Lớp Giáo Lý
Bài Học 145—Giáo Lý và Giao Ước 134: Bản Tuyên Ngôn về Các Chính Phủ


“Bài Học 145—Giáo Lý và Giao Ước 134: Bản Tuyên Ngôn về Các Chính Phủ”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 134,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 145: Giáo Lý và Giao Ước 133–134

Giáo Lý và Giao Ước 134

Bản Tuyên Ngôn về Các Chính Phủ

Hình Ảnh
các chị em phụ nữ đang đứng trước một tòa nhà của Giáo Hội

Để đáp lại những sự ngược đãi và cáo buộc về niềm tin của Giáo Hội, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã viết một tài liệu để làm sáng tỏ quan điểm của Giáo Hội về chính phủ và tôn giáo. Bài học này nhằm giúp học viên hiểu tầm quan trọng của tự do tôn giáo và việc tuân theo luật pháp của chính quyền nơi các em sinh sống.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Kinh nghiệm của Chủ Tịch Nelson với một vị vua

Để bắt đầu lớp học, hãy cân nhắc việc tóm lược đoạn sau đây và đọc lời phát biểu của Chủ Tịch Russell M. Nelson dưới đây. Hãy đọc lời phát biểu sau đây hoặc xem video “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?” trên trang ChurchofJesusChrist.org từ phút 0:00 đến 3:16. Video này có sẵn trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Vào năm 1986, Chủ Tịch Russell M. Nelson được mời đến nói chuyện tại một trường đại học ở Accra, Ghana. Sau bài nói chuyện của Chủ Tịch Nelson, vị vua của một bộ lạc đến gặp ông và hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô. Chủ Tịch Nelson đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc từ 3 Nê Phi mà đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ cho nhà vua.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Sau khi cảm nhận được quyền năng của những lời của Đấng Cứu Rỗi trong sách 3 Nê Phi, vị vua tuyên bố: “Nếu tôi được cải đạo và gia nhập Giáo Hội, tôi sẽ mang theo tất cả bộ lạc của tôi gia nhập cùng.” (Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao nếu không có Sách Này?”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 61)

Trước khi chia sẻ câu trả lời sau đây của Chủ Tịch Nelson, hãy dừng lại để hỏi học viên xem các em sẽ phản ứng như thế nào nếu các em đang phục vụ với tư cách là một người truyền giáo trong dân của vị vua này và nghe ông nói như vậy.

Chủ Tịch Nelson đáp: “Ôi, thưa Vua, … nó không hoạt động theo cách đó” (“Sách Mặc Môn: Cuộc Sống của Các Anh Chị Em Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 61).

  • Các em biết gì về kế hoạch của Cha Thiên Thượng mà có thể giúp giải thích câu trả lời của Chủ Tịch Nelson?

  • Mặc dù nhà vua có thể có những ý định tốt, nhưng tại sao là thiết yếu để sự cải đạo của dân chúng theo phúc âm của Đấng Cứu Rỗi cần phải là một sự lựa chọn cá nhân?

Nếu học viên tò mò về những điều khác mà Chủ Tịch Nelson đã nói với nhà vua, hãy chia sẻ điều ông đã dạy: “Sự cải đạo là một vấn đề cá nhân. … Mỗi cá nhân nhận được một lời chứng và chứng ngôn về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô” (“Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?,” trang 61).

Mời học viên tìm kiếm sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng trong bài học hôm nay về lý do tại sao sự tự do để chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô thể theo ước muốn riêng của học viên là quan trọng. Cũng hãy mời các em cân nhắc tầm quan trọng của việc tuân theo các luật pháp của xứ sở và tôn trọng những người có niềm tin khác với mình. Anh chị em có thể muốn cho học viên thời gian để viết xuống những ý nghĩ của các em về một hoặc nhiều ý kiến này trước khi tiếp tục.

Tầm quan trọng của chính phủ và tôn giáo

Trong những năm 1830, các tín hữu Giáo Hội đang đối mặt với sự ngược đãi, một phần vì nhận thức sai lầm rằng họ sẽ coi thường các luật pháp của chính phủ nhân danh tôn giáo. Để giúp làm sáng tỏ cam kết của Các Thánh Hữu để tuân theo các luật pháp của xứ sở cùng với việc thực hành sự tự do tôn giáo, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã viết một bản tuyên ngôn về niềm tin mà ngày nay được gọi là Giáo Lý và Giao Ước 134.

Để giúp học viên hiểu được nội dung của tiết này, hãy cân nhắc việc chia học viên ra thành từng cặp. Mỗi người trong cùng cặp có thể được chỉ định để tập trung vào một trong hai lẽ thật sau đây:

  1. Chúng ta tin vào việc tuân theo các luật pháp của chính quyền nơi chúng ta sống (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 134:1, 3, 5–6).

  2. Chúng ta tin vào sự tự do tôn giáo và lương tâm (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 134:2, 4–5, 7).

Mỗi người trong cùng cặp có thể đọc các câu liên quan đến lẽ thật của mình, tìm kiếm các từ và cụm từ hỗ trợ hoặc làm sáng tỏ lẽ thật đó. Rồi các em có thể dạy cho nhau điều mình đã học được.

Khi học viên đã chia sẻ xong với người bạn cùng cặp với mình, hãy mời một vài em tình nguyện trả lời các câu hỏi sau đây:

  • Điều gì đã gây ấn tượng cho các em từ điều các em đọc?

  • Một người nào đó có thể có những câu hỏi nào sau khi đọc các câu này?

Để giúp học viên tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi của các em và hiểu rõ hơn các lẽ thật trong bài học này, hãy cân nhắc việc làm những điều sau đây:

Chia các học viên ra thành những nhóm nhỏ. Mỗi nhóm có thể nghiên cứu và thảo luận tài liệu phát tay đầu tiên. Sau đó, học viên có thể được sắp xếp lại thành các nhóm mới để nghiên cứu và thảo luận tài liệu phát tay thứ hai.

Ngoài ra, một nửa nhóm có thể nghiên cứu tài liệu phát tay này và nửa còn lại có thể nghiên cứu tài liệu phát tay kia. Sau đó, các nhóm có thể chia sẻ điều các em đã học được với một nhóm nghiên cứu tài liệu phát tay khác với nhóm mình.

Chúng Tôi Tin vào Việc Tuân Theo Các Luật Pháp của Chính Quyền Nơi Chúng Ta Đang Sống

Hãy đọc tình huống sau đây.

Dalia đang phục vụ truyền giáo ở một nơi mà chính quyền không cho phép chia sẻ phúc âm ở bên ngoài một tòa nhà của giáo hội. Chị cảm thấy thất vọng vì chị biết có những người trong thành phố sẽ chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô nếu chị có thể nói chuyện công khai hơn về phúc âm. Chị đang cân nhắc việc nói chuyện một cách kín đáo với những người trên đường phố để giảng dạy họ về Đấng Cứu Rỗi.

  • Các em sẽ ứng phó như thế nào với tình huống này?

Hãy đọc các tài liệu sau đây, suy nghĩ về cách chúng có thể giúp Dalia hiểu điều Cha Thiên Thượng muốn chị ấy làm.

Để thấy cách Đấng Cứu Rỗi phản ứng với sự xung đột có thể xảy ra giữa chính quyền và tôn giáo, hãy đọc Ma Thi Ơ 22:15–22 và lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Mặc dù tất cả mọi tín đồ đều tôn trọng luật pháp thiêng liêng, nhưng đa số họ cũng thừa nhận rằng luật dân sự cũng được Thượng Đế quy định. Chúa Giê Su Ky Tô đã chỉ dẫn: “Vậy, hãy trả cho Sê Sa vật gì của Sê Sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” (Ma Thi Ơ 22:21). Vì vậy, theo lời dạy này, chúng ta cần phải tuân theo cả hai hệ thống luật pháp, trong khả năng của mình. Khi có những xung đột xuất hiện, chúng ta cần phải tìm cách hòa hợp chúng. Khi chúng thật sự không thể hòa giải được, chúng ta nên cùng với những người có cùng quan điểm cố gắng thay đổi luật dân sự cho phù hợp với luật pháp thiêng liêng. Trong mọi trường hợp, chúng ta phải hết sức cân nhắc trước khi quyết định—trong những trường hợp hiếm hoi nhất—bỏ luật này để ủng hộ luật kia. (Dallin H. Oaks, “The Boundary between Church and State” [bài nói chuyện được đưa ra tại Đại Hội Thường Niên Lần Thứ Hai của Tòa Án Sacramento/Giáo Sĩ, ngày 20 tháng Mười năm 2015], newsroom.ChurchofJesusChrist.org)

Hãy trả lời những câu hỏi sau đây.

  • Các em đã học được điều gì mà có thể giúp Dalia hiểu rằng chị ấy nên tôn trọng các luật pháp nơi chị ấy đang phục vụ?

  • Các em nghĩ tại sao việc tuân theo luật pháp nơi các em sống là một nguyên tắc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô?

Chúng Tôi Tin vào Sự Tự Do Tôn Giáo và Lương Tâm

Hãy trả lời những câu hỏi sau đây.

  • Đã bao giờ các em thảo luận về tôn giáo hoặc niềm tin thuộc linh với một người nào đó có niềm tin khác với tín ngưỡng của mình không?

  • Họ đã phản ứng như thế nào với niềm tin của các em? Các em đã phản ứng với niềm tin của họ như thế nào?

Hãy xem xét tình huống sau đây.

Liam là một thành viên của đội bóng đá của trường. Một trong những thành viên trong đội của em, Zain, có một nghi thức tôn giáo cá nhân mà em ấy thường làm trước mỗi trận đấu. Zain là người duy nhất trong đội theo tôn giáo đó. Các thành viên khác của đội đã nhận thấy điều Zain làm và đã bắt đầu gây khó dễ cho em ấy về việc đó. Liam biết rằng tôn giáo của Zain đôi khi bị những người trong cộng đồng của họ nhìn nhận một cách tiêu cực.

Hãy nghiên cứu các tài liệu sau đây, suy nghĩ về cách chúng có thể áp dụng cho tình huống của Liam và những sự tương tác của các em với những người có niềm tin khác với mình.

Tiên Tri Joseph Smith (1805–1844) đã dạy:

Hình Ảnh
Tiên Tri Joseph Smith

Nếu tôi cho thấy rằng tôi sẵn lòng chết cho một người “Mặc Môn,” thì tôi dũng cảm để tuyên bố trước Thiên Thượng rằng tôi hoàn toàn sẵn sàng chết để bảo vệ quyền của một người tín đồ đạo Presbyterian, [đạo] Báp Tít, hoặc một người tốt của bất cứ giáo phái nào; vì cùng một nguyên tắc là nếu có điều nào [đó] chà đạp quyền của Các Thánh Hữu Ngày Sau thì cũng sẽ chà đạp quyền … của bất cứ giáo phái nào khác mà có thể là không nổi tiếng và quá yếu kém để tự bênh vực mình.

Chính là sự yêu mến tự do đã soi dẫn tâm hồn của tôi—sự tự do [dân sự] và tôn giáo cho toàn thể nhân loại. (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 370)

  • Các em có thể chia sẻ điều gì với Liam mà có thể giúp em ấy xử lý tình huống mà em đang gặp?

  • Các em đã học được điều gì về cách Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn các em đối xử với những người có đức tin khác với mình?

Sau khi các nhóm đã có cơ hội để học hỏi từ cả hai tài liệu phát tay, hãy cân nhắc việc cho các em cơ hội để thảo luận điều các em đã học được hoặc đặt câu hỏi về điều các em đã học.

Nếu cảm thấy hữu ích để thảo luận thêm về điều học viên đã học được về hai lẽ thật này, thì hãy cân nhắc việc sử dụng các câu hỏi sau đây.

  • Làm thế nào một người có thể bênh vực cho niềm tin của mình trong khi cũng tôn trọng những niềm tin khác biệt của người khác?

  • Làm thế nào việc tuân theo luật pháp có thể gia tăng khả năng của chúng ta để tuân theo kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng?

  • Các em cảm thấy những cách thức thích hợp nào để khuyến khích sự tự do tôn giáo ở trong khuôn khổ luật pháp nơi các em sống?

    Anh chị em có thể kết thúc bài học bằng cách mời học viên trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký học tập của các em. Một vài học viên có thể chia sẻ những điều các em đã viết.

  • Các em cảm thấy Cha Thiên Thượng muốn các em làm gì với điều các em đã học được hôm nay?

In