Lớp Giáo Lý
Bài Học 166—Hành Động với Đức Tin để Tìm Câu Trả Lời


“Bài Học 166—Hành Động với Đức Tin để Tìm Câu Trả Lời”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Hành Động với Đức Tin để Tìm Câu Trả Lời,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 166: Thông Thạo Giáo Lý: Tìm Câu Trả Lời cho Các Câu Hỏi của Tôi

Hành Động với Đức Tin để Tìm Câu Trả Lời

Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh, Phần 2

Hình Ảnh
người phụ nữ chạm vào viền áo choàng của Đấng Ky Tô

Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta tìm đến Ngài và hành động với đức tin trong suốt cuộc đời của mình. Điều quan trọng là chúng ta tập trung vào Đấng Cứu Rỗi, đặc biệt là khi chúng ta không thể dễ dàng giải quyết các câu hỏi hoặc tình huống. Bài học này có thể giúp học viên hiểu cách hành động theo đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi của các em.

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Tầm quan trọng của việc đặt ra những câu hỏi

Trước giờ học, anh chị em có thể muốn viết câu hỏi sau đây từ Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf lên trên bảng. Khi học viên bước vào, hãy mời các em suy ngẫm về cách để trả lời câu hỏi của ông và tại sao các em sẽ trả lời theo cách đó. Sau khi học viên đã có thời gian để suy ngẫm, hãy mời các em chia sẻ câu trả lời của mình.

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi ấy thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã đặt ra câu hỏi sau đây:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Những thắc mắc về Giáo Hội hoặc giáo lý của Giáo Hội thì có được chấp nhận không? (Dieter F. Uchtdorf, “The Reflection in the Water” [Buổi họp đặc biệt devotional của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 1 tháng Mười Một năm 2009], thechurchnews.com)

  • Các em sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào? Tại sao các em lại trả lời như vậy?

Khi đọc phần còn lại lời phát biểu của Chủ Tịch Uchtdorf, hãy so sánh câu trả lời của các em với câu trả lời của ông.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Các bạn trẻ thân mến, chúng ta là những người thích đặt câu hỏi, vì chúng ta biết rằng câu hỏi đưa đến lẽ thật. Đó là cách mà Giáo Hội bắt đầu—từ một thiếu niên có những câu hỏi. Thật ra, tôi không chắc một người có thể khám phá ra lẽ thật như thế nào nếu không đặt ra câu hỏi. …

… Việc đặt ra câu hỏi là điểm khởi đầu của chứng ngôn. … Việc đặt ra câu hỏi không phải là một dấu hiệu non kém mà là tiền thân của sự tăng trưởng. (Dieter F. Uchtdorf, “The Reflection in the Water” [Buổi họp đặc biệt devotional của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 1 tháng Mười Một năm 2009], thechurchnews.com)

  • Các em đã thấy những ví dụ nào trong thánh thư, lịch sử Giáo Hội hoặc cuộc sống của chính mình minh họa rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta đặt ra các câu hỏi?

Đôi khi chúng ta có thể khám phá ra những thông tin mới về giáo lý, lối thực hành, hoặc lịch sử của Giáo Hội mà dường như khó để hiểu được. Chúng ta cũng có thể có những câu hỏi khó có thể trả lời. Việc đặt ra những câu hỏi không giống như nghi ngờ. Việc đặt ra các câu hỏi một cách thành tín có thể làm gia tăng sự hiểu biết và chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô. Việc nuôi dưỡng nỗi nghi ngờ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đức tin của chúng ta nơi Ngài (xin xem Các Đề Tài và Câu Hỏi, “Tìm Kiếm Câu Trả Lời cho Những Câu Hỏi,” topics.ChurchofJesusChrist.org).

Hãy yêu cầu học viên suy nghĩ về những câu hỏi các em có thể có về Giáo Hội hoặc giáo lý của Giáo Hội mà các em không thể dễ dàng trả lời. Anh chị em có thể mời học viên viết những câu hỏi này vào nhật ký học tập. Hãy mời các em tìm kiếm những lẽ thật trong bài học này mà có thể giúp ích cho các em khi gặp những câu hỏi khó.

Trả lời các câu hỏi khó

Để minh họa tầm quan trọng của việc đặt ra những câu hỏi và làm mẫu cách để hành động với đức tin, hãy trình bày một tình huống cho cả lớp. Sử dụng mô tả bên dưới.

Trong Lớp Giáo Lý, Madison biết rằng Joseph Smith đã thực hành tục đa hôn. Sau khi nghe điều này, một số câu hỏi xuất hiện trong tâm trí của em ấy.

Để giúp học viên thảo luận về các câu hỏi sau đây, anh chị em có thể chia lớp thành các cặp hoặc các nhóm nhỏ. Sau khi thảo luận các câu hỏi, học viên có thể nói câu trả lời của mình cho cả lớp.

  • Một số cách tiêu cực và tích cực mà Madison có thể thực hiện để giải quyết các câu hỏi của mình là gì?

  • Các em cảm thấy tại sao những cách này sẽ tiêu cực hoặc tích cực?

Khi chúng ta gặp phải những câu hỏi khó, có thể là hữu ích khi sử dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh.

Một số học viên có thể có kinh nghiệm trước đó về việc nghiên cứu các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh trong Lớp Giáo Lý. Nếu vậy, hãy hỏi các học viên trong lớp xem các em có thể đọc thuộc lòng ba nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh không. Nếu cần, hãy mời các em đọc đoạn 4 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2023). Cân nhắc viết những nguyên tắc này lên trên bảng:

  • Hành động với đức tin.

  • Xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu.

  • Tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định.

Hành động với đức tin

Kinh nghiệm học hỏi hôm nay sẽ tập trung vào nguyên tắc hành động với đức tin.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 6:36. Xác định cách mà lời mời gọi này từ Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta hành động với đức tin.

  • Những từ hoặc cụm từ nào trong câu này có thể giúp Madison hoặc những người khác có câu hỏi về phúc âm hoặc Giáo Hội?

  • Tại sao những từ hoặc cụm từ đó sẽ hữu ích?

Khi học viên chia sẻ câu trả lời của các em, hãy giúp các em nhận ra lẽ thật sau đây: Khi chúng ta có những câu hỏi chưa được giải đáp thì chúng ta có thể tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô và không nghi ngờ gì.

Giải thích cho các học viên rằng nhiều ví dụ về cách chúng ta có thể tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô có trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý .

Hãy đọc các đoạn 5–7 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý, tìm những cách thức mà các em có thể hành động với đức tin khi có câu hỏi thuộc linh.

  • Các em cảm thấy câu nào từ những đoạn này có thể hữu ích nhất cho người nào đó đang có một câu hỏi khó? Tại sao?

Cân nhắc mời học viên tìm các câu thánh thư minh chứng cho câu trả lời của các em. Ví dụ, nếu học viên đề cập đến lời cầu nguyện, các em có thể tham khảo 2 Nê Phi 32:8–9 hoặc Gia Cơ 1:5–6. Nếu các em đề cập đến việc học tập thánh thư, các em có thể tham khảo 2 Nê Phi 32:3 hoặc 2 Ti Mô Thê 3:15–17.

Hãy tìm các cơ hội tự nhiên để nhắc học viên về tầm quan trọng của việc thực hiện những hành động này với sự tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em có thể mời học viên suy ngẫm xem làm thế nào mà các hành động mà các em nhận ra có thể là ví dụ về việc tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô.

Tấm gương của việc hành động với đức tin

Chia sẻ kết luận cho tình huống về Madison. Mời học viên xác định cách Madison đã chọn để hành động với đức tin khi em ấy giải quyết các câu hỏi của mình. Hãy đọc đoạn sau.

Sau giờ học, Madison đến gặp giảng viên của mình và hỏi tại sao Joseph Smith lại thực hành tục đa hôn. Giảng viên của em ấy khuyến khích em ấy tiếp tục sống theo phúc âm và chân thành cầu nguyện khi tìm kiếm câu trả lời. Khi Madison cầu nguyện và tra cứu thánh thư của mình, em ấy đã nhận được một sự thúc giục rằng mình sẽ nhận được câu trả lời vào đúng lúc. Madison tiếp tục hành động với đức tin và dựa vào chứng ngôn của mình về Cha Thiên Thượng và kế hoạch của Ngài, và dần dần bắt đầu tìm ra câu trả lời giúp em ấy cảm thấy bình yên. Trong suốt quá trình này, Madison cảm thấy mối quan hệ của mình với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô phát triển. Em ấy tiến đến việc biết rằng khi chúng ta hành động với đức tin, Chúa sẽ cung cấp câu trả lời hoặc sự bình an mà chúng ta đang tìm kiếm.

Là một phần của cuộc thảo luận về câu hỏi sau đây, hãy yêu cầu học viên chỉ ra những hành động nào của Madison liên quan đến những điều các em đã học trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý .

  • Những hành động của Madison đã thể hiện đức tin của em ấy nơi Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?

  • Chúng ta có thể học được gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô từ kinh nghiệm của Madison?

Cân nhắc mời học viên suy nghĩ và chia sẻ về những lần các em đã được ban phước vì hành động với đức tin khi đối mặt với những câu hỏi khó. Sau đó, mời học viên suy nghĩ về những điều các em đã học và cảm nhận được ngày hôm nay mà có thể giúp ích cho những hoàn cảnh và câu hỏi cá nhân của các em. Cân nhắc cho các em thời gian để viết những suy nghĩ và ấn tượng của mình vào nhật ký học tập.

Hãy kết thúc với chứng ngôn của anh chị em về tầm quan trọng của việc hành động với đức tin với sự tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi của mình.

In