Lớp Giáo Lý
Các Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý: Những Ý Tưởng để Ôn Lại Các Nguyên Tắc Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh


“Các Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý: Những Ý Tưởng để Ôn Lại Các Nguyên Tắc Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Các Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Phụ Lục

Các Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý

Những Ý Tưởng để Ôn Lại Các Nguyên Tắc Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh

Trong mỗi bài học Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý, có thể sẽ có ích nếu cho học viên cơ hội ôn lại các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Điều này sẽ giúp các em chuẩn bị tốt hơn cho việc áp dụng các nguyên tắc này trong cả các tình huống giả định trong lớp và các tình huống thực tế.

Sau đây là một số ví dụ về các cách mà anh chị em có thể giúp học viên ôn lại các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh:

Đọc thuộc lòng các nguyên tắc. Hỏi học viên xem các em có thể ghi nhớ và nhắc lại ba nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh không. Học viên có thể tự viết các nguyên tắc vào nhật ký học tập hoặc nhiều học viên trong lớp có thể cùng đọc thuộc lòng các nguyên tắc này thành tiếng. Nếu học viên cần giúp đỡ, các em có thể tham khảo đoạn 4 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu để Thông Thạo Giáo Lý (năm 2023). Anh chị em cũng có thể cung cấp gợi ý, chẳng hạn như sinh hoạt điền vào chỗ trống hoặc cho sẵn chữ cái đầu tiên của mỗi từ trong các nguyên tắc khác nhau.

Nối câu với đúng nguyên tắc. Hãy liệt kê ba nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh lên trên bảng. Sau đó đọc hoặc trưng ra các câu hoặc cụm từ khác nhau từ các đoạn 5–12 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu để Thông Thạo Giáo Lý. Mời học viên chia sẻ nguyên tắc nào trong số các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh liên quan nhiều nhất đến câu hoặc cụm từ đó.

Giải thích ý nghĩa. Hãy mời nhiều học viên giải thích các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh bằng lời riêng của các em. Có thể thực hiện điều này bằng cách hỏi các em về các nguyên tắc khác nhau hoặc anh chị em có thể chia học viên thành nhóm ba người và chỉ định một trong các nguyên tắc cho mỗi học viên. Nếu cần, học viên có thể ôn lại những nguyên tắc này trong các đoạn 5–12 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu để Thông Thạo Giáo Lý trước khi được yêu cầu giải thích.

Tóm tắt gói gọn trong 10 từ hoặc ít hơn. Mời học viên tạo bản tóm tắt cho từng nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh, gói gọn trong 10 từ hoặc ít hơn. Mời nhiều học viên chia sẻ bản tóm tắt của mình và giải thích lý do tại sao các em chọn những từ đó.

Tạo hình ảnh hoặc biểu tượng. Mời học viên tạo biểu tượng, hình ảnh hoặc ký hiệu tượng trưng cho từng nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Tác phẩm của học viên phải trình bày được điều mà các nguyên tắc dạy. Khi học viên hoàn thành, hãy mời các em cho những người khác xem tác phẩm của mình và giải thích lý do tại sao các em đưa vào những điều đó.

Ôn lại trong khi thảo luận tình huống giả định. Sau khi chia sẻ tình huống giả định giống với thực tế, hãy mời học viên nghiên cứu các đoạn 5–12 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu để Thông Thạo Giáo Lý. Học viên có thể tìm kiếm và chia sẻ những lời giảng dạy từ các đoạn này mà có thể giúp nhân vật trong tình huống giả định đó (1) hành động với đức tin, (2) xem xét các khái niệm và câu hỏi từ quan điểm vĩnh cửu, và (3) tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định.

Chia sẻ kinh nghiệm. Anh chị em có thể yêu cầu học viên chia sẻ kinh nghiệm mà các em đã có khi sử dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Học viên có thể giải thích những nguyên tắc đó đã giúp các em như thế nào với những câu hỏi hoặc tình huống riêng của mình hoặc các em có thể sử dụng các nguyên tắc này để giúp đỡ người khác bằng cách nào.

Chọn một cụm từ. Chỉ định mỗi học viên tập trung vào một trong các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Cho các em thời gian để chọn một cụm từ trong mỗi đoạn của phần được chỉ định mà các em cảm thấy thể hiện đúng nhất những điều được giảng dạy trong đoạn đó. Sau đó, mời học viên đi quanh phòng và tìm một người được chỉ định cùng nguyên tắc với các em và so sánh các cụm từ mà các em đã chọn. Tiếp đến, học viên có thể tìm những bạn được chỉ định hai nguyên tắc còn lại và chia sẻ các cụm từ mà các em đã chọn.

Những Ý Tưởng để Ôn Lại Các Đoạn Thông Thạo Giáo Lý

Trong năm, hãy dành thời gian để học viên thường xuyên ôn lại các đoạn giáo lý thông thạo mà các em đang nghiên cứu. Điều này có thể giúp học viên gia tăng khả năng ghi nhớ các phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt. Ngoài ra nó còn giúp các em hiểu, giải thích và áp dụng tốt hơn giáo lý được giảng dạy trong các đoạn thông thạo giáo lý. Để xem bản liệt kê các đoạn thông thạo giáo lý và các cụm từ thánh thư then chốt, hãy tìm trong Tài Liệu Chính Yếu để Thông Thạo Giáo Lý.

Dưới đây là một số sinh hoạt có thể được sử dụng hoặc điều chỉnh để giúp học viên ôn lại các đoạn thông thạo giáo lý theo nhiều cách khác nhau.

Học thuộc lòng

Thẻ ghi nhớ. Mời học viên tạo thẻ ghi nhớ có ghi phần tham khảo thánh thư ở một mặt giấy và cụm từ thánh thư then chốt ở mặt còn lại. Học viên có thể tạo thẻ cho nhiều đoạn thông thạo giáo lý trên một tờ giấy duy nhất, rồi cắt các thẻ ghi nhớ ra. Sau đó, các em có thể luyện tập học thuộc lòng các phần tham khảo và cụm từ thánh thư then chốt một mình hoặc với một bạn khác. Những bài ôn tập sử dụng thẻ ghi nhớ này có thể được thực hiện định kỳ trong năm.

Ứng dụng Thông Thạo Giáo Lý. Sử dụng các sinh hoạt học thuộc lòng trên ứng dụng Thông Thạo Giáo Lý. Nếu được, anh chị em có thể kết nối thiết bị di động với máy chiếu hoặc ti vi để trưng ra nội dung của ứng dụng, như vậy cả lớp có thể hoàn thành các sinh hoạt học thuộc lòng. Anh chị em cũng có thể mời những học viên nào có thiết bị di động sử dụng ứng dụng này dành thời gian thực hiện các sinh hoạt học thuộc lòng trong hoặc ngoài giờ học.

Cả lớp đọc thuộc lòng. Sau khi anh chị em nói một phần tham khảo thánh thư, cả lớp có thể đồng thanh lặp lại cụm từ thánh thư then chốt. Anh chị em cũng có thể nói một cụm từ thánh thư then chốt và mời cả lớp đồng thanh lặp lại phần tham khảo thánh thư tương ứng.

Hình ảnh liên quan. Tìm những bức hình hoặc tranh vẽ có liên quan đến những lời giảng dạy của các đoạn thông thạo giáo lý. Cho học viên xem những bức hình này khi các em luyện tập học thuộc lòng các phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt. Anh chị em cũng có thể mời học viên tìm hoặc tạo ra những bức hình của riêng mình để giúp các em học thuộc lòng các đoạn này. Nếu cả lớp cũng sử dụng những bức hình đó khi học thuộc lòng các đoạn được chỉ định, thì anh chị em có thể định kỳ giơ những bức hình đó lên trong các buổi học sau đó để xem học viên có thể nhớ các cụm từ và phần tham khảo hay không.

Sắp xếp theo thứ tự. Trưng ra các từ của phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt theo thứ tự được xáo trộn và mời học viên sắp xếp lại các từ đó theo đúng thứ tự.

Chữ cái đầu tiên. Chỉ trưng ra chữ cái đầu tiên của mỗi từ trong phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt và mời học viên cố gắng đọc lên chính xác phần tham khảo và cụm từ then chốt. Xóa dần các chữ cái đầu tiên khi khả năng đọc thuộc lòng phần tham khảo và cụm từ then chốt của học viên tăng lên.

Điền vào chỗ trống. Trưng ra phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt bị thiếu một số từ. Mời học viên đọc thuộc lòng phần tham khảo và cụm từ then chốt trong khi điền vào chỗ trống. Xóa dần các từ khi khả năng đọc thuộc lòng phần tham khảo và cụm từ then chốt của học viên tăng lên.

Nối câu. Trưng ra nhiều phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt thành hai cột. Ở cột đầu tiên, hãy liệt kê các phần tham khảo thánh thư theo đúng thứ tự. Ở cột thứ hai, hãy liệt kê các cụm từ thánh thư then chốt theo thứ tự ngẫu nhiên. Sau đó, mời học viên nối phần tham khảo thánh thư với cụm từ thánh thư then chốt đúng.

Hiểu và giải thích

Tham khảo chéo. Mời học viên tìm nhiều phần tham khảo chéo liên quan đến đoạn thông thạo giáo lý. Sau đó, các em có thể dạy cho bạn cùng lớp về những điều đã học được, bao gồm cả các thánh thư bổ sung mà các em đã nghiên cứu liên quan như thế nào đến đoạn thông thạo giáo lý. Anh chị em có thể gợi ý rằng một số phần tham khảo chéo mà các em tìm thấy đến từ các đoạn thông thạo giáo lý trong sách thánh thư khác.

Kết nối với Chúa Giê Su Ky Tô. Chỉ định cho học viên một đoạn thông thạo giáo lý để nghiên cứu và yêu cầu các em suy nghĩ xem đoạn này có liên quan đến Chúa Giê Su Ky Tô theo những cách nào khác. Học viên có thể suy nghĩ và thảo luận xem đoạn thánh thư được chỉ định giúp các em hiểu rõ hơn điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô, giáo lý của Ngài hoặc kế hoạch cứu rỗi. Học viên cũng có thể tìm kiếm các ví dụ về cách Đấng Cứu Rỗi giảng dạy hoặc làm gương về lẽ thật có trong đoạn này.

Giải thích đơn giản. Mời học viên chuẩn bị để giải thích giáo lý được giảng dạy trong các đoạn thông thạo giáo lý khác nhau cho người nào đó không quen thuộc với những lời giảng dạy đó. Các em có thể tưởng tượng rằng mình đang giải thích những lời giảng dạy này cho một đứa trẻ hoặc người nào đó không phải là tín hữu của Giáo Hội. Hãy mời các em viết lời giải thích của mình vào nhật ký học tập, sau đó chia sẻ với bạn cùng lớp.

Từng Hàng Chữ Một. Cho học viên thấy ví dụ về một số trang Từng Hàng Chữ Một trong tạp chí Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ trong đó những từ hoặc cụm từ quan trọng từ các đoạn thánh thư được phân tích. Một ví dụ về một trang như vậy là “Từng Hàng Chữ Một: Người Canh Gác” (Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, tháng Mười năm 2022, trang 32). Mời học viên tự tạo phiên bản Từng Hàng Chữ Một của riêng mình. Yêu cầu các em chọn một vài từ then chốt trong đoạn thông thạo giáo lý và đưa vào các câu thánh thư, lời phát biểu có liên quan từ các vị lãnh đạo Giáo Hội và các định nghĩa giúp hiểu sâu hơn những từ then chốt đó.

Đặt câu hỏi. Mời học viên chọn một đoạn thông thạo giáo lý mà các em muốn hiểu rõ hơn. Mời học viên đọc đoạn này và liệt kê hai hoặc ba câu hỏi của các em về đoạn đó. Những câu hỏi này có thể liên quan đến các từ hoặc cụm từ mà các em muốn hiểu rõ hơn hoặc lý do tại sao đoạn đó quan trọng cần các em hiểu. Sau khi học viên liệt kê câu hỏi, hãy mời các em sử dụng các nguồn tài liệu như ứng dụng Thư Viện Phúc Âm, Sách Hướng Dẫn Thánh Thư hoặc các công cụ học tập khác để tìm câu trả lời cho câu hỏi của mình. Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em đã học được.

Minh họa bằng hình ảnh. Học viên có thể tạo một bức vẽ, ảnh ghép, ảnh meme, chữ nghệ thuật, hình đám mây có chữ hoặc hình ảnh minh họa khác giúp mô tả những điều đang được giảng dạy trong một đoạn thông thạo giáo lý. Sau đó, học viên có thể cho những người khác xem tác phẩm của mình và giải thích tác phẩm có liên quan như thế nào đến đoạn thông thạo giáo lý mà các em đang tập trung vào.

Áp dụng

Tình huống giả định. Chia sẻ các tình huống giả định khác nhau liên quan đến các tình huống, thử thách hoặc các câu hỏi về mặt thuộc linh mà các thanh thiếu niên có thể có. Mời học viên chia sẻ một hoặc nhiều đoạn thông thạo giáo lý mà các em cảm thấy có thể áp dụng cho tình huống giả định đó và giải thích xem các em nghĩ những đoạn này có thể giúp ích như thế nào.

Chia sẻ kinh nghiệm. Học viên có thể chọn một trong những đoạn thông thạo giáo lý mà các em đã áp dụng gần đây hoặc đoạn mà các em muốn áp dụng trọn vẹn hơn vào cuộc sống của mình. Có thể mời học viên chia sẻ xem những lời giảng dạy này đã ảnh hưởng như thế nào đến các em.

Nghiên cứu các đoạn trong khi suy nghĩ đến những hoàn cảnh cá nhân. Mời học viên nghĩ đến một hoàn cảnh, câu hỏi hoặc quyết định mà các em đang đối mặt. Rồi mời các em tìm những đoạn thông thạo giáo lý giúp ích cho tình huống của mình và chia sẻ những điều các em thấy là hữu ích.

Giúp đỡ một thanh thiếu niên. Mời học viên vẽ một hình người que tượng trưng một bạn thiếu niên và viết tên, tuổi, hoàn cảnh gia đình của bạn ấy và bất kỳ câu hỏi, vấn đề hoặc thử thách nào mà người đó đang trải qua. Sau đó, học viên có thể xác định các đoạn thông thạo giáo lý mà các em cảm thấy sẽ giúp ích cho người này. Học viên có thể giải thích về giáo lý trong đoạn đã chọn và gợi ý cho những hành động mà người này có thể thực hiện.

Chuẩn bị một buổi họp đặc biệt devotional hoặc bài nói chuyện. Cho học viên cơ hội sử dụng các đoạn thông thạo giáo lý để chuẩn bị cho một sứ điệp thuộc linh hoặc bài nói chuyện ngắn. Anh chị em có thể cân nhắc việc sắp xếp thời gian để mỗi học viên chia sẻ ý kiến thuộc linh hoặc bài nói chuyện của mình vào đầu buổi học trong suốt học kỳ. Hãy giúp các em chuẩn bị cho việc tóm tắt bối cảnh và giải thích các lẽ thật được giảng dạy trong các đoạn thông thạo giáo lý. Mời học viên chia sẻ những kinh nghiệm hoặc ví dụ có ý nghĩa về việc áp dụng những lẽ thật từ các đoạn mà các em đã chọn và làm chứng về những lẽ thật được giảng dạy trong các đoạn đó.

In