Lớp Giáo Lý
Các Sinh Hoạt Đánh Giá Việc Học Tập của Em đối với Các Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống


“Các Sinh Hoạt Đánh Giá Việc Học Tập của Em cho Các Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Các Sinh Hoạt Đánh Giá Việc Học Tập của Em”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Phụ Lục

Các Sinh Hoạt Đánh Giá Việc Học Tập của Em đối với Các Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống

Sau khi anh chị em đã dạy xong một hạng mục trong các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống, hãy cân nhắc việc giúp học viên suy ngẫm về quá trình học tập và phát triển của các em bằng cách đưa sinh hoạt đánh giá từ hạng mục đó vào bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em sắp tới. Anh chị em có thể sửa đổi các sinh hoạt này để đáp ứng nhu cầu của học viên của mình.

Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội

Áp dụng những lời giảng dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội vào cuộc sống của các em

Trong suốt khóa học, học viên đã có nhiều cơ hội nghiên cứu và áp dụng những lời giảng dạy từ các vị lãnh đạo Giáo Hội. Đối với sinh hoạt này, anh chị em có thể muốn nhắc nhở học viên về những bài nói chuyện cụ thể đã được nghiên cứu tại lớp. Nếu có thể, hãy mời các em chọn và ôn lại một trong những bài nói chuyện mà các em đã nghiên cứu, cùng với bất kỳ ghi chú nào của các em. Khuyến khích học viên suy ngẫm xem những lời giảng dạy từ bài nói chuyện đó đã giúp các em cố gắng trở thành môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.

Cân nhắc chia học viên thành từng cặp cho bài tập sau đây. Các em có thể lần lượt phỏng vấn nhau. Sau đó, anh chị em có thể mời một hoặc nhiều cặp học viên thực hiện cuộc phỏng vấn trước lớp.

Hãy tưởng tượng rằng các em đang được phỏng vấn cho một bài viết trên tạp chí Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ về việc nghiên cứu những lời giảng dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội. Người phỏng vấn sẽ hỏi các em những câu hỏi sau đây:

  • Em đã học được điều gì về việc nghiên cứu những lời giảng dạy từ các vị lãnh đạo Giáo Hội?

  • Trong số những bài nói chuyện và bài viết em đã nghiên cứu trong lớp giáo lý, bài nào là quan trọng nhất đối với em và tại sao?

  • Gần đây, em đã áp dụng những lời giảng dạy cụ thể nào của các vị lãnh đạo Giáo Hội vào cuộc sống của mình?

Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Cách để Lựa Chọn

Nhận được sức mạnh từ Chúa để đưa ra những lựa chọn đầy soi dẫn

Sinh hoạt này sẽ giúp học viên đánh giá điều các em đã học được trong các bài học liên quan đến hạng mục có tiêu đề “Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Cách để Lựa Chọn”. Có thể sẽ hữu ích khi ôn lại một số nội dung từ những bài học này với học viên.

Một cách để giúp học viên đánh giá những điều các em đã học và cảm nhận được trong những bài học này là mời các em viết một bức thư cho chính mình. Anh chị em có thể sử dụng hoặc điều chỉnh các gợi ý sau đây.

Hãy tưởng tượng cuộc sống của các em sẽ như thế nào sau một năm nữa. Nghĩ về những gì các em hy vọng sẽ đạt được trong thời gian đó và bất kỳ thử thách nào các em lường trước. Hãy viết một bức thư khích lệ chính các em trong tương lai. Các câu hỏi sau đây có thể giúp ích cho các em.

  • Các em đã học và cảm nhận được điều gì về việc nhận được sức mạnh từ Chúa để đưa ra những lựa chọn đầy soi dẫn?

  • Có bất kỳ mục tiêu nào đã đặt ra mà các em muốn tiếp tục thực hiện không?

  • Các em đã học được điều gì về cách Chúa có thể giúp các em đưa ra những lựa chọn đầy soi dẫn một cách hiệu quả?

Xây Dựng Khả Năng Tự Lực

Xây dựng khả năng tự lực theo cách của chúa

Hãy cân nhắc yêu cầu một học viên vẽ một hình người que lên trên bảng. Mời cả lớp đặt tên cho em thanh thiếu niên này và tạo ra một vài chi tiết về tính cách và hoàn cảnh gia đình của em đó.

Sau đó, yêu cầu học viên đưa ra một tình huống thực tế trong đó bạn này đang phải đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.

Mời học viên tạo nhóm nhỏ và thảo luận câu trả lời của mình cho các câu hỏi sau đây:

  • Việc nương cậy vào Đấng Cứu Rỗi và những lời giảng dạy của Ngài có thể giúp bạn này đối phó với những thử thách ra sao?

  • Bạn này có thể làm gì để xây dựng khả năng tự lực trong hoàn cảnh của mình?

    Anh chị em cũng có thể mời học viên chia sẻ các lẽ thật về sự tự lực mà các em đã học được từ thánh thư.

    Một số đoạn mà học viên có thể đã nghiên cứu trong bài học “Xây Dựng Khả Năng Tự Lực theo Cách của Chúa” là:

    Hãy trưng ra những câu hỏi sau đây. Mời học viên suy ngẫm về những câu hỏi đó và ghi lại suy nghĩ của các em vào nhật ký học tập.

  • Các em đã học được những kỹ năng và thái độ nào mà có thể giúp các em tự lực hơn trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống (như học vấn, sức khỏe, việc làm hoặc sức mạnh thuộc linh)?

  • Các em đang trở nên tự lực hơn trong những phương diện nào?

  • Các em sẽ mời Thượng Đế giúp mình tiếp tục xây dựng khả năng tự lực như thế nào?

Sức Khỏe Thể Chất và Cảm Xúc

Áp dụng các nguyên tắc và kỹ năng để trở nên khỏe mạnh hơn về mặt thể chất và cảm xúc

Cân nhắc vẽ đơn giản một hình tàu lượn siêu tốc hoặc một con đường đi qua đồi núi và thung lũng.

  • Tại sao một số người có thể so sánh cuộc sống của họ với tàu lượn siêu tốc hoặc một con đường đi qua đồi núi và thung lũng?

  • Chúng ta có thể cảm thấy có một số “thăng trầm” nào trong cuộc sống của mình?

    Nhắc học viên nhớ rằng trong khóa học này, các em đã học nhiều bài học khác nhau và những bài học này có thể giúp các em tìm đến Chúa để kiên cường nhiều hơn về mặt cảm xúc trong mọi thời điểm của cuộc sống.

    Cân nhắc mời học viên liệt kê một số nguyên tắc hoặc kỹ năng mà các em đã học được để kiên cường nhiều hơn về mặt cảm xúc. Nếu có thể, học viên có thể đề cập đến thánh thư hoặc lời phát biểu của các vị lãnh đạo Giáo Hội mà có dạy các nguyên tắc và kỹ năng này. Học viên có thể nêu ra các câu trả lời như: những cách để cải thiện lối suy nghĩ và để đối phó với căng thẳng, lo âu, phiền muộn, trầm cảm và tính cầu toàn. Các em cũng có thể nói về việc cải thiện sức khỏe thể chất của mình.

    Mời học viên viết câu trả lời cho câu hỏi sau đây trong nhật ký học tập của các em:

  • Các em đã học được điều gì có ý nghĩa hay có ích cho mình?

  • Các em đã sử dụng những kỹ năng nào để tìm đến Chúa để có thể kiên cường hơn về mặt cảm xúc?

  • Các em đã có được những thành công và phước lành nào từ Chúa? Các em vẫn đang phải đối mặt với những thử thách nào?

  • Theo các em, Chúa có thể muốn các em làm gì để tiếp tục “hướng về [Ngài] trong mọi ý nghĩ” (Giáo Lý và Giao Ước 6:36) để có thể kiên cường nhiều hơn nữa về mặt cảm xúc?

Mời học viên chia sẻ câu trả lời và kinh nghiệm của các em nếu chúng không quá riêng tư. Hãy tìm cách khen ngợi học viên về những nỗ lực của các em và làm chứng rằng Chúa sẽ giúp đỡ và ban phước cho các em theo kỳ định và cách thức riêng của Ngài. Nhắc học viên rằng nếu các em đang trải qua những thử thách nghiêm trọng liên quan đến căng thẳng, lo âu, trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc cảm xúc khác, thì các em nên nói chuyện với một người lớn đáng tin cậy hoặc một chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Việc tìm đến người khác để được giúp đỡ khi chúng ta gặp khó khăn không có nghĩa là chúng ta yếu kém hay thiếu đức tin.

Chuẩn Bị cho Học Vấn và Công Việc trong Tương Lai

Hiểu được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời về mặt thế tục và thuộc linh

Hãy chia sẻ tình huống giả định sau đây hoặc tình huống tương tự để cho học viên có cơ hội giải thích điều các em đã học được về tầm quan trọng của học vấn.

Khi cùng nhau đi bộ từ trường về nhà, bạn của em là Nga đã nói với em rằng bạn ấy không thích đi học. Bạn ấy cảm thấy việc học quá khó và thường cảm thấy vô ích. Bạn ấy không muốn học hành chăm chỉ ở trường hay học lên cao sau khi hoàn thành trung học.

Hãy cho học viên cơ hội để phản hồi lại nỗi băn khoăn này. Anh chị em có thể làm điều này bằng cách chia sẻ hướng dẫn sau: Học viên có thể hoàn thành hướng dẫn một mình hoặc theo nhóm nhỏ.

Hãy tạo một câu trả lời cho Nga để có thể giúp bạn ấy hiểu được tầm quan trọng của học vấn. Cân nhắc nêu ra một số hoặc tất cả những điều sau đây trong câu trả lời của các em:

  1. Một câu thánh thư hoặc lời phát biểu của một vị lãnh đạo Giáo Hội

  2. Giải thích về lý do tại sao Cha Thiên Thượng muốn con cái của Ngài luôn theo đuổi việc học tập cả về mặt thế tục lẫn thuộc linh

  3. Kinh nghiệm hoặc chứng ngôn cá nhân

Sau khi học viên đã nghĩ ra câu trả lời, hãy cho các em cơ hội chia sẻ câu trả lời đó với những bạn khác.

Lập kế hoạch cho học vấn và công việc trong tương lai

Học viên đã có cơ hội lập kế hoạch liên quan đến học vấn tương lai, cũng như cơ hội việc làm và các vai trò khác trong tương lai mà các em sẽ có khi trưởng thành. Mời các em xem lại kế hoạch đã lập ra.

Hãy cân nhắc cho các em cơ hội thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào mà các em cho là cần thiết. Học viên cũng có thể xem xét các kế hoạch này ảnh hưởng như thế nào đến những lựa chọn hiện tại của mình. Sau đó, yêu cầu học viên thảo luận những câu hỏi sau đây với một bạn khác.

  • Kế hoạch cho việc học trong tương lai của các em là gì?

  • Các em có kế hoạch nào để chuẩn bị cho các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai hoặc những trách nhiệm khác mà các em sẽ có khi trưởng thành?

  • Các em sẽ để cho Chúa tham gia vào các kế hoạch của mình như thế nào?

Thành Công trong Việc Học ở Trường

Áp dụng các kỹ năng để đạt thành tích tốt ở trường

Để giúp học viên ghi nhớ một số lẽ thật và kỹ năng các em đã học được mà có thể giúp các em đạt thành tích tốt hơn ở trường, hãy cân nhắc vẽ hình người que tượng trưng cho một em học viên. Giải thích rằng em học viên này đang gặp khó khăn trong việc học ở trường.

  • Các em đã học được một số lẽ thật và kỹ năng nào có thể giúp ích cho người nào đó đang gặp khó khăn trong việc học ở trường?

Nếu cần, anh chị em có thể mời học viên chia sẻ những điều các em nhớ là đã học được về việc để cho Chúa tham gia vào việc học tập của mình, trung thực và ngay thẳng trong việc học, chuẩn bị cho các bài kiểm tra và đề án khó, và xem các thử thách là cơ hội để phát triển. Ôn lại các khái niệm và câu thánh thư từ các bài học đó nếu cần. Ví dụ: anh chị em có thể mời học viên chia sẻ những điều các em nhớ về cách Tiên Tri Joseph Smith để cho Chúa tham gia vào việc học hỏi của ông (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:10–18) hoặc cách Nê Phi xem các thử thách của ông là cơ hội để phát triển (xin xem 1 Nê Phi 16:18–23, 30–32).

Sau đó, mời học viên suy ngẫm về cách các em áp dụng những khái niệm này vào cuộc sống của mình. Anh chị em có thể trưng ra những câu hỏi như dưới đây và mời học viên ghi lại câu trả lời vào nhật ký học tập.

  • Các em đã áp dụng một số lẽ thật hoặc kỹ năng nào vào cuộc sống để giúp bản thân đạt thành tích tốt hơn ở trường?

  • Những điều này tạo ra sự khác biệt gì?

  • Các em nhận thấy mối quan hệ của mình với Chúa hoặc khả năng của các em để tiếp nhận sự giúp đỡ của Ngài đã thay đổi như thế nào khi làm những việc này?

Sau khi học viên đã có đủ thời gian để viết ra câu trả lời, hãy mời một vài em xung phong chia sẻ những ý nghĩ và kinh nghiệm của mình với cả lớp. Khuyến khích các em lắng nghe kỹ các bạn khác và cân nhắc thử dùng một số kỹ năng mà các bạn đã áp dụng thành công.

Sự Chuẩn Bị cho Công Việc Truyền Giáo

Cảm nhận được sự gia tăng ước muốn để chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với người khác

Trong bài học “Yêu Thương, Chia Sẻ và Mời Gọi”, anh chị em có thể đã trưng ra hình ảnh một con vật có khả năng ngụy trang. Hãy cân nhắc trưng ra hình ảnh này một lần nữa và nhắc học viên nhớ lại lời phát biểu sau đây mà đã được sử dụng trong bài học đó.

Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Quentin L. Cook

Một phần thiết yếu của nỗ lực truyền giáo này là để cho mỗi tín hữu trở thành những ngọn hải đăng ở bất cứ nơi nào chúng ta sống. Chúng ta không thể ẩn mình. (Quentin L. Cook, “Được Quy Tụ Về Nhà An Toàn”, Liahona, tháng Năm năm 2023, trang 23)

  • Việc một người nào đó trở thành tấm gương sáng như ngọn hải đăng với tư cách là người truyền giáo cho Chúa Giê Su Ky Tô sẽ là như thế nào? Là người truyền giáo của Ngài, việc ẩn mình có thể được hiểu là gì?

Học viên có thể đã ghi lại cảm nghĩ của các em về việc chia sẻ phúc âm trong bài học 199, “Chia Sẻ Phúc Âm từ Tình Yêu Thương Giống Như Đấng Ky Tô”. Anh chị em có thể mời học viên xem lại điều các em đã viết. Hoặc có thể mời học viên ghi lại những ý nghĩ và cảm nhận hiện tại về việc chia sẻ phúc âm. Trong khi học viên suy ngẫm và viết, anh chị em có thể gợi ý cho các em nghiên cứu lại một hoặc nhiều đoạn thánh thư sau đây từ bài học 201, “Chọn để Phục Vụ Truyền Giáo,” để ghi nhớ một số lời hứa Chúa đã ban cho những người đi chia sẻ phúc âm.

Sau khi cho học viên có đủ thời gian, hãy mời một số em xung phong chia sẻ điều các em đã ghi lại và điều đã ảnh hưởng đến ước muốn của các em để phục vụ với tư cách là người truyền giáo cho Chúa.

Sự Chuẩn Bị để đi Đền Thờ

Cảm nhận được sự gia tăng ước muốn để lập giao ước với Thượng Đế trong đền thờ

Cân nhắc sử dụng một hoặc nhiều sinh hoạt sau đây để giúp học viên đánh giá mong muốn của các em để lập giao ước với Thượng Đế trong đền thờ. Học viên có thể viết vào nhật ký học tập hoặc thảo luận theo nhóm nhỏ.

  1. Trưng ra một bức hình đền thờ và chia sẻ cách mà đền thờ nhắc các em nhớ về Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu cần, các em có thể tìm một hình ảnh trong media gallery trên trang temples.ChurchofJesusChrist.org. Chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận của các em về việc lập và tuân giữ các giao ước với Cha Thiên Thượng trong đền thờ của Ngài.

  2. Trong một trong số các bài học về sự chuẩn bị để đi đền thờ, các em đã học về tầm quan trọng của việc thờ phượng trong đền thờ trong suốt cuộc đời của mình. Các em có thể đã viết một bức thư cho bản thân mình trong tương lai về tầm quan trọng của việc thờ phượng Chúa trong đền thờ của Ngài. Có bất kỳ điều gì các em đã học hoặc cảm nhận được gần đây ảnh hưởng đến mong muốn lập và tuân giữ các giao ước với Cha Thiên Thượng trong đền thờ không? Nếu vậy, hãy thêm vào bức thư đó hoặc viết lời nhắn nhủ mới cho chính mình.

  3. Suy ngẫm về những điều các em đã học được về việc lập giao ước với Chúa trong đền thờ, bao gồm cả luật dâng hiến. Hãy trả lời những câu hỏi sau đây.

  • Các em đã làm gì để sống theo các nguyên tắc trong luật dâng hiến của Chúa một cách tốt hơn?

  • Điều này đã giúp các em chuẩn bị như thế nào cho việc lập giao ước với Chúa trong đền thờ để sống theo luật này?

In