Lớp Giáo Lý
Bài Học 144—Giáo Lý và Giao Ước 133:41–56: “Đấng Từ Thượng Đế trên Trời Giáng Xuống Là Ai?”


“Bài Học 144—Giáo Lý và Giao Ước 133:41–56: ‘Đấng Từ Thượng Đế trên Trời Giáng Xuống Là Ai?’” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 133:41–56,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 144: Giáo Lý và Giao Ước 133–134

Giáo Lý và Giao Ước 133:41–56

“Đấng Từ Thượng Đế trên Trời Giáng Xuống Là Ai?”

Hình Ảnh
sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi

Khi Chúa Giê Su Ky Tô trở lại, người trung tín sẽ được chuẩn bị cho Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 133:56). Những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong Giáo Lý và Giao Ước 133 có thể giúp chúng ta học hỏi thêm về Ngài và chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài. Bài học này có thể giúp học viên hiểu rõ hơn về các thuộc tính và đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi

Cân nhắc việc trưng ra một bức tranh mô tả Sự Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Học viên cũng có thể mô tả hoặc, nếu có thể, trưng ra những hình ảnh ưa thích về Ngày Tái Lâm của Ngài.

Hãy suy ngẫm về lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, trong khi tưởng tượng Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi sẽ như thế nào.

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Đức tin của chúng ta phát triển trong khi chúng ta mong đợi ngày tái lâm vinh quang của Đấng Cứu Rỗi trên thế gian. Ý nghĩ về sự giáng lâm của Ngài làm cho lòng tôi phấn khởi. Điều đó sẽ thật là tuyệt vời! Phạm vi và vẻ hùng vĩ, sự bao la và lộng lẫy, sẽ vượt quá mọi ánh mắt của người trần thế từng nhìn thấy hay trải nghiệm. (Neil L. Andersen, “Nước Cha Được ĐếnLiahona, tháng Năm năm 2015, trang 122)

  • Các từ hoặc cụm từ nào nổi bật đối với các em? Các em có thể sử dụng thêm những từ nào để mô tả Sự Tái Lâm?

    Giải thích cho học viên biết rằng sau khi Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 133:10), Ngài đã mặc khải thêm về đặc tính và thuộc tính của Ngài. Ngài đã chia sẻ về những điều mà sẽ được biểu hiện vào lúc Ngài đến và trong các sự kiện dẫn đến ngày đó.

    Sau đó, anh chị em có thể trưng ra từng câu hỏi sau đây và mời học viên im lặng suy ngẫm về những câu trả lời của các em.

  • Khi tôi nghĩ về Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi, tôi thường tập trung nhiều hơn vào những sự kiện sẽ xảy ra hay vào Đấng đang trở lại thế gian?

  • Điều đó có thể tạo ra sự khác biệt nào nếu tôi tập trung nhiều hơn vào Chúa Giê Su Ky Tô thay vì các sự kiện xung quanh sự trở lại của Ngài?

Mời học viên tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh để học hỏi thêm về Chúa Giê Su Ky Tô và Ngày Tái Lâm của Ngài trong khi các em học ngày hôm nay.

Để giúp học viên tìm hiểu thêm về điều sẽ diễn ra vào Ngày Tái Lâm và về Đấng sẽ trở lại, hãy cân nhắc việc mời các em sao chép bảng biểu sau đây vào nhật ký học tập của mình. Các học viên có thể làm việc theo từng cặp, với mỗi người hoàn tất một cột khác nhau. Sau khi đã cho lớp học có đủ thời gian rồi, các cặp có thể chia sẻ với nhau điều các em tìm thấy và hoàn tất cột kia.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 133:42–53, và ghi chép vào cột thích hợp những điều mà các em tìm được.

Điều sẽ xảy ra vào Ngày Tái Lâm

Điều tôi đã học về Chúa Giê Su Ky Tô

Nếu học viên có thắc mắc về cụm từ “những việc đáng sợ” trong câu 43, hãy giải thích rằng điều đáng sợ có thể có nghĩa là khủng khiếp hoặc nghiêm trọng. Nếu học viên có thắc mắc về y phục của Đấng Cứu Rỗi trong các câu 46–48, hãy cân nhắc việc chia sẻ điều Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: Vào Ngày Tái Lâm, Chúa Giê Su sẽ mặc “áo choàng đỏ hoàng gia để tượng trưng cho máu của Ngài, mà đã rỉ ra từ mọi lỗ chân lông” (“Tương Lai của Giáo Hội: Chuẩn Bị Thế Gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Tư năm 2020, trang 10).

Các thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi

Sau khi học viên chia sẻ với người bạn cùng cặp của mình điều các em đã ghi vào trong bảng biểu, hãy cân nhắc việc viết “Chúa Giê Su Ky Tô …” lên trên bảng. Đặt câu hỏi sau đây, và mời học viên lên bảng và hoàn tất cụm từ đó với những câu trả lời của các em.

Tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô khi anh chị em giảng dạy thánh thư: Để tìm hiểu thêm về việc tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô, xin xem phần huấn luyện có tựa đề “Giảng Dạy về các danh xưng, vai trò, và thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô”, được tìm thấy trong Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên: Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. Cân nhắc luyện tập các kỹ năng: “Đặt ra các câu hỏi tìm kiếm để giúp học viên nhận ra các vai trò, danh hiệu, biểu tượng, thuộc tính, và đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô.”

  • Các em đã học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô mà có ý nghĩa đối với mình? Tại sao điều này có ý nghĩa đối với các em?

    Học viên có thể nhận ra những lẽ thật như sau:

    • Chúa Giê Su Ky Tô…

    • … là công bình và đầy quyền năng (xin xem các câu 44–45, 50–51).

    • … tưởng thưởng cho những người chờ đợi Ngài (xin xem câu 45).

    • … có sức mạnh để cứu rỗi (xin xem câu 47).

    • … cho thấy tình thương yêu nhân từ và lòng tốt (xin xem câu 52).

    • … hiểu những nỗi thống khổ của chúng ta (xin xem câu 53).

    • … mang gánh nặng của chúng ta, ẵm bồng chúng ta, và cứu chuộc chúng ta vì yêu thương chúng ta (xin xem câu 53).

    Anh chị em có thể mời học viên đánh dấu trong thánh thư của các em các cụm từ giảng dạy các lẽ thật này.

  • Việc hiểu được những thuộc tính và đặc tính này của Chúa Giê Su Ky Tô có thể mang lại lợi ích như thế nào cho cuộc sống của các em?

  • Những lời mô tả này về Đấng Ky Tô ảnh hưởng như thế nào đến những cảm nghĩ của các em về Ngày Tái Lâm của Ngài?

Làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của chúng ta về các đặc tính của Đấng Cứu Rỗi

Sinh hoạt sau đây có thể giúp học viên hiểu thêm về Đấng Cứu Rỗi. Trưng ra ba bước sau đây để giúp học viên hiểu sinh hoạt này.

Trước khi học viên bắt đầu sinh hoạt này, anh chị em có thể muốn đưa ra cho các em một ví dụ giống như ví dụ được mô tả bên dưới ba bước.

  1. Chọn ra một thuộc tính hoặc đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô từ Giáo Lý và Giao Ước 133 mà các em muốn tìm hiểu thêm. Viết nó ở đầu một tờ giấy trắng.

  2. Trên tờ giấy của các em, hãy viết một tình huống mô tả một người nào đó có thể được lợi ích từ việc hiểu đặc tính này của Chúa Giê Su Ky Tô.

  3. Gồm vào một câu thánh thư hoặc một lời phát biểu từ một vị lãnh đạo Giáo Hội mà giúp gia tăng sự hiểu biết của các em về đặc tính mà các em có trên tờ giấy của mình. (Để được giúp đỡ, các em có thể tra cứu thuộc tính đó trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư hoặc tìm kiếm nó trên ứng dụng Thư Viện Phúc Âm.)

Bằng cách sử dụng những ý kiến như sau, hãy cân nhắc việc làm mẫu mỗi bước của sinh hoạt này với cả lớp:

  • Bước 1: Viết những từ công bìnhđầy quyền năng lên trên bảng, hoặc khoanh tròn chúng nếu chúng đã được viết trong sinh hoạt trước.

  • Bước 2: Trưng ra tình huống sau đây. Yêu cầu học viên chia sẻ lý do tại sao một số giới trẻ có thể cảm thấy giống như Sam. Hỏi làm thế nào việc biết rằng Chúa Giê Su là công bình và đầy quyền năng có thể mang đến hy vọng cho một người nào đó đang cảm thấy như vậy.

Sam cố gắng hết sức để làm điều đúng, nhưng thật là khó với quá nhiều điều tà ác trên thế gian. Cậu ấy gần như cảm thấy như là cái ác đang chiến thắng. Cậu ấy mệt mỏi trước sự ngược đãi và cám dỗ vây quanh mình.

Bước 3: Viết 1 Nê Phi 22:15–17 lên trên bảng. Mời các học viên đọc phần đó và cùng tìm kiếm điều Nê Phi đã dạy về quyền năng và công lý của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau khi học viên chia sẻ điều các em đã tìm thấy, hãy yêu cầu các em thảo luận câu hỏi sau đây:

  • Nê Phi đã giảng dạy điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể giúp một người nào đó có cảm thấy giống như Sam?

    Mời học viên chọn ra một đặc tính khác của Chúa Giê Su Ky Tô từ Giáo Lý và Giao Ước 133 và hoàn tất các bước 1–3 của sinh hoạt theo các nhóm nhỏ (hoặc riêng cá nhân nếu các em muốn).

    Sau khi đã có đủ thời gian để hoàn tất ba bước đầu tiên, hãy chỉ thị cho các nhóm trao đổi giấy với một nhóm khác. Sau đó trưng ra các bước 4–6 dưới đây.

    1. Đọc về đặc tính của Đấng Ky Tô, tình huống, và bất cứ câu thánh thư hoặc lời phát biểu nào trên giấy.

    2. Sau khi thảo luận với nhóm của các em, hãy viết lên trên giấy lý do tại sao các em nghĩ việc hiểu đặc tính này của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp nhân vật trong tình huống.

    3. Tìm kiếm và ghi thêm vào một câu thánh thư hoặc lời phát biểu của một vị lãnh đạo Giáo Hội mà các em cảm thấy sẽ giúp đỡ người này.

Mời các nhóm trả lại tờ giấy cho các nhóm ban đầu và đọc những điều đã được thêm vào tờ giấy của mình. Mời một thành viên của mỗi nhóm chia sẻ với cả lớp những hiểu biết sâu sắc về Chúa Giê Su Ky Tô mà các em đã đạt được từ sinh hoạt này.

Các thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của các em

Cân nhắc việc chia sẻ một đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô mà có ý nghĩa đối với anh chị em.

Mời học viên thành tâm suy ngẫm về những đặc tính các em đã học ngày hôm nay và trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký học tập của mình.

  • Làm thế nào việc hiểu được các đặc tính của Đấng Ky Tô mà các em đã học hôm nay có thể củng cố các em trong cuộc sống hiện tại của các em?

  • Các em có thể làm gì để học hỏi nhiều hơn về các đặc tính này?

Để kết thúc, một vài học viên sẵn lòng có thể chia sẻ điều các em đã viết cùng với những cảm nghĩ khác mà các em có về Chúa Giê Su Ky Tô.

In