai—ở cả hai bên bức màn che—tiến một bước đến việc lập giao ước với Thượng Đế và tiếp nhận các giáo lễ báp têm và đền thờ cần thiết của họ, thì tức là các em đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Chỉ đơn giản vậy thôi. (Russell M. Nelson, trong “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” [buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3, tháng Sáu năm 2018], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

… hối cải và được thánh hóa qua Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 133:5, 16, 34–35, 62).

Chị Carol F. McConkie, cựu cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã giải thích:

Chị Carol F. McConkie

Với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta có thể trở nên trong sạch, không tì vết khi chúng ta tự mình từ bỏ tất cả mọi điều không tin kính và chân thành hối cải. Chúng ta chịu báp têm bằng nước để được xá miễn tội lỗi. Tâm hồn của chúng ta được thánh hóa khi chúng ta tiếp nhận Đức Thánh Linh với tấm lòng rộng mở. Hằng tuần, chúng ta dự phần vào giáo lễ Tiệc Thánh. Với một tâm hồn sám hối với những ước muốn chân thành về sự ngay chính, chúng ta giao ước rằng chúng ta tình nguyện mang danh Đấng Ky Tô, tưởng nhớ tới Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh của Ngài để chúng ta có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta. (Carol F. McConkie, “Vẻ Đẹp của Sự Thánh Thiện”, Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 10)

Mời mỗi nhóm chia sẻ bài thuyết trình của các em với những người khác. Hãy chắc chắn rằng, trong bài thuyết trình của mình, học viên chia sẻ ý kiến của các em về cách các thanh thiếu niên có thể áp dụng điều họ đã học được.

Áp dụng những điều các em đã học được

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã mời chúng ta cân nhắc điều chúng ta sẽ làm ngày hôm nay nếu chúng ta biết thời gian chính xác của Ngày Tái Lâm.

Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Nếu ngày tái lâm của Ngài là ngày mai thì sao? Nếu chúng ta biết rằng mình sẽ gặp Chúa ngày mai—vì chúng ta chết sớm hoặc vì Ngài đến bất ngờ—thì chúng ta sẽ làm gì hôm nay? Chúng ta sẽ đưa ra những lời thú tội nào? Chúng ta sẽ ngừng làm những điều gì? Chúng ta nên giải quyết các vấn đề nào? Chúng ta nên tha thứ điều gì? Chúng ta nên chia sẻ chứng ngôn nào?

Nếu đến lúc đó chúng ta mới làm những điều này, tại sao không phải là bây giờ? Tại sao không tìm kiếm sự bình an trong khi có thể có được bình an? (Dallin H. Oaks, “Preparation for the Second Coming,” Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 9.)

Từ lời mời của Chủ Tịch Oaks và điều các em đã học ngày hôm nay, hãy viết vào nhật ký học tập của mình một điều gì đó mà các em cảm thấy được thúc giục làm để chuẩn bị tốt hơn cho việc gặp Đấng Cứu Rỗi. Sau đó, hãy trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Những trở ngại nào có thể gây cản trở điều mà Thánh Linh đã thúc giục các em làm?

  • Những hành động nào có thể giúp các em đối phó với những trở ngại mà các em gặp phải? Làm thế nào các em có thể trông cậy vào Đấng Cứu Rỗi?

  • Ngày nay, các em đã cảm thấy gì về những lợi ích của việc chuẩn bị từ bây giờ cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi?

Nếu thích hợp, học viên có thể chia sẻ điều Thánh Linh đã thúc giục các em làm để chuẩn bị cho sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi. Anh chị em có thể kết thúc bài học bằng cách nhắc nhở học viên rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mong muốn chúng ta sẵn sàng cho Ngày Tái Lâm và xem đó là một ngày vui.