Lớp Giáo Lý
Bài Học 167—Xem Xét Các Đề Tài Phúc Âm và Các Câu Hỏi với một Quan Điểm Vĩnh Cửu


“Bài Học 167—Xem Xét Các Đề Tài Phúc Âm và Các Câu Hỏi với một Quan Điểm Vĩnh Cửu”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý, (năm 2025)

“Xem Xét Các Đề Tài Phúc Âm và Các Câu Hỏi với một Quan Điểm Vĩnh Cửu”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 167: Thông Thạo Giáo Lý: Tìm Câu Trả Lời cho Các Câu Hỏi của Tôi

Xem Xét Các Đề Tài Phúc Âm và Các Câu Hỏi với một Quan Điểm Vĩnh Cửu

Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh, Phần 3

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô nhìn xa xăm

Một mục đích của việc thông thạo giáo lý là giúp học viên làm quen với các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh để có thể sử dụng trong suốt cuộc đời. Bài học này có thể giúp học viên xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu và nhìn nhận chúng giống như cách Chúa Giê Su Ky Tô nhìn nhận hơn.

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Con Mắt của Đức Tin

Trưng ra hình ảnh dưới đây và mời học viên tưởng tượng ra tình huống.

Hãy tưởng tượng rằng các em bước vào một bảo tàng và nhìn thấy một vật triển lãm như thế này. Các em sẽ mô tả những điều mình đang thấy như thế nào?

Hình Ảnh
sự thay đổi nhận thức, do Michael Murphy thực hiện
  • Các em có thể nghĩ gì nếu người nào đó đang xem cùng một vật triển lãm nói với các em rằng họ nhìn thấy một con mắt?

Giải thích rằng từ một góc nhìn khác, các chấm đó xếp thành hình ảnh của một con mắt. Hãy trưng ra hình ảnh sau đây. Anh chị em cũng có thể muốn phát video, cho thấy sự thay đổi phối cảnh cho đến khi có thể nhìn rõ con mắt.

Hình Ảnh
Họa phẩm mắt người
  • Chúng ta có thể học được điều gì về góc nhìn hay quan điểm từ bức tranh này?

  • Điều này có thể giúp chúng ta hiểu những bài học thuộc linh nào?

Sau khi học viên đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình, hãy giúp các em học hỏi từ Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Hãy xem bức tranh này của Michael Murphy. Từ góc nhìn này, ta gần như không tin nổi đó là bức tranh miêu tả mắt người. Tuy nhiên, khi nhìn vào các dấu chấm từ một góc cạnh khác, ta thấy vẻ đẹp của sự sáng tạo của người họa sĩ.

Giống như vậy, chúng ta thấy các lẽ thật thuộc linh của Thượng Đế qua góc nhìn của con mắt đức tin. (Neil L. Andersen, “Con Mắt của Đức Tin”, Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 35)

  • Các em nghĩ nhìn thấy những lẽ thật thuộc linh bằng “con mắt của đức tin” có nghĩa là gì?

  • Điều gì đôi khi có thể khiến chúng ta khó nhìn thấy các lẽ thật thuộc linh theo cách này?

Nhìn theo cách của Chúa

Khi chúng ta cần giúp đỡ để nhìn nhận giáo lý, câu hỏi hoặc các vấn đề xã hội từ một quan điểm của đức tin, chúng ta có thể sử dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh:

  1. Hành động với đức tin.

  2. Xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu.

  3. Tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định.

Trong bài học này, chúng ta sẽ tập trung vào việc xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu.

Mời học viên giải thích sự hiểu biết của các em về ý nghĩa của việc xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu.

Hãy đọc các đoạn 8–10 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2023) để xem chúng ta có thể làm gì để có một quan điểm vĩnh cửu.

  • Các em đã học được điều gì từ những đoạn này về tầm quan trọng của việc giữ một quan điểm vĩnh cửu?

  • Điều gì có thể giúp các em có một quan điểm vĩnh cửu?

Hãy cân nhắc đánh dấu cụm từ này trong đoạn 8: Chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh để nhìn nhận mọi thứ như cách Chúa nhìn nhận chúng.

  • Các em nghĩ có một số lợi ích nào của việc cố gắng nhìn nhận các câu hỏi hoặc mối quan tâm thuộc linh của chúng ta theo cách của Chúa?

Hãy tìm hai hoặc ba câu thánh thư có thể giúp các em hiểu được giá trị quan điểm của Chúa.

Dưới đây là một số câu để suy ngẫm:

Để giúp học viên suy nghĩ về những điều các em đọc, hãy yêu cầu các em viết một bản tóm tắt về những điều các em đã học về Thượng Đế. Anh chị em có thể mời một vài học viên chia sẻ những điều các em đã viết hoặc yêu cầu học viên chia sẻ với một bạn cùng cặp.

  • Những câu này dạy điều gì về Thượng Đế mà có thể thúc đẩy chúng ta nhìn nhận mọi thứ từ quan điểm của Ngài?

Các quan điểm khác nhau

Các sinh hoạt sau đây có thể giúp học viên luyện tập so sánh một quan điểm thế gian với một quan điểm vĩnh cửu. Cân nhắc giới thiệu một tình huống như sau và giúp học viên xem xét cả hai quan điểm.

Ryan vừa mới tốt nghiệp trung học. Anh bạn đã bắt đầu hẹn hò với một cô gái không phải là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi mối quan hệ của họ trở nên nghiêm túc hơn, gần đây cô ấy đã đưa ra ý kiến rằng họ có thể sống chung với nhau thay vì kết hôn.

Hãy mời cả lớp thảo luận về các câu hỏi sau đây và liệt kê các câu trả lời lên trên bảng dưới tiêu đề có tiêu đề “Quan điểm thế gian.” Cân nhắc nhắc học viên về bức tranh được trưng ra ở đầu bài học. Anh chị em có thể hiển thị chế độ xem mặt bên hình con mắt của bức tranh trong cuộc thảo luận này.

  • Nếu Ryan có một quan điểm hạn hẹp hoặc theo thế gian, thì tại sao điều này có vẻ là một ý kiến hay đối với anh ấy?

Nếu học viên cần trợ giúp về việc đưa ra lý do, anh chị em có thể chia sẻ đoạn sau.

Nếu Ryan đang xem xét quyết định này với quan điểm của thế gian, thì anh ấy có thể thấy một số lợi ích khi sống với bạn gái thay vì kết hôn. Anh ấy có thể nghĩ về việc tiết kiệm tiền bằng cách không phải mua một chiếc nhẫn đắt tiền và làm đám cưới. Anh ấy có thể nghĩ rằng điều đó sẽ làm giảm bớt căng thẳng của một cuộc hôn nhân đòi hỏi sự cam kết trọn vẹn của mình. Nếu mọi việc suôn sẻ, thì sau này họ có thể kết hôn lúc nào cũng được.

Bây giờ khi các học viên đã xem xét tình huống này với quan điểm của thế gian, hãy giúp các em có một quan điểm vĩnh cửu. Nếu trong cuộc thảo luận trước anh chị em đã trưng ra bức tranh hình con mắt nhìn từ mặt bên, thì bây giờ hãy trưng ra hình ảnh cho phép thấy được con mắt.

Trên bảng, viết tiêu đề “Quan điểm vĩnh cửu” và mời học viên liệt kê câu trả lời cho câu hỏi sau dưới tiêu đề này. Cân nhắc chỉ cho học viên các tài liệu như “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” hoặc Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn (năm 2022).

  • Nếu Ryan có một quan điểm vĩnh cửu, thì tại sao anh ấy lại chọn không chuyển đến sống với bạn gái của mình?

Nếu học viên cần trợ giúp để trả lời câu hỏi, thì anh chị em có thể chia sẻ đoạn sau. Lý tưởng nhất là học viên sẽ đưa ra câu trả lời của chính mình khi tham gia thảo luận.

Nếu Ryan đang cân nhắc quyết định này với một quan điểm vĩnh cửu, thì anh ấy có thể cân nhắc một số điều sau đây: Hạnh phúc đến từ việc đi theo Chúa Giê Su Ky Tô và sống theo những lời giảng dạy của Ngài. Ryan không muốn “phạm tội cùng Đức Chúa Trời” (Sáng Thế Ký 39:9) bằng cách vi phạm luật trinh khiết của Chúa, bao gồm việc tránh quan hệ tình dục trước hôn nhân. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cũng dạy rằng trẻ em có quyền được sinh ra trong một gia đình mà cha và mẹ đã kết hôn và cam kết với con cái và với nhau. Ryan hiểu rằng anh ấy có thể lập giao ước với Chúa trong đền thờ để cho phép các mối quan hệ của anh ấy trở thành vĩnh cửu.

Video ngắn sau đây có thể chứng minh sự rõ ràng mà chúng ta có thể có trong việc đưa ra quyết định khi chúng ta xem xét các câu hỏi và các vấn đề xã hội từ quan điểm vĩnh cửu.

Bây giờ học viên đã giải quyết xong tình huống, anh chị em có thể mời các em thảo luận về các tình huống khác một mình hoặc theo các nhóm nhỏ. Các em có thể xem xét một vấn đề xã hội hoặc một vấn đề khác từ cả hai quan điểm thế gian và vĩnh cửu.

Để giúp học viên thảo luận về giá trị của việc so sánh các quan điểm thế gian và vĩnh cửu, anh chị em có thể đặt ra những câu hỏi như sau:

  • Các em đã học được điều gì bằng cách so sánh một quan điểm thế gian và một quan điểm vĩnh cửu?

  • Những lợi ích nào có thể đến từ việc nhìn thấy những lựa chọn hoặc câu hỏi của chúng ta từ quan điểm vĩnh cửu?

  • Đã có khi nào các em chứng kiến các phước lành của việc nhìn mọi điều với quan điểm vĩnh cửu?

Hãy làm chứng về những lẽ thật mà anh chị em đã thảo luận hôm nay. Khuyến khích học viên tiếp tục áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh khi các em tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi của mình.

In