Lớp Giáo Lý
Ý Tưởng để Có Các Sinh Hoạt Đa Dạng


“Ý Tưởng để Có Các Sinh Hoạt Đa Dạng”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Ý Tưởng để Có Các Sinh Hoạt Đa Dạng”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Phụ Lục

Ý Tưởng để Có Các Sinh Hoạt Đa Dạng

Ý Tưởng để Có Các Sinh Hoạt Đa Dạng

Tài liệu này cung cấp nhiều cách thức đa dạng để giúp học viên tích cực tham gia vào bài học. Ngay cả những phương pháp giảng dạy có sức thuyết phục cũng có thể kém hiệu quả hoặc gây nhàm chán khi lạm dụng chúng. Mặc dù anh chị em không nên chọn các phương pháp chỉ để tăng tính đa dạng, nhưng hãy cân nhắc về cách để thay đổi phương pháp giảng dạy trong mỗi bài học. Việc sử dụng các phương pháp giảng dạy khác nhau có thể giúp tiếp cận được nhiều học viên hơn. Sau đây là một vài câu hỏi anh chị em có thể cân nhắc khi lựa chọn các sinh hoạt để đưa vào kinh nghiệm học tập:

  • Sinh hoạt này có giúp mang lại một kinh nghiệm đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm, dựa trên thánh thư và tập trung vào học viên hay không? Xin xem phần Áp Dụng rồi Điều Chỉnh Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý để tìm hiểu thêm về nội dung này.

  • Sinh hoạt này có mời gọi Đức Thánh Linh đến giảng dạy và làm chứng không? Hãy nghĩ xem sinh hoạt có thể ảnh hưởng như thế nào đến môi trường tôn kính cần thiết cho Đức Thánh Linh thực hiện vai trò của Ngài.

  • Phương pháp này trình bày những lời thiêng liêng của Thượng Đế như thế nào? Thánh thư và lời của các vị tiên tri cần được trình bày theo cách trang nghiêm và thiêng liêng.

  • Tất cả học viên có được tôn trọng không? Hãy luôn tìm cách nuôi dưỡng những cảm nghĩ về sự đoàn kết và tình thương yêu. Tránh các sinh hoạt có thể khiến học viên thấy không thoải mái, chán nản hoặc bị cô lập.

  • Sinh hoạt này có xứng đáng với thời gian trên lớp học không? Thời gian mà anh chị em nhóm họp với học viên trong lớp giáo lý là vô cùng quý báu. Các sinh hoạt có thể diễn ra hiệu quả mà không mất quá nhiều thời gian.

  • Sẽ cần bao nhiêu thời gian và nguồn lực để chuẩn bị cho sinh hoạt này? Điều quan trọng là phải quản lý tốt thời gian và nguồn lực quý báu của anh chị em.

Anh chị em thường có thể sử dụng những ý tưởng này ở nhiều phần trong suốt bài học. Trong nhiều trường hợp, việc làm mẫu cho học viên về những gì các em cần làm sẽ giúp học viên hoàn thành tốt hơn. Hãy đảm bảo rằng anh chị em hiểu rõ sinh hoạt, có thể hướng dẫn rõ ràng cũng như làm mẫu (nếu hữu ích) trước khi học viên bắt đầu sinh hoạt. Các sinh hoạt này được tổ chức thành các phần như sau:

  1. Học thánh thư để hiểu cốt truyện và nhận ra các nguyên tắc hoặc giáo lý phúc âm

  2. Gia tăng sự hiểu biết bằng những câu trích dẫn và thánh thư

  3. Chia sẻ điều học viên đang học

  4. Vẽ hình ảnh minh họa cho những điều các em đã học được

Để đưa ra phản hồi hoặc đề xuất thêm ý tưởng, xin hãy gửi email cho CES-Manuals@ChurchofJesusChrist.org. Ghi “Ý Tưởng để Có Các Sinh Hoạt Đa Dạng” vào tiêu đề thư.

1. Học thánh thư để hiểu cốt truyện và nhận ra các nguyên tắc hoặc giáo lý phúc âm

Các bài học thường có các sinh hoạt cho phép học viên nghiên cứu một loạt các câu để hiểu bối cảnh và cốt truyện chính của một nhóm các câu thánh thư đủ để có thể nhận ra các nguyên tắc hoặc giáo lý. Anh chị em có thể giúp học viên thực hiện điều này bằng các sinh hoạt sau đây.

Dùng tranh ảnh làm công cụ học tập

Hãy sử dụng tranh ảnh phúc âm để thảo luận một câu chuyện. Cho học viên xem một hình ảnh từ Thư Viện Phương Tiện Truyền Thông của Giáo Hội và mời học viên nghiên cứu các câu thánh thư được mô tả trong hình ảnh đó. Hỏi học viên:

  • Các em sẽ thay đổi điều gì?

  • Người họa sĩ đã tưởng tượng thêm điều gì(không có trong văn bản)?

  • Hình ảnh này miêu tả những câu thánh thư nào?

Phương án khác: Thay vì trưng ra toàn bộ bức hình vào đầu giờ học để bắt đầu cuộc thảo luận, hãy chia bức tranh này ra thành nhiều phần. Cho xem từng phần một và yêu cầu học viên đoán xem điều gì đang diễn ra trong toàn bộ bức hình. Yêu cầu các em mô tả những gì các em thấy và suy đoán về những gì các em không thấy.

Phương án khác: Chọn một vài hình ảnh về Đấng Cứu Rỗi và đặt lên trên bảng. Mời học viên nhìn từ từ vào màu sắc, tiêu điểm và bố cục hình ảnh, sau đó xác định điều mà mỗi hình ảnh dạy về Chúa Giê Su Ky Tô. Sau khi xác định được một nguyên tắc, anh chị em có thể đặt những câu hỏi như:

  • Các em thấy bức hình nào về Đấng Ky Tô miêu tả nguyên tắc mà các em đã tìm ra và tại sao?

  • Bức hình nào trong số này về Chúa Giê Su giúp các em cảm nhận được tầm quan trọng của lẽ thật này?

  • Các em muốn một người bạn biết điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô khi nghĩ đến lẽ thật này?

Thêm đoạn hội thoại vào hình minh họa

Hình Ảnh
Thêm đoạn hội thoại vào hình minh họa

Sao chép các bức hình từ Các Câu Chuyện Thánh Thư và dán vào tài liệu phát tay cho học viên. Thêm hình bong bóng từ để học viên có thể viết ra điều các nhân vật đang nói hoặc suy nghĩ.

Bài tường thuật câu chuyện hoặc bài tóm lược nội dung sách

Hình Ảnh
Bài tường thuật câu chuyện hoặc bài tóm lược nội dung sách

Đưa cho mỗi học viên một đoạn thánh thư mà các em sẽ nghiên cứu. Sau đó, hãy nêu ra những yêu cầu đối với bài tường thuật câu chuyện hoặc bài tóm lược nội dung sách (trên giấy hoặc trên bảng). Có thể bao gồm các nhân vật chính, cốt truyện, một hoặc hai bài học rút ra (trích dẫn các câu thánh thư mà các em rút ra bài học từ đó) và cách áp dụng thực tế cho thanh thiếu niên. Cho học viên thời gian để chia sẻ với học viên khác những gì các em đã chuẩn bị.

Phương án khác: Sắp xếp học viên theo nhóm nhỏ, mỗi học viên có thể đảm nhận một phần trong bài tường thuật câu chuyện hoặc bài tóm lược nội dung sách: nhân vật chính, cốt truyện, bài học hoặc cách áp dụng thực tế.

Xác định các câu hỏi

Sau khi học viên đọc một nhóm các câu thánh thư, hãy mời các em liệt kê những câu hỏi mà các câu thánh thư đó có thể giúp trả lời. Yêu cầu học viên viết ra những câu hỏi có ý nghĩa, phù hợp với thanh thiếu niên, thay vì các câu hỏi tìm kiếm thông tin đơn giản. Ví dụ: thay vì hỏi “An Ma nói đức tin là gì? Ông nói đức tin không phải là gì?”, học viên có thể hỏi: “Tôi cần phải làm gì để tự mình biết rằng điều gì đó mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy là lẽ thật?” Nếu học viên có nhiều nhóm các câu thánh thư cần nghiên cứu, thì các em có thể liệt kê các câu hỏi của mình và chia sẻ với học viên khác đã mà nghiên cứu một nhóm các câu thánh thư khác. Học viên có thể tìm kiếm và suy ngẫm về câu trả lời cho các câu hỏi của bạn học.

Phỏng vấn tác giả

Yêu cầu học viên tưởng tượng các em là tác giả của một câu chuyện thánh thư và người nào đó đang phỏng vấn các em về điều các em đã viết. Học viên có thể đọc câu chuyện thánh thư và thay phiên nhau đóng vai người phỏng vấn và tác giả. Một số câu hỏi mà người phỏng vấn có thể hỏi:

  • Bạn không muốn độc giả bỏ lỡ một số khía cạnh nào trong những câu thánh thư này?

  • Bạn sẽ nói rằng ý chính hoặc một trong những ý chính của bạn là gì?

  • Bạn hy vọng độc giả có thể áp dụng điều đó vào cuộc sống của họ như thế nào?

Hãy mời học viên chia sẻ điều các em đã học được từ kinh nghiệm này. Sử dụng nhận xét của học viên để trình bày lẽ thật được in đậm.

Ghép nối

Hãy đưa ra một vài phần tham khảo thánh thư vào một cột và các lẽ thật tương ứng đã bị đảo thứ tự vào một cột khác. Học viên có thể nghiên cứu và ghép nối cho phù hợp.

Lẽ thật quan trọng nhất

Hình Ảnh
Lẽ thật quan trọng nhất

Khi học viên nghiên cứu một chương thánh thư có nhiều lẽ thật mà các em có thể nhận ra, anh chị em có thể yêu cầu học viên bắt đầu bằng cách tự nghiên cứu. Mỗi em có thể xác định điều các em tin là ba hoặc bốn lẽ thật hay ý kiến quan trọng nhất trong nhóm các câu thánh thư và viết chúng ra. Sau đó, sắp xếp học viên thành nhóm hai em và so sánh những lẽ thật mà các em đã nhận ra. Mỗi cặp học viên xác định điều các em cảm thấy là hai lẽ thật quan trọng nhất và ghi lại hai lẽ thật đó. Xin lưu ý: Các ý kiến có thể khác với bốn ý kiến ban đầu. Sau đó gộp mỗi cặp với một cặp khác để tạo thành nhóm bốn em; bốn học viên này sẽ chia sẻ và so sánh ý kiến của mình và cùng nhau làm việc để xác định lẽ thật quan trọng nhất trong đoạn thánh thư.

Dòng thời gian bằng hình ảnh

Hình Ảnh
Dòng thời gian bằng hình ảnh

Hãy trưng ra một số bức tranh miêu tả một câu chuyện thánh thư mà học viên sẽ nghiên cứu. Trưng ra các câu mà học viên sẽ đọc. Mời học viên xếp bức hình theo đúng thứ tự.

Sơ đồ cốt truyện

Hình Ảnh
Sơ đồ cốt truyện

Hãy sử dụng một sơ đồ cốt truyện để giúp học viên nhận ra giáo lý hoặc các nguyên tắc được giảng dạy trong câu chuyện thánh thư. Xác định các yếu tố khác nhau của cốt truyện, bao gồm:

  1. Tình huống mở đầu (gồm có ai, điều gì, ở đâu, khi nào).

  2. Xung đột hoặc hành động tăng dần. Nhận ra những thay đổi ảnh hưởng đến cuộc sống của những người trong câu chuyện.

  3. Cao trào. Đây chính là tiêu điểm của câu chuyện. Thường có một sự thay đổi lớn, chẳng hạn như một người vượt qua trở ngại hoặc khám phá ra điều quan trọng.

  4. Thoái trào. Hệ quả của cao trào khi các hành động giảm dần.

  5. Kết truyện. Phần này mô tả sự hiểu biết mới mà mọi người có được nhờ vào kinh nghiệm của họ.

Hãy viết các phần tham khảo thánh thư cho mỗi yếu tố của cốt truyện lên trên bảng. Mời học viên đọc các câu thánh thư cho từng yếu tố của cốt truyện và vẽ tranh về những điều các em đang đọc hoặc viết bản liệt kê các sự kiện chính. Khi học viên hoàn thành bước cuối cùng, hãy mời các em xem toàn bộ câu chuyện và viết ra lời phát biểu về lẽ thật mà các em đã học được.

Ghép hình

Hình Ảnh
Ghép hình

Hãy tạo một hình ghép đơn giản từ một bức tranh mô tả nhóm các câu thánh thư đó. Viết các phần tham khảo thánh thư lên mặt sau của mỗi mảnh ghép. Có thể tổ chức học viên thành các nhóm và đưa cho mỗi nhóm cho một mảnh ghép. Học viên nghiên cứu phần tham khảo và chuẩn bị để tóm tắt các câu thánh thư của mình. Khi các nhóm chia sẻ phần tóm tắt với cả lớp, các em có thể dán các mảnh ghép lên bảng để tạo thành bức tranh hoàn chỉnh.

Đọc diễn cảm

Đối với một câu chuyện có nhiều lời thoại, hãy tổ chức các câu thánh thư thành một kịch bản để mỗi học viên có thể nhanh chóng tìm ra phần của mình. Cử ra một người kể chuyện để đọc những câu không phải là lời thoại. Anh chị em có thể chép lại các câu thánh thư và đánh dấu từng phần bằng cách sử dụng bút dạ quang có màu khác nhau. Xin lưu ý: Cần nhớ rằng các thành viên trong Thiên Chủ Đoàn phải luôn được mô tả theo cách tôn kính nhất. Nếu một thành viên trong Thiên Chủ Đoàn, kể cả Chúa Giê Su Ky Tô, được mô tả trong câu chuyện thánh thư mà anh chị em muốn dùng cho sinh hoạt này, hãy yêu cầu người kể chuyện đọc những lời của Ngài.

Đọc thánh thư

Có nhiều cách để đọc thánh thư trong lớp: Mỗi cách phục vụ cho các mục đích khác nhau. Hãy cân nhắc nhu cầu của lớp khi lựa chọn phương pháp đọc.

  • Đọc thầm: Học viên có thể tự đọc thầm. Điều này cho phép các em có thời gian để suy ngẫm về thánh thư và đọc theo tốc độ của mình.

  • Đọc theo cặp hoặc theo nhóm: Điều này cho phép có nhiều học viên tham gia hơn và giúp các em bớt lo lắng về việc đọc to.

  • Giảng viên đọc hoặc sử dụng giọng đọc thu sẵn: Giảng viên có thể đọc thánh thư hoặc bật giọng đọc thu sẵn cho các đoạn thánh thư và mời học viên dò theo.

  • Đọc to: Anh chị em có thể mời cả lớp cùng nhau đọc các câu thánh thư. Những học viên xung phong có thể đọc to cho cả lớp nghe hoặc anh chị em có thể mời trước để học viên có thời gian chuẩn bị cho việc đọc. Đảm bảo với học viên rằng các em có thể “bỏ qua” nếu cảm thấy không thoải mái để đọc.

Nghiên cứu sâu về thánh thư

Chuẩn bị một vài câu hỏi về một loạt các câu trong thánh thư trên nhiều mẩu giấy khác nhau. Gọi học viên lên trước lớp và đưa cho các em một câu hỏi. Mời các em quay lại bàn học để tìm câu trả lời. Sau khi học viên tìm thấy câu trả lời, các em sẽ lên trước lớp một lần nữa và nhận câu hỏi tiếp theo để trả lời. Anh chị em có thể thực hiện việc này theo nhóm nhỏ.

Mô phỏng

Sắp xếp phòng học theo một cách nào đó để mô phỏng câu chuyện trong thánh thư sẽ được đọc vào ngày hôm đó. Ví dụ: nếu đọc Giáo Lý và Giao Ước 121, thì anh chị em có thể sắp xếp ghế để tạo thành một khu vực có diện tích bằng một phòng giam của ngục thất ở Liberty. Phương pháp này giúp học viên hình dung ra được điều các em sẽ học. Đối với Giáo Lý và Giao Ước 136, có thể sắp xếp học viên thành các đội tiền phong và chọn đội trưởng làm người phát ngôn.

Ra hiệu dừng

Cung cấp lẽ thật được in đậm cho học viên. Đọc chậm một vài câu thánh thư cho học viên nghe và yêu cầu các em giơ tay hoặc nói “Dừng” khi nhận ra điều gì đó trong câu giúp giảng giải lẽ thật đó. Rồi mời học viên chia sẻ điều các em nhận ra.

Học viên tóm tắt

Trước khi lớp học bắt đầu, hãy cung cấp cho một hoặc nhiều học viên ngữ cảnh hoặc nội dung thánh thư mà anh chị em muốn các em đó tóm tắt cho cả lớp nghe. Nội dung này có thể được in ra và phát cho học viên từ ngày hôm trước, hoặc đưa cho học viên khi các em vào lớp. Mời học viên chuẩn bị để chia sẻ phần tóm tắt khi được gọi tên ở thời điểm thích hợp trong giờ học.

Dịch một câu thánh thư

Sau khi học viên đọc một nhóm các câu thánh thư, anh chị em có thể yêu cầu các em chọn một câu để dịch hoặc viết lại mỗi câu bằng từ ngữ riêng của mình. Giúp các em tập tìm định nghĩa hoặc sử dụng những câu thánh thư khác và công cụ học thánh thư để hiểu những từ và cụm từ khó.

Đúng hay sai

Viết ra các câu đúng hoặc sai khác nhau về các chi tiết quan trọng trong một nhóm các câu thánh thư. Mời học viên cho biết ban đầu các em đồng ý hay không đồng ý với những câu đó. Mời các em tìm bằng chứng ủng hộ hoặc phản đối những câu đó khi các em nghiên cứu nhóm các câu thánh thư. Sau đó, học viên hãy viết lại cho đúng những câu sai khi các em đọc đoạn thánh thư.

Sử dụng ảnh chụp

Mời học viên chọn một bức ảnh quan trọng đối với các em. Ảnh này có thể có trên điện thoại hoặc các em có thể mang ảnh từ nhà đến lớp. Mời học viên chuẩn bị để chia sẻ những điều sau đây:

  • Bối cảnh, mô tả những gì đã diễn ra, dẫn đến việc có bức ảnh đó.

  • Trọng tâm hoặc mục đích của bức ảnh.

  • Một vài chi tiết quan trọng đối với các em.

Sau khi học viên chia sẻ, các em có thể đọc nhóm các câu thánh thư cho bài học và chuẩn bị ba điều tương tự liên quan đến nhóm các câu thánh thư đó.

Hình dung

Mời học viên tưởng tượng về một câu chuyện hoặc một phần nội dung đã nghiên cứu. Học viên có thể nhắm mắt lại và tập trung vào việc hình dung các hình ảnh được giảng viên mô tả. Ví dụ: anh chị em có thể mời học viên tưởng tượng rằng các em là những người chăn chiên đã tuân theo lời mời của thiên sứ để tìm hài nhi Ky Tô nằm trong máng cỏ. Sau đó, anh chị em có thể nói điều gì đó như “Các em bước vào chuồng ngựa nơi Ma Ri đang bồng hài nhi Ky Tô. Các em thấy ai ở đó? Các em tưởng tượng ra những con vật nào? Trong trí tưởng tượng của các em, Ma Ri phản ứng thế nào với sự xuất hiện của các em?” Tiếp tục đặt những câu hỏi giúp học viên tưởng tượng về tình huống.

Từ ngữ xếp theo hình đám mây

Hình Ảnh
Từ ngữ xếp theo hình đám mây

Mời học viên nhận ra các từ và cụm từ mà các em cảm thấy là quan trọng trong đoạn thánh thư. Tạo hình đám mây, ghi vào đó các từ và cụm từ thường gặp hoặc quan trọng nhất mà các em nhận ra. Kích cỡ của các từ có thể cho thấy mức độ quan trọng của chúng.

2. Gia tăng sự hiểu biết bằng những câu trích dẫn và thánh thư

Các bài học thường sẽ gồm vài đoạn thánh thư từ các tác phẩm tiêu chuẩn để giúp học viên gia tăng sự hiểu biết về nguyên tắc hoặc giáo lý mà các em đang nghiên cứu. Cũng sẽ có những bài học đưa vào nhiều câu trích dẫn từ các vị lãnh đạo Giáo Hội. Anh chị em có thể giúp học viên nghiên cứu nhiều câu thánh thư hoặc câu trích dẫn khác nhau và cho các em cơ hội tự khám phá lẽ thật bằng các sinh hoạt sau đây.

Tạo các trạm nghiên cứu

Hình Ảnh
Tạo các trạm nghiên cứu

Lập ra các trạm nghiên cứu ở khắp lớp học. Mỗi trạm có thể có các hướng dẫn được dán trên tường hoặc trên bàn. Những hướng dẫn này có thể gồm các câu thánh thư hoặc trích dẫn cần đọc và các câu hỏi hoặc sinh hoạt khác cần hoàn thành. Học viên có thể luân phiên thảo luận theo nhóm nhỏ về những điều các em đã học được tại mỗi trạm. Các em cũng có thể làm việc này một mình theo tốc độ của mình. Anh chị em có thể để một tờ giấy lớn tại mỗi trạm để mỗi nhóm hoặc mỗi học viên ghi lại câu trả lời của các em. Học viên có thể đọc và suy ngẫm về những điều bạn khác đã viết.

Tạo cước chú riêng của mình

Mời học viên thêm cước chú vào các câu thánh thư mà các em đang nghiên cứu. Học viên có thể thêm cước chú bằng cách tạo liên kết giữa các đoạn thánh thư đang nghiên cứu và các câu thánh thư và lời phát biểu khác từ các vị lãnh đạo giáo hội. Học viên có thể viết các phần tham khảo chéo vào lề trang hoặc sử dụng tính năng liên kết trong Thư Viện Phúc Âm. Các em có thể chia sẻ nhiều phần tham khảo bổ sung nhất có thể để cung cấp thêm những hiểu biết sâu sắc về đề tài này. Phương án khác: Học viên có thể sử dụng tính năng Thẻ trong Thư Viện Phúc Âm để liên kết các câu thánh thư và các trích dẫn khác nhau từ một bài học.

Định nghĩa

Học viên nhận ra một từ hoặc khái niệm khó hiểu. Hãy yêu cầu các em tìm kiếm nguồn tài liệu bao gồm cả thánh thư và các công cụ học thánh thư (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, Các Đề Tài và Câu Hỏi) để giúp các em tìm hiểu thêm về thuật ngữ đó. Yêu cầu học viên định nghĩa thuật ngữ hoặc cụm từ bằng từ ngữ riêng của mình.

Giấy ghi chú ngộ nghĩnh

Hình Ảnh
Giấy ghi chú ngộ nghĩnh

Khi học viên nghiên cứu, hãy đưa cho các em một tờ giấy có hình bong bóng tư duy hoặc có những phần để các em viết những điều mình khám phá ra.

Chuyên gia

Hình Ảnh
Chuyên gia

Chia học viên thành nhóm nhỏ và chỉ định cho mỗi nhóm một đề tài để tìm hiểu. Cho các nhóm thời gian và nguồn tài liệu để nghiên cứu đề tài nhằm giúp mỗi thành viên trong nhóm trở thành một chuyên gia về đề tài của nhóm. Sau khi cho đủ thời gian, hãy sắp xếp học viên vào các nhóm mới để mỗi nhóm có một “chuyên gia” về một đề tài khác nhau. Sau đó, học viên sẽ chia sẻ những điều đã học được từ đề tài của mình.

Liên hệ với tài liệu Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ

Chọn một đoạn trong sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn và mời học viên tìm những lời phát biểu củng cố lẽ thật mà các em đã khám phá ra từ một nhóm các câu thánh thư.

Từng hàng chữ một

Yêu cầu học viên viết lại một câu thánh thư trong nhật ký học tập theo từng hàng hoặc từng câu một. Các em nên chừa khoảng trống giữa mỗi hàng hoặc mỗi câu. Học viên có thể nghiên cứu và suy ngẫm kỹ lưỡng về mỗi từ trong hàng hoặc câu đó. Các em cũng có thể tìm các phần tham khảo chéo hoặc thông tin khác trong Thư Viện Phúc Âm về hàng đó. Thực hiện tương tự với hàng tiếp theo trong đoạn thánh thư.

Bản đồ tư duy

Hình Ảnh
Bản đồ tư duy

Mời học viên tạo một bản đồ tư duy trong nhật ký học tập giống như bản đồ ở trên. Các em có thể viết nguyên tắc hoặc giáo lý mà các em đã nhận ra vào ô ở giữa. Sau đó, yêu cầu học viên tìm kiếm thêm các câu thánh thư hoặc trích dẫn khác bổ sung cho sự hiểu biết của các em. Học viên có thể thêm những hiểu biết sâu sắc của mình về đề tài đó vào các ô ở bên ngoài. Mời học viên mở rộng bản đồ tư duy bằng cách tiếp tục thêm vào các ô và liên hệ chúng với những điều các em đang học.

Những ý kiến giao thoa

Hình Ảnh
Những ý kiến giao thoa

Mời học viên chọn từ bài học hai hoặc nhiều đề tài tương tự nhau theo một số phương diện và khác nhau trong những phương diện khác. Tạo lược đồ tương tự như hình trên, trong đó học viên có thể sắp xếp những điểm chung và điểm khác nhau giữa hai đề tài. Có thể thực hiện việc này với hai người trong một câu chuyện (ví dụ như La Man và Nê Phi) hoặc hai đề tài (ví dụ như Lễ Vượt Qua và Tiệc Thánh).

Chia sẻ những hiểu biết sâu sắc

Đưa cho học viên một tờ photo trang thánh thư có một nhóm các câu thánh thư và yêu cầu các em viết tên mình lên đó. Cho các em từ một đến hai phút để đọc nhóm các câu thánh thư này và viết ra sự hiểu biết sâu sắc mà các em đã học được từ việc nghiên cứu của mình.

Ví dụ như: Học viên có thể đánh dấu cước chú, chia sẻ câu trích dẫn của các vị tiên tri, gạch chân các cụm từ quan trọng, khoanh tròn các từ đặc biệt, viết các nguyên tắc và chia sẻ chứng ngôn cùng những hiểu biết sâu sắc khác của mình ở lề giấy.

Khi hết thời gian, hãy yêu cầu học viên chuyền trang thánh thư của mình cho một bạn khác để viết những hiểu biết sâu sắc khác. Sau vài lần chuyền giấy cho nhau, yêu cầu các em đưa trang giấy lại cho học viên ban đầu. Phương án khác: Thay vì có một nhóm các câu thánh thư, mỗi tờ giấy có một câu hỏi áp dụng khác nhau liên quan đến nhóm các câu thánh thư. Các học viên có thể trả lời câu hỏi bằng cách sử dụng thánh thư và chia sẻ chứng ngôn của các em về đề tài này.

Chọn ngẫu nhiên một câu trích dẫn

Cho một vài câu trích dẫn giảng dạy lẽ thật từ bài học vào trong một chiếc mũ hoặc túi. Mời học viên xung phong rút ra một câu trích dẫn từ chiếc mũ và chia sẻ xem câu trích dẫn đó liên quan như thế nào đến lẽ thật mà các em đang học và ý nghĩa của câu đó đối với các em. Đảm bảo cho học viên có thời gian để đọc và chuẩn bị để chia sẻ. Phương án khác: Sau khi học viên chia sẻ, các em hoán đổi các câu trích dẫn cho nhau và tìm những bạn khác để chia sẻ câu trích dẫn mới của mình.

Sơ đồ loại trực tiếp dành cho thánh thư

Hình Ảnh
Sơ đồ loại trực tiếp dành cho thánh thư

Hãy chọn ra 16 phần tham khảo thánh thư và viết mỗi phần tham khảo lên 16 hàng ở vòng ngoài cùng. Mời các cặp hoặc nhóm nhỏ học viên đọc các câu thánh thư được bắt cặp với nhau và xác định phần tham khảo nào có ý nghĩa nhất đối với một thanh thiếu niên ngày nay. Đoạn mà học viên chọn sẽ được ghi vào vòng lựa chọn tiếp theo. Học viên tiếp tục thảo luận từng cặp câu thánh thư cho đến khi nhận ra một câu thánh thư mà các em cảm thấy có ý nghĩa nhất và thảo luận lý do tại sao. Sau đó, học viên có thể chia sẻ những câu thánh thư này với cả lớp.

Sinh hoạt học tập do học viên lựa chọn

Hãy lập ra một bản liệt kê sáu sinh hoạt học tập. Sau khi học viên nhận ra một lẽ thật từ một nhóm các câu thánh thư, hãy sử dụng một cách ngẫu nhiên để học viên chọn sinh hoạt cần hoàn thành (tung xúc xắc, rút quân bài, chọn một mảnh giấy, ứng dụng tạo số ngẫu nhiên).

Ví dụ như:

  1. Chia sẻ một câu chuyện từ cuộc đời Chúa Giê Su, trong đó Ngài đã giảng dạy hoặc chứng tỏ lẽ thật đó.

  2. Tìm một đoạn thông thạo giáo lý hoặc đoạn thánh thư khác nói về lẽ thật đó.

  3. Tìm tấm gương trong câu chuyện thánh thư về một người đã sống theo lẽ thật đó.

  4. Tìm lời phát biểu của một vị lãnh đạo Giáo Hội giảng dạy về lẽ thật đó.

  5. Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của một người nào đó đã được ban phước nhờ lẽ thật đó.

  6. Chọn ví dụ của chính các em về điều gì đó mà chúng ta có thể làm để sống theo lẽ thật đó. Tìm đoạn thánh thư giảng dạy về ví dụ mà các em chia sẻ.

Luân phiên chuyển chỗ ngồi

Hình Ảnh
Luân phiên chuyển chỗ ngồi

Trên mỗi bàn hoặc ghế, hãy đặt một thẻ hướng dẫn, chẳng hạn như “đọc một đoạn thánh thư hoặc câu trích dẫn” hoặc “trả lời một câu hỏi từ bài học”. Học viên có thể chuyển chỗ ngồi luân phiên và làm theo những hướng dẫn trên các thẻ như vậy.

Sơ đồ mạng lưới đề tài

Hình Ảnh
trạm nghiên cứu có 7 ô điền vào chỗ trống

Mời học viên tạo sơ đồ giống như thế này, bắt đầu với lẽ thật hoặc đề tài được in đậm ở chính giữa. Sau đó, học viên vẽ các đường thẳng đến vòng tròn bên ngoài và ghi vào các vòng tròn đó những câu thánh thư, lẽ thật hoặc yếu tố liên quan đến đề tài chính. Ví dụ: học viên có thể ghi lại lời mời “Hãy tin nơi Thượng Đế” của Vua Bên Gia Min vào vòng tròn chính giữa với phần tham khảo “Mô Si A 4:9–10”. Sau đó, các em có thể liệt kê trong các vòng tròn bên ngoài những điều mà Vua Bên Gia Min mời gọi chúng ta tin về Thượng Đế.

Tạm dừng video

Hãy sử dụng một video minh họa hoặc giảng dạy về một nguyên tắc phúc âm. Tạm dừng ở những thời điểm khác nhau để tạo sự tò mò hoặc để giúp học viên phân tích nội dung các em đang xem. Anh chị em có thể hỏi học viên những câu như:

  • “Các em sẽ có suy nghĩ hay cảm nhận gì, hoặc những câu hỏi nào nếu các em ở trong tình huống này?”

  • “Hôm nay các em đã nghiên cứu những câu thánh thư nào có thể giúp ích?”

  • “Các em hy vọng người này có thể hiểu điều gì về lẽ thật mà chúng ta đã nghiên cứu ngày hôm nay?”

  • “Hôm nay các em thấy mình ở đâu trong câu chuyện này?”

3. Chia sẻ điều học viên đang học

Trong suốt bài học, học viên được mời chia sẻ những suy nghĩ và sự hiểu biết sâu sắc của các em. Khi học viên giải thích, chia sẻ và làm chứng với một người bạn, với nhóm nhỏ hoặc với cả lớp, các em thường được Đức Thánh Linh dẫn dắt đến một chứng ngôn sâu sắc hơn về chính những điều các em đang bày tỏ. Nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh, những lời nói và cách diễn đạt của học viên cũng có thể có ảnh hưởng đáng kể đến tấm lòng và tâm trí của những người đang lắng nghe. Mặc dù việc chia sẻ rất quan trọng, nhưng học viên có thể thấy khó làm điều này vì một số lý do. Cần đảm bảo giúp học viên cảm thấy an toàn để “bỏ qua” nếu các em cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ. Những ý tưởng sau đây có thể giúp học viên chia sẻ điều các em đang học.

Phân tích một đoạn thánh thư

Hãy viết một câu thánh thư vào giữa tờ giấy khổ lớn (hoặc anh chị em có thể trưng câu đó lên trên bảng). Đảm bảo rằng khổ chữ đủ lớn để mọi học viên có thể nhìn thấy. Học viên có thể dành ra vài phút để đặt ra nhiều câu hỏi nhất có thể về câu thánh thư đó. Sau đó, cho học viên vài phút để tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi trong Thư Viện Phúc Âm. Hoặc là, anh chị em có thể in câu thánh thư ra một tờ giấy và học viên có thể thực hiện sinh hoạt này một mình.

Bảng ý tưởng

Hình Ảnh
Bảng ý tưởng

Học viên có thể sử dụng giấy ghi chú hoặc mảnh giấy nhỏ để viết ý tưởng của mình về những cách áp dụng lẽ thật phúc âm và dán lên trên bảng. Ví dụ: anh chị em có thể yêu cầu học viên viết ý tưởng của các em về những cách áp dụng nguyên tắc phúc âm nào đó. Bảng ý tưởng có thể có một hình ảnh lớn về điều gì đó liên quan đến đề tài. Ví dụ: nếu nghiên cứu về cây sự sống, học viên có thể liệt kê những cách ăn trái cây và trưng những cách đó lên các cành của cái cây trên tấm bảng. Cho học viên thời gian để xem những điều bạn khác đã viết.

Biết ai là đối tượng thính giả của mình

Yêu cầu học viên chọn một đối tượng mục tiêu và chia sẻ điều các em đang học theo cách mà đối tượng đó có thể hiểu được. Học viên có thể thực hiện sinh hoạt này với một bạn khác hoặc theo nhóm. Có thể sẽ hiệu quả nếu cho học viên nhiều lựa chọn và để các em tự chọn loại đối tượng mà mình muốn giảng dạy. Sau đây là một số đối tượng mà các em có thể chọn:

  • Một người bạn thuộc một tín ngưỡng khác trong công việc truyền giáo của các em

  • Trẻ em trong một lớp thiếu nhi.

  • Một người học cùng trường.

  • Người thân trong gia đình các em.

Duy trì cuộc trò chuyện

Hình Ảnh
duy trì cuộc trò chuyện

Trước khi cả lớp cùng nhau thảo luận, việc khuyến khích học viên chăm chú lắng nghe lẫn nhau có thể sẽ hữu ích. Có thể đưa ra những ý tưởng sau đây cho học viên trước khi thảo luận. Điều này có thể giúp các em chăm chú lắng nghe lẫn nhau và tạo ra một cuộc thảo luận mang tính gây dựng, có được sự tham gia thảo luận của nhiều học viên. Anh chị em có thể trưng ra các ý tưởng hoặc cung cấp cho học viên tài liệu phát tay về các ý tưởng này.

Bổ sung ý kiến—Chia sẻ những điều các em thích về câu phát biểu của bạn cùng lớp, sau đó đóng góp suy nghĩ của các em.

  • “Điều đó làm mình nhớ đến …”

  • “Mình đồng ý, bởi vì …”

  • “Đúng. Một ví dụ khác là khi …”

  • “Đúng là một ý hay …”

Tóm tắt—Tóm tắt lại điều bạn cùng lớp đã nói, sau đó nhận xét về điều đó.

  • “Mình nghe bạn nói rằng …”

  • “Vậy, nếu mình hiểu đúng ý bạn, thì …”

  • “Mình thích khi bạn nói rằng …”

Đặt câu hỏi—Hỏi học viên khác những câu hỏi về điều họ nói.

  • “Bạn có thể nói cho mình biết thêm về điều đó không?”

  • “Mình không chắc là mình hiểu đúng về … ?”

  • “Mình hiểu ý bạn, nhưng còn … ?”

  • “Bạn có nghĩ tới … ?”

Chuyền giấy

Hình Ảnh
Chuyền giấy

Hãy tạo một tờ giấy có một loạt các chỉ dẫn, có thể bao gồm thánh thư hoặc câu trích dẫn cần đọc và các câu hỏi cần trả lời. Hãy chắc chắn rằng có đủ chỗ cho học viên viết câu trả lời của mình. Đưa cho mỗi học viên một bản và mời các em viết tên mình ở trên cùng. Học viên trả lời câu hỏi đầu tiên. Sau đó, các em gấp tờ giấy lại để che câu trả lời của mình. Học viên chuyền tờ giấy đó cho một học viên khác để trả lời câu hỏi hoặc gợi ý tiếp theo. Mỗi học viên sẽ gấp tờ giấy lại để che câu trả lời của mình và chuyền cho một học viên khác. Sau các vòng chuyền, tờ giấy được đưa lại cho học viên ban đầu để em đó đọc những gì các bạn cùng lớp đã viết.

Chuẩn bị để chia sẻ

Hãy chia sẻ một câu hỏi quan trọng mà anh chị em muốn học viên trả lời. Hãy nhớ chia sẻ câu hỏi đó vài phút trước khi mời học viên trả lời câu hỏi. Ví dụ như anh chị em có thể nói: “Trong một vài phút nữa, tôi muốn nghe một số em chia sẻ suy nghĩ của mình về ______________. Hãy nghĩ đến những gì các em muốn chia sẻ khi chúng ta nghiên cứu đoạn sau đây”. Anh chị em có thể mời học viên chia sẻ trước tiên với một bạn khác hoặc với nhóm.

Thăm dò ý kiến của cả lớp

Tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến học viên bằng cách cung cấp cho các em một mảnh giấy nhỏ. Học viên có thể trả lời ẩn danh và sau đó đặt mảnh giấy của mình vào một chiếc hộp hoặc một chiếc mũ. Anh chị em có thể thu thập suy nghĩ của học viên về một nguyên tắc, câu hỏi hoặc một quyết định mà người nào đó có thể đưa ra trong một tình huống giả định. Ngoài ra, nếu học viên có điện thoại thông minh, anh chị em có thể sử dụng ứng dụng thăm dò ý kiến miễn phí và dễ sử dụng. Đưa cho học viên một bài tập và đường liên kết đến cuộc thăm dò ý kiến về một câu hỏi và yêu cầu các em trả lời bằng điện thoại của mình. Anh chị em sẽ có thể xem câu trả lời và trưng ra cho cả lớp thấy. Có rất nhiều ứng dụng thăm dò ý kiến miễn phí có thể hỗ trợ việc này.

Cụm từ quyền năng

Hãy sử dụng các cụm từ quyền năng để dạy cho học viên cách chia sẻ và thúc đẩy cuộc thảo luận trong lớp.

Đây là công cụ hữu ích cho các lớp học ít phát biểu ý kiến hoặc không chắc chắn về cách thức hay nội dung cần chia sẻ. Trưng ra bản liệt kê các cụm từ dưới đây để giúp học viên giới hạn những điều các em có thể chia sẻ. Yêu cầu các em nghiên cứu một nhóm các câu thánh thư và chuẩn bị cho việc chia sẻ bằng cách sử dụng một hoặc nhiều cụm từ quyền năng. Điều phối cuộc thảo luận hoặc nhờ một học viên điều phối giúp.

  • Một câu thánh thư mà tôi yêu thích là…

  • Một cụm từ có ý nghĩa sâu sắc là…

  • Một bài học rút ra từ điều này là…

  • Tôi thấy một nguyên tắc về…

  • Một từ tôi thấy thú vị/khó hiểu là…

  • Một điều mà thanh thiếu niên cần biết từ bài này là…

  • Một điều mà tôi biết là đúng từ bài này là…

  • Một điều mà tôi không chắc chắn là…

  • Một điều mà tôi cảm thấy mình nên làm với bài này ngày hôm nay là…

  • Một điều mà tôi học được về Đấng Cứu Rỗi trong bài này là…

Thẻ tham gia

Hãy phát thẻ cho học viên để học viên có thể giơ lên làm câu trả lời trực quan cho câu hỏi mà anh chị em đặt ra. Học viên có thể sử dụng thẻ này để cho biết câu trả lời hoặc khi các em sẵn sàng chia sẻ hoặc thảo luận về suy nghĩ của mình. Ví dụ:

  • Thẻ màu xanh lá cho đúng, thẻ màu đỏ cho sai

  • “Vẫn Đang Suy Nghĩ” ở một mặt và “Sẵn Sàng Chia Sẻ” ở mặt bên kia

  • Các thẻ có con số hoặc chữ cái tượng trưng cho những lựa chọn khác nhau được liệt kê trên bảng. Tất cả học viên chỉ vào một con số hoặc chữ cái khi trả lời để anh chị em có thể xem câu trả lời của học viên và chọn học viên để trả lời.

  • Một thẻ có nhiều câu trả lời ở các cạnh khác nhau (xem ví dụ bên dưới). Khi học viên được mời trả lời, thì các em cần đưa thẻ sao cho câu trả lời mong muốn nằm ở vị trí chính giữa và bên trên. Sau đó, anh chị em hoặc một học viên có thể gọi học viên dựa trên câu trả lời mà các em đang đưa ra.

Hình Ảnh
Thẻ tham gia

Dựng tình huống

Đưa ra cho học viên một tình huống giả định chưa hoàn chỉnh và mời các em bổ sung chi tiết để làm cho tình huống đó phù hợp và dễ liên hệ hơn. Ví dụ: anh chị em có thể nói điều gì đó như “Hãy tạo tình huống về một người gần bằng tuổi các em tên là Dung và người này đang phải đối mặt với một số thử thách trong cuộc sống. Người ấy có thể có một số thử thách nào?” Khi học viên chia sẻ, hãy giúp các em gợi ý các chi tiết để làm cho Dung, hoặc một cái tên khác mà anh chị em chọn, giống với một người có thật. Anh chị em cũng có thể bổ sung vào các chi tiết then chốt có ảnh hưởng đến cuộc thảo luận, chẳng hạn như câu hỏi chính của Dung.

Ngoài ra, anh chị em có thể yêu cầu học viên tạo tình huống giả định của riêng mình và viết lên giấy. Anh chị em có thể trao đổi những tình huống này và yêu cầu học viên trả lời sử dụng những điều các em đã học được.

Đoạn tin nhắn giả định

Hãy tạo một tình huống giả định bắt đầu bằng một tin nhắn điện thoại, nhưng đừng tiết lộ cho học viên về hoàn cảnh dẫn đến tin nhắn đó. Anh chị em có thể cung cấp cho mỗi học viên một mẫu tin nhắn trống như sau và mời các em tạo đoạn hội thoại trên mẫu đó.

Hình Ảnh
Đoạn tin nhắn giả định

Kết bạn nhanh

Hình Ảnh
Kết bạn nhanh

Để giúp học viên cảm thấy thoải mái khi chia sẻ với nhau, trước tiên cần giúp các em làm quen với các bạn cùng lớp của mình. Sinh hoạt này có thể giúp học viên hiểu nhau hơn, cũng như chia sẻ điều gì đó về thánh thư. Hãy chia học viên theo cặp bằng cách sắp xếp hai dãy ghế đối diện nhau. Sau đó, mời học viên đánh dấu một đoạn thánh thư nào đó và trả lời câu hỏi mà anh chị em đã chuẩn bị về đoạn này. Mời mỗi cặp ngồi đối diện nhau trả lời một câu hỏi tạo dựng tình bạn mà anh chị em đã chuẩn bị để có thể giúp các em biết nhau rõ hơn. Mời học viên đổi cặp và lặp lại tiến trình này nhiều lần, sử dụng các câu hỏi và các đoạn thánh thư khác nhau. Để học viên có thể bắt cặp với những bạn khác nhau, em học viên ngồi trên một trong những chiếc ghế ở góc sẽ không đổi chỗ ngồi.

Bảng dán

Hình Ảnh
Bảng dán

Dán lên bảng một vài câu hỏi để học viên trả lời hoặc những câu thánh thư mà các em có thể có những hiểu biết sâu sắc để chia sẻ. Mỗi học viên viết tên của mình vào giấy ghi chú và dán cạnh (các) câu hỏi hoặc câu thánh thư mà các em sẵn sàng trả lời hoặc nhận xét.

Phương án khác: những màu sắc khác nhau có thể chỉ ra những điều học viên muốn chia sẻ, như hiểu biết sâu sắc, câu hỏi, phần tham khảo chéo, v.v.

Chụp ảnh

Mời học viên chọn một đồ vật trong lớp học hoặc một bức ảnh trên điện thoại mà có thể được sử dụng để giúp giảng dạy nguyên tắc hoặc giáo lý. Mời các em chia sẻ cách các em sẽ giảng dạy cho người nào đó những điều các em đã học được bằng cách sử dụng đồ vật hoặc bức hình đó.

Viết ra trước khi chia sẻ

Hãy cho học viên thời gian để ghi lại câu trả lời cho các câu hỏi quan trọng vào nhật ký học tập trước khi mời các em đọc to câu trả lời.

4. Vẽ hình minh họa cho những điều các em đã học được

Trong bài học, học viên thường được mời làm điều gì đó để biểu thị những gì các em đã học được. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng kỹ năng sáng tạo. Những sinh hoạt sau đây là một vài cách để giúp học viên thực hiện điều này.

Bài thơ ghép các chữ đầu của mỗi câu

Hãy sử dụng các chữ trong tên, địa điểm, hoặc giáo lý để tạo một bài thơ ghép các chữ đầu của mỗi câu dựa trên những gì các em đã học trong lớp. Ví dụ, một học viên có thể viết một bài thơ như vậy sử dụng từ đức tin như sau:

Đ - Đi theo đường lối Đấng Ky Tô

Ứ - Ước mong thoát khỏi những hư vô.

C - Cố gắng bước đi trong ngay chính.

T - Tin nghe lời chứng từ Thánh Linh.

I - In dấu trong tim bao hy vọng, N - Nơi giao ước Chúa chẳng thay lòng.

Sáng tạo ứng dụng

Hình Ảnh
Sáng tạo ứng dụng

Học viên thiết kế ứng dụng của mình trên một tờ giấy. Ứng dụng này có thể giới thiệu một lẽ thật được dạy trong các câu thánh thư mà các em đã nghiên cứu, và gồm có các sinh hoạt, hình ảnh, thánh thư hoặc câu trích dẫn mà có thể giúp người nào đó áp dụng lẽ thật vào cuộc sống của họ.

Phép đảo đổi

Phép đảo đổi (chiasmus) là biện pháp tu từ trong đó nửa sau của một câu, đoạn văn hoặc bài viết được đảo lại bằng cách lặp lại nửa đầu theo thứ tự ngược lại. Thông điệp chính sẽ nằm ở giữa (xin xem ví dụ trong An Ma 36). Hãy mời học viên tạo một bài đảo đổi từ những điều các em học. Học viên sẽ đặt lẽ thật được in đậm ở giữa và thêm các hàng ở trên và dưới lẽ thật đó dựa trên các câu thánh thư hoặc lời phát biểu của các vị tiên tri. Theo cách tương tự như dưới đây:

A – điều học viên cảm thấy về lẽ thật hoặc kinh nghiệm mà các em đã có với lẽ thật đó

B – điều mà học viên hiểu về lẽ thật

C – lẽ thật hoặc nguyên tắc phúc âm

C – lẽ thật hoặc nguyên tắc phúc âm

B – sự hiểu biết bổ sung về lẽ thật

A – kinh nghiệm bổ sung mà học viên có với lẽ thật và các em có cảm nhận gì về lẽ thật đó

Truyện tranh thánh thư

Hình Ảnh
Truyện tranh thánh thư

Đưa cho học viên một mẫu truyện tranh trống hoặc yêu cầu các em tạo mẫu trên một tờ giấy. Học viên đọc nhóm các câu thánh thư và tạo truyện tranh minh họa cốt truyện trong nhóm các câu thánh thư đó. Yêu cầu các em sử dụng ô cuối cùng để chia sẻ điều các em cảm thấy là lẽ thật có giá trị nhất cần học từ câu chuyện đó. Học viên có thể chia sẻ truyện tranh của mình với lớp. Ngoài ra, học viên có thể sử dụng sinh hoạt này để minh họa cho việc áp dụng lẽ thật hoặc nguyên tắc trong cuộc sống ngày nay.

Lập đề cương bài học

Hình Ảnh
Lập đề cương bài học

Hãy lập một đề cương mà học viên có thể sử dụng để chuẩn bị cho bài học ngắn, bài nói chuyện, thông điệp hoặc cách chia sẻ một đoạn thánh thư. Anh chị em có thể cung cấp mẫu đề cương trống để học viên ghi lại những khám phá của mình. Anh chị em có thể hướng dẫn học viên ghi các thông tin khác nhau vào mỗi ô. Ví dụ: học viên có thể viết tiêu đề vào ô đầu tiên, tóm tắt các câu thánh thư chính trong ô tiếp theo, viết các ví dụ hoặc câu chuyện cá nhân vào ba ô dài và viết chứng ngôn vào ô cuối cùng.

Tạo quyển sách nhỏ

Hình Ảnh
Tạo quyển sách nhỏ

Cung cấp cho mỗi học viên một tờ giấy và mời các em gấp tờ giấy đó làm ba. Học viên có thể tạo trang tựa có nêu nguyên tắc hoặc giáo lý mà các em đã nhận ra. Các trang tiếp theo có thể có tiêu đề phụ và chi tiết từ những điều các em đang học. Anh chị em có thể mời học viên chừa chỗ trống ở mặt sau của quyển sách nhỏ để viết bất kỳ mục tiêu hoặc kế hoạch nào mà các em đặt ra trong khi học.

Tô màu theo mục phân loại

In trang photo nhóm các câu thánh thư ra và đưa bút chì màu cho học viên đánh dấu các câu thánh thư. Nhận ra các mục phân loại như “Phước lành đã được hứa”, “Hành Động với Đức Tin” hoặc “Giáo Lệnh”. Mỗi mục phân loại có thể sử dụng một màu. Mời học viên nghiên cứu các câu thánh thư và đánh dấu các mục phân loại đã tô màu khi tìm thấy chúng. Mời học viên chia sẻ điều các em đã đánh dấu và học được từ sinh hoạt này.

Đánh giá một kế hoạch

Hình Ảnh
Đánh giá một kế hoạch

Anh chị em có thể sử dụng sơ đồ sắp xếp để giúp học viên đánh giá kế hoạch của các em. Học viên trả lời câu hỏi trong mỗi phần của sơ đồ này.

Biểu đồ quy trình

Học viên có thể tạo một biểu đồ minh họa mối quan hệ giữa các quyết định hoặc khái niệm khác nhau trong bài học. Ví dụ: có thể sử dụng biểu đồ dưới đây để cho thấy đức tin hoặc hy vọng nơi Chúa Giê Su Ky Tô có thể dẫn chúng ta đến đâu.

Hình Ảnh
Biểu đồ quy trình

Thực hành thủ công

Cung cấp cho học viên các học cụ để sử dụng, chẳng hạn như các khối xây dựng hoặc đất nặn, và tạo ra thứ gì đó tượng trưng cho những điều các em đã nghiên cứu. Ví dụ: học viên có thể sử dụng các khối xây dựng để tượng trưng cho các đồn lũy mà Lãnh Binh Mô Rô Ni đã ra lệnh cho dân của ông dựng lên (xin xem An Ma 48:7–9). Học viên có thể ghi vào mỗi khối một cách thức mà chúng ta có thể chuẩn bị về mặt thuộc linh để chống lại các cuộc tấn công của Sa Tan.

Ảnh ghép

Hình Ảnh
Ảnh ghép

Học viên có thể tìm những bức hình trên điện thoại hoặc trong Thư Viện Phúc Âm có liên quan đến lẽ thật. Các em có thể tạo một bức ảnh ghép kỹ thuật số và chia sẻ nó với lớp.

Đã biết – muốn biết – học hỏi

Học viên chia một tờ giấy thành ba cột. Ở cột đầu tiên, học viên viết những gì các em đã biết về một đề tài. Trong cột tiếp theo, các em viết những gì các em muốn biết. Ở cột thứ ba, học viên điền vào những điều các em đã học được trong và sau bài học. Có thể mời học viên nhận ra bất kì điều gì đã giúp các em học hỏi hoặc ảnh hưởng đến cảm nhận của các em trong bài học.

Thư gửi cho tương lai

Học viên có thể viết một bức thư cho chính mình để mở ra và đọc vào một thời điểm cụ thể (khi đi phục vụ truyền giáo, kết hôn, sinh con đầu lòng). Một lựa chọn khác có thể là yêu cầu học viên viết thư cho người thân trong gia đình trong tương lai. Hoặc các em có thể viết thư cho các học viên sẽ tham dự lớp giáo lý trong tương lai và giải thích những điều các em đã học được và cảm nhận.

Tạo hình meme

Hình Ảnh
Tạo hình meme

Mỗi học viên xác định một nguyên tắc từ việc nghiên cứu của mình và tạo một cụm từ thu hút dễ nhớ để minh họa nguyên tắc đó. Đồng thời, yêu cầu học viên vẽ một hình minh họa cho nguyên tắc đó. Hãy chắc chắn là học viên đưa vào phần tham khảo thánh thư. Yêu cầu các em chia sẻ và giải thích hình meme của mình. Anh chị em có thể muốn đưa ra một số ví dụ từ tạp chí Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ số gần đây.

Lập kế hoạch để “đi và làm”

Hình Ảnh
Đi và Làm
Hình Ảnh
Lộ Trình Thực Hiện

Học viên có thể lập kế hoạch để thực hiện những hành động hiệu quả, ngay chính từ những điều các em học và cảm nhận được trong bài học. Để làm điều này, anh chị em có thể yêu cầu học viên nhận ra điều các em muốn làm và lập các bước cụ thể về cách hoàn thành kế hoạch của mình. Điều này có thể bao gồm việc nhận ra những trở ngại mà các em có thể gặp phải và các bước cụ thể để giải quyết những trở ngại này. Khi học viên lập kế hoạch, hãy khuyến khích các em chia kế hoạch thành các bước nhỏ hơn. Việc thực hiện những thay đổi nhỏ trong những điều các em làm hằng ngày có thể giúp các em cảm thấy thành công thường xuyên hơn.

Lập kế hoạch bằng “cây quyết định”

Hình Ảnh
Cây Quyết Định

Học viên có thể sử dụng cây quyết định để giúp áp dụng một nguyên tắc phúc âm bằng cách liệt kê những ưu và nhược điểm của các quyết định khác nhau. Các em có thể bắt đầu với một câu hỏi về nguyên tắc phúc âm và sau khi liệt kê những ưu và nhược điểm, học viên sẽ đánh giá những lựa chọn của mình để đưa ra quyết định đó. Tạo các cây riêng biệt cho mỗi câu hỏi và quyết định trong kế hoạch.

Ví dụ: Lập kế hoạch để học thánh thư.

Câu hỏi:

  1. Khi nào tôi sẽ học thánh thư? (Tạo một cây quyết định.)

  2. Tôi sẽ học thánh thư ở đâu? (Tạo một cây quyết định khác.)

  3. Tôi sẽ dành ra bao lâu để học thánh thư? (Tạo cây quyết định thứ ba.)

Vào cuối quá trình, ba quyết định cùng nhau tạo thành một kế hoạch hoặc mục tiêu, với các bước cụ thể để hoàn thành kế hoạch đó.

Lời mới cho bài thánh ca

Học viên có thể chọn một bài thánh ca về lẽ thật đã nghiên cứu trong bài học. Hãy mời học viên viết một lời mới cho bài thánh ca từ những điều các em đã nghiên cứu. Cả lớp có thể chọn một vài lời mới để trưng ra và hát.

Học tập theo dự án

Học viên có thể tạo một dự án gồm nhiều bài học mà các em sẽ bổ sung nội dung trong các bài học/tuần tiếp theo. Đây có thể là một bài thơ, bài thánh ca, video, dự án nghệ thuật hoặc những cách thể hiện sáng tạo khác mà các em tạo ra trong các bài học tiếp theo.

Viết lại phần kết

Mời học viên viết lại phần kết của một câu chuyện thánh thư hoặc câu chuyện mà anh chị em chia sẻ như là nhân vật trong câu chuyện đã đưa ra quyết định tốt hơn/quyết định khác biệt.

Công thức

Hình Ảnh
Công thức

Học viên tạo công thức bằng cách sử dụng những điều các em đang học. Anh chị em có thể bắt đầu bằng việc cho các em thấy ví dụ về một công thức nấu ăn gồm có nguyên liệu, số lượng và cách làm. Sau đó, giúp học viên tuân theo khuôn mẫu đó để sắp xếp những điều các em đang học. Các em có thể đặt tiêu đề cho công thức của mình là “Cách trở thành một người truyền giáo đầy quyền năng” hoặc “Những cách để học thánh thư hiệu quả hơn”, sau đó đưa vào những thành phần mà các em cảm thấy là thiết yếu, sử dụng thánh thư và các câu trích dẫn. Ví dụ: trong Giáo Lý và Giao Ước 76, học viên có thể liệt kê nguyên liệu, số lượng và cách làm để trở thành một người thuộc về thượng thiên giới. Khuyến khích các em sáng tạo trong công thức của mình! Các em có thể vẽ một bức tranh tượng trưng cho thành phẩm từ công thức đó.

Đóng vai

Học viên đóng diễn một tình huống giả định nào đó. Có nhiều cách để thực hiện điều này. Anh chị em có thể yêu cầu các học viên xung phong ra trước lớp để đóng diễn tình huống đó. Học viên cũng có thể đóng vai theo cặp hoặc theo nhóm nhỏ. Hoặc anh chị em có thể đóng vai người có câu hỏi và yêu cầu cả lớp giải quyết câu hỏi hoặc mối băn khoăn của anh chị em.

Video ngắn

Mời học viên lên kế hoạch cho một video ngắn. Các em có thể một tạo kịch bản và quyết định cách mô phỏng điều gì đó mà các em đã học được từ bài học. Nếu có thể, học viên có thể tạo video và chia sẻ video đó với lớp.

Bài đăng trên mạng xã hội

Hình Ảnh
Bài đăng trên mạng xã hội

Mời học viên tạo một bài đăng trên mạng xã hội để chia sẻ niềm tin hoặc kinh nghiệm cá nhân liên quan đến các nguyên tắc được thảo luận trong lớp. Đây có thể là điều các em đăng trên mạng hoặc điều các em tạo ra trong nhật ký học tập. Hoặc học viên có thể tưởng tượng ai đó đăng một câu hỏi liên quan đến nội dung đã nghiên cứu tại lớp và thảo ra câu trả lời sử dụng kiến thức họ đã học được. Hay các em có thể nghiên cứu bài đăng trên mạng xã hội gần đây của một vị lãnh đạo Giáo Hội và viết phản hồi hoặc lời nhắn khích lệ lên bài đăng đó.

Hình ảnh trực quan

Hình Ảnh
Hình ảnh trực quan

Hãy chia học viên theo nhóm để sử dụng thánh thư, câu trích dẫn và các nguồn tài liệu học tập khác, rồi yêu cầu các em tạo áp phích hoặc hình ảnh trực quan treo trên tường cho lớp. Áp phích hoặc hình ảnh trực quan có thể gồm có các câu thánh thư chính yếu, những câu hỏi mà câu chuyện thánh thư có thể trả lời, các lẽ thật vĩnh cửu, những bức hình, v.v. Học viên có thể đi quanh lớp và xem tác phẩm của các nhóm khác.

Viết bài cho tạp chí của Giáo Hội

Học viên có thể tưởng tượng rằng các em đang viết bài cho tạp chí Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, Bạn Hữu hoặc Liahona để chia sẻ những điều các em đã nghiên cứu và điều đó có thể giúp cho giới trẻ trên khắp thế giới như thế nào. Anh chị em có thể đưa ra một bài viết làm ví dụ. Khuyến khích học viên thêm hình minh họa, bảng biểu và đồ họa thông tin.

In